Quý khách hàng có nhu cầu được hỗ trợ, giải đáp về thuế thu nhập doanh nghiệp vui lòng gọi Tổng đài 1900.6795 để được tư vấn miễn phí. Ngoài ra nếu có nhu cầu sử dụng dịch vụ kế toán - thuế, bạn vui lòng liên hệ hotline 09.678910.86. Trân trọng.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp áp dụng quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trực tiếp trên doanh thu nhưng không hiểu rõ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp trực tiếp là như thế nào? Bài viết sau đây của Luật Quang Huy sẽ phân tích chi tiết và hướng dẫn quyết toán, tính thuế TNDN theo phương pháp trực tiếp.
1. Cách tính thuế TNDN theo phương pháp trực tiếp trên doanh thu?
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 78/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính về hướng dẫn thi hành luật thuế thu nhập doanh nghiệp, phương pháp tính thuế thu nhập doanh nghiệp được quy định cụ thể như sau:
Đối với một vài trường hợp đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp được tính bằng phương pháp trực tiếp. Khi đó, công thức tính thuế thu nhập doanh nghiệp được quy định như sau:
Thuế thu nhập doanh nghiệp | = | Doanh thu bán hàng, dịch vụ | x | Tỷ lệ phần trăm tương ứng |
Trong đó:
- Doanh thu từ hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ là toàn bộ số tiền mà doanh nghiệp thu được từ việc bán hàng hoá hoặc cung cấp dịch vụ đối với đơn vị sự nghiệp, tổ chức không xác định được khoản chi phí mình bỏ ra và là thu nhập không thường xuyên của doanh nghiệp.
- Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ, cụ thể như sau:
- Đối với dịch vụ (bao gồm cả lãi tiền gửi, lãi tiền cho vay), mức thuế suất tính thuế thu nhập doanh nghiệp là: 5%;
- Riêng hoạt động giáo dục, y tế, biểu diễn nghệ thuật, mức thuế suất tính thuế thu nhập doanh nghiệp là: 2%;
- Đối với kinh doanh hàng hóa, mức thuế suất tính thuế thu nhập doanh nghiệp là: 1%;
- Đối với hoạt động khác, mức thuế suất tính thuế thu nhập doanh nghiệp là: 2%.
Ví dụ: Đơn vị sự nghiệp A có phát sinh hoạt động cho thuê nhà, doanh thu cho thuê nhà một (01) năm là 100 triệu đồng, đơn vị không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động cho thuê nhà nêu trên do vậy đơn vị lựa chọn kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ như sau:
Số thuế thu nhập doanh nghiệp đơn vị sự nghiệp A phải nộp = 100.000.000 đồng x 5% = 5.000.000 đồng.
Lưu ý: Phương pháp tính này có một vài lưu ý doanh nghiệp cần nắm rõ để khi quyết toán không phạm các sai phạm, cụ thể như sau:
- Doanh nghiệp kê khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp, tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ trên doanh thu, hay theo thuế suất trên thu nhập chịu thuế, thì vẫn phải lập báo cáo tài chính và sổ sách kế toán đầy đủ theo Luật kế toán;
- Đối với doanh nghiệp áp dụng phương pháp kê khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp, cần làm công văn đề nghị được sử dụng cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp trực tiếp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu và gửi đến chi cục/cục thuế quản lý. Khi có công văn chấp nhận được áp dụng phương pháp tính thuế thu nhập doanh nghiệp trực tiếp thì doanh nghiệp mới được áp dụng phương pháp tính thuế thu nhập doanh nghiệp trực tiếp.
Như vậy, doanh nghiệp kê khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp chưa hẳn được áp dụng phương pháp kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu. Chỉ được kê khai khi có sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan thuế quản lý trực tiếp cho phép doanh nghiệp áp dụng phương pháp tính thuế thu nhập doanh nghiệp trực tiếp;
- Doanh nghiệp kê khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ sẽ không được kê khai thuế và tính thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp trực tiếp.
2. Xác định doanh thu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp trực tiếp?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, doanh thu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp trực tiếp được xác định tùy theo từng trường hợp cụ thể như sau:
- Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là toàn bộ tiền bán hàng hóa, tiền gia công, tiền cung cấp dịch vụ bao gồm cả khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền;
- Đối với doanh nghiệp nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng là doanh thu bao gồm cả thuế giá trị gia tăng;
- Doanh nghiệp có doanh thu, chi phí và thu nhập khác bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm phát sinh doanh thu, chi phí, thu nhập khác bằng ngoại tệ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Đối với loại ngoại tệ không có tỷ giá hối đoái với đồng Việt Nam thì phải tiến hành quy đổi thông qua một loại ngoại tệ có tỷ giá hối đoái với đồng Việt Nam.
Ví dụ: Doanh nghiệp B là đối tượng nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng. Hóa đơn bán hàng chỉ ghi giá bán là 110.000 đồng (giá đã bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Theo đó, doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là 110.000 đồng.
Lưu ý: Không áp dụng tỷ lệ phần trăm trên doanh thu đối với các doanh thu sau đây:
- Doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ cung ứng thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng;
- Doanh thu hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.
3. Xác định tỷ lệ phần trăm của hoạt động kinh doanh?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, tùy thuộc vào lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp mà tỷ lệ mức phần trăm thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu còn tùy thuộc vào lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp sẽ khác nhau. Cụ thể như sau:
- Tỷ lệ 1%: Tỷ lệ 1% áp dụng đối với những doanh nghiệp có hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ sau đây:
- Doanh nghiệp có hoạt động thương mại: phân phối, cung cấp hàng hóa, nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị gắn với dịch vụ tại Việt Nam;
- Doanh nghiệp có hoạt động bán buôn, bán lẻ các loại hàng hóa. Trừ giá trị hàng hóa đại lý bán đúng giá hưởng hoa hồng.
- Tỷ lệ 2%: Khi quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp bằng phương pháp trực tiếp, doanh nghiệp áp dụng tỷ lệ 2% trên doanh thu đối với các hoạt động sau đây:
- Doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh khác, vận chuyển (bao gồm hoạt động vận chuyển đường biển, vận chuyển hàng không);
- Hoạt động cho thuê tàu bay, động cơ tàu bay, phụ tùng tàu bay, tàu biển;
- Hoạt động tái bảo hiểm.
- Tỷ lệ 5%: Tỷ lệ 5% áp dụng đối với các doanh nghiệp có doanh thu từ việc cung cấp các dịch vụ sau đây:
- Doanh nghiệp có các hoạt động dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu;
- Doanh nghiệp có các hoạt động liên quan đến lãi tiền gửi, lãi tiền cho vay;
- Doanh nghiệp có kinh doanh các hoạt động dịch vụ lưu trú, kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ;
- Dịch vụ cho thuê nhà, đất, cửa hàng, nhà xưởng, cho thuê tài sản và đồ dùng cá nhân khác;
- Dịch vụ cho thuê kho bãi, máy móc, phương tiện vận tải. Bốc xếp hàng hóa và hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải. Ví dụ kinh doanh bến bãi, bán vé, trông giữ phương tiện;
- Dịch vụ môi giới, đấu giá và hoa hồng đại lý;
- Dịch vụ tư vấn pháp luật, tư vấn tài chính, kế toán, kiểm toán; dịch vụ làm thủ tục hành chính thuế, hải quan;
- Dịch vụ xử lý dữ liệu, cho thuê cổng thông tin, thiết bị công nghệ thông tin, viễn thông;
- Dịch vụ hỗ trợ văn phòng và các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh khác;
- Dịch vụ tắm hơi, massage, karaoke, vũ trường, bi-a, internet, game;
- Dịch vụ sửa chữa khác bao gồm: sửa chữa máy vi tính và các đồ dùng gia đình;
- Dịch vụ tư vấn, thiết kế, giám sát thi công xây dựng cơ bản;
- Xây dựng, lắp đặt không bao thầu nguyên vật liệu. Hoạt động này bao gồm cả hoạt động lắp đặt máy móc, thiết bị công nghiệp;
- Doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, gia công, chế biến sản phẩm hàng hóa;
- Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản;
- Hoạt động vận tải hàng hóa và vận tải hành khách;
- Dịch vụ kèm theo bán hàng hóa. Ví dụ như dịch vụ đào tạo, bảo dưỡng, chuyển giao công nghệ kèm theo bán sản phẩm;
- Ngoài ra còn có các dịch vụ khác.
- Đối với một số trường hợp cụ thể:
- Đối với các hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ bao gồm nhiều hoạt động kinh doanh khác nhau, việc áp dụng tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên doanh thu tính thuế khi xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp căn cứ vào doanh thu chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với từng hoạt động kinh doanh do Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện theo quy định tại hợp đồng. Trường hợp không tách riêng được giá trị từng hoạt động kinh doanh thì áp dụng tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với ngành nghề kinh doanh có tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp cao nhất cho toàn bộ giá trị hợp đồng.
- Đối với hợp đồng cung cấp máy móc thiết bị có kèm theo các dịch vụ hướng dẫn lắp đặt, đào tạo, vận hành, chạy thử, nếu tách riêng được giá trị máy móc thiết bị và giá trị các dịch vụ thì tính thuế theo tỷ lệ thuế riêng của từng phần giá trị hợp đồng. Trường hợp trong hợp đồng không tách riêng được giá trị máy móc thiết bị và giá trị các dịch vụ thì áp dụng tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu tính thuế là 2%.
Ví dụ: Năm 2020, nhà thầu nước ngoài A tiến hành ký hợp đồng với bên doanh nghiệp Việt Nam để xây dựng một nhà máy điện F với giá trị là 70 triệu USD. Theo đó, giá trị của hợp đồng giữa nhà thầu nước ngoài A và bên doanh nghiệp Việt Nam bao gồm những nội dung sau đây:
- Giá trị máy móc, thiết bị cung cấp cho công trình trị giá 50 triệu USD;
- Giá trị thiết kế dây chuyền công nghệ, thiết kế khác trị giá 5 triệu USD;
- Giá trị nhà xưởng, hệ thống phụ trợ khác, xây dựng, lắp đặt trị giá 10,5 triệu USD;
- Giá trị dịch vụ giám sát, hướng dẫn lắp đặt trị giá 3 triệu USD;
- Giá trị dịch vụ đào tạo kỹ thuật, vận hành thử trị giá 1,5 triệu USD.
Trong trường hợp tách riêng được phần giá trị máy móc thiết bị và giá trị dịch vụ này việc áp dụng tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp như sau: đối với giá trị máy móc, thiết bị áp dụng tỷ lệ đối với ngành thương mại; đối với giá trị dịch vụ thiết kế, giám sát lắp đặt, đào tạo, vận hành thử áp dụng tỷ lệ đối với ngành dịch vụ; giá trị công việc xây dựng, lắp đặt (10,5 triệu USD) áp dụng tỷ lệ thuế đối với ngành xây dựng.
Trường hợp không tách riêng được thì áp dụng tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp là 2% trên toàn bộ giá trị hợp đồng (70 triệu USD).

4. Quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp trực tiếp?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, để quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp trực tiếp, doanh nghiệp cần tiến hành theo trình tự thủ tục sau đây:
Bước 1: Doanh nghiệp tiến hành lập hồ sơ và gửi đến cơ quan thuế có thẩm quyền.
Căn cứ theo quy định tại Điều 14 Thông tư số 151/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính, hiện nay doanh nghiệp không cần phải nộp tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính hàng quý nữa, việc kê khai thuế thu nhập hàng quý hàng quý đã được bãi bỏ (doanh nghiệp chỉ cần tạm tính số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp rồi nộp tiền thuế thu nhập doanh nghiệp dựa theo số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính đó).
Theo đó, việc kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp tỷ lệ phần trăm trên doanh thu cũng chỉ phải lập vào cuối năm. Khi thực hiện việc quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu, doanh nghiệp nộp đơn theo Mẫu số 04/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính khi quyết toán cuối năm.
Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức thuộc trường hợp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp không phát sinh thường xuyên hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp thì thực hiện kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp theo từng lần phát sinh theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính, doanh nghiệp không phải khai quyết toán năm.
Bước 2. Cơ quan thuế tiếp nhận cần phải tiến hành các trình tự, thủ tục như sau:
Trường hợp 1: Hồ sơ quyết toán thuế thu nhập của doanh nghiệp được nộp trực tiếp tại cơ quan thuế:
Đối với trường hợp doanh nghiệp nộp trực tiếp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp đến cơ quan thuế có thẩm quyền thì trình tự thủ tục được quy định như sau:
- Sau khi nhận được hồ sơ quyết toán thuế thu nhập của doanh nghiệp, cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ quyết toán thuế của doanh nghiệp, thực hiện đóng dấu tiếp nhận hồ sơ;
- Tiếp đó cơ quan thuế tiến hành ghi thời gian nhận hồ sơ, ghi nhận số lượng tài liệu trong hồ sơ;
- Cuối cùng cơ quan thuế thực hiện ghi vào sổ văn thư của cơ quan thuế.
Trường hợp 2: Hồ sơ quyết toán thuế thu nhập của doanh nghiệp được gửi qua đường bưu chính đến cơ quan thuế có thẩm quyền:
Đối với trường hợp doanh nghiệp nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp bằng cách gửi qua đường bưu chính đến cơ quan thuế có thẩm quyền thì trình tự thủ tục được quy định như sau:
- Sau khi nhận được hồ sơ quyết toán thuế thu nhập của doanh nghiệp, cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ quyết toán thuế của doanh nghiệp, thực hiện đóng dấu và ghi ngày nhận hồ sơ;
- Tiếp đó cơ quan thuế tiến hành ghi vào số văn thư của cơ quan thuế.
Trường hợp 3: Hồ sơ quyết toán thuế thu nhập của doanh nghiệp được nộp thông qua giao dịch điện tử:
Đối với trường hợp doanh nghiệp nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp thông qua giao dịch điện tử thì trình tự thủ tục được quy định như sau:
- Sau khi nhận được hồ sơ quyết toán thuế thu nhập của doanh nghiệp, cơ quan thuế thực hiện tiếp nhận, kiểm tra, chấp nhận hồ sơ khai thuế qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử.
Lưu ý: Doanh nghiệp khi nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và gửi đến cơ quan thuế có thẩm quyền theo đúng thời hạn quy định của Luật quản lý thuế năm 2019.
5. Mẫu tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp trực tiếp trên doanh thu?
Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 16 Thông tư số 151/2014/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 156/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính, tùy theo từng trường hợp cụ thể mà mẫu tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp trực tiếp trên doanh thu được quy định như sau:
- Doanh nghiệp, tổ chức thuộc trường hợp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ khi khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp theo năm sẽ làm tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp theo Mẫu số 04/TNDN được ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính;
- Doanh nghiệp, tổ chức thuộc trường hợp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không phát sinh thường xuyên hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ, doanh nghiệp đó sẽ kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp theo từng lần phát sinh theo Mẫu số 04/TNDN được ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính.
6. Thời hạn quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp trực tiếp trên doanh thu?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, thời hạn nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp tỷ lệ phần trăm trên doanh thu được quy định cụ thể như sau:
- Doanh nghiệp có năm tài chính trùng năm dương lịch, thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch;
- Doanh nghiệp có năm tài chính khác năm dương lịch, thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm tài chính;
- Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp đối với trường hợp chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng hoặc tổ chức lại doanh nghiệp chậm nhất là ngày thứ 45 kể từ ngày xảy ra sự kiện.
Lưu ý: Trường hợp doanh nghiệp gặp thiên tai, tai nạn bất ngờ, hỏa hoạn thì có thể gia hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để được gia hạn thời hạn, doanh nghiệp cần phải làm đơn đề nghị xin gia hạn nộp cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Thời gian gia hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp không quá 60 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.
7. Nơi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trực tiếp trên doanh thu?
Căn cứ theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 151/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính, tùy theo từng trường hợp mà nơi nộp hồ sơ quyết toán thuế doanh nghiệp theo phương pháp trực tiếp trên doanh thu được pháp luật quy định như sau:
- Trường hợp doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp có đơn vị trực thuộc hạch toán độc lập: nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh tại đơn vị trực thuộc cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp;
- Trường hợp doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp có đơn vị trực hạch toán phụ thuộc: khai tập trung tại trụ sở chính cả phần phát sinh tại đơn vị trực thuộc.
8. Cơ sở pháp lý
- Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2020;
- Luật quản lý thuế năm 2019 ban hành ngày 13/06/2019;
- Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị Định số 12/2015/NĐ-CP ban hành vào ngày 12/02/2015 của Chính phủ, bổ sung một số điều của Thông tư số 78/2014/TT-BTC, Thông tư số 119/2014/TT-BTC, Thông tư số 151/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính;
- Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 hướng dẫn chế độ kế toán của doanh nghiệp của Bộ Tài chính.
Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi về vấn đề: quyết toán, tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp trực tiếp.
Nếu còn vấn đề thắc mắc hoặc chưa rõ bạn có thể liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Tổng đài tư vấn Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp trực tuyến của HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được tư vấn trực tiếp.
Trân trọng./.