Nếu cần được hỗ trợ về thuế thu nhập cá nhân vui lòng gọi Tổng đài 1900.6795 để được tư vấn miễn phí. Ngoài ra, nếu có nhu cầu sử dụng dịch vụ kế toán - thuế, bạn vui lòng liên hệ hotline 09.678910.86. Trân trọng.
Hiện nay, nhiều người lao động được công ty hỗ trợ tiền thuê nhà. Vậy tiền thuê nhà có tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) không? Nếu có thì tiền thuê nhà tính thuế TNCN như thế nào? Doanh nghiệp có được trừ khoản tiền thuê nhà cho người lao động khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp không? Bài viết sau đây của Luật Quang huy sẽ giúp bạn làm sáng tỏ những vấn đề này.
1. Tiền thuê nhà có tính thuế thu nhập cá nhân không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 sửa đổi, bổ sung năm 2014 và Điều 3 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân bao gồm các khoản như sau:
Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm các khoản như: tiền nhà ở, điện, nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có), không bao gồm các khoản như: khoản lợi ích về nhà ở, điện nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có) đối với nhà ở do người sử dụng lao động xây dựng để cung cấp miễn phí cho người lao động làm việc tại khu công nghiệp; nhà ở do người sử dụng lao động xây dựng tại khu kinh tế, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn cung cấp miễn phí cho người lao động làm việc tại đó.
Do đó, tiền thuê nhà ở do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế thu nhập cá nhân được hưởng thì vẫn tính thuế thu nhập cá nhân nếu đáp ứng điều kiện theo luật định.
2. Tiền thuê nhà tính thuế TNCN như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC và khoản 2 Điều 11 Thông tư số 92/2015/TT-BTC, tiền thuê nhà tính thuế thu nhập cá nhân được xác định như sau:
- Khoản tiền thuê nhà, điện nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có) đối với nhà ở do đơn vị sử dụng lao động trả hộ tính vào thu nhập chịu thuế theo số thực tế trả hộ nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế phát sinh (chưa bao gồm tiền thuê nhà, điện nước và dịch vụ kèm theo) tại đơn vị không phân biệt nơi trả thu nhập;
- Phần vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế (chưa bao gồm tiền thuê nhà): là phần không tính vào thu nhập chịu thuế của người lao động;
- Khoản tiền thuê nhà mà doanh nghiệp trả hộ cho người lao động không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế (chưa bao gồm tiền thuê nhà): là khoản tiền được tính vào thu nhập chịu thuế của người lao động.

Lưu ý: Một số trường hợp cần lưu ý theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 92/2015/TT-BTC như sau:
- Trường hợp cá nhân ở tại trụ sở làm việc thì thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân căn cứ vào tiền thuê nhà hoặc chi phí khấu hao, tiền điện, nước và các dịch vụ khác tính theo tỷ lệ giữa diện tích cá nhân sử dụng với diện tích trụ sở làm việc;
- Tiền nhà ở, điện, nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có), không bao gồm các khoản sau: khoản lợi ích về nhà ở, điện nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có) đối với nhà ở do người sử dụng lao động xây dựng để cung cấp miễn phí cho người lao động làm việc tại khu công nghiệp; nhà ở do người sử dụng lao động xây dựng tại khu kinh tế, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn cung cấp miễn phí cho người lao động làm việc tại đó.
Ví dụ: Bà A đi làm tại công ty có thu nhập phát sinh trong một tháng như sau:
- Lương cơ bản: 9.000.000 đồng;
- Phụ cấp chức vụ: 1.500.000 đồng;
- Phụ cấp thuê nhà: 5.000.000 đồng;
- Phụ cấp cơm trưa: 730.000 đồng; (là mức phụ cấp không tính thuế)
Tổng thu nhập của bà A: 16.230.000 đồng.
Như vậy: Tổng thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của bà A (chưa bao gồm tiền thuê nhà) = 16.230.000 – 5.000.000 – 730.000 = 10.500.000 đồng.
Tiền thuê nhà tính vào thu nhập chịu thuế = 15% x 10.500.000 = 1.575.000 đồng.
Tổng thu nhập chịu thuế (bao gồm tiền thuê nhà) = 10.500.000 + 1.575.000 = 12.075.000 đồng.
Do đó, trong số tiền phụ cấp nhà ở mà công ty trả cho bạn, chỉ tính 1.575.000 đồng vào thu nhập chịu thuế của bạn. Phần còn lại (5.000.000 – 1.575.000 = 3.425.000 đồng) không phải tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân.
Trong trường hợp này, bà A phải nộp thuế thu nhập cá nhân trên tổng thu nhập chịu thuế là 12.075.000 đồng.
3. Tiền thuê nhà cho người lao động được trừ thuế thu nhập doanh nghiệp?
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 của Thông tư số 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, doanh nghiệp ký hợp đồng lao động với người lao động trong đó có ghi khoản chi về tiền nhà do doanh nghiệp trả cho người lao động, khoản chi trả này có tính chất tiền lương, tiền công và có đầy đủ hoá đơn, chứng từ theo quy định thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo đó, tiền thuê nhà do doanh nghiệp trả cho người lao động sẽ được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, tuy nhiên doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu về hồ sơ chứng từ sau đây:
- Chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân cho chủ nhà (nếu có);
- Chứng từ trả tiền thuê nhà;
- Hợp đồng thuê nhà;
- Nêu rõ các quy chế thưởng phạt do chủ doanh nghiệp, hội đồng quản trị, giám đốc quy định đối với quy chế tài chính và tổng công ty theo quy định;
- Quy chế tài chính của công ty, tập đoàn lao động;
- Quy chế và thỏa ước lao động tập thể;
- Hợp đồng lao động.
Tóm lại, tiền thuê nhà do doanh nghiệp trả cho người lao động sẽ được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp nếu doanh nghiệp đáp ứng điều kiện theo luật định.
4. Cơ sở pháp lý
- Luật thuế thu nhập cá nhân năm 2007 sửa đổi, bổ sung năm 2014;
- Thông tư 92/2015/TT-BTC hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng; hướng dẫn thực hiện một số nội dung sửa đổi, bổ sung về thuế thu nhập cá nhân quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế số 71/2014/QH13 và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ;
- Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý thuế;
- Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi về vấn đề: tiền thuê nhà tính thuế thu nhập cá nhân.
Để được tư vấn đầy đủ và chính xác nhất, mời quý khách hàng liên hệ qua Tổng đài tư vấn Thuế thu nhập cá nhân trực tuyến của HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để nhận tư vấn thêm về vấn đề mà quý khách hàng đang gặp phải.
Trân trọng./.