Thu hồi đất là gì? Thủ tục thu hồi đất

Bạn cần tư vấn luật đất đai?
Liên hệ 1900.6784 để được luật sư giải đáp hoàn toàn miễn phí!

Trong một số trường hợp đặc biệt, Nhà nước thực hiện thu hồi đất của người dân. Vậy các đối tượng bị thu hồi đất theo pháp luật hiện hành? Các trường hợp nào nhà nước thu hồi đất? Cơ quan nào có thẩm quyền thu hồi đất? Nhà nước có quyền thu hồi đất bất cứ lúc nào và vô điều kiện không?

Trong bài viết này, Luật Quang Huy sẽ phân tích và chỉ rõ để các bạn hiểu được các quy định về thu hồi đất.


1. Khái niệm thu hồi đất

Khái niệm thu hồi đất được quy định tại khoản 11 Điều 13 Luật đất đai 2013 như sau:

Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai.


2. Các đối tượng bị thu hồi đất

Các đối tượng bị thu hồi đất có thể kể đến hiện nay là các cá nhân, hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp đang sử dụng đất thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất.


3. Các trường hợp nhà nước thu hồi đất

Không phải trong trường hợp nào Nhà nước cũng có quyền thu hồi đất. Các trường hợp Nhà nước thu hồi đất được quy định tại Luật đất đai 2013 gồm các trường hợp sau:

  • Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh;
  • Thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng;
  • Thu hồi đất do người sử dụng đất có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai;
  • Thu hồi đất do người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất, do chấm dứt việc sử dụng đất theo quy định của pháp luật hoặc do việc sử dụng đất có nguy cơ đe dọa đến tính mạng con người.
Thu hồi đất là gì? Thủ tục thu hồi đất
Thu hồi đất là gì? Thủ tục thu hồi đất

4. Thẩm quyền thu hồi đất

Thẩm quyền thu hồi đất hiện nay được Nhà nước giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện như sau:

Thứ nhất, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:

  • Thu hồi đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
  • Thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.

Thứ hai, Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:

  • Thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư;
  • Thu hồi đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Trong trường hợp trong khu vực thu hồi đất có cả đối tượng quy định thuộc thẩm quyền của cả Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất.


5. Hồ sơ thu hồi đất

Hồ sơ thu hồi đất theo pháp luật hiện hành được xác định dựa vào từng trường hợp thu hồi đất cụ thể như sau:

Hồ sơ thu hồi đất đối với các trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng gồm:

  • Thông báo thu hồi đất (bao gồm kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm) cho người có đất bị thu hồi biết.
  • Phiếu lấy ý kiến khác nhau về từng hộ gia đình.
  • Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
  • Quyết định thu hồi đất.
  • Giấy thông báo mời người bị thu hồi đất lên nhận tiền (nếu người bị thu hồi đồng ý với việc thu hồi đất)
  • Quyết định phê duyệt kết quả bốc thăm suất tái định cư (nếu đồng ý với thu hồi đất)
  • Quyết định cưỡng chế (nếu người bị thu hồi đất không chấp nhận với việc thu hồi đất)

Hồ sơ thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai sẽ bao gồm:

  • Biên bản xử lý vi phạm hành chính của người có thẩm quyền xử phạt.
  • Biên bản xác định hành vi vi phạm (nếu không thuộc trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai).
  • Thông báo thu hồi đất bằng quyết định thu hồi đất cho người có đất bị thu hồi biết.
  • Quyết định cưỡng chế (nếu người bị thu hồi không chấp nhận với việc thu hồi)

Hồ sơ thu hồi đối với trường hợp chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người gồm:

  • Quyết định thu hồi đất.
  • Văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác định mức độ ô nhiễm môi trường, sạt lở, sụt lún…(nếu thuộc trường hợp thu hồi đất có nguy cơ đe dọa tính mạng con người)
  • Quyết định cưỡng chế (nếu người bị thu hồi không chấp nhận với việc thu hồi).

6. Thủ tục thu hồi đất

Để thực hiện thủ tục thu hồi đất, Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các bước sau:

6.1. Bước 1: Thông báo thu hồi đất

Ủy ban nhân dân (UBND) cấp có thẩm quyền thu hồi đất ban hành thông báo thu hồi đất ban hành thông báo thu hồi đất.

6.2. Bước 2: Ra quyết định thu hồi đất

Căn cứ vào thẩm quyền thu hồi đất mà Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện sẽ ban hành quyết định thu hồi đất.

6.3. Bước 3: Kiểm kê đất đai, tài sản có trên đất

Người sử dụng đất có trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được vận động, thuyết phục mà người sử dụng đất vẫn không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc.

6.4. Bước 4: Lấy ý kiến, lập và thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ lấy ý kiến của người dân, dựa vào căn cứ đó mà quyết định lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhanh chóng và hợp lý nhất đối với người dân nằm trong khu vực bị thu hồi đất.

6.5. Bước 5: Quyết định phê duyệt và niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

Sau khi đã ban hành quyết định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành niêm yết công khai văn bản đó tại nơi có đất bị thu hồi để người dân biết và hiểu các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

6.6. Bước 6: Tổ chức chi trả bồi thường

Theo quy định tại Điều 93 Luật Đất đai, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có hiệu lực thi hành, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường phải chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất thu hồi.


7. Nhà nước có quyền thu hồi đất bất cứ lúc nào và vô điều kiện không?

Theo tinh thần của pháp luật đất đai hiện hành, Nhà nước chỉ có quyền thu hồi đất nếu thửa đất đó thuộc trường hợp bị thu hồi đất, có đầy đủ các hồ sơ chứng minh về việc thu hồi là hợp pháp và phải có quyết định thu hồi đất do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Bên cạnh đó, việc thu hồi cũng phải được thực hiện và tuân thủ nghiêm ngặt những bước nhất định như chúng tôi phân tích phía trên.

Như vậy có thể thấy rằng, Nhà nước có quyền thu hồi đất của người dân nhưng không phải bất cứ lúc nào và vô điều kiện Nhà nước đều có thể thực hiện hành vi này.


8. Cơ sở pháp lý

  • Luật đất đai 2013.

Trên đây là toàn bộ nội dung hướng dẫn của chúng tôi về các trường hợp cơ quan nhà nước thu hồi đất, thẩm quyền thu hồi đất cũng như thủ tục thu hồi đất theo pháp luật hiện hành.

Luật Quang Huy là công ty có kinh nghiệm không chỉ trong việc tư vấn pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người sử dụng đất khi bị thu hồi mà còn có bề dày kinh nghiệm trong vai trò là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng khi bị thu hồi đất trong cả nước.

Nếu còn điều gì chưa rõ, cần hỗ trợ, các bạn có thể liên hệ tới Tổng đài tư vấn luật Đất đai trực tuyến của Luật Quang Huy qua HOTLINE 19006588.

Trân trọng./.

Bạn cần tư vấn luật đất đai?
Liên hệ 1900.6784 để được luật sư giải đáp hoàn toàn miễn phí!
5/5 - (5 bình chọn)
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HỎI MIỄN PHÍ NGAY

Scroll to Top
Mục lục