Nếu cần được hỗ trợ về thuế VAT, vui lòng gọi Tổng đài 1900.6795 để được tư vấn miễn phí. Ngoài ra, nếu có nhu cầu sử dụng dịch vụ kế toán - thuế, bạn vui lòng liên hệ hotline 09.678910.86. Trân trọng.
Tùy vào từng loại hàng hóa, dịch vụ sẽ có mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) khác nhau. Bên cạnh những hàng hóa dịch vụ chịu thuế suất 0%, 5% thì hàng hóa dịch vụ còn lại sẽ phải chịu thuế suất 10%. Vậy đối tượng chịu thuế GTGT 10% bao gồm những mặt hàng nào? Hãy cùng Luật Quang Huy tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
1. Các mặt hàng – đối tượng chịu thuế GTGT 10%
Đối tượng chịu thuế suất giá trị gia tăng 10% được quy định tại Điều 11 Thông tư 219/2013/TT-BTC ban hành ngày 31/12/2013. Theo đó, thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không được quy định tại Điều 4, Điều 9 và Điều 10 Thông tư trên.
- Thứ nhất, điều 4 quy định các mặt hàng thuộc đối tượng không phải chịu thuế;
- Thứ hai, điều 9 quy định về các mặt hàng thuộc đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân 0%;
- Thứ ba, điều 10 quy định về các mặt hàng thuộc đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân 5%.
Các mức thuế suất thuế giá trị gia tăng được áp dụng thống nhất cho từng loại hàng hóa, dịch vụ ở các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công hay kinh doanh thương mại.
Ví dụ: Hàng may mặc áp dụng thuế suất là 10% thì mặt hàng này ở khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công hay kinh doanh thương mại đều áp dụng thuế suất 10%.
Phế liệu, phế phẩm được thu hồi để tái chế, sử dụng lại khi bán ra áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng theo thuế suất của mặt hàng phế liệu, phế phẩm bán ra.
Cơ sở kinh doanh nhiều loại hàng hóa, dịch vụ có mức thuế suất giá trị gia tăng khác nhau phải khai thuế giá trị gia tăng theo từng mức thuế suất quy định đối với từng loại hàng hóa, dịch vụ; nếu cơ sở kinh doanh không xác định theo từng mức thuế suất thì phải tính và nộp thuế theo mức thuế suất cao nhất của hàng hóa, dịch vụ mà cơ sở sản xuất, kinh doanh.
2. Một vài trường hợp cần lưu ý và phải áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%
2.1. Dịch vụ cung cấp thông tin tín dụng
Ví dụ: Tổ chức X là đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước được Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện dịch vụ cung cấp thông tin tín dụng.
Năm 2021, tổ chức X ký hợp đồng cung cấp thông tin tín dụng cho một số ngân hàng thương mại phục vụ hoạt động cấp tín dụng và phục vụ hoạt động khác của ngân hàng thương mại thì:
- Doanh thu từ dịch vụ cung cấp thông tin tín dụng phục vụ hoạt động cấp tín dụng thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng;
- Doanh thu từ dịch vụ cung cấp thông tin tín dụng phục vụ hoạt động khác của ngân hàng thương mại không theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với thuế suất 10%.

2.2. Khoản chi hỗ trợ để thực hiện chương trình khuyến mại, tiếp thị, trưng bày sản phẩm
Ví dụ: Công ty cổ phần Sữa Quang Huy có chi tiền cho các nhà phân phối (là tổ chức, cá nhân kinh doanh) để thực hiện chương trình khuyến mại (theo quy định của pháp luật về hoạt động xúc tiến thương mại), tiếp thị, trưng bày sản phẩm cho Công ty (nhà phân phối nhận tiền này để thực hiện dịch vụ cho Công ty).
Khi nhận tiền, trường hợp nhà phân phối là người nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ lập hóa đơn giá trị gia tăng và tính thuế giá trị gia tăng theo thuế suất 10%, trường hợp nhà phân phối là người nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp thì sử dụng hóa đơn bán hàng và xác định số thuế phải nộp theo tỷ lệ (%) trên doanh thu theo quy định.
2.3. Các loại nước uống đóng chai, đóng bình và các loại nước giải khát khác thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất 10%.
2.4. Tiêu dùng nội bộ nhưng không phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh
Ví dụ: Công ty Y là doanh nghiệp sản xuất nước uống đóng chai, giá chưa có thuế giá trị gia tăng 1 chai nước đóng chai trên thị trường là 4.000 đồng.
Công ty Y xuất ra 300 chai nước đóng chai với mục đích không phục vụ sản xuất kinh doanh thì Công ty Y phải kê khai, tính thuế giá trị gia tăng 10% đối với 300 chai nước xuất dùng không phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh nêu trên với giá tính thuế là 4.000 x 300 = 1.200.000 đồng.
2.5. Thực phẩm đã qua tẩm ướp gia vị thì áp dụng thuế suất 10%.
Ví dụ: Công ty TNHH A sản xuất cá bò tươi tẩm gia vị theo quy trình: cá bò tươi đánh bắt về được cắt phi-lê, sau đó tẩm ướp với đường, muối, solpitol, đóng gói, cấp đông thì mặt hàng cá bò tươi tẩm gia vị không thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5% mà thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%.
2.6. Cơ sở pháp lý
- Luật thuế giá trị gia tăng 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2013, 2016;
- Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật thuế giá trị gia tăng và nghị định số 209/2013/NĐ-CP của chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật thuế giá trị gia tăng.
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về vấn đề Đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 10% theo quy định pháp luật hiện hành. Qua bài viết này, chúng tôi mong rằng sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Để được tư vấn đầy đủ và chính xác nhất, mời quý khách hàng liên hệ qua Tổng đài tư vấn thuế giá trị gia tăng trực tuyến của HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để nhận tư vấn thêm về vấn đề mà quý khách hàng đang gặp phải.
Trân trọng./.