Hướng dẫn cách tính lương hưu bảo hiểm xã hội

Quyền lợi hưởng lương hưu là mối quan tâm hàng đầu của người lao động và cũng là một trong những nội dung pháp lý mà Luật Quang Huy luôn mong muốn được tư vấn chính xác để đảm bảo quyền lợi cho mỗi người. Nếu bạn đang có nhu cầu tư vấn chế độ hưu trí, đừng ngần ngại, hãy liên hệ ngay cho Luật sư qua Tổng đài 19006573 để được tư vấn miễn phí 24/7.

Chế độ hưu trí là một trong những chế độ quan trọng được người lao động đặc biệt quan tâm. Vậy chi tiết về công thức và cách tính lương hưu như thế nào và có sự thay đổi gì trong tỷ lệ hưởng lương hưu?

Qua bài viết sau đây, Luật Quang Huy xin cung cấp cho bạn đầy đủ các thông tin về quy định hưởng lương hưu cũng như cách tính hưởng lương hưu mà người lao động cần chú ý.


1. Cách tính lương hưu bảo hiểm xã hội bắt buộc

Đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nghỉ hưu, cách tính lương hưu BHXH hàng tháng của người lao động được tính như sau:

Mức lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hàng tháng x Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội

Trong đó mức hưởng lương hưu bảo hiểm xã hội hàng tháng được xác định theo tỷ lệ % lương tháng đóng bảo hiểm xã hội và mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hàng tháng tối đa của người lao động khi về hưu là 75% mức lương đóng bảo hiểm xã hội.

1.1. Tỷ lệ hưởng lương hưu

Cách xác định tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu hàng tháng phụ thuộc vào từng đối tượng là nam hay nữ hoặc là đối tượng nằm trong diện được xét hưởng chế độ đặc biệt khi bị suy giảm khả năng lao động hay không. Cụ thể:

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng được xác định như sau:

Đối với lao động nam:

  • Trường hợp bắt đầu hưởng lương hưu từ 01/01/2022 người lao động đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội thì có tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng là 45%.
  • Người lao động sau khi đóng đủ số năm quy định để được hưởng lương hưu thì cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, được tính thêm 2%.

Đối với lao động nữ:

  • Trường hợp bắt đầu hưởng lương hưu từ 01/01/2022 người lao động đóng đủ 15 năm bảo hiểm xã hội thì có tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng là 45%.
  • Sau đó, cứ tham gia đóng bảo hiểm xã hội thêm mỗi năm thì được tính thêm 2%.

Trường hợp người lao động hưởng lương chế độ hưu trí trước tuổi quy định do suy giảm khả năng lao động theo quy định thì tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu hàng tháng được tính như trên, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.

Như vậy, với cùng mức đóng bảo hiểm xã hội là 20 năm thì lao động nam nghỉ hưu năm 2021 được tính tỷ lệ hưởng lương hưu là 47%, trong khi nghỉ hưu năm 2022 lao động nam chỉ được tính hưởng 45%. Đối với lao động nữ cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu năm 2022 không đổi so với năm 2021.

1.2. Mức bình quân tiền lương

Đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu được chia thành nhiều trường hợp:

1.2.1. Trường hợp 1: Người lao động có toàn thời gian tham gia bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định

Công thức tính lương hưu:

Mbqtl = Tổng số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của (T) thời gian năm cuối trước khi nghỉ việc
(Tx12 tháng)

Trong đó:

  • Mbqtl: Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
  • Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Tiền lương này được tính trên mức lương cơ sở tại thời điểm tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
  • T là số năm đóng bảo hiểm xã hội được tính theo bảng sau:
Thời gian bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội Số năm cuối để tính bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội (T)
Trước ngày 01/01/1995 5 năm
Từ 01/01/1995 đến 31/12/2000 6 năm
Từ 01/01/2001 đến 31/12/2006 8 năm
Từ 01/01/2007 đến 31/12/2015 10 năm
Từ 01/01/2016 đến 31/12/2019 15 năm
Từ 01/01/2020 đến 31/12/2024 20 năm
Từ 01/01/2025 Toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội
Hướng dẫn cách tính lương hưu bảo hiểm xã hội
Hướng dẫn cách tính lương hưu bảo hiểm xã hội

1.2.2. Trường hợp 2: Người lao động có toàn thời gian tham gia bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quy định

Công thức tính:

Mbqtl = Tổng số tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của các tháng đóng bảo hiểm xã hội hội
Tổng số tháng đóng bảo hiểm xã hội

Trong đó:

  • Mbqtl: Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
  • Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội được điều chỉnh theo hệ số trượt giá được ban hành tại thời điểm hưởng. Cụ thể:
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội (đã được điều chỉnh) của từng năm = Tổng tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của từng năm x Hệ số trượt giá của từng năm tương ứng

Bảng hệ số trượt giá bảo hiểm xã hội năm 2022 được thực hiện theo Thông tư 36/2021/TT-BLĐTBXH như sau:

Bảng hệ số trượt giá bảo hiểm xã hội năm 2022
Bảng hệ số trượt giá bảo hiểm xã hội năm 2022

1.2.3. Trường hợp 3: Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quy định

Công thức tính:

Mbqtl = Tổng số tiền lương tháng tháng đóng bảo hiểm xã hội do Nhà nước quy định + Tổng số tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của các tháng đóng bảo hiểm xã hội theo tiền lương cho doanh nghiệp quyết định
Tổng số tháng đóng bảo hiểm xã hội

Trong đó:

  • Tổng số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo tiền lương do Nhà nước quy định = Tổng số tháng đóng bảo hiểm xã hội theo tiền lương do Nhà nước quy định x Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của trường hợp 2.
  • Có từ 2 giai đoạn đóng bảo hiểm xã hội trở lên theo tiền lương do Nhà nước quy định thì tổng số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo tiền lương do Nhà nước quy định được tính như trên.

1.3. Trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu

Theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 thì người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 75 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 thì mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.


2. Cách tính lương hưu bảo hiểm xã hội tự nguyện

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 74 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và khoản 1 Điều 3 Nghị định 134/2015/NĐ-CP, mức hưởng lương hưu hàng tháng của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính cụ thể như sau:

Lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ % hưởng lương hưu x Mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội

Mức lương hưu hàng tháng được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng nhân với mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.

2.1. Tỷ lệ hưởng lương hưu

Căn cứ khoản 2 Điều 3 Nghị định 134/2015/NĐ-CP thì tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu được quy định cụ thể như sau:

  • Đối với lao động nam: Trường hợp bắt đầu hưởng lương hưu từ 01/01/2022 người lao động đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội thì có tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng là 45%; sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội vượt quá số năm quy định được hưởng lương hưu thì được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
  • Đối với lao động nữ: Tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

2.2. Mức bình quân tiền lương

Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 134/2015/NĐ-CP thì mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng bình quân các mức thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian đóng.

Trong đó, thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ tính mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm do Tổng cục Thống kê công bố hàng năm.

Như vậy, mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện:

Mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội = Tổng mức thu nhập chọn đóng bảo hiểm xã hội của các tháng đóng bảo hiểm xã hội : Tổng số tháng đóng bảo hiểm xã hội

2.3. Trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu

Giống như trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, khi nghỉ hưu, thì ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.

Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.


3. Cơ sở pháp lý

  • Luật bảo hiểm xã hội năm 2014;
  • Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện;
  • Thông tư 36/2021/TT-BLĐTBXH quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.

Qua bài viết này, Luật Quang Huy mong rằng sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về chế độ lương hưu của các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.

Luật Quang Huy không chỉ là công ty luật có kiến thức chuyên sâu về chế độ hưởng lương hưu, thủ tục lãnh lương hưu mà còn có kinh nghiệm trong việc hướng dẫn cho người lao động về cách tính tiền lương hưu.

Nếu còn điều gì chưa rõ, cần hỗ trợ, các bạn có thể liên hệ đến Tổng đài tư vấn luật bảo hiểm xã hội trực tuyến của Luật Quang Huy qua HOTLINE 19006588.

Trân trọng./.

5/5 - (4 bình chọn)
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

HOTLINE TƯ VẤN BHXH

Scroll to Top
Mục lục