Nếu bạn có nhu cầu được tư vấn, hỗ trợ về luật hình sự, hãy liên hệ ngay cho luật sư qua hotline 1900.6784. Luật sư can thiệp càng sớm, cơ hội bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp càng cao!
Bạn thắc mắc không biết người bị tạm giam có được bầu cử không? Nếu có thì người đang bị tạm giam tham gia bầu cử như thế nào? Hãy cùng Luật Quang Huy làm rõ vấn đề này thông qua bài viết sau đây.
1. Nguyên tắc bầu cử Quốc hội
Theo quy định tại Điều 7 của Hiến pháp năm 2013 và Điều 1 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, việc bầu cử đại biểu Quốc hội được tiến hành theo các nguyên tắc sau:
1.1. Nguyên tắc phổ thông
Nguyên tắc phổ thông đầu phiếu là một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ bầu cử.
Nguyên tắc phổ thông đầu phiếu trong bầu cử bảo đảm để mọi công dân không phân biệt dân tộc, nam, nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, (trừ những người mất trí hay những người bị tước quyền bầu cử trên cơ sở của pháp luật), đến tuổi trưởng thành đều được trao quyền bầu cử.
1.2. Nguyên tắc bình đẳng
Bình đẳng trong bầu cử là nguyên tắc nhằm đảm bảo mọi công dân đều có cơ hội ngang nhau tham gia bầu cử, nghiêm cấm mọi sự phân biệt dưới bất cứ hình thức nào.
Nội dung nguyên tắc bình đẳng được thể hiện qua việc mỗi cử tri chỉ được ghi tên vào danh sách cử tri ở một nơi cư trú, mỗi ứng cử viên chỉ được ghi tên ứng cử ở một đơn vị bầu cử và mỗi cử tri chỉ được bỏ một phiếu bầu không phụ thuộc vào giới tính, địa vị xã hội, sắc tộc, tôn giáo,…
1.3. Nguyên tắc bầu cử trực tiếp
Bầu cử trực tiếp có nghĩa là cử tri trực tiếp thể hiện ý chí của mình qua lá phiếu, cử tri trực tiếp bầu ra đại biểu của mình chứ không qua một cấp đại diện cử tri nào.
Cử tri không được nhờ người bầu hộ, bầu thay hoặc bầu bằng cách gửi thư, tự cử tri phải bỏ lá phiếu bầu vào hòm phiếu. Trường hợp cử tri không thể tự viết phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu.
1.4. Nguyên tắc bầu cử bỏ phiếu kín
Nguyên tắc bỏ phiếu kín thể hiện ở việc loại trừ sự theo dõi và kiểm soát từ bên ngoài đối với việc thể hiện ý chí của cử tri. Mục đích của nguyên tắc này là nhằm đảm bảo tự do đầy đủ sự thể hiện ý chí của cử tri.
Khi cử tri viết phiếu bầu không ai được đến gần, kể cả cán bộ, nhân viên các tổ chức phụ trách bầu cử, không ai được biết và can thiệp vào việc viết phiếu bầu của cử tri.

2. Người bị tạm giam có được bầu cử không?
Một trong số các nguyên tắc bầu cử chúng tôi đã đề cập ở trên là nguyên tắc bình đẳng. Bình đẳng trong bầu cử là một nguyên tắc nhằm đảm đảm tính khách quan, không thiên vị để mọi công dân đều có khả năng như nhau tham gia bầu cử, nghiêm cấm mọi sự phân biệt dưới bất cứ hình thức nào.
Người đang bị tạm giam, tạm giữ về mặt pháp lý cũng chưa bị coi là có tội nên không bị tước mất quyền bầu cử.
Hơn nữa, căn cứ theo điểm b khoản 1 Điều 9 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, người bị tạm giam vẫn có quyền được bầu cử theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Như vậy, người bị tạm giam thì vẫn có quyền tham gia bầu cử, quyền này không bị hạn chế mặc dù công dân bị tạm giam.
3. Người đang bị tạm giam tham gia bầu cử như thế nào?
Căn cứ khoản 4 Điều 69 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, người đang bị tạm giam tham gia bầu cử như sau:
- Người bị tạm giam sẽ tham gia bầu cử tại khu vực bỏ phiếu riêng của trại tạm giam. Nếu cơ sở tạm giam không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam để người bị tạm giam thực hiện bầu cử.
- Mỗi cử tri bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân tương ứng với mỗi cấp Hội đồng nhân dân.
- Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.
- Khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả thành viên Tổ bầu cử.
- Nếu viết hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu bầu khác.
- Khi cử tri bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử có trách nhiệm đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào thẻ cử tri.
Như vậy, người bị tạm giam có quyền bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giữ, tạm giam và được Tổ bầu cử phát phiếu cử tri để thực hiện quyền bầu cử theo quy định của pháp luật.
4. Cơ sở pháp lý
- Hiến pháp năm 2013;
- Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021;
- Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015.
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về vấn đề người bị tạm giam có được bầu cử không. Qua bài viết này, chúng tôi mong rằng sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Để được tư vấn đầy đủ và chính xác nhất, mời quý khách hàng liên hệ tới Tổng đài tư vấn Luật hình sự trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để nhận tư vấn thêm về vấn đề mà quý khách hàng đang gặp phải.
Trân trọng./.