Điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp

Điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Luật Quang Huy có cung cấp dịch vụ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu, logo, quyền tác giả, sáng chế, quyền sở hữu công nghiệp,...và tất cả dịch vụ khác liên quan tới sở hữu trí tuệ. Nếu quý khách hàng đang có nhu cầu sử dụng dịch vụ, vui lòng gọi Tổng đài 1900.6671 (trong giờ hành chính) hoặc hotline 0369.246.588 (ngoài giờ hành chính) để được tư vấn miễn phí. Xin cảm ơn.

Trước khi tiến hành bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, bạn phải nắm được điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp bao gồm những gì và các đối tượng nào sẽ không được bảo hộ dưới danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp. Trong bài viết này, Luật Quang Huy sẽ giải đáp cho khách hàng toàn bộ những nội dung trên.


1. Điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp chung

Hiện nay, trong nền kinh tế cạnh tranh ngày càng khốc liệt, để có thể đứng vững và cạnh tranh với các đối thủ khác, các doanh nghiệp phải không ngừng đầu tư cải tiến sản phẩm của mình, bên cạnh cạnh tranh về chất lượng thì kiểu dáng bên ngoài của sản phẩm cũng quan trọng không kém.

Theo quy định tại khoản 13 Điều 4 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019:

Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện dưới dạng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này.

Sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp được hiểu là đồ vật, dụng cụ, thiết bị, phương tiện, bao gói sản phẩm, nhãn sản phẩm… thuộc mọi lĩnh vực, có kết cấu và chức năng nhất định, được sản xuất và lưu thông một cách độc lập.

Như vậy, kiểu dáng công nghiệp có vai trò quan trọng nhất đối với nền công nghiệp sản xuất hàng hóa, bởi lẽ, kiểu dáng sản phẩm là yếu tố đầu tiên giúp thu hút thị hiếu của người tiêu dùng, sản phẩm có kiểu dáng bắt mắt, độc đáo sẽ càng thu hút khách hàng. Ngoài ra kiểu dáng công nghiệp còn quyết định tới công năng và tiện ích sử dụng, bởi vì kiểu dáng công nghiệp càng tối ưu thì công năng và tiện ích sử dụng của nó càng được tăng lên gấp bội.

Về điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp được quy định tại Điều 63 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019:

Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Có tính mới;
  • Có tính sáng tạo;
  • Có khả năng áp dụng công nghiệp.

Ví dụ: kiểu dáng công nghiệp hộp đựng sản phẩm. Khi đăng ký kiểu dáng công nghiệp Hộp đựng sản phẩm, Quý khách sẽ được bảo hộ những đường nét, màu sắc, hình ảnh thể hiện trên hộp đựng. Kiểu dáng công nghiệp Chai (lọ). Quý khách sẽ được bảo hộ hình khối tạo nên cái chai (lọ).


2. Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp

Theo quy định tại Điều 64 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 các đối tượng sau đây không được bảo hộ là kiểu dáng công nghiệp:

  • Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có. Hình dáng, kiểu dáng chỉ đơn thuần mang tính chức năng và thuận tiện cho việc sử dụng như cầm, nắm, bảo quản, sắp xếp vào kho, vào hộp…
  • Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp;
  • Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm.

Những đối tượng này không thể hiện tính mới, tính sáng tạo nhiều vì những kiểu dáng kiến trúc, kiểu dáng mang tính chức năng hoặc đặc tính kỹ thuật của sản phẩm kỹ thuật bắt buộc phải có, thì không được bảo hộ là kiểu dáng công nghiệp.

Như vậy, trước khi nộp đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, người nộp đơn cần nắm rõ những yêu cầu trên đây để quá trình xét duyệt được diễn ra thuận lợi và phù hợp với quy định của pháp luật.


3. Tính mới của kiểu dáng công nghiệp

Sản phẩm có kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính mới nếu:

  • Kiểu dáng đó khác biệt đáng kể với những kiểu dáng đã được công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên (nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên).
  • Theo đó, 02 kiểu dáng công nghiệp được coi là khác biệt đáng kể với nhau nếu có sự khác biệt về những đặc điểm tạo dáng giúp người nhìn dễ dàng nhận biết, ghi nhớ và có thể dùng để phân biệt tổng thể hai kiểu dáng công nghiệp đó (khoản 2 Điều 65 Luật Sở hữu trí tuệ 2005).
  • Kiểu dáng công nghiệp được coi là chưa bị bộc lộ công khai nếu chỉ có một số người có hạn được biết và những người này có nghĩa vụ giữ bí mật về kiểu dáng công nghiệp đó.

Ngoài ra, một kiểu dáng công nghiệp vẫn không bị coi là mất đi tính mới nếu được công bố trong các trường hợp sau đây:

  • Kiểu dáng công nghiệp bị người khác công bố nhưng không được phép của người có quyền đăng ký;
  • Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký công bố dưới dạng báo cáo khoa học;
  • Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức.

Để được coi là không mất đi tính mới nếu được công bố trong các trường hợp nêu trên, người có quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp phải làm đơn đăng ký bảo hộ trong vòng sáu tháng kể từ ngày công bố.

Ví dụ: Tính mới kiểu dáng công nghiệp xe ô tô (hình dáng bên ngoài). Kiểu dáng công nghiệp xe ô tô được coi là có tính mới khi mà kiểu dáng công nghiệp này chưa từng được công bố hoặc sử dụng ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Theo đó, cách đánh giá một kiểu dáng công nghiệp có được coi là có tính mới hay không thì cần tiến hành so sánh tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản của kiểu dáng công nghiệp cần đăng ký với tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản của kiểu dáng công nghiệp trùng lặp/tương tự gần nhất dùng làm kiểu dáng công nghiệp đối chứng tìm được trong quá trình tra cứu thông tin.

Điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp

4. Tính sáng tạo của kiểu dáng công nghiệp

Để đánh giá tính sáng tạo của kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn, phải tiến hành so sánh tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản của kiểu dáng công nghiệp đó với tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản của từng kiểu dáng công nghiệp đối chứng trùng lặp hoặc tương tự tìm được trong quá trình tra cứu thông tin.

Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo nếu căn cứ vào các kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ công khai thấy rằng kiểu dáng đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng (Điều 66 Luật Sở hữu trí tuệ).

Như vậy, kiểu dáng công nghiệp đó được coi là có tính sáng tạo nếu nó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng.

Người có hiểu biết trung bình là người có các kỹ năng thực hành kỹ thuật thông thường và biết rõ các kiến thức chung phổ biến trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng.

Các trường hợp sau đây sẽ không được coi là kiểu dáng công nghiệp có tính sáng tạo:

  • Là sự kết hợp đơn thuần của các đặc điểm tạo dáng đã biết (các đặc điểm tạo dáng đã được bộc lộ công khai được sắp đặt hoặc lắp ghép với nhau một cách đơn thuần như thay thế, thay đổi vị trí, tăng giảm số lượng…);
  • Là hình dáng sao chép/mô phỏng một phần hoặc toàn bộ hình dáng tự nhiên vốn có của cây cối, hoa quả, các loài động vật…, hình dáng của các hình hình học (hình tròn, hình elip, hình tam giác, hình vuông, chữ nhật, hình đa giác đều…) đã được biết rộng rãi;
  • Là sự sao chép đơn thuần hình dáng các sản phẩm, công trình đã nổi tiếng hoặc được biết đến một cách rộng rãi ở Việt Nam hoặc trên thế giới;
  • Mô phỏng kiểu dáng công nghiệp thuộc lĩnh vực khác, nếu sự mô phỏng đó đã được biết đến rộng rãi trên thực tế (ví dụ: đồ chơi mô phỏng ô tô, xe máy…).

5. Khả năng áp dụng công nghiệp của kiểu dáng công nghiệp

Một trong những yêu cầu khi thẩm định khả năng đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp là kiểu dáng đó có thể dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt sản phẩm có hình dáng bên ngoài bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.

Tức là, nếu căn cứ vào các thông tin về kiểu dáng công nghiệp được trình bày trong đơn, người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng có thể ứng dụng làm mẫu để chế tạo bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp sản phẩm có hình dáng bên ngoài trùng với kiểu dáng công nghiệp đó.

Trong các trường hợp sau đây, đối tượng nêu trong đơn bị coi là không có khả năng áp dụng công nghiệp:

  • Đối tượng nêu trong đơn là hình dáng của sản phẩm có trạng thái tồn tại không cố định (các sản phẩm ở thể khí, chất lỏng…);
  • Chỉ có thể tạo ra sản phẩm có hình dáng như đối tượng nêu trong đơn nhờ có kỹ năng đặc biệt hoặc không thể lặp đi lặp lại việc chế tạo ra sản phẩm có hình dáng như đối tượng nêu trong đơn;
  • Các trường hợp với lý do xác đáng khác.

Sau quá trình tra cứu sơ bộ và tra cứu chính thức đáp ứng được đầy đủ 3 điều kiện trên, kiểu dáng công nghiệp mà doanh nghiệp muốn đăng ký được đánh giá là có khả năng đăng ký và có thể tiến hành thủ tục nộp đơn theo quy định.


6. Quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp

Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019 và Nghị định 103/2006/NĐ-CP quy định, có 03 nhóm đối tượng có quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp, cụ thể:

Thứ nhất, tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp

Căn cứ tại Điều 86 Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 quy định như sau:

  • Tác giả tạo ra kiểu dáng công nghiệp bằng công sức và chi phí của mình. Tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để sáng tạo ra kiểu dáng công nghiệp có quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp.
  • Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác và thỏa thuận đó không trái với quy định đăng ký đối với kiểu dáng công nghiệp được tạo ra do sử dụng cơ sở vật chất – kỹ thuật, kinh phí từ ngân sách nhà nước.

Thứ hai, quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp thuộc về Nhà nước

Theo Điều 9 Nghị định 103/2006/NĐ-CP  quy định quyền đăng ký của Nhà nước gồm:

  • Trường hợp kiểu dáng công nghiệp được tạo ra trên cơ sở Nhà nước đầu tư toàn bộ kinh phí, phương tiện vật chất – kỹ thuật, quyền đăng kiểu dáng công nghiệp thuộc về Nhà nước. Tổ chức, cơ quan nhà nước được giao quyền chủ đầu tư có trách nhiệm đại diện Nhà nước thực hiện quyền đăng ký nói trên.
  • Trong trường hợp kiểu dáng công nghiệp được tạo ra trên cơ sở Nhà nước góp vốn (kinh phí, phương tiện vật chất – kỹ thuật), một phần quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp tương ứng với tỷ lệ góp vốn thuộc về Nhà nước. Tổ chức, cơ quan nhà nước là chủ phần vốn đầu tư của Nhà nước có trách nhiệm đại diện Nhà nước thực hiện phần quyền đăng ký nói trên.
  • Trường hợp kiểu dáng công nghiệp được tạo ra trên cơ sở hợp tác nghiên cứu – phát triển giữa tổ chức, cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân khác, nếu trong thoả thuận hợp tác nghiên cứu – phát triển không có quy định khác thì một phần quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp tương ứng với tỷ lệ đóng góp của tổ chức, cơ quan nhà nước trong việc hợp tác đó, thuộc về Nhà nước. Tổ chức, cơ quan nhà nước tham gia hợp tác nghiên cứu – phát triển có trách nhiệm đại diện Nhà nước thực hiện quyền đăng ký nói trên.
  • Tổ chức, cơ quan nhà nước thực hiện quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp theo quy định trên của Nghị định này, được đại diện nhà nước đứng tên chủ Văn bằng bảo hộ và thực hiện việc quản lý quyền sở hữu công nghiệp đối với các đối tượng đó, có quyền chuyển nhượng phần quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp của Nhà nước cho tổ chức, cá nhân khác với điều kiện tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng phần quyền đăng ký phải trả cho Nhà nước một khoản tiền hoặc các điều kiện thương mại hợp lý khác so với tiềm năng thương mại của sáng kiểu dáng công nghiệp.

Thứ ba, nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để để tạo ra kiểu dáng công nghiệp

Đối với trường hợp có nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra kiểu dáng công nghiệp thì các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký và quyền đăng ký đó chỉ được thực hiện nếu được tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý.

Lưu ý: Đối với (nhiều) tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ sẽ có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp đã nộp đơn đăng ký.

Như vậy, không chỉ có (nhiều) tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký mà Nhà nước cũng có quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp theo quy định của pháp luật.


7. Cơ sở pháp lý

  • Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019.
  • Nghị định 103/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp.

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về vấn đề điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp theo quy định pháp luật hiện hành. Qua bài viết này, chúng tôi mong rằng sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Để được tư vấn đầy đủ và chính xác nhất, mời quý khách hàng liên hệ qua Tổng đài tư vấn sở hữu trí tuệ trực tuyến của HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để nhận tư vấn thêm về vấn đề mà quý khách hàng đang gặp phải.

Trân trọng./.

5/5 - (1 bình chọn)

TÁC GIẢ BÀI VIẾT

Nguyễn Quang Huy
Nguyễn Quang Huy
Cố vấn cao cấp, giảng viên khoa pháp luật kinh tế – trường Đại học Luật Hà Nội. Tốt nghiệp Thạc sĩ Luật Đại học Duke (Hoa Kỳ), có nhiều kinh nghiệm làm việc tại các công ty luật lớn trên thế giới.
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
chat-zalo
phone-call

GỌI BÁO GIÁ CHI TIẾT

Scroll to Top
Mục lục