Mẫu và cách làm tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp

Mẫu và cách làm tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp
Quý khách hàng có nhu cầu được hỗ trợ, giải đáp về thuế thu nhập doanh nghiệp vui lòng gọi Tổng đài 1900.6795 để được tư vấn miễn phí. Ngoài ra nếu có nhu cầu sử dụng dịch vụ kế toán - thuế, bạn vui lòng liên hệ hotline 09.678910.86. Trân trọng.

Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp phải lập tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp đến cơ quan có thẩm quyền. Vậy doanh nghiệp phải nộp tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp ở đâu? Cách lập tờ khai như thế nào? Thời hạn nộp tờ khai là bao lâu? Bài viết sau đây của Luật Quang Huy sẽ hướng dẫn bạn cách lập một tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp chuẩn nhất.


Tổng quan về bài viết

1. Quy định tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp mới nhất được quy định như sau:

(i) Căn cứ theo quy định tại Nghị định 132/2020/NĐ-CP của Chính phủ, doanh nghiệp cần xác định, kê khai thông tin giao dịch liên kết, đối tượng kê khai, xác định đúng chi phí lãi vay được (mức khống chế 30%) trừ trường hợp tính thuế thu nhập doanh nghiệp để hạn chế sai phạm.

(ii) Căn cứ theo quy định tại Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 của Chính phủ, doanh nghiệp cần thực hiện kê khai giảm thuế thu nhập doanh nghiệp của kỳ tính thuế 2022. Giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp cần nộp với trường hợp doanh nghiệp:

  • Có doanh thu trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp 2022 không quá 200 tỷ (1);
  • Doanh thu của doanh nghiệp trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022 giảm so với năm 2021 (2).

Không áp dụng tiêu chí (2) với doanh nghiệp mới thành lập, hợp nhất, chia tách, sáp nhập trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 và năm 2022.

(iii) Căn cứ theo quy định tại Nghị định 92/2021/NĐ-CP, Doanh nghiệp cần kê khai số thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm trên hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp và trên phụ lục thuế thu nhập doanh nghiệp được ban hành.

(iv) Căn cứ theo quy định tại Nghị định số 44/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ, Doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ nếu xác định được thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 với những khoản ủng hộ và tài trợ tiền mặt, hiện vật với hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam.

Hồ sơ xác định các khoản chi để ủng hộ tài trợ trong trường hợp trên gồm những giấy tờ sau đây:

  • Biên bản xác nhận ủng hộ, tài trợ theo mẫu ban hành;
  • Văn bản, tài liệu bằng giấy hoặc thư điện tử có nội dung xác nhận khoản chi ủng hộ, tài trợ (có đủ chữ ký, con dấu của người đại diện doanh nghiệp như bên ủng hộ, tài trợ và đại diện của đơn vị nhận tài trợ);
  • Hóa đơn, chứng từ hợp pháp của khoản ủng hộ, tài trợ bằng tiền mặt hoặc hiện vật.

2. Biểu mẫu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, doanh nghiệp khi tiến hành kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp tỷ lệ doanh thu, mẫu biểu hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp phải có Tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp theo Mẫu số 04/TNDN được ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Doanh nghiệp khi tiến hành kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp doanh thu chi phí, mẫu biểu hồ sơ khai quyết toán thuế phải có Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp theo Mẫu số 03/TNDN và một số Phụ lục ban hành kèm Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính;

Ngoài ra, mẫu biểu hồ sơ khai thuế chung còn gồm những tài liệu sau đây:

  • Phụ lục thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm theo hướng dẫn tại Nghị định số 92/2021/NĐ-CP của Chính phủ;
  • Báo cáo tài chính năm hoặc báo cáo tài chính tính tại thời điểm chấm dứt hoạt động/ hợp đồng/ chuyển loại hình công ty/ tái tổ chức công ty;
  • Tờ khai giao dịch liên kết theo hướng dẫn tại Nghị định 132/2020/NĐ-CP của Chính phủ;
  • Các tài liệu khác có liên quan.

3. Mẫu tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, mẫu tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp được có thể tải về theo hướng dẫn dưới đây:

  • Doanh nghiệp kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp tỷ lệ doanh thu, tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp theo Mẫu 04/TNDN được ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính.

TẢI MẪU 04/TNDN

  • Doanh nghiệp kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp doanh thu chi phí, tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp theo Mẫu 03/TNDN được ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính.

TẢI MẪU 03/TNDN


4. Phụ lục tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, các phụ lục tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp thuộc danh sách sau tùy thuộc vào tình hình cụ thể của doanh nghiệp như sau:

  • Phụ lục kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh theo mẫu: 03-1A/TNDN (doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất, thương mại, dịch vụ), 03-1B/TNDN (doanh nghiệp ngành ngân hàng, tín dụng), 03-1C/TNDN (công ty chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán), tất cả những mẫu này đều được ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính;
  • Phụ lục chuyển lỗ theo mẫu số 03-2/TNDN được ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính;
  • Phụ lục ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm:
  • Mẫu số 03-3A/TNDN được ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính: ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ sở kinh doanh thành lập mới từ dự án đầu tư, cơ sở kinh doanh chuyển địa điểm, dự án đầu tư mới;
  • Mẫu số 03-3B/TNDN được ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính l: ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với đầu tư mở rộng;
  • Mẫu số 03-3C/TNDN được ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính: ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp sử dụng lao động dân tộc thiểu số, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, xây dựng, vận tải sử dụng từ 10 đến 100 lao động nữ (số lao động nữ chiếm trên 50% tổng số lao động có mặt, sử dụng thường xuyên) hoặc sử dụng trên 100 lao động nữ (số lao động nữ chiếm trên 30% số lao động có mặt thường xuyên).
  • Phụ lục số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp tại nước ngoài (đối với doanh nghiệp có phát sinh thu nhập ngoài nước) được trừ trong kỳ tính thuế theo Mẫu số 03-4/TNDN được ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính;
  • Phụ lục thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản theo Mẫu số 03-5/TNDN được ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính;
  • Phụ lục báo cáo trích, sử dụng quỹ khoa học và công nghệ (nếu có) theo Mẫu số 03-6/TNDN được ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính;
  • Phụ lục thông tin về giao dịch liên kết theo Mẫu số 03-7/TNDN được ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính;
  • Phụ lục tính nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp có đơn vị sản xuất hạch toán phụ thuộc có trụ sở tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khác với địa phương nơi đặt trụ sở chính theo Mẫu số 03-8/TNDN được ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính;
  • Đối với doanh nghiệp có hoạt động khai thác, xuất bán dầu thô, khí thiên nhiên: Phụ lục chi tiết nghĩa vụ thuế của các nhà thầu dầu khí theo Mẫu số 01/PL-DK ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính.

5. Cách lập tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp?

Để lập được Tờ khai Quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp Mẫu 03/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC, trước tiên, các bạn cần lập Phụ lục kết quả hoạt động sản kinh doanh (thông thường sẽ là Phụ lục 03-1A/TNDN được ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính).

Sau khi lập xong Phụ lục thì sẽ lập tờ khai quyết toán thuế theo Mẫu 03/TNDN. Trên tờ khai quyết toán thuế 03/TNDN có 8 mục chỉ tiêu lớn là: A, B, C, D, E, G, H, I. Chúng ta sẽ đi tìm hiểu cách lập lần lượt mục, từng chỉ tiêu trong đó như sau:

5.1. Chỉ tiêu A – Kết quả kinh doanh ghi nhận theo Báo cáo tài chính có 1 chỉ tiêu là A1.

  • Chỉ tiêu [A1] – Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế thu nhập doanh nghiệp:

Chỉ tiêu này phản ánh tổng số lợi nhuận thực hiện của cơ sở kinh doanh trong kỳ tính thuế theo quy định của pháp luật về kế toán.

Số liệu trên chỉ tiêu này được lấy từ Phụ lục kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh kèm theo Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp. Cụ thể:

  • Đối với doanh nghiệp thuộc các ngành sản xuất thương mại, dịch vụ: lấy số trên Chỉ tiêu [22] – Tổng lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp của Phụ lục 03-1A/TNDN được ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính.
  • Đối với doanh nghiệp thuộc các ngành ngân hàng, tín dụng: lấy số trên Chỉ tiêu [19] – Tổng lợi nhuận trước thuế của Phụ lục 03-1B/TNDN được ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính.
  • Đối với các Công ty chứng khoán, Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán: lấy số trên Chỉ tiêu [90] – Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế của Phụ lục 03-1C/TNDN được ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Lưu ý: Chỉ tiêu [A1] này không phải nhập mà phần mềm sẽ tự động cập từ bên 03-1A/TNDN,  03-1B/TNDN, 03-1C/TNDN.

5.2. Chỉ tiêu B – Xác định thu nhập chịu thuế theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp có 15 chỉ tiêu từ B1 đến B15.

  • Chỉ tiêu [B1] – Điều chỉnh tăng tổng lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp: Chỉ tiêu này được xác định bằng tổng các Chỉ tiêu từ [B2] đến [B7].
  • Chỉ tiêu [B2] – Các khoản điều chỉnh tăng doanh thu:

Chỉ tiêu [B2] phản ánh tất cả các khoản điều chỉnh dẫn đến tăng doanh thu tính thuế do sự khác biệt giữa các quy định của pháp luật về kế toán và thuế, bao gồm các khoản được xác định là doanh thu để tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng không được ghi nhận là doanh thu trong kỳ theo quy định của Chuẩn mực kế toán về ghi nhận doanh thu.

Lưu ý: Chỉ tiêu B2 và B10 sẽ được ghi tương ứng với nhau.

  • Chỉ tiêu [B3] – Chi phí của phần doanh thu điều chỉnh giảm:

Chỉ tiêu [B3] Chi phí của phần doanh thu điều chỉnh giảm: phản ánh mọi chi phí gây ra các khoản doanh thu được điều chỉnh giảm khi tính thu nhập chịu thuế trong kỳ theo luật thuế thu nhập doanh nghiệp (các khoản doanh thu này sẽ được điều chỉnh giảm tương ứng ở chỉ tiêu [B9]).

  • Chỉ tiêu [B4] – Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế:

Chỉ tiêu [B4] phản ánh toàn bộ các khoản chi phí không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

  • Chỉ tiêu [B5] – Thuế thu nhập đã nộp cho phần thu nhập nhận được ở nước ngoài:

Chỉ tiêu [B5] phản ánh tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp (hoặc một loại thuế có bản chất tương tự như thuế thu nhập doanh nghiệp) cơ sở kinh doanh đã nộp ở nước ngoài đối với số thu nhập mà cơ sở nhận được từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ ở nước ngoài trong kỳ tính thuế dựa trên các Biên lai và/hoặc chứng từ nộp thuế ở nước ngoài và được lấy từ dòng  “Tổng cộng” trên Phụ lục 03-4/TNDN được ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính kèm theo Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.

Các thu nhập nhận được ở nước ngoài cộng vào thu nhập chịu thuế tại Việt Nam được xác định trên cơ sở thực nhận, cơ sở kinh doanh chỉ hạch toán phần thu nhập thực nhận trên Báo cáo kết quả kinh doanh nên cơ sở kinh doanh phải cộng số thuế thu nhập đã nộp ở nước ngoài vào thu nhập chịu thuế và ghi vào chỉ tiêu này.

  • Chỉ tiêu [B6] – Điều chỉnh tăng lợi nhuận do xác định giá thị trường đối với giao dịch liên kết:

Chỉ tiêu [B6] phản ánh tăng lợi nhuận do xác định giá thị trường đối với giao dịch liên kết trong trường hợp doanh nghiệp phải xác định giá trị bằng tiền của các khác biệt trọng yếu khi so sánh giữa giao dịch độc lập với giao dịch liên kết hoặc do cơ quan thuế ấn định mức giá được sử dụng để kê khai tính thuế, ấn định thu nhập chịu thuế khi doanh nghiệp không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ các giao dịch liên kết phát sinh.

  • Chỉ tiêu [B7] –  Các khoản điều chỉnh làm tăng lợi nhuận trước thuế khác:

Chỉ tiêu [B7] phản ánh tổng số tiền của các điều chỉnh khác (chưa được điều chỉnh tại các chỉ tiêu từ [B2] đến [B6]) do sự khác biệt giữa Chế độ kế toán và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp dẫn đến làm tăng tổng thu nhập trước thuế.

  • Chỉ tiêu [B8]: Điều chỉnh giảm tổng lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp:

Chỉ tiêu [B8] phản ánh tất cả các khoản điều chỉnh dẫn đến giảm lợi nhuận trước thuế đã được phản ánh trong hệ thống sổ sách kế toán của doanh nghiệp.

Chỉ tiêu này được xác định bằng công thức: [B8] = [B9] + [B10] + [B11] + [B12].

  • Chỉ tiêu [B9] – Giảm trừ các khoản doanh thu đã tính thuế năm trước:

Chỉ tiêu [B9] phản ánh các khoản doanh thu được hạch toán trong Báo cáo Kết quả kinh doanh năm nay của cơ sở kinh doanh nhưng đã đưa vào doanh thu để tính thuế thu nhập doanh nghiệp của các năm trước.

Đến năm sau khi doanh nghiệp đã giao hàng và đủ điều kiện ghi nhận doanh thu theo Chuẩn mực kế toán thì khoản doanh thu bán hàng này mới được ghi nhận doanh thu trên sổ sách kế toán. Tuy nhiên do đã được đưa vào thu nhập chịu thuế của năm trước nên khi lập tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp cho năm nay, doanh nghiệp phải điều chỉnh giảm doanh thu chịu thuế một khoản tương ứng.

Lưu ý phải kết hợp điều chỉnh giảm chi phí được thực hiện tại chỉ tiêu [B3], chỉ tiêu B3 và B9 sẽ được ghi tương ứng với nhau.

  • Chỉ tiêu [B10] – Chi phí của phần doanh thu điều chỉnh tăng:

Chỉ tiêu [B10] phản ánh toàn bộ chi phí trực tiếp liên quan đến việc tạo ra các khoản doanh thu điều chỉnh tăng đã ghi vào chỉ tiêu [B2] – Các khoản điều chỉnh tăng doanh thu của Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.

  • Chỉ tiêu [B11] – Chi phí lãi vay không được trừ kỳ trước được chuyển sang kỳ này của doanh nghiệp có giao dịch liên kết:

Chỉ tiêu [B11] phản ánh khoản chi phí lãi vay không được trừ kỳ trước được chuyển sang kỳ này của doanh  nghiệp có giao dịch liên kết theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 16 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP.

  • Chỉ tiêu [B12] – Các khoản điều chỉnh làm giảm lợi nhuận trước thuế khác:

Chỉ tiêu [B12] phản ánh tổng các khoản điều chỉnh khác ngoài các khoản điều chỉnh đã nêu tại các chỉ tiêu từ [B9] đến [B11] của Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp dẫn đến giảm lợi nhuận chịu thuế.

  • Chỉ tiêu [B13] – Tổng thu nhập chịu thuế:

Chỉ tiêu này được xác định theo công thức: [B13] = [A1] + [B1] – [B8].

  • Chỉ tiêu [B14] – Thu nhập chịu thuế từ hoạt động sản xuất kinh doanh:

Chỉ tiêu [B14] phản ánh tổng số thu nhập chịu thuế từ hoạt động kinh doanh và hoạt động khác (không bao gồm thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản) và chưa trừ chuyển lỗ của cơ sở kinh doanh trong kỳ tính thuế.

Chỉ tiêu này được xác định theo công thức: [B14] = [B13] – [B15].

  • Chỉ tiêu [B15] – Thu nhập chịu thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản:

Chỉ tiêu [B15] phản ánh tổng số thu nhập chịu thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản (chưa trừ chuyển lỗ năm trước chuyển sang) của doanh nghiệp trong kỳ tính thuế.

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này được lấy từ chỉ tiêu [12] của Phụ lục 03-5/TNDN.

Mẫu và cách làm tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp
Mẫu và cách làm tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp

5.3. Chỉ tiêu C- Thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp từ hoạt động sản xuất kinh doanh có 17 chỉ tiêu từ C1 đến C17.

  • Chỉ tiêu [C1] – Thu nhập chịu thuế:

Chỉ tiêu [C1] bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ và thu nhập khác và được xác định bằng số liệu trên chỉ tiêu [B14].

Công thức [C1] = [B14].

  • Chỉ tiêu [C2] – Thu nhập miễn thuế: Là khoản thu nhập được miễn không tính vào thu nhập tính thuế trong năm theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
  • Chỉ tiêu [C3] – Chuyển lỗ và bù trừ lãi, lỗ: Trước khi thực hiện C3, các bạn cần kiểm tra chỉ tiêu C4 trước xem C4 âm hay dương:

a. Trường hợp 1: chỉ tiêu C4 có giá trị âm

Với Trường hợp này các bạn không thực hiện chuyển lỗ vì lỗ rồi không phải nộp thuế nên không thực hiện chuyển lỗ tại C3 mà chỉ cần quan tâm đến E1:

  • Nếu trong năm không có số tiền đã nộp tạm tính các quý thì không cần quan tâm đến E1 – Tờ khai quyết toán thuế được hoàn thiện tại đây.
  • Nếu trong năm có số tiền đã nộp như ví dụ trên đưa vào E1 để phần mềm hiển thị lên chỉ tiêu G có giá trị âm thì đây là số tiền thuế nộp thừa. Các chỉ tiêu còn lại chúng ta không cần thực hiện nữa.

b. Trường hợp 2: chỉ tiêu C4 có giá trị dương:

C4 dương là có thu nhập bị tính thuế. Nếu các kỳ trước doanh nghiệp có số lỗ chưa chuyển hết thì thực hiện chuyển lỗ vào chi tiêu C3a – Thông qua phụ lục chuyển lỗ 03-2A/TNDN.

  • Chỉ tiêu [C4] – Thu nhập tính thuế: Phần mềm tự động cập nhật. Chỉ tiêu này được xác định như sau: [C4] = [C1] – [C2] – [C3].
  • Chỉ tiêu [C5] – Trích lập quỹ khoa học công nghệ (nếu có): Phần mềm sẽ tự động cập nhật từ chỉ tiêu [05] của Phụ lục số 03-6/TNDN.
  • Chỉ tiêu [C6] – Thu nhập tính thuế sau khi đã trích lập quỹ khoa học công nghệ:

Là thu nhập tính thuế sau khi đã trừ khoản trích lập quỹ khoa học công nghệ theo quy định và được xác định như sau: [C6] = [C4]-[C5]=[C7]+[C8].

  • Chỉ tiêu [C7] – Thu nhập tính thuế tính theo thuế suất 20% (bao gồm cả thu nhập được áp dụng thuế suất ưu đãi).
  • Chỉ tiêu [C8] – Thu nhập tính thuế tính theo thuế suất không ưu đãi khác.
  • Chỉ tiêu [C9] – Thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động sản xuất kinh doanh tính theo thuế suất không ưu đãi: Chỉ tiêu [C9]  được xác định: C9 = (C7 x 20%) + (C8 x C8a).
  • Chỉ tiêu [C10] – Thuế thu nhập doanh nghiệp được ưu đãi theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp: Công thức C10 = C11 + C12 + C13.
  • Chỉ tiêu [C11] – Thuế thu nhập doanh nghiệp chênh lệch do áp dụng mức thuế suất ưu đãi.
  • Chỉ tiêu [C12] – Thuế thu nhập doanh nghiệp được miễn trong kỳ:

Cơ sở kinh doanh tự xác định các điều kiện được miễn thuế, mức miễn thuế và thời gian miễn thuế tại các Phụ lục (Phụ lục số 03-3A/TNDN, 03-3B/TNDN, 03-3C/TNDN, 03-3D/TNDN được ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính).

  • Chỉ tiêu [C13] – Thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm trong kỳ.
  • Chỉ tiêu [C14] – Thuế thu nhập doanh nghiệp được miễn, giảm theo Hiệp định thuế:

Chỉ tiêu [C14] phản ánh số thuế thu nhập doanh nghiệp được miễn, giảm theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần của nước ký kết hiệp định với Việt Nam.

  • Chỉ tiêu [C15] – Thuế thu nhập doanh nghiệp được miễn, giảm theo từng thời kỳ.
  • Chỉ tiêu [C16] – Thuế thu nhập đã nộp ở nước ngoài được trừ trong kỳ tính thuế.
  • Chỉ tiêu [C17] – Thuế thu nhập doanh nghiệp của hoạt động sản xuất kinh doanh:

Chỉ tiêu [C17]  được xác định như sau: [C17] = [C9] – [C10] – [C14] – [C15] – [C16].

5.4. Chỉ tiêu D – Thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản có 08 chỉ tiêu từ D1 đến D8.

  • Chỉ tiêu [D1] – Thu nhập chịu thuế. Công thức tính: D1=B15.
  • Chỉ tiêu [D2] – Lỗ từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản được chuyển trong kỳ
  • Chỉ tiêu [D3] – Thu nhập tính thuế.Công thức tính: D3 = D1 – D2.
  • Chỉ tiêu [D4] – Trích lập quỹ khoa học công nghệ (nếu có).
  • Chỉ tiêu [D5] – Thu nhập tính thuế sau khi đã trích lập quỹ khoa học công nghệ. Công thức tính: D5 = D3 – D4.
  • Chỉ tiêu [D6] – Thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của hoạt động chuyển nhượng bất động sản trong kỳ.
  • Chỉ tiêu [D7] – Thuế thu nhập doanh nghiệp chênh lệch do áp dụng mức thuế suất ưu đãi đối với thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư – kinh doanh nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua.
  • Chỉ tiêu [D8] -Thuế thu nhập doanh nghiệp của hoạt động chuyển nhượng bất động sản còn phải nộp kỳ này. Công thức tính: D8 = D6 – D7.

5.5. Chỉ tiêu E – Số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp quyết toán trong kỳ có 06 chỉ tiêu từ E1 đến E6.

Chỉ tiêu này phản ánh số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp quyết toán trong kỳ.

Công thức tính: E = E1 + E2 + E5.

  • Chỉ tiêu [E1] – Thuế thu nhập doanh nghiệp của hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chỉ tiêu này bạn cần căn cứ vào giấy nộp tiền thuế thu nhập doanh nghiệp vào Ngân sách Nhà nước (không bao gồm chứng từ nộp cho các khoản thuế nợ của các kỳ tính thuế trước và số thuế nộp theo quyết định truy thu của các cơ quan có thẩm quyền (nếu có)). Được xác định như sau:

E1 = Tạm Tính Quý 1 + Tạm Tính Quý 2 + Tạm Tính Quý 3 + Tạm Tính Quý 4

Lưu ý: Nếu có số thuế thu nhập doanh nghiệp nộp thừa của năm trước thì các bạn cũng đưa vào chỉ tiêu E1 này.

  • Chỉ tiêu [E2] – Thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản. Công thức tính: E2 = E3 + E4.
  • Chỉ tiêu [E3] – Thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản.
  • Chỉ tiêu [E4] – Thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động chuyển nhượng cơ sở hạ tầng, nhà có thu tiền theo tiến độ.
  • Chỉ tiêu [E5] – Thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp khác (nếu có).
  • Chỉ tiêu [E6] – Thuế thu nhập doanh nghiệp từ xử lý Quỹ phát triển khoa học công nghệ.

5.6. Chỉ tiêu G – Số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp có 05 chỉ tiêu từ G1 đến G5.

Chỉ tiêu này phần mềm sẽ tự động cập nhật và công thức tính là: G = G1 + G2 + G3 + G4 + G5.

Chỉ tiêu này phản ánh số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp có trên chứng từ nộp thuế mà doanh nghiệp đã tạm nộp trong năm sau khi đã bù trừ hết với các khoản thuế nợ năm trước chốt đến 31/1 (năm tài chính trùng năm dương lịch) và các khoản thuế phát sinh trong năm từ hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động chuyển nhượng bất động sản (có cùng tiểu mục).

Chứng từ nộp thuế được xác định là tạm nộp trong năm nếu doanh nghiệp thực hiện nộp trong năm tài chính và hạn nộp cuối cùng là ngày thứ 30 kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

  • Chỉ tiêu [G1] – Thuế thu nhập doanh nghiệp nộp thừa kỳ trước chuyển sang kỳ này.
  • Chỉ tiêu [G2] – Thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp của hoạt động sản xuất kinh doanh.

Lưu ý: Tiền thuế thu nhập doanh nghiệp của năm trước, tiền thuế thu nhập doanh nghiệp bị truy thu thì không được ghi vào đây.

  • Chỉ tiêu [G3] – Thuế thu nhập doanh nghiệp nộp thừa kỳ trước chuyển sang kỳ này của hoạt động chuyển nhượng bất động sản.
  • Chỉ tiêu [G4] – Thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp trong năm của hoạt động chuyển nhượng bất động sản.
  • Chỉ tiêu [G5] – Thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp các kỳ trước và trong năm quyết toán của hoạt động chuyển nhượng cơ sở hạ tầng, nhà có thu tiền theo tiến độ.

5.7. Chỉ tiêu H – Chênh lệch giữa số thuế phải nộp và số thuế đã tạm nộp có 03 chỉ tiêu từ H1 đến H3.

  • Chỉ tiêu [H1] – Chênh lệch giữa số thuế phải nộp và số thuế đã tạm nộp trong năm của hoạt động sản xuất kinh doanh. Công thức tính: H1 = E1 + E5 – G2.
  • Chỉ tiêu [H2] – Chênh lệch giữa số thuế phải nộp và số thuế đã tạm nộp trong năm của hoạt động chuyển nhượng bất động sản. Công thức tính: H2 = E3 – G4.
  • Chỉ tiêu [H3] – Chênh lệch giữa số thuế phải nộp và số thuế đã tạm nộp của hoạt động chuyển nhượng cơ sở hạ tầng, nhà có thu tiền theo tiến độ. Công thức tính: H3 = E4 – G5.

5.8. Chỉ tiêu I – Số thuế thu nhập doanh nghiệp còn phải nộp đến thời hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế có 02 chỉ tiêu từ I1 đến I2.

Công thức tính: I = E – G = I1 + I2.

Chỉ tiêu [I1] – Thuế thu nhập doanh nghiệp còn phải nộp của hoạt động sản xuất kinh doanh. Công thức tính: I1 = E1 + E5 – G1 – G2.

Chỉ tiêu [I2] – Thuế thu nhập doanh nghiệp còn phải nộp của hoạt động chuyển nhượng bất động sản. Công thức tính: I2 = E2 – G3 – G4 – G5.


6. Thời hạn nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, thời hạn nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp được quy định như sau:

  • Doanh nghiệp có năm tài chính trùng năm dương lịch, thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch. Cụ thể là ngày 31/3/2022;
  • Doanh nghiệp có năm tài chính khác năm dương lịch, thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm tài chính;
  • Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp đối với trường hợp chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng hoặc tổ chức lại doanh nghiệp chậm nhất là ngày thứ 45 kể từ ngày xảy ra sự kiện.

Lưu ý: Trường hợp doanh nghiệp gặp thiên tai, tai nạn bất ngờ, hỏa hoạn thì có thể gia hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải làm đơn đề nghị xin gia hạn nộp cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Thời gian gia hạn không quá 60 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.


7. Cơ sở pháp lý

  • Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2020;
  • Luật quản lý thuế năm 2019 ban hành ngày 13/06/2019;
  • Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị Định số 12/2015/NĐ-CP ban hành vào ngày 12/02/2015 của Chính phủ, bổ sung một số điều của Thông tư số 78/2014/TT-BTC, Thông tư số 119/2014/TT-BTC, Thông tư số 151/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính;
  • Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 hướng dẫn chế độ kế toán của doanh nghiệp của Bộ Tài chính.

Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi về vấn đề: tờ khai quyết toán thuế TNDN và cách lập tờ khai quyết toán thuế TNDN.

Nếu còn vấn đề thắc mắc hoặc chưa rõ bạn có thể liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Tổng đài tư vấn Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp của HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được tư vấn trực tiếp.

Trân trọng./.

5/5 - (1 bình chọn)

TÁC GIẢ BÀI VIẾT

Cố vấn Nguyễn Quỳnh Trang
Cố vấn Nguyễn Quỳnh Trang
Kiểm toán viên (CPA) – Hiện là cố vấn thuế cao cấp cho nhiều doanh nghiệp lớn trên toàn quốc với 20 năm kinh nghiệm thực tiễn
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

TỔNG ĐÀI HỖ TRỢ THUẾ

Scroll to Top

Tổng quan về bài viết

Mục lục