Quy định chứng cứ và chứng minh trong tố tụng hình sự

Chứng cứ và chứng minh trong tố tụng hình sự
Nếu bạn có nhu cầu được tư vấn, hỗ trợ về luật hình sự, hãy liên hệ ngay cho luật sư qua hotline 1900.6784. Luật sư can thiệp càng sớm, cơ hội bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp càng cao!

Quá trình giải quyết vụ án hình sự cho thấy, chứng cứ và chứng minh trong tố tụng hình sự là căn cứ quan trọng để xác định tội phạm. Vậy quy định của pháp luật về chứng cứ và chứng minh trong tố tụng hình sự như thế nào? Những vấn đề nào cần chứng minh trong tố tụng hình sự? Trong bài viết này, Luật Quang Huy sẽ hướng dẫn bạn đọc các quy định liên quan đến vấn đề này.


1. Quy định chung về chứng cứ và chứng minh trong tố tụng hình sự

Toàn bộ hoạt động của những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và những người có liên quan khác trong tất cả các giai đoạn tố tụng đều hướng vào việc thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ nhằm chứng minh những vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án hình sự.

Có thể thấy, chứng minh, chứng cứ trong tố tụng hình sự là một trong những chế định quan trọng nhất, xuyên suốt toàn bộ quá trình tố tụng kể từ khi khởi tố, điều tra đến truy tố, xét xử vụ án hình sự.

Tùy thuộc vào chức năng, nhiệm vụ của mỗi giai đoạn tố tụng mà hình thức thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ của mỗi chủ thể tố tụng có khác nhau. Do vậy, có thể nói, gần như toàn bộ quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021 là những quy định về chứng cứ, chứng minh trong tố tụng hình sự, mặc dù mỗi giai đoạn tố tụng hình sự có cách thức thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ khác nhau.


2. Khái niệm về chứng cứ

Xét về bản chất, chứng cứ là những thông tin, tài liệu hay những gì có thật được cơ quan tiến hành tố tụng thu thập, kiểm tra và đánh giá theo quy định của pháp luật nhằm mục đích giải quyết đúng đắn vụ án hình sự.

Theo đó, chứng cứ cần được thu thập kịp thời, đầy đủ, được mô tả đúng thực trạng vào biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án. Trong trường hợp chứng cứ không thể đưa vào hồ sơ vụ án thì phải chụp ảnh và có thể ghi hình để đưa vào hồ sơ vụ án. Vật chứng phải được bảo quản nguyên vẹn, không để mất, lẫn lộn và hư hỏng.

Chứng cứ trong tố tụng hình sự được định nghĩa tại·Điều 86 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021 như sau:

Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021 quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.


3. Những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự

Việc chứng minh thể hiện ở việc làm sáng tỏ một cách đầy đủ và toàn diện tất cả các tình tiết liên quan đến hành vi phạm tội, có ý nghĩa đối với việc định tội danh đúng hành vi và suy cho cùng có ý nghĩa đối với việc giải quyết đúng đắn vụ án hình sự.

Căn cứ Điều 85 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021 những vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án hình sự được quy định như sau:

  • Có hành vi phạm tội xảy ra hay không (thực hiện bằng hành động hay không hành động) nguy hiểm cho xã hội có xảy ra hay không. Diễn biến, thủ đoạn thực hiện tội phạm; hoàn cảnh, thời gian, địa điểm thực hiện tội phạm. Điều này phải căn cứ vào quy định của bộ luật hình sự để xác định hành vi nguy hiểm cho xã hội đã xâm phạm vào khách thể nào do bộ luật hình sự quy định.
  • Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội. Phải xác định tên, tuổi, nơi cư trú người thực hiện hành vi phạm tội. Nếu nghi ngờ năng lực trách nhiệm hình sự thì phải trưng cầu giám định.

Tội phạm được thực hiện dưới những hình thức gì: do một người hay do nhiều người thực hiện, có đồng phạm hay không, phạm tội có tổ chức hay không. Tội phạm xảy ra ở giai đoạn nào: chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt hay tội phạm hoàn thành.

  • Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo. Khi xem xét về nhân thân của người phạm tội, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chứng minh:
  • Những đặc điểm về nhân thân của người phạm tội có ảnh hưởng trực tiếp đến tội phạm (những đặc điểm mang tính chất pháp lý) như phạm tội lần đầu hay đã có tiền án, tái phạm hay tái phạm nguy hiểm, có tính chất chuyên nghiệp; là người thành niên hay chưa thành niên; có thái độ tự thú hoặc hối cải, lập công chuộc tội hay ngoan cố không chịu nhận tội?
  • Những đặc điểm nhân thân khác tuy không mang tính chất pháp lý, những ảnh hưởng nhất định đến hành vi phạm tội như thành phần gia đình, quá trình hoạt động chính trị – xã hội, trình độ học vấn, nghề nghiệp; người phạm tội thuộc dân tộc ít người, gia đình chính sách, có công với cách mạng, là nhân si, trí thức có tên tuổi, là chức sắc tôn giáo?
  • Những đặc điểm phản ảnh hoàn cảnh thực tế của người phạm tội như người già yêu, bị bệnh hiểm nghèo, phụ nữ có thai, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của bản thân hay của gia đình?
  • Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.

Hậu quả của tội phạm là thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cho những quan hệ xã hội là khách thể bảo vệ của Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thể hiện dưới các dạng: thiệt hại về vật chất, thể chất, tinh thần.

Tính chất của thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra là đặc tính về chất của thiệt hại cho phép phân biệt tội phạm ở nhóm này với tội phạm ở nhóm khác trong Bộ luật hình sự hiện hành.

Về mức độ thiệt hại: Đánh giá thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra tùy thuộc vào cấu thành từng tội phạm cụ thể để xác định. Đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia là mức độ ảnh hưởng đến sự vũng mạnh của chính quyền nhân dân, các thẻ chế chính trị, xã hội.

Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người thì sự thiệt hại chính là số người chết, số người bị thương, mức độ tổn hại sức khỏe về danh dự, nhân phẩm. Các tội xâm phạm sở hữu, các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng thì đó là số tài sản bị chiếm đoạt, bị thất thoát lãng phí.

Thiệt hại có những vụ có thể đo, đếm được, những nhiều vụ phạm tội là những thiệt hại về tinh thần, tư tưởng con người không thể quy đổi được.

Chứng cứ và chứng minh trong tố tụng hình sự
Chứng cứ và chứng minh trong tố tụng hình sự
  • Nguyên nhân và điều kiện phạm tội. Nguyên nhân của tội phạm là những yếu tố thúc đẩy làm nảy sinh tội phạm, bao gồm những hiện tượng và quá trình tâm lý xã hội. Nguyên nhân của tội phạm mang bản chất tâm lý- xã hội.

Điều kiện là cái cần phải có để cho một một cái khác có thể có hoặc có thể xảy ra. Nói cách khác, điều kiện của tội phạm chính là những yếu tố môi trường tạo thuận lợi cho tội phạm xảy ra.

  • Những tình tiết khác liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt.

Loại trừ trách nhiệm hình sự: Chương IV Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định 7 trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự, cụ thể: sự kiện bất ngờ, tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự, phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết, gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội; rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ; thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên.

Miễn trách nhiệm hình sự: Điều 29 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định căn cứ miễn trách nhiệm hình sự: Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; Khi có quyết định đại xá.

Miễn hình phạt: Điều 59 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 Người phạm tội có thể được miễn hình phạt nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 của Bộ luật hình sự mà đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự.

Theo đó, Điều 54 bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:

  • (i) Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định;
  • (ii) Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.

4. Nguồn chứng cứ

Trong đó, theo Điều 87 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021, chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn:

Vật chứng: Vật chứng theo Điều 89 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021 là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

Lời khai, lời trình bày: Căn cứ các Điều 91, 92, 93, 94, 95, 96, 97, 98 lời khai, lời trình bày được coi là vật chứng bao gồm:

  • Lời khai của người làm chứng;
  • Lời khai của bị hại;
  • Lời khai của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự;
  • Lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án;
  • Lời khai của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người phạm tội tự thú, đầu thú, người bị bắt, bị tạm giữ;
  • Lời khai của người tố giác, báo tin về tội phạm;
  • Lời khai của người chứng kiến;
  • Lời khai của bị can, bị cáo.

Lưu ý:

  • Không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do lời khai của người làm chứng; lời khai của bị hại; lời khai của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự; lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án trình bày nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó.
  • Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án. Đồng thời, không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội.

Dữ liệu điện tử: theo Điều 99 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021, dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử.

Trong đó, dữ liệu điện tử được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác.

Kết luận giám định, định giá tài sản:

  • Kết luận giám định là văn bản do cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức giám định lập để kết luận chuyên môn về những vấn đề được trưng cầu, yêu cầu giám định (theo Điều 100 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021);
  • Kết luận định giá tài sản là văn bản do hội đồng định giá tài sản lập để kết luận về giá của tài sản được yêu cầu. Đồng thời, hội đồng định giá tài sản kết luận giá của tài sản và phải chịu trách nhiệm về kết luận đó (Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021).

Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác.

Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với chứng cứ khác của vụ án.

Các tài liệu, đồ vật khác: Những tình tiết liên quan đến vụ án ghi trong tài liệu, đồ vật do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp có thể được coi là chứng cứ. Trường hợp tài liệu, đồ vật này có đặc điểm theo Điều 89 quy định về vật chứng như trên thì được coi là vật chứng.


5. Thủ tục các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp nhận và đánh giá chứng cứ

Mỗi chứng cứ phải được kiểm tra, đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án. Việc xác định những chứng cứ thu thập được phải bảo đảm đủ để giải quyết vụ án hình sự. Theo đó, thủ tục các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp nhận và đánh giá chứng cứ được quy định như sau:

Bước 1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tiếp nhận chứng cứ của vụ án. Chứng cứ được tiếp nhận hoặc thu thập từ nhiều nguồn khác nhau như đã phân tích ở trên.

  • Khi tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, dữ liệu điện tử liên quan đến vụ án do người bào chữa hoặc những người tham gia tố tụng khác cung cấp, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản giao nhận và kiểm tra, đánh giá theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021.
  • Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày lập biên bản về hoạt động điều tra, thu thập, nhận được tài liệu liên quan đến vụ án mà Kiểm sát viên không trực tiếp kiểm sát theo quy định của pháp luật thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển biên bản, tài liệu này cho Viện kiểm sát để kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án. Trường hợp do trở ngại khách quan thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 15 ngày.
  • Trong thời hạn 03 ngày, Viện kiểm sát đóng dấu bút lục và sao lưu biên bản, tài liệu lưu hồ sơ kiểm sát và bàn giao nguyên trạng tài liệu, biên bản đó cho Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Việc giao, nhận tài liệu, biên bản được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021.

Bước 2. Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải kiểm tra, đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện mọi chứng cứ đã thu thập được về vụ án.

Đánh giá chứng cứ trong vụ án hình sự, là hoạt động tư duy của chủ thể tiến hành tố tụng theo quy định của pháp luật và các chủ thể khác có liên quan tiến hành xem xét, kiểm tra các chứng cứ đã thu thập được; từ đó đưa ra kết luận về tính xác thực hoặc không xác thực của chứng cứ, tính hợp pháp hoặc không hợp pháp, tính liên quan hoặc không liên quan đến vụ án của chứng cứ.

Các chứng cứ được thu thập liên quan đến vụ án, đều phải được đánh giá riêng biệt và tổng thể; có như vậy Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án mới giải quyết được vụ án cần phải tiến hành đánh giá chứng cứ trên cơ sở phân tích và tổng hợp.

Phân tích chứng cứ là việc phân chia toàn bộ chứng cứ đã thu thập được về vụ án, phân biệt chứng cứ này với chứng cứ khác, phân chia từng chứng cứ riêng lẻ thành các bộ phận cấu thành của nó, chọn ra trong đó các sự kiện khẳng định, đặc điểm riêng, đối chiếu, so sánh các yếu tố riêng lẻ của từng chứng cứ với nhau và của chứng cứ này với chứng cứ khác.


6. Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017;
  • Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021.

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về vấn đề chứng cứ và chứng minh trong tố tụng hình sự theo quy định pháp luật hiện hành. Qua bài viết này, chúng tôi mong rằng sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Để được tư vấn đầy đủ và chính xác nhất, mời quý khách hàng liên hệ qua Tổng đài tư vấn luật  tố tụng hình sự trực tuyến của HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để nhận tư vấn thêm về vấn đề mà quý khách hàng đang gặp phải.

Trân trọng./.

5/5 - (1 bình chọn)
Luật sư Lê Thị Oanh
Luật sư Lê Thị Oanh
Nguyên thẩm phán TAND tỉnh Tuyên Quang, Nguyên Chánh án TAND Thành phố Tuyên Quang, Luật sư Đoàn Luật sư TP Hà Nội
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HỎI MIỄN PHÍ NGAY

Scroll to Top