Thuế thu nhập doanh nghiệp là gì?

Thuế thu nhập doanh nghiệp là gì?
Quý khách hàng có nhu cầu được hỗ trợ, giải đáp về thuế thu nhập doanh nghiệp vui lòng gọi Tổng đài 1900.6795 để được tư vấn miễn phí. Ngoài ra nếu có nhu cầu sử dụng dịch vụ kế toán - thuế, bạn vui lòng liên hệ hotline 09.678910.86. Trân trọng.
[su_button url="tel:0967891086" style="3d" background="#9A1C24" color="#ffffff" size="6" center="yes" radius="10" icon="icon: phone"]YÊU CẦU DỊCH VỤ[/su_button]

Trong quá trình hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Vậy thuế TNDN là gì và có những quy định gì liên quan đến loại thuế này? Bài viết này của Luật Quang Huy sẽ giải đáp các thắc mắc này cho bạn đọc.


1. Thuế thu nhập doanh nghiệp là gì?

Thuế thu nhập doanh nghiệp là loại thuế được thu trên thu nhập của các cơ sở kinh doanh và doanh nghiệp để nộp vào ngân sách nhà nước. Theo đó, nhà nước có thể sử dụng thuế thu nhập doanh nghiệp để điều tiết nền kinh tế thông qua việc đối xử, phân chia công bằng giữa các thành phần kinh tế, đồng thời khuyến khích ưu đãi đầu tư doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển hơn.

Mặc dù được gọi là thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng trên thực tế loại thuế này cũng được áp dụng đối với thu nhập của các cá nhân và các cơ sở kinh doanh không đăng ký thành lập theo luật doanh nghiệp và phần thu nhập chịu thuế đó sẽ là phần thu nhập còn lại sau khi đã khấu trừ các chi phí liên quan đến quá trình sản xuất, kinh doanh của các cá nhân, tổ chức đó.


2. Thuế thu nhập doanh nghiệp tiếng anh là gì?

Thuế thu nhập doanh nghiệp được dịch sang tiếng Anh là Profit tax hay corporate income tax.

Corporate income tax is a tax calculated directly on the taxable income of the enterprise in the tax period, also known as direct tax, the taxable part of the enterprise’s income is calculated as income in production activities, trading in goods and services minus the amounts specified in the law (costs incurred in connection with production and business activities, wages …).


3. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là gì?

Hiện nay chưa có bất cứ định nghĩa thế nào là thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp nên chúng ta có thể dựa trên định nghĩa của thuế suất để hiểu rõ thế nào là thuế suất thuế nhập doanh nghiệp.

Thuế suất là căn cứ mức phí phải nộp trên một đơn vị xác định giá trị của mức thuế phải đóng đối với một loại đối tượng chịu thuế, thuế suất được thể hiện qua tỉ lệ %, tùy vào từng loại chủ thể và điều kiện liên quan, mức thuế suất áp dụng sẽ khác nhau. Theo đó, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là một đơn vị xác định giá trị của mức thuế phải đóng đối với một loại đối tượng chịu thuế trong thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế suất được thể hiện qua tỉ lệ %.

Hiện tại, mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp năm 2022 là 20% được quy định tại Điều 11 Thông tư 78/2014/TT-BTC, cụ thể như sau:

Trước ngày 01/01/2016:

Doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng áp dụng thuế suất 20%.

Doanh nghiệp có tổng doanh thu năm trên 20 tỷ đồng áp dụng thuế suất 22%.

Doanh nghiệp mới thành lập trong năm không đủ 12 tháng:

  • Trong năm tạm tính quý theo mức thuế suất 22% (trừ trường hợp thuộc diện được hưởng ưu đãi về thuế);
  • Kết thúc năm tài chính nếu doanh thu bình quân của các tháng trong năm không vượt quá 1,67 tỷ đồng thì doanh nghiệp quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm tài chính theo thuế suất 20%;
  • Doanh thu bình quân của các tháng trong năm đầu tiên không vượt quá 1,67 tỷ đồng thì năm tiếp theo doanh nghiệp được áp dụng thuế suất thuế TNDN 20%.

Từ ngày 01/01/2016 đến nay tất cả các doanh nghiệp đang áp dụng mức thuế suất 20% và 22% chuyển sang áp dụng mức thuế suất 20%.

Lưu ý các trường hợp đặc biệt:

  • Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí tại Việt Nam từ 32% đến 50%. Căn cứ vào vị trí khai thác, điều kiện khai thác và trữ lượng mỏ doanh nghiệp có dự án đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí gửi hồ sơ dự án đầu tư đến Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định mức thuế suất cụ thể cho từng dự án, từng cơ sở kinh doanh.
  • Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác các mỏ tài nguyên quý hiếm (bao gồm: bạch kim, vàng, bạc, thiếc, wonfram, antimoan, đá quý, đất hiếm trừ dầu khí) áp dụng thuế suất 50%;
  • Trường hợp các mỏ tài nguyên quý hiếm có từ 70% diện tích được giao trở lên ở địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn thuộc danh mục địa bàn ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ban hành kèm theo Nghị định số 218/2013/NĐ-CP của Chính phủ áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 40%.

4. Đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp

Theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi năm 2013 thì người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật này (sau đây gọi là doanh nghiệp), bao gồm:

  • Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam: Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam bao gồm doanh nghiệp được thành lập theo Luật doanh nghiệp, Luật doanh nghiệp Nhà nước, Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Luật đầu tư, Luật các tổ chức tín dụng, Luật kinh doanh bảo hiểm, Luật chứng khoán, Luật dầu khí, Luật thương mại và các văn bản pháp luật khác dưới các hình thức:
  • Công ty cổ phần;
  • Công ty trách nhiệm hữu hạn;
  • Công ty hợp danh;
  • Doanh nghiệp tư nhân;
  • Doanh nghiệp Nhà nước;
  • Văn phòng Luật sư, Văn phòng công chứng tư;
  • Các bên trong hợp đồng hợp tác kinh doanh;
  • Các bên trong hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí, xí nghiệp liên doanh dầu khí, Công ty điều hành chung.
  • Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài (sau đây gọi là doanh nghiệp nước ngoài) có cơ sở thường trú hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam;

Cơ sở thường trú của doanh nghiệp nước ngoài là cơ sở sản xuất, kinh doanh mà thông qua cơ sở này, doanh nghiệp nước ngoài tiến hành một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam mang lại thu nhập, bao gồm:

  • Chi nhánh, văn phòng điều hành, nhà máy, công xưởng, phương tiện vận tải, hầm mỏ, mỏ dầu, khí hoặc địa điểm khai thác tài nguyên thiên nhiên khác tại Việt Nam;
  • Địa điểm xây dựng, công trình xây dựng, lắp đặt, lắp ráp;
  • Cơ sở cung cấp dịch vụ, bao gồm cả dịch vụ tư vấn thông qua người làm công hay một tổ chức, cá nhân khác;
  • Đại lý cho doanh nghiệp nước ngoài;
  • Đại diện tại Việt Nam trong trường hợp là đại diện có thẩm quyền ký kết hợp đồng đứng tên doanh nghiệp nước ngoài hoặc đại diện không có thẩm quyền ký kết hợp đồng đứng tên doanh nghiệp nước ngoài nhưng thường xuyên thực hiện việc giao hàng hoá hoặc cung ứng dịch vụ tại Việt Nam.

Trường hợp Hiệp định tránh đánh thuế hai lần mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết có quy định khác về cơ sở thường trú thì thực hiện theo quy định của Hiệp định đó.

Theo đó đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp được thực hiện như sau:

  • Đối với doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam: Nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam và thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam liên quan đến hoạt động của cơ sở thường trú đó; Nộp thuế đối với đối tượng chịu thuế phát sinh tại Việt Nam mà khoản thu nhập này không liên quan đến hoạt động của cơ sở thường trú đó.
  • Đối với doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam.
  • Tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã;

Cũng giống như các đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài công lập có sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ có thu nhập trong tất cả các lĩnh vực thì tổ chức được thành lập và hoạt động theo Luật hợp tác xã cũng nộp thuế giống như doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.

  • Ðơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;

Các đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài công lập có sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ có thu nhập trong tất cả các lĩnh vực nộp thuế giống như doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.

  • Tổ chức khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập.

Theo đó, đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm:

  • Đối tượng nộp thuế đối với các khoản tiền tài trợ từ nước ngoài
  • Đối tượng nộp thuế là doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế;
  • Đối tượng được giảm thuế;
  • Doanh nghiệp nước ngoài, tổ chức nước ngoài sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam không theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài Chính.
Thuế thu nhập doanh nghiệp là gì?
Thuế thu nhập doanh nghiệp là gì?

5. Đặc điểm của thuế thu nhập doanh nghiệp

Thuế thu nhập doanh nghiệp được coi là một trong hai loại thuế thu nhập cùng với thuế thu nhập cá nhân, chính vì vậy mà thuế thu nhập doanh nghiệp cũng sẽ mang đầy đủ đặc điểm của thuế thu nhập thông thường.

5.1. Về đặc điểm chung

5.1.1. Thuế thu nhập có đối tượng đánh thuế là thu nhập.

Trong hệ thống các quy phạm pháp luật về thuế tại các quốc gia trên thế giới hiện nay thì có nhiều loại thuế khác nhau, theo đó là đối tượng tính thuế và đối tượng nộp thuế cũng khác nhau. Tuy nhiên, bất kỳ một loại thuế nào cũng đều được lấy từ thu nhập của người dân trong xã hội để chuyển vào quỹ ngân sách nhà nước.

Do đối tượng chịu thuế của thuế thu nhập là thu nhập phát sinh nên một trong những nội dung quan trọng trong quy định pháp luật về thuế thu nhập là phải xác định được thu nhập chịu thuế. Tuy nhiên vẫn chưa có một văn bản pháp luật nào định nghĩa cụ thể khái niệm “thu nhập”. Hiện nay, các khoản thu nhập của các tổ chức, cá nhân trên thực tế rất đa dạng

Nếu chỉ căn cứ vào hoạt động kinh doanh hoặc giao dịch phát sinh thu nhập thì thu nhập bao gồm: thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân; thu nhập từ hoạt động lao động; thu nhập từ tài sản hay tiền vốn; thu nhập từ tài sản được thừa kế, tặng, cho; thu nhập từ việc bán bản quyền, thu nhập từ nhuận bút; thu nhập từ hoạt động chuyển giao công nghệ, chuyển giao sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nhãn hiệu hàng hóa; thu nhập do được bồi thường thiệt hại; thu nhập do được hưởng khuyến mại; thu nhập từ các chế độ xã hội được hưởng như học bổng, trợ cấp thất nghiệp, các khoản trợ cấp cho các đối tượng chính sách và những khoản thu nhập khác.

Nếu căn cứ vào tiêu chí khác nhau của thu nhập thì thu nhập được phân chia thành: thu nhập thường xuyên và thu nhập không thường xuyên; chia thành thu nhập hợp pháp và thu nhập bất hợp pháp; thu nhập phổ biến và thu nhập không phổ biến; thu nhập thực tế đã phát sinh và thu nhập tiềm năng; thu nhập của tổ chức và thu nhập của cá nhân; thu nhập trong nước và thu nhập ở nước ngoài…

5.1.2. Thuế thu nhập doanh nghiệp là thuế trực thu

Ngoài mục tiêu giúp tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước thì thuế thu nhập doanh nghiệp còn có mục tiêu là điều tiết kinh tế, điều hoà thu nhập xã hội do đó, thuế thu nhập thường gắn liền với các chính sách kinh tế xã hội của Nhà nước. Bởi vậy, pháp luật thuế thu nhập ở các quốc gia khác nhau thường có những quy định về chế độ ưu đãi, miễn, giảm thuế thu nhập để đảm bảo chức năng khuyến khích của thuế thu nhập hoặc những quy định về việc thực hiện việc áp dụng đánh thuế theo biểu thuế luỹ tiến từng phần đối với một số khoản thu nhập chịu thuế dựa vào đó để thực hiện các mục tiêu điều tiết.

5.1.3. Thuế thu nhập là một loại thuế phức tạp, có tính ổn định không cao

Việc quản lý thuế và thu thuế thu nhập trên thực tế là tương đối khó khăn, bởi chi phí quản lý thuế thu nhập thường lớn hơn so với các loại thuế khác. Đối với thuế thu nhập, ngoài việc cần phải xác định các khoản thu nhập chịu thuế thì còn phải xác định nguồn gốc của thu nhập, địa điểm phát sinh thu nhập hay thời hạn cư trú của chủ sở hữu thu nhập, cũng như tính ổn định của thu nhập. Trong quá trình xác định thu nhập chịu thuế thì cần phải xác định được các khoản khấu trừ hợp lý để thực hiện việc khấu trừ khi tính thuế thu nhập nhằm bảo đảm mục tiêu công bằng và khuyến khích đối với đối tượng nộp thuế thu nhập.

5.1.4. Nguồn luật điều chỉnh quan hệ thuế thu nhập bao gồm các văn bản quy phạm pháp luật thuế quốc gia và văn bản quy phạm pháp luật thuế quốc tế

Bởi thuế thu nhập mang đặc điểm là một loại thuế trực thu nên thuế thu nhập có thể được coi là đối tượng được điều chỉnh bởi hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Hiệp định tránh đánh thuế hai lần được ký kết nhằm loại bỏ việc đánh thuế trùng bằng việc áp dụng các hình thức như miễn, giảm số thuế phải nộp tại Việt nam cho các đối tượng cư trú của nước ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần hoặc thực hiện việc khấu trừ thuế mà đối tượng cư trú Việt nam đã nộp tại nước ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần vào số thuế phải nộp tại Việt Nam.

Ngoài ra, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần còn góp phần tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa các cơ quan thuế Việt Nam với các cơ quan thuế của những nước ký kết hiệp định trong công tác quản lý thuế quốc tế nhằm mục đích ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và các loại thuế đánh vào vào tài sản.

5.2. Về đặc điểm riêng của thuế thu nhập doanh nghiệp

Ngoài việc mang những đặc điểm chung của thuế thu nhập, thuế thu nhập doanh nghiệp cũng mang những đặc điểm riêng của loại thu nhập doanh nghiệp được xét dưới góc độ phân biệt với thuế thu nhập cá nhân.

  • Đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là cá nhân, tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế. Theo đó, đối tượng nộp thuế của thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm:
  • Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật doanh nghiệp Việt Nam;
  • Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài và có cơ sở thường trú tại Việt Nam hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam;
  • Tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh được thành lập theo Luật Hợp tác xã;
  • Ðơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật doanh nghiệp nói riêng và pháp luật Việt Nam nói chung;
  • Các tổ chức có hoạt động sản xuất, kinh doanh khác có thu nhập.

Theo đó, ở Việt Nam hiện nay, các cá nhân kinh doanh hay hộ kinh doanh cá thể có thu nhập từ kinh doanh cũng không còn là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

  • Thuế thu nhập doanh nghiệp phụ thuộc vào kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Thuế thu nhập doanh nghiệp là loại thuế đánh vào thu nhập chịu thuế của các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh nên thuế thu nhập doanh nghiệp phụ thuộc vào kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp hoặc các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, thuế thu nhập doanh nghiệp được xác định dựa theo thu nhập chịu thuế, chính vì vậy chỉ khi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư hoạt động kinh doanh sinh lợi nhuận mới phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.


6. Xác định kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp

Kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp chính là khoảng thời gian mà thu nhập doanh nghiệp được xác định.

Doanh nghiệp được lựa chọn kỳ tính thuế theo năm dương lịch hoặc năm tài chính nhưng phải thông báo với cơ quan thuế trước khi làm. Việc thông báo này sẽ được doanh nghiệp thực hiện khi làm thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp lần đầu với Phòng Đăng ký kinh doanh (nội dung thông báo được thể hiện trong mục “Thông tin đăng ký thuế” của Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp).

Trường hợp doanh nghiệp áp dụng năm tài chính khác với năm dương lịch thì kỳ tính thuế xác định theo năm tài chính áp dụng. Năm tài chính ở đây được hiểu là thời kỳ hạch toán, báo cáo của doanh nghiệp; Nó có thể là năm dương lịch bắt đầu từ ngày 01/01 và kết thúc ngày 31/12 hàng năm hoặc năm 12 tháng khác với năm dương lịch mà Bộ tài chính cho phép doanh nghiệp được áp dụng.

Chú ý: khi xác định kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp

Thứ nhất, trường hợp kỳ tính thuế năm đầu tiên của doanh nghiệp mới thành lập (kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư) và kỳ tính thuế năm cuối cùng đối với doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản có thời gian ngắn hơn 03 tháng thì:

Đối với doanh nghiệp mới thành lập: kỳ tính thuế có thời gian ngắn hơn 03 tháng sẽ được cộng với kỳ tính thuế năm tiếp theo.

Ví dụ 1: Doanh nghiệp A thành lập vào ngày 01/11/2015, A đi vào sản xuất, kinh doanh được 02 tháng là: tháng 11 và tháng 12, thực hiện tính thuế theo năm dương lịch. Như vậy, kỳ tính thuế năm 2015 (từ ngày 01/11/2015 – 31/12/2015) của doanh nghiệp ngắn hơn 03 tháng nên sẽ được cộng dồn vào kỳ tính thuế năm 2016 (từ 01/01/2016- 31/12/2016).

Đối với doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản: kỳ tính thuế có thời gian ngắn hơn 03 tháng sẽ được cộng với kỳ tính thuế năm trước đó.

Ví dụ 2: Cũng ví dụ trên, Doanh nghiệp A hoạt động đến ngày 28/02/2020 thì sáp nhập vào doanh nghiệp B. Như vậy, kỳ tính thuế năm 2020 của doanh nghiệp A (từ 01/01/2020 đến 28/02/2020) là 02 tháng nên kỳ tính thuế này sẽ được cộng vào kỳ tính thuế năm 2019 (01/01/2019 – 31/12/2019).

Kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm đầu tiên hoặc kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm cuối cùng không vượt quá 15 tháng.

Thứ hai, trường hợp doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp (bao gồm cả chuyển đổi kỳ tính thuế từ năm dương lịch sang năm tài chính hoặc ngược lại) thì:

Kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp của năm chuyển đổi không vượt quá 12 tháng. Khi chuyển đổi, doanh nghiệp phải làm thủ tục thay đổi nội dung đăng ký thuế với cơ quan đăng ký kinh doanh.

Doanh nghiệp đang trong thời gian được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp mà có thực hiện chuyển đổi kỳ tính thuế thì doanh nghiệp được lựa chọn:

  • Ưu đãi trong năm chuyển đổi kỳ tính thuế;
  • Hoặc nộp thuế theo mức thuế suất không được hưởng ưu đãi của năm chuyển đổi kỳ tính thuế và hưởng ưu đãi thuế sang năm tiếp theo.

Ví dụ 3: Doanh nghiệp C kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2013 áp dụng theo năm dương lịch, đầu năm 2014 lựa chọn chuyển đổi sang năm tài chính từ ngày 01/4 năm này sang ngày 31/03 năm sau. Doanh nghiệp C được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (miễn thuế 2 năm, giảm 50% thuế TNDN trong 4 năm tiếp theo), năm 2012 bắt đầu được miễn thuế. Thì:

  • Kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm chuyển đổi (năm chuyển đổi 2014): được tính từ ngày 01/01/2014 đến hết ngày 31/03/2014 (3 tháng).
  • Theo như trên thì Doanh nghiệp C sẽ hưởng ưu đãi thuế như sau: miễn thuế các năm 2012, 2013; giảm 50% thuế các năm 2014, 2015, 2016, 2017.

Trường hợp doanh nghiệp lựa chọn giảm 50% thuế theo kỳ tính thuế năm chuyển đổi 2014 thì doanh nghiệp C tiếp tục thực hiện giảm 50% thuế TNDN 3 năm tính thuế tiếp theo tính từ năm tài chính 2014 (từ 1/4/2014 đến 31/3/2015) đến hết năm tài chính 2016.

Trường hợp doanh nghiệp lựa chọn không hưởng ưu đãi giảm 50% thuế TNDN đối với kỳ tính thuế TNDN năm chuyển đổi 2014 (kỳ tính thuế năm chuyển đổi 2014 kê khai nộp thuế theo mức thuế suất không được hưởng ưu đãi) thì doanh nghiệp được giảm 50% thuế TNDN từ năm tài chính 2014 (từ 1/4/2014 đến 31/3/2015) đến hết năm tài chính 2017.

Lưu ý: Kỳ tính thuế đầu tiên đối với doanh nghiệp mới thành lập và kỳ tính thuế cuối cùng đối với doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản được xác định phù hợp với kỳ kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán.


7. Nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ở đâu?

Phương thức: Tạm nộp Thuế TNDN theo quý. Đối với những doanh nghiệp không phải lập báo cáo tài chính quý thì doanh nghiệp căn cứ vào số Thuế TNDN của năm trước và dự kiến kết quả sản xuất kinh doanh trong năm để xác định số Thuế TNDN tạm nộp hàng quý.

Địa điểm nộp Thuế TNDN:

  • Thông qua ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác và tổ chức dịch vụ theo quy định của pháp luật;
  • Tại Kho bạc Nhà nước;
  • Tại cơ quan thuế quản lý thu thuế;
  • Thông qua tổ chức được cơ quan thuế ủy nhiệm thu thuế.

Trường hợp muốn nộp thuế online thì phải đăng ký và thực hiện trên trang https://thuedientu.gdt.gov.vn/ theo quy định.

Lưu ý: Doanh nghiệp không phải nộp tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính hàng quý.


8. Thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp

Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính.

Ví dụ: Kỳ kế toán năm của doanh nghiệp theo năm dương lịch bắt đầu từ 01/01/2021 đến ngày 31/12/2021 thì thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 là 31/03/2022 (nếu doanh nghiệp có phát sinh thuế TNDN phải nộp).

Kỳ kế toán năm của doanh nghiệp từ 01/04/2021 đến 31/03/2022 thì thời hạn nộp quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 là 30/06/2022 (nếu doanh nghiệp có phát sinh thuế TNDN phải nộp).


9. Xử phạt khi chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp

Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 03 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 03 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước.

Trường hợp doanh nghiệp có phát sinh chậm nộp tiền thuế TNDN sau khi nộp hồ sơ quyết toán sẽ bị tính mức tính tiền chậm nộp bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế TNDN chậm nộp.

Ví dụ: Đại lý thuế có năm tài chính trùng với năm dương lịch. Kỳ tính thuế năm 2022, doanh nghiệp đã tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 03 quý đầu năm 2022 là 20 triệu đồng, khi quyết toán năm, số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán là 30 triệu đồng, tăng 10 triệu đồng.

75% của số phải nộp theo quyết toán là: 30 x 75% = 22,5 triệu đồng.

Phần chênh lệch số đã tạm nộp và số phải tạm nộp có giá trị là: 22,5 triệu – 20 triệu = 2,5 triệu đồng.

Vậy đại lý thuế phải nộp số thuế còn phải nộp sau quyết toán là 10 triệu đồng. Đồng thời bị tính tiền chậm nộp đối với số thuế nộp thiếu là 2,5 triệu đồng tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp thuế quý ba của doanh đến ngày thực nộp số thuế còn thiếu so với số thuế phải nộp theo quyết toán.


10. Cơ sở pháp lý

  • Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi năm 2013;
  • Thông tư 78/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 218/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.

Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi về thuế thu nhập doanh nghiệp là gì?. Qua bài viết này, chúng tôi mong rằng sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Nếu nội dung bài viết còn chưa rõ, hoặc bạn cần tư vấn, hỏi đáp thêm về dịch vụ hỗ trợ, bạn có thể kết nối tới Tổng đài tư vấn luật doanh nghiệp trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được tư vấn trực tiếp.

Trân trọng./.

5/5 - (1 bình chọn)
Cố vấn Nguyễn Quỳnh Trang
Cố vấn Nguyễn Quỳnh Trang
Kiểm toán viên (CPA) – Hiện là cố vấn thuế cao cấp cho nhiều doanh nghiệp lớn trên toàn quốc với 20 năm kinh nghiệm thực tiễn
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

TỔNG ĐÀI HỖ TRỢ THUẾ

Scroll to Top