Người phạm tội là gì? Phân biệt người phạm tội và tội phạm

Thế nào là người phạm tội theo quy định luật hình sự?
Nếu bạn có nhu cầu được tư vấn, hỗ trợ về luật hình sự, hãy liên hệ ngay cho luật sư qua hotline 1900.6784. Luật sư can thiệp càng sớm, cơ hội bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp càng cao!

Bạn thắc mắc không biết theo quy định của pháp luật người phạm tội là gì? Bạn băn khoăn không biết người phạm tội và tội phạm có điểm gì khác nhau? Những vấn đề này sẽ được Luật Quang Huy làm rõ trong bài viết dưới đây.


1. Người phạm tội là gì?

Người phạm tội là người có đủ dấu hiệu chủ thể của tội phạm và đã thực hiện hành vi được luật hình sự quy định là tội phạm.

Người phạm tội có thể là người phạm tội riêng lẻ hoặc là người phạm tội trong đồng phạm. Người phạm tội có thể đã thực hiện hoàn thành tội phạm hoặc đã thực hiện tội phạm nhưng mới ở giai đoạn phạm tội chưa đạt hoặc mới có hành vi chuẩn bị phạm tội.


2. Phân biệt người phạm tội với tội phạm

2.1. Tội phạm

Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.

Tội phạm bao gồm các yếu tố sau:

  • Mặt khách quan (hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định tại Bộ luật Hình sự);
  • Mặt chủ quan (lỗi của hành vi);
  • Khách thể(quan hệ xã hội được Bộ luật Hình sự bảo vệ);
  • Chủ thể thực hiện hành vi (người thực hiện hành vi có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại có năng lực trách nhiệm hình sự).

Một người chỉ bị xem là tội phạm khi có đầy đủ bốn yếu tố trên.  Và chỉ có Nhà nước (Tòa án) mới có quyền kết luận người đó là tội phạm hay không.

2.2. Người phạm tội

Người phạm tội là người thực hiện hành động tội phạm. Có nghĩa là phạm tội là hành vi có dấu hiệu của tội phạm phải qua điều tra, truy tố, xét xử mới xác định được hành vi phạm tội đó có phải là tội phạm không. Không phải mọi hành vi phạm tội đều là tội phạm. Chẳng hạn, khi chủ thể thực hiện hành vi phạm tội là người không có năng lực trách nhiệm hình sự thì hành vi phạm tội đó không bị coi là tội phạm.


3. Nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội

Điều 3 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội như sau:

  • Mọi hành vi phạm tội do người thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật;
  • Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội;
  • Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội;
  • Nghiêm trị người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra;
  • Đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng, thì có thể áp dụng hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù, giao họ cho cơ quan, tổ chức hoặc gia đình giám sát, giáo dục;
  • Đối với người bị phạt tù thì buộc họ phải chấp hành hình phạt tại các cơ sở giam giữ, phải lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội; nếu họ có đủ điều kiện do Bộ luật này quy định, thì có thể được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện;
  • Người đã chấp hành xong hình phạt được tạo điều kiện làm ăn, sinh sống lương thiện, hòa nhập với cộng đồng, khi có đủ điều kiện do luật định thì được xóa án tích.
Thế nào là người phạm tội theo quy định luật hình sự?
Thế nào là người phạm tội theo quy định luật hình sự?

Cụ thể những nguyên tắc này sẽ được hiểu như sau:

3.1. Nguyên tắc mọi hành vi phạm tội do người thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật

Phát hiện kịp thời:

  • Phát hiện tội phạm kịp thời không chỉ ngăn ngừa được sớm khả năng tái diễn của tội phạm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều tra tội phạm mà còn góp phần tạo dựng môi trường pháp lý nghiêm minh và qua đó tăng tính răn đe, giáo dục;
  • Nhiệm vụ phát hiện kịp thời được đặt ra không chỉ cho các cơ quan bảo vệ pháp luật mà cho tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức cũng như mọi cá nhân;
  • Phát hiện kịp thời tội phạm bao gồm phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm, phát hiện người thực hiện hành vi đó cũng như phát hiện dấu hiệu về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại vì có liên quan với hành vi và người thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm.

Xử lý nhanh chóng:

  • Xử lý tội phạm nhanh chóng bao gồm: Điều tra nhanh chóng, truy tố nhanh chóng, xét xử nhanh chóng. Các hoạt động này phải được hoàn tất nhanh nhất có thể trong thời hạn luật định;
  • Điều này đòi hỏi không chỉ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ mà đòi hỏi ý thức trách nhiệm của các chủ thể tiến hành tố tụng hình sự thuộc các cơ quan điều tra, truy tố và xét xử.

Xử lý phải công minh theo đúng pháp luật:

  • Các hoạt động xử lý tội phạm phải được thực hiện theo đúng pháp luật, kể cả pháp luật hình thức (pháp luật tố tụng hình sự) và pháp luật nội dung (Bộ luật hình sự);
  • Trong khi áp dụng đúng pháp luật như vậy, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử phải đảm bảo tính công bằng không thiên vị trong các quyết định của mình;
  • Nội dung các quyết định phải phù hợp với hoàn cảnh cụ thể có tính riêng biệt của người phạm tội cũng như của pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự;
  • Mọi quyết định trong xử lý tội phạm, trong đó có phán quyết của Tòa án đều phải công bằng và minh bạch trong phạm vi pháp luật cho phép.

3.2. Nguyên tắc mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội

Nguyên tắc này dựa trên nguyên tắc chung về bình đẳng được thể hiện trong Hiến pháp năm 2013 tại Điều 16 (mọi người đều bình đẳng trước pháp luật) và tại Điều 51 (các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật).

Vì vậy, tất cả các cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật nói chung cũng như pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự nói riêng.

Người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự đều phải được các cơ quan tiến hành tố tụng đối xử bình đẳng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.

3.3. Nguyên tắc phân hóa trong xử lý tội phạm

Một trong những nguyên tắc của luật hình sự là nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự trong luật và cá thể hóa trách nhiệm hình sự trong áp dụng.

Theo điểm c khoản 1 của điều 3 Bộ luật hình sự năm 2015, những người phạm tội cần nghiêm trị là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, là người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội.

Những trường hợp cần bị nghiêm trị được nêu trên đây đều không có nghĩa việc nghiêm trị là vì đặc điểm riêng của người phạm tội mà vì tính nguy hiểm cao của tội phạm do bị ảnh hưởng của những đặc điểm riêng này. Cụ thể:

  • Đặc điểm “chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy” thể hiện người phạm tội là người giữ vai trò nguy hiểm – vai trò tổ chức trong vụ phạm tội;
  • Đặc điểm “ngoan cố chống đối, côn đồ, tái phạm nguy hiểm” thể hiện mức độ lỗi nghiêm trọng của người phạm tội;
  • Đặc điểm “lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội” thể hiện mức độ nguy hiểm cao của hành vi phạm tội do thủ đoạn phạm tội.

Theo điểm d khoản 1 Điều 3 Bộ luật hình sự, những người phạm tội cần nghiêm trị còn là những người dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Đây đều là những trường hợp có tính nguy hiểm cao do thủ đoạn phạm tội, do hình thức phạm tội hoặc do hậu quả của tội phạm .

Bên cạnh đó Bộ luật hình sự còn quy định, người phạm tội được khoan hồng trong các trường hợp:

  • Tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo;
  • Tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa;
  • Bồi thường thiệt hại gây ra cũng như là người tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án.

Đây là những trường hợp cần khuyến khích vì đều thể hiện thái độ tích cực của người phạm tội sau khi phạm tội. Việc áp dụng trách nhiệm hình sự cũng như hình phạt đối với người phạm tội cũng chỉ nhằm mục đích cuối cùng là giáo dục người phạm tội.

Do vậy, thái độ tích cực của người phạm tội qua các biểu hiện cụ thể được liệt kê trên hoàn toàn phù hợp với mục đích của hình phạt cũng như mục đích của trách nhiệm hình sự nói chung.

3.4. Nguyên tắc nhân đạo trong xử lý tội phạm

Nguyên tắc nhân đạo được thể hiện ở nhiều điều luật khác nhau của Bộ luật hình sự. Riêng tại Điều 3, nguyên tắc này được thể hiện ở 3 nội dung có tính định hướng sau:

  • Đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng, thì có thể áp dụng hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù, giao họ cho cơ quan, tổ chức hoặc gia đình giám sát, giáo dục;
  • Đối với người bị phạt tù thì buộc họ phải chấp hành hình phạt tại các cơ sở giam giữ, phải lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội; nếu họ có đủ điều kiện do Bộ luật này quy định, thì có thể được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện;
  • Người đã chấp hành xong hình phạt được tạo điều kiện làm ăn, sinh sống lương thiện, hòa nhập với cộng đồng, khi có đủ điều kiện do luật định thì được xóa án tích.

4. Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về vấn đề người phạm tội theo quy định pháp luật hiện hành. Qua bài viết này, chúng tôi mong rằng sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Để được tư vấn đầy đủ và chính xác nhất, mời quý khách hàng liên hệ tới Tổng đài tư vấn Luật hình sự trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để nhận tư vấn thêm về vấn đề mà quý khách hàng đang gặp phải.

Trân trọng./.

5/5 - (1 bình chọn)

TÁC GIẢ BÀI VIẾT

Luật sư Lê Thị Oanh
Luật sư Lê Thị Oanh
Nguyên thẩm phán TAND tỉnh Tuyên Quang, Nguyên Chánh án TAND Thành phố Tuyên Quang, Luật sư Đoàn Luật sư TP Hà Nội
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HỎI MIỄN PHÍ NGAY

Scroll to Top
Mục lục