Các đối tượng chịu thuế xuất nhập khẩu

Các đối tượng chịu thuế xuất nhập khẩu
Nhằm giải đáp được toàn bộ các thắc mắc liên quan đến thuế suất, đối tượng đóng, đối tượng miễn thuế xuất nhập khẩu, Luật Quang Huy đã bổ sung thêm Tổng đài tư vấn luật thuế xuất nhập khẩu trực tuyến. Nếu Quý khách có nhu cầu kết nối với chúng tôi, bạn liên hệ ngay cho Luật sư qua Tổng đài 19006588.

Không phải loại hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới đều phải chịu thuế. Vậy đối tượng chịu thuế xuất nhập khẩu bao gồm những hàng hóa nào? Hàng hóa nào không phải chịu thuế xuất nhập khẩu? Tại bài viết này, Luật Quang Huy sẽ giải đáp các thắc mắc này cho bạn đọc.


1. Thuế xuất nhập khẩu là gì?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, thuế xuất nhập khẩu là loại thuế gián thu đánh vào những loại hàng hóa được phép xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới Việt Nam bao gồm cả trường hợp xuất khẩu từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan và nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước.


2. Đối tượng chịu thuế xuất nhập khẩu?

Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016 được hướng dẫn bởi Điều 2 Nghị định 134/2016 NĐ-CP của Chính phủ, đối tượng chịu thuế xuất nhập khẩu bao gồm:

  • Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam;
  • Hàng hóa xuất khẩu từ thị trường trong nước vào doanh nghiệp chế xuất, khu chế xuất, kho bảo thuế, kho ngoại quan và các khu phi thuế quan khác phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; hàng hóa nhập khẩu từ doanh nghiệp chế xuất, khu chế xuất, kho bảo thuế, kho ngoại quan và các khu phi thuế quan khác phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu vào thị trường trong nước;
  • Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thực hiện theo quy định tại Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan;
  • Hàng hóa của doanh nghiệp chế xuất thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là hàng hóa do doanh nghiệp chế xuất xuất khẩu, nhập khẩu để thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối theo quy định của pháp luật thương mại, pháp luật đầu tư.

Căn cứ theo quy định trên, đối tượng chịu thuế xuất, nhập khẩu có những dấu hiệu đặc trưng sau đây:

  • Thứ nhất, đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu chỉ bao gồm hàng hóa, không bao gồm các đối tượng dịch vụ. Mặc dù thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cũng có tính chất là một loại thuế gián thu như các loại thuế gián thu khác, đánh vào việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, do đặc trưng của hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu mà luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu chỉ có đối tượng chịu thuế là hàng hóa.
  • Thứ hai, hàng hóa thuộc diện chịu thuế xuất khẩu, nhập khẩu là hàng hóa được phép xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam. Dấu hiệu được phép xuất khẩu, nhập khẩu là dấu hiệu pháp lý quan trọng nhất của hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Có nghĩa là hàng hóa thuộc danh mục cấm xuất khẩu, nhập khẩu nếu có xuất khẩu, nhập khẩu thì không  thuộc diện chịu thuế xuất nhập thuộc danh mục cấm xuất nhập khẩu.

Việc xuất nhập khẩu các mặt hàng thuộc danh mục bị cấm xuất khẩu, nhập khẩu được coi là những hành vi buôn lậu và tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật có liên quan.

  • Thứ ba, hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế xuất khẩu, nhập khẩu không có sự phân biệt về mục đích, kinh doanh hay phi kinh doanh, chính ngạch hay tiểu ngạch, miễn là hàng hóa được xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới, cửa khẩu Việt Nam.
Các đối tượng chịu thuế xuất nhập khẩu
Các đối tượng chịu thuế xuất nhập khẩu

3. Đối tượng không chịu thuế xuất nhập khẩu?

Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016, các đối tượng không chịu thuế xuất nhập khẩu bao gồm các đối tượng sau:

  • Hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển;
  • Hàng hóa viện trợ nhân đạo, hàng hóa viện trợ không hoàn lại;
  • Hàng hóa xuất khẩu từ khu phi thuế quan ra nước ngoài; hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan; hàng hóa chuyển từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác;
  • Phần dầu khí được dùng để trả thuế tài nguyên cho Nhà nước khi xuất khẩu.

4. Ai là người nộp thuế xuất nhập khẩu?

Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016, người nộp thuế xuất nhập khẩu bao gồm:

  • Chủ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu: Chủ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải đảm bảo hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của mình phải theo giấy phép của Bộ, ngành liên quan khi tiến hành hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này. Theo đó hàng hóa phải đảm bảo các quy định về tiêu chuẩn nhất định, phải chịu sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền trước khi thông quan;
  • Tổ chức nhận ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu: Chủ hàng hóa xuất khẩu – nhập khẩu có thể ủy thác cho một tổ chức khác thực hiện công việc này thông qua thỏa thuận ký hợp đồng ủy thác;
  • Người xuất cảnh, nhập cảnh có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, gửi hoặc nhận hàng hóa qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam: Hàng hóa có sự dịch chuyển qua biên giới Việt Nam sẽ phải chịu thuế xuất khẩu – nhập khẩu. Người xuất cảnh, nhập cảnh có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thì người đó vẫn phải nộp thuế xuất khẩu – nhập khẩu. Trừ trường hợp thuộc diện không phải nộp thuế;
  • Người được ủy quyền, bảo lãnh và nộp thuế thay cho người nộp thuế, bao gồm:
  • Đại lý làm thủ tục hải quan trong trường hợp được người nộp thuế ủy quyền nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
  • Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế trong trường hợp nộp thuế thay cho người nộp thuế;
  • Tổ chức tín dụng hoặc tổ chức khác hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng trong trường hợp bảo lãnh, nộp thuế thay cho người nộp thuế;
  • Người được chủ hàng hóa ủy quyền trong trường hợp hàng hóa là quà biếu, quà tặng của cá nhân; hành lý gửi trước, gửi sau chuyến đi của người xuất cảnh, nhập cảnh;
  • Chi nhánh của doanh nghiệp được ủy quyền nộp thuế thay cho doanh nghiệp;
  • Người khác được ủy quyền nộp thuế thay cho người nộp thuế theo quy định của pháp luật;
  • Người thu mua, vận chuyển hàng hóa trong định mức miễn thuế của cư dân biên giới nhưng không sử dụng cho sản xuất, tiêu dùng mà đem bán tại thị trường trong nước và thương nhân nước ngoài được phép kinh doanh hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ở chợ biên giới theo quy định của pháp luật;
  • Người có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế nhưng sau đó có sự thay đổi và chuyển sang đối tượng chịu thuế theo quy định của pháp luật;
  • Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

5. Cơ sở pháp lý

  • Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016;
  • Nghị định số 134/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
  • Nghị định số 125/2017/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 16/11/2017 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch.

Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi về vấn đề: đối tượng chịu thuế xuất nhập khẩu.

Để được tư vấn đầy đủ và chính xác nhất, mời quý khách hàng liên hệ qua Tổng đài tư vấn Thuế xuất nhập khẩu trực tuyến của HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để nhận tư vấn thêm về vấn đề mà quý khách hàng đang gặp phải.

Trân trọng./.

5/5 - (1 bình chọn)
Cố vấn Nguyễn Quỳnh Trang
Cố vấn Nguyễn Quỳnh Trang
Kiểm toán viên (CPA) – Hiện là cố vấn thuế cao cấp cho nhiều doanh nghiệp lớn trên toàn quốc với 20 năm kinh nghiệm thực tiễn
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HOTLINE 1900.6588

Scroll to Top