Quý khách hàng có nhu cầu được hỗ trợ, giải đáp về thuế thu nhập doanh nghiệp vui lòng gọi Tổng đài 1900.6795 để được tư vấn miễn phí. Ngoài ra nếu có nhu cầu sử dụng dịch vụ kế toán - thuế, bạn vui lòng liên hệ hotline 09.678910.86. Trân trọng.
Nhận biết được rõ được những khoản thu nhập nào chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là việc cần làm đầu tiên đối với bất cứ doanh nghiệp nào trước khi thực hiện các thủ tục nộp thuế. Tại bài viết này, Luật Quang Huy sẽ giải đáp các thắc mắc liên quan đến việc xác định thu nhập chịu thuế TNDN và các quy định có liên quan.
1. Thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp là gì?
Thuế thu nhập doanh nghiệp (Profit tax) là loại thuế trực thu, đánh trực tiếp vào thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp bao gồm: Thu nhập từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, hoặc dịch vụ, các thu nhập khác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, không phải tất cả các khoản thu nhập của doanh nghiệp đều phải đóng thuế mà chỉ có những loại thu nhập được quy định tại Điều 3 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp mới bắt buộc nộp thuế bao gồm:
- Thu nhập chịu thuế bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa và dịch vụ;
- Thu nhập khác bao gồm thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản;
- Thu nhập từ quyền sở hữu quyền sử dụng tài sản;
- Thu nhập từ quà tặng bằng tiền, bằng hiện vật từ các nguồn tài trợ, thu nhập nhận được từ các khoản hỗ trợ tiếp thị, hỗ trợ chi phí, chiết khấu thanh toán, thưởng khuyến mại và các khoản hỗ trợ khác.
- Thu nhập từ chuyển nhượng, cho thuê, thanh lý tài sản;
- Thu nhập từ tiền gửi, cho vay vốn, bán ngoại tệ, hoàn nhập các khoản dự phòng;
- Thu khoản nợ khó đòi nay đã đòi được;
- Thu khoản nợ phải trả không xác định được chủ;
- Khoản thu nhập từ kinh doanh của những năm trước đó bị bỏ sót và các khoản thụ phụ khác;
- Thu nhập nhận được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh ở ngoài Việt Nam.
- Các khoản thu nhập khác theo quy định pháp luật.
2. Đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp
Đối tượng chịu thuế theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm các tổ chức hoạt động tổ chức kinh doanh, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định khoản 1 Điều 2 của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm:
- Doanh nghiệp được hình thành theo quy định của pháp luật Việt Nam bao gồm: doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần;
- Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài có cơ sở thường trú tại hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam;
- Tổ chức được thành lập theo luật hợp tác xã;
- Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;
- Tổ chức khác có hoạt động sản xuất kinh doanh có thu nhập.

3. Xác định thu nhập chịu thuế TNDN
Thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thu nhập khác.
Thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế xác định như sau:
Thu nhập chịu thuế | = | Doanh thu | – | Chi phí được trừ | + | Các khoản thu nhập khác |
Thứ nhất, thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ:
Thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ | = | Doanh thu của hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ | – | Chi phí được trừ của hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó |
Doanh nghiệp có nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh áp dụng nhiều mức thuế suất khác nhau thì doanh nghiệp phải tính riêng thu nhập của từng hoạt động nhân với thuế suất tương ứng.
Thứ hai, thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản:
Các khoản thu nhập này phải hạch toán riêng để kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với mức thuế suất 20%, không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (trừ phần thu nhập của doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư kinh doanh nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua được áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 19 Thông tư số 78/2014/TT-BTC).
Chú ý: Trường hợp doanh nghiệp bị lỗ trong kỳ tính thuế có các hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia thực hiện dự án đầu tư (trừ dự án thăm dò, khai thác khoáng sản) thì số lỗ này được bù trừ với lãi của hoạt động sản xuất kinh doanh (bao gồm cả thu nhập khác – xem chi tiết tại công việc “Các khoản thu nhập khác”), sau khi bù trừ vẫn còn lỗ thì tiếp tục được chuyển sang các năm tiếp theo trong thời hạn chuyển lỗ theo quy định.
Trường hợp doanh nghiệp làm thủ tục giải thể doanh nghiệp, sau khi có quyết định giải thể nếu có chuyển nhượng bất động sản là tài sản cố định của doanh nghiệp thì thu nhập (lãi) từ chuyển nhượng bất động sản (nếu có) được bù trừ với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh (bao gồm cả số lỗ của các năm trước được chuyển liên tục sang năm sau không quá 05 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ) vào kỳ tính thuế phát sinh hoạt động chuyển nhượng bất động sản.
4. Các khoản chi phí được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp
- Khoản chi thực tế của doanh nghiệp phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phải nộp;
- Các khoản chi có đủ hóa đơn chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật về thuế;
- Các khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa và dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
5. Cơ sở pháp lý
- Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi năm 2013;
- Thông tư số 78/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 218/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.
Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi về vấn đề: Thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Nếu còn vấn đề thắc mắc hoặc chưa rõ bạn có thể liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Tổng đài tư vấn Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp của HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được tư vấn trực tiếp.
Trân trọng./.