Cách tính lương hưu có phụ cấp thâm niên

Cách tính lương hưu có phụ cấp thâm niên
Quyền lợi hưởng lương hưu là mối quan tâm hàng đầu của người lao động và cũng là một trong những nội dung pháp lý mà Luật Quang Huy luôn mong muốn được tư vấn chính xác để đảm bảo quyền lợi cho mỗi người. Nếu bạn đang có nhu cầu tư vấn chế độ hưu trí, đừng ngần ngại, hãy liên hệ ngay cho Luật sư qua Tổng đài 19006573 để được tư vấn miễn phí 24/7.

Phụ cấp thâm niên là một trong những chế độ phụ cấp được ghi nhận trong hợp đồng lao động cùng với các chế độ tiền thưởng, nâng bậc lương hay các chế độ khuyến khích khác. Đây là một trong những hình thức khuyến khích của người sử dụng lao động đối với người lao động để họ có thể gắn bó và làm nghề lâu dài.

Vậy cần hiểu cụ thể phụ cấp thâm niên theo quy định pháp luật như thế nào? Cách tính lương hưu có phụ cấp thâm niên như thế nào? Bài viết sau đây Luật Quang Huy sẽ giải đáp các thắc mắc trên cho bạn đọc.


1. Phụ cấp thâm niên là gì?

Thâm niên chính là thời gian làm việc mà người lao động hoạt động, công tác tại một cơ quan, một ngành, một nghề nhất định.

Phụ cấp thâm niên là khoản phụ cấp lương được trả thêm hàng tháng cho người lao động có thời gian làm việc gắn bó lâu dài với cơ quan, đơn vị nhằm khuyến khích và tạo thêm động lực cho người lao động làm việc, cống hiến hiệu quả hơn.

Do pháp luật không có nội dung đi sâu vào định nghĩa và giải thích khái niệm thâm niên là gì, vì thế trong nội dung bài viết, chúng tôi sẽ cung cấp thêm các thông tin về phụ cấp thâm niên.

Như đã nêu ở trên trong phần khái niệm thâm niên, thâm niên ở các doanh nghiệp sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào chế độ phúc lợi của doanh nghiệp, tức là ý chí của người sử dụng lao động nên không phải doanh nghiệp nào người lao động cũng được hưởng phụ cấp thâm niên.

Tuy nhiên, ở cơ quan nhà nước tiền lương hàng tháng sẽ có thêm một khoản phụ cấp thâm niên. Cụ thể những đối tượng được tính phụ cấp thâm niên bao gồm:

  • Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam.
  • Hạ sĩ quan hưởng lương thuộc công an nhân dân Việt Nam.
  • Người làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu.
  • Cán bộ, công chức đã được xếp lương theo các ngạch hoặc chức danh chuyên ngành: hải quan, tòa án, viện kiểm sát, kiểm toán, thanh tra thi hành án dân sự, kiểm lâm.

2. Có được tính phụ cấp thâm niên khi tính lương hưu hay không?

Việc tính phụ cấp thâm niên vào lương hưu sẽ được áp dụng trong trường hợp người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.

Khoản 1 Điều 89 Luật bảo hiểm xã hội 2014 có quy định về tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội như sau:

Theo đó, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).

Ví dụ, đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu chỉ tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 05 năm cuối trước khi nghỉ hưu. Nếu giả sử 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu bạn đã chuyển ngành công tác, tiền lương không bao gồm loại phụ cấp này thì khi tính tiền lương hưu sẽ không bao gồm phụ cấp thâm niên.

Cách tính lương hưu có phụ cấp thâm niên
Cách tính lương hưu có phụ cấp thâm niên

3. Cách tính lương hưu có phụ cấp thâm niên

Theo Thông tư số 06/2021/TT-BLĐTBXH đã sửa đổi khoản 4 Điều 20 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH thì lương hưu của người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, đã đóng BHXH bao gồm phụ cấp thâm niên nghề sau đó chuyển sang ngành nghề có hoặc không có phụ cấp thâm niên nghề rồi mới nghỉ hưu, được thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 9 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP và được hướng dẫn cụ thể như sau:

  • Đối với trường hợp trong tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ những năm cuối để làm căn cứ tính lương hưu không có phụ cấp thâm niên nghề thì được lấy mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của những năm cuối trước khi nghỉ hưu, cộng thêm khoản phụ cấp thâm niên nghề cao nhất (nếu đã được hưởng) tính theo thời gian đã đóng BHXH bao gồm phụ cấp thâm niên nghề, được chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí để làm cơ sở tính lương hưu.

Ví dụ: Ông H, là Chánh Văn phòng Bộ, nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí kể từ ngày 01/4/2016; có tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 30 năm. Trước khi chuyển sang làm Chánh Văn phòng Bộ, ông H là kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân, có 14 năm được tính thâm niên nghề với hệ số lương là 5,08. Ông H có diễn biến tiền lương đóng bảo hiểm xã hội 5 năm cuối như sau (giả sử tiền lương cơ sở tại thời điểm tháng 4/2016 là 1.150.000 đồng/tháng).

  • Từ tháng 4/2011 đến tháng 3/2014 = 36 tháng, hệ số lương là 6,2: 1.150.000 đồng x 6,2 x 36 tháng = 256.680.000 đồng.
  • Từ tháng 4/2014 đến tháng 3/2016 = 24 tháng, hệ số lương là 6,56: 1.150.000 đồng x 6,56 x 24 tháng = 181.056.000 đồng.
  • Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội 5 năm cuối để làm cơ sở tính lương hưu của ông H là:
(256.680.000 đồng + 181.056.000 đồng) = 7.295.600 đồng/tháng.
60 tháng
  • Phụ cấp thâm niên nghề của ông H trước khi chuyển sang Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được cộng vào mức bình quân tiền lương tháng làm cơ sở tính lương hưu như sau:

Ông H có hệ số lương trước khi chuyển sang Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội bằng 5,08; phụ cấp thâm niên nghề được tính là 14%: 1.150.000 đồng x 5,08 x 14% = 817.880 đồng.

  • Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để làm cơ sở tính lương hưu là: 7.295.600 đồng + 817.880 đồng = 8.113.480 đồng.
  • Lương hưu hằng tháng của ông H là: 8.113.480 đồng x 75% = 6.085.110 đồng/tháng.
  • Đối với trường hợp trong tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ những năm cuối để làm căn cứ tính lương hưu đã có phụ cấp thâm niên nghề thì mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP và khoản 1 Điều 20 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH.
  • Đối với trường hợp trong tiền lương tháng đóng BHXH của những năm cuối để tính lương hưu vừa có thời gian đóng có phụ cấp thâm niên nghề, vừa có thời gian đóng không có phụ cấp thâm niên nghề thì tính theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 20 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH. Trường hợp trong quá trình đóng BHXH có khoảng thời gian đóng bao gồm phụ cấp thâm niên nghề liền kề cao hơn tiền lương tháng đóng BHXH của những năm cuối thì được lấy tiền lương tháng đóng BHXH bao gồm phụ cấp thâm niên nghề liền kề tương ứng với số năm quy định tại khoản 1 Điều 20 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH (được chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí) để tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Ví dụ: Ông P, nguyên là Giảng viên cao cấp, bắt đầu tham gia công tác từ trước năm 1995, có thời gian làm công việc có phụ cấp thâm niên nghề, có thời gian làm công việc không được hưởng phụ cấp thâm niên nghề. Ông P nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí kể từ ngày 01/4/2021, có tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 36 năm 6 tháng, trong đó có 32 năm được tính thâm niên nghề. Ông P có diễn biến tiền lương đóng bảo hiểm xã hội một số năm cuối trước khi nghỉ hưu như sau:

  • Từ tháng 4/2011 đến tháng 8/2011 = 5 tháng, hệ số lương là 6,2, không có phụ cấp thâm niên;
  • Từ tháng 9/2011 đến tháng 3/2012 = 7 tháng, hệ số lương là 6,2, phụ cấp thâm niên nghề là 26%;
  • Từ tháng 4/2012 đến tháng 3/2013 = 12 tháng, hệ số lương là 6,2, phụ cấp thâm niên nghề là 27%;
  • Từ tháng 4/2013 đến tháng 3/2014 = 12 tháng, hệ số lương là 6,2, phụ cấp thâm niên nghề là 28%;
  • Từ tháng 4/2014 đến tháng 3/2015 = 12 tháng, hệ số lương là 6,56, phụ cấp thâm niên nghề là 29%;
  • Từ tháng 4/2015 đến tháng 3/2016 = 12 tháng, hệ số lương là 6,56, phụ cấp thâm niên nghề là 30%;
  • Từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2019 = 36 tháng, hệ số lương là 6,92, không có phụ cấp thâm niên;
  • Từ tháng 4/2019 đến tháng 3/2020 = 12 tháng, hệ số lương là 7,28, phụ cấp thâm niên nghề là 31 %;
  • Từ tháng 4/2020 đến tháng 3/2021 = 12 tháng, hệ số lương là 7,28, phụ cấp thâm niên nghề là 32%;

Trường hợp ông P mức lương hưu tính theo mức bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 05 năm cuối trước khi nghỉ hưu (từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2021) thấp hơn so với mức lương hưu tính theo mức bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 05 năm liền kề có hưởng phụ cấp thâm niên (từ tháng 4/2011 đến tháng 3/2016).

Do vậy, mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu của ông P được tính theo mức bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 05 năm từ tháng 4/2011 đến tháng 3/2016.


4. Căn cứ pháp lý

  • Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014;
  • Thông tư số 06/2021/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc;
  • Nghị định 115/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi về các vấn đề liên quan đến cách tính lương hưu có phụ cấp thâm niên. Nếu như quý khách hàng có thắc mắc gì về những quy định pháp lý liên quan, xin vui lòng liên hệ tới Luật Quang Huy.

Nếu nội dung bài viết còn chưa rõ, hoặc bạn cần tư vấn, hỏi đáp thêm về dịch vụ hỗ bạn có thể kết nối tới Tổng đài tư vấn bảo hiểm xã hội trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được tư vấn trực tiếp.

Trân trọng./.

5/5 - (1 bình chọn)
Picture of Đội ngũ tác giả Công ty Luật Quang Huy
Đội ngũ tác giả Công ty Luật Quang Huy
Với phương châm "Luật sư của mọi nhà", Luật Quang Huy đang nỗ lực không ngừng để tạo nên một hành lang pháp lý vững chắc, an toàn cho Quý khách hàng!
Theo dõi
Thông báo của
guest
1 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
trần thị oanh
Khách
trần thị oanh
17/07/2023 17:29

thâm niên được hưởng vào tháng 5, đến tháng 9 nghỉ hưu vậy lương hưu có được tính phụ cấp thâm niên hay không?

phone-call

HOTLINE TƯ VẤN BHXH

Scroll to Top