Phân biệt thường trú và tạm trú

Phân biệt thường trú và tạm trú
Những vấn đề pháp lý thường ngày như đăng ký khai sinh, đăng ký cư trú,... tưởng chừng đơn giản nhưng khi người dân thực hiện lại có nhiều vướng mắc. Thấu hiểu điều đó, chúng tôi đã triển khai đường dây nóng tư vấn luật hộ tịch. Nếu bạn đang có nhu cầu tư vấn về vấn đề này, hãy liên hệ ngay qua Tổng đài 19006588 để được tư vấn miễn phí.

      Thường trú và tạm trú là hai thuật ngữ khá quen thuộc với mọi người, được sử dụng phổ biến trong thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều người chưa biết cách phân biệt thường trú và tạm trú. Vậy pháp luật hiện nay quy định như thế nào về thường trú và tạm trú? Thường trú và tạm trú có gì khác nhau? Để giúp bạn có những thông tin đầy đủ về vấn đề này, Luật Quang Huy chúng tôi cung cấp thông tin về thường trú và tạm trú cũng như cách phân biệt thường trú và tạm trú theo quy định của pháp luật hiện hành.


Cơ sở pháp lý

  • Luật Cư trú năm 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2013
  • Nghị định số 31/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Cư trú
  • Thông tư số 35/2014/TT-BCA Quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP

Thường trú là gì?

      Hiện nay có rất nhiều cách hiểu khác nhau về nơi thường trú. Có nhiều người cho rằng, thường trú là tình trạng cư trú của một người tại một quốc gia mà họ không phải là công dân. Nhưng cũng có rất nhiều quan điểm khác lại cho thấy, thường trú không gắn với quốc tịch của cá nhân, mà thường trú chỉ nơi thường xuyên sinh sống của cá nhân đó.

      Vậy, dưới góc độ pháp lý, thường trú là gì?

      Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật cư trú 2006 sửa đổi, bổ sung 2013, thường trú được hiểu như sau:

Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú.

      Như vậy, Luật cư trú năm 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2013 đã có quy định cụ thể về khái niệm thường trú. Theo đó ta có thể hiểu rằng, thường trú là nơi mà công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, đã đăng ký thường trú và không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định.

Tạm trú là gì?

      Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật cư trú năm 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2013 quy định.

Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú

      Theo đó, nơi tạm trú là nơi mà công dân sinh sống ngoài nơi mà đã đăng ký thường trú, đã thực hiện thủ tục đăng ký tạm trú và bị giới hạn về thời hạn cư trú.

Tạm trú là gì

      Việc đăng ký tạm trú sẽ giúp cơ quan Nhà nước quản lý công dân, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự xã hội. Đồng thời, việc đăng ký tạm trú không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của công dân để thực hiện một số thủ tục thuận tiện hơn như việc mua nhà, đầu tư bất động sản, đăng ký sở hữu xe máy, ô tô,…


Phân biệt thường trú và tạm trú

      Theo quy định của Luật cư trú 2006 sửa đổi, bổ sung 2013 thì nơi cư trú là nơi sinh sống thường xuyên của công dân. Nơi cư trú của công dân có thể là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú của công dân. Vậy thường trú và tạm trú có gì khác nhau?

Về bản chất

      Về bản chất của thường trú và tạm trú đều là nơi sinh sống của công dân. Tuy nhiên việc xác định nơi thường trú và nơi tạm trú là khác nhau. Cụ thể:

  • Đối với nơi thường trú là nơi công dân thường xuyên sinh sống, ổn định và đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, thông thường là địa chỉ nơi đăng ký sổ hộ khẩu.
  • Đối với nơi tạm trú thông thường là nơi ở của cá nhân ở thời điểm nhất định, xác định là tạm thời và không sinh sống ổn định, lâu dài ở đó. Nơi tạm trú thường là nơi mà cá nhân thuê nhà, ở nhờ,… để làm ăn, sinh sống, học tập,….

Về thẩm quyền đăng ký

      Theo quy định tại Điều 9 Thông tư 35/2014/TT-BCA thẩm quyền đăng ký thường trú đó là:

Công an quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền đăng ký thường trú tại quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.

Công an xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh có thẩm quyền đăng ký thường trú tại các xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh. Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thẩm quyền

      Theo khoản 3 Điều 16 Thông tư 35/2014/TT-BCA quy định:

Người đăng ký tạm trú nộp hồ sơ đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn

      Như vậy, theo những quy định trên thẩm quyền đăng ký thường trú và đăng ký tạm trú là khác nhau và thẩm quyền đăng ký thường trú sẽ rộng hơn so với thẩm quyền đăng ký tạm trú.Cụ thể:

      Đối với đăng ký thường trú các cơ quan có thẩm quyền đó là:

  • Công an quận, huyện, thị xã đối với đăng ký thường trú tại quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương,
  • Công an xã, thị trấn thuộc tỉnh đối với đăng ký thường trú tại xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh,
  • Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh trong trường hợp đăng ký thường trú tại thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

      Đối với đăng ký tạm trú cơ quan có thẩm quyền đó là Công an xã, phường, thị trấn.

Phân biệt thường trú và tạm trú

Về điều kiện

Điều kiện đăng ký thường trú

      Theo quy định của Luật Cư trú 2006 sửa đổi, bổ sung 2013 việc đăng ký thường trú đối với từng trường hợp công dân sẽ cần đáp ứng những điều kiện cụ thể.

      Đối với trường hợp đăng ký thường trú tại tỉnh, theo quy định tại Điều 19 Luật Cư trú 2006 sửa đổi, bổ sung 2013 điều kiện để đăng ký thường trú tại tỉnh đó là công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh đó. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.

      Đối với trường hợp đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương, điều kiện đăng ký thường trú được quy định tại Điều 20 Luật Cư trú 2006 sửa đổi, bổ sung 2013. Theo đó, công dân cần đáp ứng một trong các điều kiện sau:

  • Có chỗ ở hợp pháp. Trường hợp đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ một năm trở lên, trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ hai năm trở lên. Riêng đối với khu vực Hà Nội thì phải có thời gian tạm trú tại quận thuộc thành phố Hà Nội là ba năm trở lên.
  • Được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật cư trú 2006 sửa đổi, bổ sung 2013 ( Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con; Người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc về ở với anh, chị, em ruột; Người khuyết tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ; Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ; Người thành niên độc thân về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột; Ông, bà nội, ngoại về ở với cháu ruột)
  • Được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn và có chỗ ở hợp pháp;
  • Trước đây đã đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương, nay trở về thành phố đó sinh sống tại chỗ ở hợp pháp của mình.
  • Trường hợp đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức thì phải có đủ các điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 20 Luật cư trú 2006 sửa đổi, bổ sung 2013 (Bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố; Có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn về điều kiện diện tích bình quân; Được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.)

Điều kiện đăng ký tạm trú

      Theo quy định tại Điều 30 Luật Cư trú 2006 sửa đổi, bổ sung 2013 thì người đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó. Công dân cần phải có chỗ ở hợp pháp, trường hợp chỗ ở hợp pháp là nhà do thuê, mượn hoặc ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.

      Như vậy, để đăng ký thường trú, tạm trú thì công dân cần đáp ứng điều kiện đối với từng trường hợp cụ thể. Điều kiện đăng ký thường trú đặc biệt là đối với đăng ký thường trú ở tại thành phố trực thuộc Trung ương công dân cần đáp ứng nhiều điều kiện hơn sơ với điều kiện đăng ký tạm trú.

Kết quả của đăng ký thường trú và tạm trú

  •  Kết quả của đăng ký thường trú là công dân được cấp sổ hộ khẩu hoặc được ghi tên vào sổ hộ khẩu.
  • Kết quả của đăng ký tạm trú là công dân được cấp sổ tạm trú hoặc giấy xác nhận tạm trú.

      Nhìn chung kết quả của việc đăng ký thường trú và tạm trú tương đối giống nhau. Việc đăng ký thường trú và tạm trú của công dân sẽ được ghi nhận về nơi cư trú hợp pháp của mình.

Về thời hạn cư trú

      Theo quy định của Luật cư trú năm 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2013 thời hạn đối với thường trú và tạm trú như sau:

  • Thời hạn đối với trường hợp thường trú là không bị giới hạn.
  • Thời hạn đối với trường hợp tạm trú tối đa là hai mươi bốn tháng.

      Trên đây là toàn bộ các quy định của pháp luật về phân biệt thường trú và tạm trú. Nếu có gì còn thắc mắc, vui lòng liên hệ TỔNG ĐÀI 19006588 gặp Luật sư tư vấn pháp luật của Luật Quang Huy.

       Trân trọng./.


  

5/5 - (1 bình chọn)
Đội ngũ tác giả Công ty Luật Quang Huy
Đội ngũ tác giả Công ty Luật Quang Huy
Với phương châm "Luật sư của mọi nhà", Luật Quang Huy đang nỗ lực không ngừng để tạo nên một hành lang pháp lý vững chắc, an toàn cho Quý khách hàng!
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HOTLINE 1900.6706

phone-call

GỌI HOTLINE 1900.6588

Scroll to Top