Thủ tục và hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu

Thủ tục và hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu
Luật Quang Huy có cung cấp dịch vụ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu, logo, quyền tác giả, sáng chế, quyền sở hữu công nghiệp,...và tất cả dịch vụ khác liên quan tới sở hữu trí tuệ. Nếu quý khách hàng đang có nhu cầu sử dụng dịch vụ, vui lòng gọi Tổng đài 1900.6671 (trong giờ hành chính) hoặc hotline 0369.246.588 (ngoài giờ hành chính) để được tư vấn miễn phí. Xin cảm ơn.

Nhãn hiệu là tài sản trí tuệ được pháp luật bảo hộ thông qua việc đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên vì một lý do nào đó chủ sở hữu sẽ có nhu cầu muốn chuyển nhượng nhãn hiệu của mình cho người khác. Khi này, đòi hỏi cá nhân, tổ chức cần nắm rõ quy trình chuyển nhượng nhãn hiệu và thủ tục chuyển nhượng nhãn hiệu.

Bài viết dưới đây của Luật Quang Huy sẽ giúp bạn hiểu hơn về thủ tục và hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu.


1. Chuyển nhượng nhãn hiệu là gì?

Nhãn hiệu được xem là tài sản vô hình gắn liền với chủ sở hữu, chủ sở hữu được sử dụng nhãn hiệu trong thời hạn 10 năm kể từ ngày nộp nộp đơn và được gia hạn văn bằng bảo hộ. Trong quá trình sử dụng, chủ sở hữu có thể chuyển nhượng nhãn hiệu của mình cho người khác.

Chuyển nhượng nhãn hiệu là việc chủ sở hữu muốn chuyển giao quyền sở hữu đối với nhãn hiệu của mình cho tổ chức, cá nhân khác. Việc chuyển nhượng nhãn hiệu sẽ phụ thuộc vào quyết định của chủ sở hữu. Tuy nhiên quá trình làm thủ tục chuyển nhượng nhãn hiệu vẫn phải chịu sự quản lý của nhà nước thông qua việc đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu.


2. Chuyển nhượng nhãn hiệu với chuyển nhượng thương hiệu có phải là một?

Định nghĩa nhãn hiệu theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ thì nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.

Mặt khác, thương hiệu lại là dấu hiệu dùng để nhận biết một sản phẩm hàng hóa hay một dịch vụ nào đó được sản xuất bởi cá nhân hay tổ chức nào.

Trên thực tế do khái niệm của “nhãn hiệu” và “thương hiệu” thường xuyên được nhắc đến trong đời sống nên nhiều người cho rằng cả hai là một. Điều này dẫn đến việc nhầm lẫn giữa “chuyển nhượng nhãn hiệu” với “chuyển nhượng thương hiệu”.

Tuy nhiên hiện nay pháp luật không đề cập đến khái niệm “thương hiệu” cũng như “thương hiệu” không thuộc đối tượng bảo hộ của Luật Sở hữu trí tuệ, vì thế mà thủ tục chuyển nhượng thương hiệu sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về chuyển nhượng nhãn hiệu.


3. Điều kiện chuyển nhượng nhãn hiệu

Để có thể thực hiện việc chuyển nhượng nhãn hiệu thì cả bên chuyển nhượng lẫn bên nhận chuyển nhượng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Chủ sở hữu nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng nhãn hiệu trong phạm vi được bảo hộ
  • Việc chuyển nhượng không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc hàng hóa, tên thương mại
  • Không được gây ra nhầm lẫn về các nhãn hiệu liên kết của công ty đối với hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu
  • Quyền đối với nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân đáp ứng được các điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu đó

4. Các điều kiện hạn chế việc chuyển nhượng nhãn hiệu

Căn cứ theo Điều 139 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009, 2019 thì không phải mọi nhãn hiệu đã được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đều được chuyển nhượng và không phải mọi chủ thể đều được chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng mà phải tuân theo một số điều kiện hạn chế sau đây:

  • Chủ sở hữu nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng quyền của mình trong phạm vi được bảo hộ;
  • Việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.
  • Quyền đối với nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu đó.
Thủ tục và hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu
Thủ tục và hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu

5. Hồ sơ chuyển nhượng nhãn hiệu

Người yêu cầu chuyển nhượng cần chuẩn bị các đầu mục hồ sơ để nộp trực tiếp tại Cục Sở hữu trí tuệ, cụ thể là:

  • Bản gốc hoặc bản sao hợp lệ hợp đồng;
  • Bản gốc văn bằng bảo hộ;
  • Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, văn bản giải trình lý do không đồng ý của bất kỳ đồng chủ sở hữu nào về việc chuyển giao quyền nếu quyền sở hữu nhãn hiệu thuộc sở hữu chung;
  • Chứng từ nộp phí, lệ phí;
  • Giấy ủy quyền nộp hồ sơ (nếu có);
  • Tờ khai đăng ký chuyển nhượng nhãn hiệu theo mẫu quy định.

6. Thủ tục chuyển nhượng nhãn hiệu

Về quy trình thủ tục chuyển nhượng nhãn hiệu được thực hiện theo các bước như sau:

Bước 1: Các bên thỏa thuận và xác lập hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu

Hai bên nhận và chuyển sẽ thỏa thuận về việc ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu trước khi soạn thảo và ký kết hợp đồng

Bước 2: Thực hiện đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ

Bên chuyển nhượng nộp một bộ hồ sơ theo các đầu mục được liệt kê như phần trên để thực hiện đăng ký hợp đồng chuyển nhượng tại Cục Sở hữu trí tuệ.

Bước 3: Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng

Trường hợp hồ sơ đăng ký hợp lệ thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ:

  • Ra quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu cho cá nhân, tổ chức.
  • Tiến hành ghi nhận và văn bằng bảo hộ chủ sở hữu mới, ghi nhận việc chuyển nhượng quyền sở hữu đối với nhãn hiệu và Sổ đăng ký quốc gia về chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp.
  • Cuối cùng là công bố quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp trên Công báo sở hữu công nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ký quyết định.

Trường hợp hồ sơ đăng ký chuyển nhượng nhãn hiệu còn thiếu sót Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện các thủ tục sau đây:

  • Ra thông báo dự định từ chối đăng ký hợp đồng, trong đó nêu rõ các thiếu sót của hồ sơ, ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ký thông báo để người nộp hồ sơ sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối về dự định từ chối đăng ký hợp đồng;
  • Ra quyết định từ chối đăng ký hợp đồng nếu người nộp hồ sơ không sửa chữa thiếu sót hoặc có sửa chữa thiếu sót nhưng không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc có ý kiến phản đối nhưng không xác đáng về dự định từ chối đăng ký hợp đồng trong thời hạn đã được ấn định.

7. Nội dung của hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu

Hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu sẽ bao gồm những nội dung sau:

  • Căn cứ pháp lý của hợp đồng dựa vào nội dung của hợp đồng thuộc phạm vi điều chỉnh của luật nào;
  • Chủ thể hợp đồng: bao gồm bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng, đây là nội dung quan trọng và bắt buộc của hợp đồng;
  • Căn cứ chuyển nhượng theo thỏa thuận của hai bên
  • Phạm vi chuyển nhượng;
  • Phi chuyển nhượng;
  • Quyền và nghĩa vụ của các bên;
  • Điều khoản sửa đổi, hủy bỏ hiệu lực của hợp đồng;
  • Hiệu lực hợp đồng;
  • Luật áp dụng và giải quyết tranh chấp;
  • Thẩm quyền ký kết.

Ngoài những nội dung trên các bên hoàn toàn có thể thỏa thuận các nội dung khác tuy nhiên phải đảm bảo không trái với quy định của pháp luật.


8. Mẫu hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu

Bạn đọc có thể tham khảo và tải về mẫu hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu tại đây:

TẢI MẪU HỢP ĐỒNG CHUYỂN NHƯỢNG NHÃN HIỆU


9. Hướng dẫn cách điền hợp đồng chuyển nhượng thương hiệu

Phần 1: Thông tin chung của bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng

Điền đầy đủ thông tin của hai bên chủ thể (bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng) trong quan hệ hợp đồng chuyển quyền nhượng nhãn hiệu bao gồm: Tên doanh nghiệp, trụ sở chính, điện thoại, mã số thuế, tài khoản số, đại diện, chức vụ, theo giấy ủy quyền số (nếu có).

Phần 2: Các điều khoản trong hợp đồng

Bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng điền đầy đủ các thông tin theo mẫu chúng tôi đã cung cấp bên trên. Hoặc các bên ký kết hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu có thể thỏa thuận các điều khoản trong hợp đồng nhưng phải đảm bảo thể hiện các nội dung sau đây:

  • Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng;
  • Căn cứ chuyển nhượng nhãn hiệu;
  • Dạng hợp đồng;
  •  Phạm vi chuyển nhượng, gồm giới hạn quyền sử dụng, giới hạn lãnh thổ;
  • Thời hạn hợp đồng;
  • Giá chuyển nhượng;
  • Quyền và nghĩa vụ của các bên.

Phần 3: Ký

Đại diện bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng ký và ghi rõ họ tên.


10. Chi phí chuyển nhượng nhãn hiệu?

Căn cứ theo BIỂU MỨC THU PHÍ, LỆ PHÍ SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP (Ban hành kèm theo Thông tư số 263/2016/TT-BTC ngày 14 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài chính) thì chi phí chuyển nhượng nhãn hiệu bao gồm các khoản cụ thể như sau:

STT Nội dung Mức thu (Nghìn đồng)
1. Phí thẩm định hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu 230.000 đồng/ Văn bằng bảo hộ
2. Phí tra cứu nhãn hiệu liên kết phục vụ việc thẩm định hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng 180.000 đồng/Văn bằng bảo hộ

 

3. Phí công bố Quyết định ghi nhận chuyển nhượng nhãn hiệu 120.000 đồng/đơn

 

4. Phí đăng bạ Quyết định ghi nhận chuyển nhượng nhãn hiệu 120.000 đồng/Văn bằng bảo hộ
5. Phí thẩm định quyền nộp đơn và quy chế sử dụng nhãn hiệu (trường hợp chuyển nhượng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận) 550.000 đồng/đơn

 

6. Lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (trường hợp chuyển nhượng một phần danh mục hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu) 120.000 đồng/Văn bằng bảo hộ.

11. Cơ sở pháp lý

  • Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung 2009, 2019;
  • Thông tư 263/2019/TT-BTC quy định phí, lệ phí sở hữu công nghiệp.

Trên đây là toàn bộ nội dung trả lời cho vấn đề “Thủ tục và hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu”. Qua bài viết này, chúng tôi mong rằng sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Nếu còn điều gì chưa rõ, cần hỗ trợ, các bạn có thể liên hệ đến Tổng đài tư vấn luật Sở hữu trí tuệ trực tuyến của Luật Quang Huy qua HOTLINE 19006588.

Trân trọng./.

5/5 - (2 bình chọn)

TÁC GIẢ BÀI VIẾT

Nguyễn Quang Huy
Nguyễn Quang Huy
Cố vấn cao cấp, giảng viên khoa pháp luật kinh tế – trường Đại học Luật Hà Nội. Tốt nghiệp Thạc sĩ Luật Đại học Duke (Hoa Kỳ), có nhiều kinh nghiệm làm việc tại các công ty luật lớn trên thế giới.
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
chat-zalo
phone-call

TƯ VẤN MIỄN PHÍ NGAY!

Scroll to Top
Mục lục