Nguồn gốc hình thành và vai trò của quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Nguồn gốc hình thành và vai trò của quỹ bảo hiểm thất nghiệp
Nếu có vấn đề cần giải đáp thắc mắc về bảo hiểm thất nghiệp, bạn vui lòng liên hệ ngay qua số điện thoại Tổng đài hỏi đáp bảo luật bảo hiểm thất nghiệp 19006573 để được tư vấn hỗ trợ trực tuyến. Trân trọng.

Tôi là người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp. Tôi có biết về việc khi tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp tôi sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi tôi thất nghiệp. Nhưng tôi thắc mắc về mức đóng, nguồn hình thành của quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và quỹ BHTN được dùng để làm gì?

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Luật Quang Huy. Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin giải đáp vấn đề: Nguồn gốc hình thành và vai trò của quỹ bảo hiểm thất nghiệp như sau.


1. Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là gì?

Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là một quỹ tài chính độc lập tập trung nằm ngoài ngân sách nhà nước nhằm thực hiện mục đích của bảo hiểm thất nghiệp. Quỹ được hình thành chủ yếu từ ba nguồn: Người lao động, người sử dụng lao động và ngân sách nhà nước hỗ trợ.

2. Nguồn hình thành quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Quỹ BHTN hiện nay được hình thành từ rất nhiều nguồn thu, bao gồm:

Thứ nhất, các khoản đóng của người lao động, người sử dụng lao động và khoản hỗ trợ từ Ngân sách nhà nước:

  • Người lao động đóng bằng 1% tiền lương tháng;
  • Người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia BHTN;
  • Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.

Thứ hai, tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ Quỹ BHTN;

Thứ ba, nguồn thu hợp pháp khác, bao gồm:

  • Tiền lãi chậm đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định;
  • Các khoản thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Nguồn gốc hình thành và vai trò của quỹ bảo hiểm thất nghiệp
Nguồn gốc hình thành và vai trò của quỹ bảo hiểm thất nghiệp

2.1 Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp

Đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thực hiện theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.

Trường hợp mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cao hơn hai mươi tháng lương cơ sở thì mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp bằng hai mươi tháng lương cơ sở tại thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Đối với người lao động đóng BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thực hiện theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.

Trường hợp mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cao hơn hai mươi tháng lương tối thiểu vùng thì mức tiền lương tháng đóng BHTN bằng hai mươi tháng lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động tại thời điểm đóng BHTN.

2.2 Nguồn đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động

Người sử dụng lao động là cơ quan, đơn vị, tổ chức được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên thì ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ nguồn đóng BHTN và được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của cơ quan, đơn vị, tổ chức theo quy định của pháp luật về phân cấp quản lý ngân sách nhà nước.

Người sử dụng lao động là cơ quan, đơn vị, tổ chức được ngân sách nhà nước bảo đảm một phần kinh phí hoạt động thường xuyên thì ngân sách nhà nước bảo đảm nguồn đóng BHTN cho số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước và được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hằng năm của cơ quan, đơn vị, tổ chức theo quy định của pháp luật về phân cấp quản lý ngân sách nhà nước. Phần BHTN phải đóng còn lại, người sử dụng lao động tự bảo đảm.

Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thì khoản đóng BHTN được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong kỳ.

Người sử dụng lao động là cơ quan, đơn vị, tổ chức khác thì khoản đóng BHTN được sử dụng từ nguồn kinh phí hoạt động của cơ quan, đơn vị, tổ chức theo quy định của pháp luật.


2.3 Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước

Ngân sách nhà nước hỗ trợ Quỹ BHTN theo nguyên tắc bảo đảm duy trì số dư quỹ hằng năm bằng 02 lần tổng các khoản chi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý BHTN của năm trước liền kề nhưng mức hỗ trợ tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Phương thức chuyển kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước vào Quỹ BHTN:

  • Vào quý IV hằng năm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam căn cứ dự toán thu, chi bảo hiểm thất nghiệp được cấp có thẩm quyền giao trong năm để xác định số kinh phí hỗ trợ Quỹ BHTN của năm trước theo mức quy định tại Khoản 1 Điều này, gửi Bộ Tài chính để chuyển một lần vào Quỹ BHTN;
  • Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo quyết toán thu, chi Quỹ BHTN năm trước của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã được Hội đồng Quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông qua, Bộ Tài chính thực hiện thẩm định, xác định số kinh phí hỗ trợ Quỹ BHTN năm trước. Trường hợp số kinh phí Bộ Tài chính đã cấp theo quy định tại Điểm a Khoản này lớn hơn số phải hỗ trợ theo quy định tại Khoản 1 Điều này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm nộp trả ngân sách nhà nước phần chênh lệch; trường hợp số đã cấp nhỏ hơn số phải hỗ trợ, Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt cấp hỗ trợ bổ sung vào năm sau.

Nguồn kinh phí hỗ trợ Quỹ BHTN theo quy định tại Điều này do ngân sách trung ương bảo đảm từ nguồn chi đảm bảo xã hội đã được Quốc hội quyết định.


3. Vai trò của quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Từ những nguồn thu như trên, vai trò, ý nghĩa của BHTN rất lớn. Cụ thể, quỹ BHTN sử dụng để chi trả những khoản chi như sau:

  • Chi trả trợ cấp thất nghiệp;
  • Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động;
  • Hỗ trợ học nghề;
  • Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm;
  • Đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp;
  • Chi phí quản lý BHTN thực hiện theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội;
  • Đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng Quỹ.

4. Cơ sở pháp lý

  • Luật việc làm năm 2013;
  • Nghị định số 28/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về Bảo hiểm thất nghiệp.

Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề Nguồn gốc hình thành và vai trò của quỹ bảo hiểm thất nghiệp, trong quá trình giải đáp nếu còn vấn đề gì không rõ thì bạn có thể liên hệ trực tiếp đến tổng đài tư vấn Bảo hiểm thất nghiệp qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.

5/5 - (3 bình chọn)

TÁC GIẢ BÀI VIẾT

Nguyễn Thị Huyền
Nguyễn Thị Huyền
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Huyền. Hiện đang là Trưởng phòng Quản lý Nhân sự tại Công ty Luật TNHH Quang Huy và Cộng sự. Chuyên về các vấn đề pháp lý liên quan đến pháp luật lao động, pháp luật bảo hiểm,...
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

HOTLINE TƯ VẤN BHXH

Scroll to Top