Giáo viên là ngành cao quý trong xã hội và có những ưu đãi riêng khi tham gia bảo hiểm xã hội. Vậy, khi giáo viên mầm non nghỉ hưởng chế độ thai sản có ưu đãi nào hay không. Qua bài viết này, Luật Quang Huy sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc về: Chế độ thai sản của giáo viên mầm non theo quy định hiện hành.
Mọi người cũng xem:
1. Điều kiện hưởng chế độ nghỉ thai sản của giáo viên mầm non
Điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với giáo viên cũng tương tự điều kiện để người lao động nữ được hưởng chế độ thai sản được quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 như sau: a) Lao động nữ mang thai;
- Lao động nữ sinh con;
- Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
- Người lao động nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
- Lao động nữ đặt vòng tránh thai, triệt sản;
- Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
.Vậy để được hưởng chế độ thai sản thì nữ giáo viên mầm non phải đóng bảo hiểm từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, không cần liên tục. Tuy nhiên giáo viên mầm non nữ không được nghỉ dưỡng sức trước khi sinh quá 2 tháng.
Đối với trường hợp người lao động nữ là giáo viên mầm non đã đóng trên 12 tháng bảo hiểm xã hội, nếu như phải nghỉ dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm ít nhất 03 tháng trong khoảng 12 tháng trước khi sinh con.
Đối với lao động nữ là giáo viên mầm non không đóng đủ 06 tháng trong 12 tháng trước khi sinh hoặc nhận nuôi con nuôi thì được hưởng các chế độ khi khám thai, chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý, mẹ chết sau khi sinh theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Mọi người cũng xem:
2. Thời gian và mức hưởng chế độ thai sản đối với giáo viên mầm non
Chế độ thai sản đối với giáo viên hiện nay cũng giống với chế độ thai sản 2018 cho giáo viên và chế độ thai sản 2019 đối với giáo viên mầm non. Các chế độ quyền lợi đều không có sự thay đổi.
Quy định về chế độ thai sản của giáo viên mầm non
2.1 Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản đối với giáo viên mầm non
Nếu không trùng với thời gian nghỉ hè thì chế độ thai sản khi sinh con giống như lao động nữ thông thường: được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng. Ngoài chế độ khi sinh con, trong thời gian mang thai, lao động nữ còn được hưởng các chế độ thai sản khác bao gồm: chế độ khi khám thai, chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý.
Tuy nhiên đối với người lao động nữ hoặc là người tham gia đóng bảo hiểm mà là giáo viên thì có thời gian nghỉ hè. Nếu Thời gian nghỉ chế độ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè thì quyền lợi của giáo viên mầm non được quy định như thế nào?
Hai khoảng thời gian này của giáo viên mầm non trùng nhau thì sẽ được giải quyết theo 02 phương án nêu tại Công văn 1125/NGCBQLGD-CSNGCB:
Phương án 1: Căn cứ vào kế hoạch năm học, quy mô, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng trường, giáo viên mầm non sẽ được sắp xếp nghỉ bù.
Lúc này, thời gian nghỉ bù của giáo viên mầm non sẽ được tính bằng thời gian nghỉ hằng năm theo quy định tại Điều 111, Điều 112 Bộ luật Lao động 2012:
- 12 ngày nếu làm việc trong điều kiện bình thường;
- 14 ngày nếu làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có điều kiện sinh sống khắc nghiệt hoặc là lao động chưa thành niên hoặc là người khuyết tật;
- 16 ngày nếu làm việc ở nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt;
Đặc biệt: Cứ làm việc được 05 năm thì sẽ được tăng thêm tương ứng 01 ngày làm việc.
Phương án 2: Nếu do yêu cầu công tác, trường học không bố trí được thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên thì giáo viên sẽ được thanh toán tiền nghỉ hàng năm.
Trong đó, mức chi trả sẽ căn cứ vào quy chế chi tiêu nội bộ của trường học nhưng tối đa không quá mức tiền lương làm thêm giờ ngày thứ Bảy, Chủ nhật (Căn cứ vào khoản 2 Điều 5 Thông tư 141/2011/TT-BTC).
2.2 Mức hưởng chế độ thai sản của giáo viên mầm non
Giáo viên mầm non khi hưởng chế độ thai sản thì sẽ được hỗ trợ mức hưởng như sau:
2.2.1 Tiền trợ cấp một lần khi sinh con
Giáo viên mầm non nghỉ thai sản còn được nhận trợ cấp một lần khi sinh bằng 2 lần mức lương cơ sở tại thời điểm sinh con.Theo Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi sẽ được hưởng tiền thai sản, bao gồm:
Trợ cấp một lần: Mức lương cơ sở x 2
Năm 2021, mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng. Do đó, mức trợ cấp một lần khi sinh còn là: 1,49 triệu đồng x 2 = 2,96 triệu đồng.
Nếu giáo viên mầm non nghỉ thai sản trùng thời gian nghỉ hè và không được sắp xếp nghỉ bù thì sẽ được chi trả thêm tiền những ngày không được nghỉ bù.
2.2.2 Tiền chế độ thai sản
Giáo viên mầm non sẽ được hưởng trợ cấp 6 tháng nghỉ sinh, mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản;…Theo Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
Mức hưởng hàng tháng | = | 100% | x | Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội 06 tháng trước khi nghỉ việc |
Trường hợp chưa đóng đủ 06 tháng thì mức hưởng được tính theo mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng.
Ngoài ra, sau khi quay trở lại làm việc sau khi nghỉ sinh giáo viên mầm non có thể được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh. Đối với những giáo viên mầm non trong 30 ngày đầu trở lại làm việc mà vẫn chưa đủ sức khỏe, pháp luật tạo điều kiện cho họ được nghỉ dưỡng sức từ 05 đến 10 ngày:
- Tối đa 10 ngày nếu sinh một lần từ hai con trở lên;
- Tối đa 07 ngày nếu sinh mổ;
- Tối đa 05 ngày với các trường hợp khác.
Trong thời gian này, người lao động được chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản với mức hưởng:
Mức hưởng mỗi ngày = 30% mức lương cơ sở
Năm 2021, mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng. Do đó, mức hưởng dưỡng sức sau sinh là 447.000 đồng.
Mọi người cũng xem:
3. Thủ tục hưởng chế độ nghỉ thai sản cho giáo viên mầm non
Để hưởng chế độ thai sản thì giáo viên mầm non và nhà trường phải chuẩn bị hồ sơ hưởng như sau:
Theo quy định nghỉ thai sản của giáo viên mầm non tại Điều 101 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Điều 9 Quyết định 166/QĐ-BHXH, như sau:
Hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con
- Bản sao giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh của con;
- Bản sao giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết;
- Bản sao giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau khi sinh mẹ chết;
- Giấy xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh về tình trạng người mẹ sau sinh không đủ sức khỏe để chăm con;
- Trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh;
- Giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai.
Hồ sơ hưởng chế độ đối với lao động nữ đi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý, thực hiện biện pháp tránh thai
- Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội nếu điều trị ngoại trú;
- Giấy ra viện nếu điều trị nội trú.
Hồ sơ hưởng chế độ đối với người lao động nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi
Giấy chứng nhận nuôi con nuôi.
Hồ sơ hưởng chế độ đối với lao động nam nghỉ việc khi vợ sinh con
- Bản sao giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh của con;
- Giấy xác nhận của cơ sở y tế trong trường hợp sinh con phải mổ, sinh con dưới 32 tuần tuổi.
Thời gian nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản
- Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày trở lại làm việc giáo viên mầm non phải nộp hồ sơ cho nhà trường
- Nhà trường trong thời hạn 10 ngày (kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của giáo viên mầm non) phải nộp cho cơ quan bảo hiểm.
- Cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả tiền thai sản cho người lao động trong vòng: 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người sử dụng lao động; 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động thôi việc trước khi sinh, nhận con nuôi.
Như vậy, tối đa trong 20 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ, người lao động sẽ được nhận tiền thai sản kể từ khi nộp đủ hồ sơ hưởng chế độ thai sản lên cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định.
Trên đây là toàn bộ phần giải đáp của chúng tôi cho quy định về chế độ thai sản của giáo viên mầm non. Nếu bạn đọc có vấn đề thắc mắc về các nội dung liên quan, vui lòng liên hệ trực tiếp đến Tổng đài tư vấn luật chế độ thai sản trực tuyến qua HOTLINE 19006785 của Luật Quang Huy để được hỗ trợ giải đáp.
Trân trọng./.