Quy định về thu hồi đất nông nghiệp

Quy định về thu hồi đất nông nghiệp
Bạn cần tư vấn luật đất đai?
Liên hệ 1900.6784 để được luật sư giải đáp hoàn toàn miễn phí!

Gần đây, chúng tôi nhận được rất nhiều câu hỏi của người dân xoay quanh vấn đề thu hồi đất nông nghiệp. Vậy, đất nông nghiệp có bị thu hồi không? Các trường hợp thu hồi đất nông nghiệp cụ thể? Hướng giải quyết đền bù đất nông nghiệp ra sao? Thẩm quyền thu hồi đất nông nghiệp thuộc về ai? Thủ tục thu hồi đất nông nghiệp tiến hành như thế nào? Và, cách tính giá đền bù khi bị thu hồi đất nông nghiệp một cách chính xác nhất.

Bài viết dưới đây, Luật Quang Huy hy vọng sẽ cung cấp đến bạn đầy đủ và chính xác thông tin về vấn đề này để bạn có thể tham khảo.


1. Đất nông nghiệp có bị thu hồi không?

Căn cứ Điều 16 và Mục 1 Chương 6 Luật đất đai 2013, đất nông nghiệp sẽ bị thu hồi nếu thuộc các trường hợp quy định tại Luật đất đai. Các trường hợp cụ thể sẽ được chúng tôi nêu ra ngay sau đây.


2. Các trường hợp thu hồi đất nông nghiệp

Như đã trình bày ở trên, đất nông nghiệp sẽ bị thu hồi nếu thuộc các trường hợp quy định tại Điều 16 Luật đất đai 2013, Cụ thể gồm 04 trường hợp sau:

  • Trường hợp 1: Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh;
  • Trường hợp 2: Thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì mục đích quốc gia, công cộng;
  • Trường hợp 3: Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai;
  • Trường hợp 4: Thu hồi đất do việc chấm dứt sử dụng đất theo quy định của pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa đến tính mạng con người.

Các trường hợp thu hồi đất nông nghiệp trên trên được quy định cụ thể tại các Điều 61, Điều 62, Điều 64 và Điều 65 Luật đất đai 2013. Như vậy, theo quy định của pháp luật nếu thửa đất nông nghiệp của bạn thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì sẽ bị thu hồi bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Quy định về thu hồi đất nông nghiệp
Quy định về thu hồi đất nông nghiệp

3. Hướng giải quyết đền bù đất nông nghiệp

Theo quy định tại Điều 74 Luật Đất Đai 2013 quy định về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi, người dân khi có đất nông nghiệp bị thu hồi có đủ điều kiện được đền bù theo quy định thì sẽ được đền bù theo hai hình thức sau:

Thứ nhất, đền bù bằng đất:

Việc đền bù được thực hiện bằng cách giao đất có cùng mục đích sử dụng với đất thu hồi, loại đất bị thu hồi là đất nông nghiệp thì sẽ được đền bù bằng một diện tích đất nông nghiệp tương đương phù hợp.

Thứ hai, đền bù bằng tiền:

  • Trường hợp không có đất để đền bù thì người dân sẽ được bồi thường một khoản tiền bằng giá trị quyền sử dụng đất tính theo giá đất tại thời điểm quyết định thu hồi;
  • Trường hợp bồi thường bằng việc giao đất mới, nếu có chênh lệch về giá trị thì phải thanh toán bằng tiền đối với phần chênh lệch đó.

Ngoài hai khoản đền bù trên, trong trường hợp người dân bị thu hồi đất có thể được hưởng các khoản hỗ trợ sau:

Thứ nhất, hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất:

Mức hỗ trợ ổn định sản xuất và đời sống được quy định cụ thể tại Điều 19 Nghị định 47/2014/NĐ-CP như sau:

Về tiền hỗ trợ ổn định đời sống: Mức hỗ trợ cho một nhân khẩu sẽ được tính bằng tiền tương đương 30 kg gạo trong 01 tháng theo thời giá trung bình tại thời điểm hỗ trợ của địa phương. Trong đó:

  • Thu hồi từ 30% đến 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì được hỗ trợ tối đa:
  • 06 tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở.
  • 12 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở.
  • 24 tháng trường hợp phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, hoặc đặc biệt khó khăn.
  • Thu hồi trên 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì được hỗ trợ:
  • 12 tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở.
  • 24 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở.
  • 36 tháng trường hợp phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, hoặc đặc biệt khó khăn.

Về tiền hỗ trợ ổn định sản xuất:

  • Hỗ trợ ổn định sản xuất bằng tiền với mức cao nhất = 30% một năm thu nhập sau thuế, theo mức thu nhập bình quân của 03 năm liền kề trước đó.
  • Thêm vào đó hộ gia đình, cá nhân được bồi thường bằng đất nông nghiệp được hỗ trợ về giống cây trồng, giống vật nuôi cho sản xuất nông nghiệp, các dịch vụ khuyến nông, khuyến lâm, dịch vụ bảo vệ thực vật, thú y, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và kỹ thuật nghiệp vụ đối với sản xuất, kinh doanh dịch vụ công thương nghiệp.

Thứ hai, về tiền hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với cá nhân trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp.

Mức hỗ trợ đào tạo nghề và tìm kiếm việc làm đối với hộ cá nhân trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp được quy định tại khoản 6 Điều 4 Nghị định 01/2017/NĐ-CP:

Tiền hỗ trợ = Diện tích đất được bồi thường (m2) x Giá đất nông nghiệp trong bảng giá đất x Hệ số bồi thường do địa phương quy định

Địa phương quy định giá đất nông nghiệp, và hệ số bồi thường do địa phương quy định nhưng mức tối đa là không quá 05 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất đối với diện tích đất nông nghiệp thu hồi nằm trong hạn mức giao đất ở địa phương.


4. Thẩm quyền thu hồi đất nông nghiệp

Theo quy định tại Điều 66 Luật đất đai 2013, khi thực hiện thủ tục thu hồi đất thì chỉ có các cơ quan có thẩm quyền mới được ra quyết định thu hồi đất. Theo đó, thẩm quyền thu hồi đất nông nghiệp được quy định cụ thể như sau:

  • Ủy ban nhân dân cấp Tỉnh có thẩm quyền thu hồi đất với các trường hợp là đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích được xã , phường, thị trấn đang quản lý, là đất thuộc quyền sở hữu của các tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;
  • Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền thu hồi đối với phần đất thuộc quyền của các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.

5. Thủ tục thu hồi đất nông nghiệp

Vấn đề thu hồi đất nông nghiệp là vấn đề hết sức phức tạp. Do đó, ngoài việc thu hồi đúng thẩm quyền, thì việc thu hồi đất cũng cần tuân theo các trình tự, thủ tục nhất định. Cụ thể việc thu hồi đất nông nghiệp sẽ tiến hành qua các bước sau:

Bước 1: Thông báo thu hồi đất

  • Trước hết cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất tiến hành thông báo về việc thu hồi đất chậm nhất 90 ngày đối với đất nông nghiệp trước khi có quyết định thu hồi đất;
  • Đối với bước thông báo này thì phải gửi đến những người có đất thu hồi, thông báo trên thông tin đại chúng hay tổ chức các cuộc họp để phổ biến cho những người bị thu hồi đất những thông tin về việc thu hồi đất.

Bước 2: Ra quyết định thu hồi đất

Ở bước này, cơ quan có thẩm quyền tiến hành niêm yết thông tin tại các địa điểm sinh hoạt chung, trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi. Trong đó Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm.

Bước 3: Kiểm kê đất đai, tài sản có trên đất

  • Người sử dụng đất có trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện việc điều tra, khảo sát;
  • Đối với những trường hợp không có sự thiện chí phối hợp từ người sử dụng đất thì các cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm tổ chức vận động, khuyến khích, thuyết phục những đối tượng này. Nếu không vận động, thuyết phục được người sử dụng đất được thì người có thẩm quyền quyết định tiến hành kiểm đếm bắt buộc.

Bước 4: Lấy ý kiến, lập và thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã  nơi có đất thu hồi tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.

Trường hợp người có đất thu hồi không chấp hành thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc và tổ chức thực hiện cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Sau khi tiến hành kiểm đếm tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã phổ biến và niêm yết công khai quyết định phê duyệt phương án bồi thường.

Bước 5: Quyết định phê duyệt và niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

  • Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong cùng một ngày;
  • Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã  phổ biến và niêm yết công khai quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi; gửi quyết định bồi thường, hỗ trợ tái định cư đến từng người có đất thu hồi, trong đó ghi rõ về mức bồi thường, hỗ trợ, bố trí nhà hoặc đất tái định cư (nếu có), thời gian, địa điểm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ; thời gian bố trí nhà hoặc đất tái định cư (nếu có) và thời gian bàn giao đất đã thu hồi cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng;

Bước 6: Tổ chức chi trả bồi thường

Theo quy định tại Điều 93 Luật đất đai, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có hiệu lực thi hành, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường phải chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất thu hồi.

  • Trường hợp cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường chậm chi trả thì khi thanh toán tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất thu hồi, ngoài tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì người có đất thu hồi còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng mức tiền chậm nộp theo quy định của Luật quản lý thuế tính trên số tiền chậm trả và thời gian chậm trả;
  • Trường hợp người có đất thu hồi không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì tiền bồi thường, hỗ trợ được gửi vào tài khoản tạm giữ của Kho bạc nhà nước;
  • Người sử dụng đất được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất mà chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật thì phải trừ đi khoản tiền chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính vào số tiền được bồi thường để hoàn trả ngân sách nhà nước.

6. Cách tính giá đền bù khi bị thu hồi đất nông nghiệp

Như chúng tôi đã trình bày ở trên, khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không thể bồi thường lại bằng một diện tích đất nông nghiệp khác cho người dân thì sẽ thực hiện bồi thường bằng tiền, cách tính giá đền bù cụ thể như sau:

Tiền đền bù đất sẽ được tính theo công thức như sau:

Tiền đền bù đất = Diện tích đất bị thu hồi (m2) x Giá đền bù (vnđ/m2)

Trong đó giá đất được tính như sau:

Giá đất = Giá đất ghi trong bảng giá đất x Hệ số điều chỉnh đất nông nghiệp qua các năm x Hệ số điều chỉnh khác (nếu có)

 


7. Cơ sở pháp lý

  • Luật đất đai 2013;
  • Nghị định 47/2014/NĐ-CP về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất;
  • Nghị định 43/2012/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật đất đai;
  • Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành luật đất đai.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi về quy định thu hồi đất nông nghiệp, bồi thường đất nông nghiệp theo quy định của pháp luật.

Luật Quang Huy là công ty có kinh nghiệm không chỉ trong việc tư vấn pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người sử dụng đất khi bị thu hồi mà còn có bề dày kinh nghiệm trong vai trò là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng khi bị thu hồi đất trong cả nước.

Nếu còn điều gì chưa rõ, cần hỗ trợ, các bạn có thể liên hệ tới Tổng đài tư vấn luật Đất đai trực tuyến của Luật Quang Huy qua HOTLINE 19006588.

Trân trọng./.

Bạn cần tư vấn luật đất đai?
Liên hệ 1900.6784 để được luật sư giải đáp hoàn toàn miễn phí!
5/5 - (1 bình chọn)
Đội ngũ tác giả Công ty Luật Quang Huy
Đội ngũ tác giả Công ty Luật Quang Huy
Với phương châm "Luật sư của mọi nhà", Luật Quang Huy đang nỗ lực không ngừng để tạo nên một hành lang pháp lý vững chắc, an toàn cho Quý khách hàng!
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HỎI MIỄN PHÍ NGAY

Scroll to Top