Nếu có vấn đề cần giải đáp thắc mắc về bảo hiểm thất nghiệp, bạn vui lòng liên hệ ngay qua số điện thoại Tổng đài hỏi đáp bảo luật bảo hiểm thất nghiệp 19006573 để được tư vấn hỗ trợ trực tuyến. Trân trọng.
Bảo hiểm thất nghiệp là một trong những chế độ về an sinh xã hội hỗ trợ người lao động khi thất nghiệp. Vấn đề về bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động có việc làm trở lại đã và đang được nhiều người lao động quan tâm. Liệu rằng có cần làm thủ tục bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp khi có việc làm hay không?
Tại bài viết này, Luật Quang Huy sẽ cung cấp các quy định pháp luật về bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp khi có việc làm.
Mọi người cũng xem:
1. Khi có việc làm có được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp không?
1.1 Người lao động đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp mà tìm được việc làm
Điểm b Khoản 3, Khoản 4 Điều 53 Luật việc làm năm 2013 có quy định Tạm dừng, tiếp tục, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:
“Điều 53. Tạm dừng, tiếp tục, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp
3. Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp trong các trường hợp sau đây:
b) Tìm được việc làm;
4. Người lao động bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thuộc các trường hợp quy định tại các điểm b, c, h, l, m và n khoản 3 Điều này được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo khi đủ điều kiện quy định tại Điều 49 của Luật này.
Thời gian bảo lưu được tính bằng tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trừ đi thời gian đóng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp, theo nguyên tắc mỗi tháng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp tương ứng 12 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp.”
Như vậy, theo quy định trên, khi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà tìm được việc làm thì sẽ được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa được hưởng. Và thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu sẽ là căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo. Với công thức tính như sau:
Thời gian bảo lưu BHTN = Thời gian đóng BHTN – Thời gian đã hưởng trợ cấp thất nghiệp
Ví dụ: Anh A tham gia bảo hiểm thất nghiệp được 05 năm. Khi chấm dứt hợp đồng lao động, anh A làm hồ sơ để hưởng trợ cấp thất nghiệp và đã có quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Anh A đã hưởng được 03 tháng trợ cấp thất nghiệp (tương ứng với 03 năm anh A đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước đó) thì tìm được việc làm. Khi đó anh A sẽ bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp tại tháng thứ 3.
Thời gian bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp của anh A là 02 năm = 05 năm đóng BHTN – 03 năm đóng BHTN (tương ứng với 03 tháng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp)
1.2 Người lao động chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp mà đã tìm được việc làm
Theo khoản 1 Điều 45 Luật Việc làm năm 2013 có quy định về cách tính thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo đó, khi người lao động nghỉ việc tại doanh nghiệp không hưởng trợ cấp thất nghiệp mà có việc làm ngày thì thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng sẽ được bảo lưu cho lần sau. Sau này, khi người lao động muốn hưởng bảo hiểm thất nghiệp thì căn cứ thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp là tổng thời gian người lao động tham gia bảo hiểm xã hội chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Ví dụ: Anh A tham gia bảo hiểm thất nghiệp được 05 năm. Khi anh A nghỉ việc, anh A không muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp mà đi làm ở công ty khác luôn. Khi đó, thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp 05 năm của anh A sẽ được bảo lưu cho lần sau.
Mọi người cũng xem:
2. Thủ tục bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp khi có việc làm
2.1 Người lao động đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp mà tìm được việc làm
Theo quy định tại điểm d Khoản 2 Điều 9 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH, người lao động chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có việc làm. Khi đó, tổ chức bảo hiểm xã hội căn cứ quyết định về việc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động thực hiện việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp vào sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Khi đó, theo quy định tại Điều 9 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH thì quyết định về việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được trung tâm dịch vụ việc làm gửi:
- 01 bản đến Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh để thực hiện bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động;
- 01 bản đến người lao động.
Quyết định về việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp thực hiện theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định.
2.2 Người lao động chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp mà đã tìm được việc làm
Trong trường hợp người lao động chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp mà đã tìm được việc làm thì thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được tự động bảo lưu cho lần sau. Người lao động không phải làm thủ tục bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trước đó.
Mọi người cũng xem:
3. Thời gian bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp là bao lâu?
Hiện nay, luật không quy định thời hạn tối đa bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp là bao lâu. Khoản 1 Điều 45 Luật Việc làm năm 2013 có quy định về thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo đó, nếu người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp thì thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp đó sẽ được bảo lưu đến khi người lao động làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và hưởng hết số tháng trợ cấp thất nghiệp tương ứng với số năm đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước đó.
Mọi người cũng xem:
4. Căn cứ pháp lý
- Luật việc làm năm 2013;
- Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Luật việc làm và bảo hiểm thất nghiệp.
Trên đây là các vấn đề pháp lý cũng như các lưu ý cần thiết về bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp khi có việc làm.
Nếu còn bất kỳ vấn đề gì chưa rõ hoặc thắc mắc, vui lòng liên hệ tới Tổng đài tư vấn bảo hiểm thất nghiệp qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được hỗ trợ giải đáp.
Trân trọng./.
Tôi đã hưởng BHXH 1 lần nhưng chưa hưởng BHTN nhưng bìa sổ đó đã mất giờ tôi đã đi tìm được việc làm mà cty yêu cầu tôi xin tờ rời bảo lưu thất nghiệp để hỗ trợ cấp lại bìa sổ mới .vậy xin hỏi tôi xin tờ… Đọc tiếp »
Bạn có thể quay lại cơ quan BHXH nơi đã rút BHXH 1 lần để xin bạn nhé, khi đi cầm theo quyết định hưởng BHXH 1 lần và giấy tờ tùy thân (CCCD/CMT)