Kế toán thuế là gì? Công việc của kế toán thuế là gì?

Kế toán thuế là gì? Công việc của kế toán thuế là gì?
Hiện nay, từ giao dịch nhỏ đến các giao dịch lớn, người dân đều phải đóng một khoản thuế, phí nhất định. Để đảm bảo cho người dân nắm rõ mức thuế, phí phải đóng là bao nhiêu, Luật Quang Huy đã mở thêm Tổng đài tư vấn luật thuế phí. Nếu bạn cần hỗ trợ về những vấn đề này, liên hệ ngay cho Luật sư qua Tổng đài 19006588.

Doanh nghiệp khi đi vào hoạt động và tồn tại trong sự quản lý của pháp luật thì không thể thiếu bộ phận kế toán thuế và những kiến thức liên quan đến bộ phận này. Bài viết sau đây của Luật Quang Huy sẽ giải đáp cho bạn đọc kế toán thuế là gì và các vấn đề có liên quan.


1. Kế toán thuế là gì?

Theo quy định của pháp luật, kế toán thuế được định nghĩa là kế toán phụ trách về các vấn đề về khai báo thuế trong doanh nghiệp. Kế toán thuế là nghĩa vụ của các doanh nghiệp đối với nhà nước. Nhà nước chỉ có thể quản lý được nền kinh tế nhiều thành phần khi có kế toán thuế. Ngược lại doanh nghiệp cũng chỉ có thể kinh doanh ổn định và báo cáo thuế thuận lợi khi thực hiện các vấn đề về thuế rõ ràng.


2. Vai trò, nhiệm vụ kế toán thuế là gì?

Ngay từ khi thành lập công ty, kế toán thuế là bộ phận sẽ thực hiện việc kê khai và nộp lệ phí môn bài. Tiếp sau đó, trong suốt quá trình doanh nghiệp hoạt động, bộ phận kế toán thuế sẽ thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như:

  • Tập hợp hóa đơn, chứng từ phát sinh của doanh nghiệp để theo dõi và hạch toán;
  • Lập báo cáo thuế hàng tháng, hàng quý và nộp thuế cho công ty;
  • Lập báo cáo tài chính, báo cáo thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân, báo cáo thuế cuối năm;
  • Khi có vấn đề phát sinh, trực tiếp làm việc với cơ quan thuế;
  • Kiểm tra, đối chiếu hóa đơn giá trị gia tăng với bảng kê thuế đầu vào, đầu ra từng cơ sở;
  • Hàng tháng lập báo cáo tổng hợp thuế giá trị gia tăng đầu ra của toàn công ty và phân loại theo thuế suất;
  • Hàng tháng lập báo cáo tổng hợp thuế giá trị gia tăng đầu vào của toàn công ty theo tỉ lệ phân bổ đầu ra được khấu trừ;
  • Theo dõi báo cáo tình hình hoàn thuế của công ty, tình hình nộp ngân sách, tồn đọng ngân sách;
  • Đối chiếu số liệu báo cáo thuế của các cơ sở giữa báo cáo với quyết toán;
  • Lập hồ sơ hoàn thuế khi có vấn đề phát sinh;
  • Lập báo cáo tổng hợp thuế định kỳ hoặc đột xuất;
  • Kiểm tra hóa đơn đầu vào;
  • Kiểm tra báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn thuế để báo cáo cục thuế;
  • Cập nhật kịp thời các thông tin về luật thuế, soạn thông báo các nghiệp vụ quy định của luật thuế có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty để làm cơ sở thực hiện;
  • Lập kế hoạch thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, nộp ngân sách;
  • Cập nhật theo dõi việc giao nhận hóa đơn;
  • Hằng tháng, quý, năm báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn trong kỳ.

Và các công việc khác có liên quan đến kế toán thuế của doanh nghiệp.

Từ tính chất phức tạp và đa dạng của các công việc trên, có thể thấy trọng trách của bộ phận kế toán thuế trong doanh nghiệp là rất nặng nề. Do vậy, yêu cầu người đảm nhận vị trí này không chỉ có kiến thức chuyên môn mà phải có kinh nghiệm dày dặn cùng sự nhạy bén để xử lý nhanh các tình huống có thể phát sinh đối với doanh nghiệp.


3. Công việc của kế toán thuế là gì?

Công việc kế toán thuế không quá phức tạp, vì hầu như các quy trình đều làm theo quy định của luật thuế. Tuy nhiên, đây là một công việc đòi hỏi tính tỉ mỉ, cẩn thận cao, cũng như nhạy bén trong việc am hiểu và cập nhật kịp thời các thay đổi trong điều luật hiện hành. Từ đó vận dụng các thông tư nghị định một cách phù hợp nhất. Công việc của kế toán thuế sẽ được chia ra thành: công việc hàng ngày, công việc hàng tháng, công việc hàng quý và công việc hàng năm.

3.1. Công việc hàng ngày của kế toán thuế

Các công việc hàng ngày của kế toán thuế là thu thập, xử lý những hóa đơn chứng từ phát sinh, và tiến hành hạch toán các chứng từ như:

  • Hóa đơn đầu ra, đầu vào;
  • Nộp tiền thuế nếu có phát sinh các loại thuế phải nộp để tránh để phạt do chậm nộp;
  • Hạch toán các nghiệp vụ liên quan đến tiền đi, tiền đến trong ngân hàng;
  • Căn cứ vào các phiếu chi, phiếu thu, giấy nộp tiền vào ngân sách Nhà nước, hạch toán các nghiệp vụ về quỹ;
  • Kiểm tra tính đúng đắn, hợp lý của các hóa đơn. Xem xét có bị sai lệch các thông tin trên hóa đơn không;
  • Sắp xếp các hóa đơn chứng từ, lưu trữ, bảo quản cẩn thận và theo một logic để để dễ dàng tìm kiếm khi cần thiết.

3.2. Công việc hàng tháng của kế toán thuế

Công việc hàng tháng của kế toán thuế sẽ bao gồm:

  • Hàng tháng, kế toán thuế cần kê khai các loại thuế cần thiết như:
  • Thuế giá trị gia tăng với những doanh nghiệp có doanh thu từ 50 tỷ đồng trở lên;
  • Thuế thu nhập cá nhân đối với những doanh nghiệp phát sinh số thuế thu nhập cá nhân từ 50 triệu đồng trở lên;
  •  Hạn nộp các tờ khai tháng là ngày 20 của tháng tiếp theo.
  • Thực hiện các bút toán phân bổ công cụ dụng cụ, trích khấu hao tài sản cố định.
  • Kiểm tra hồ sơ nhân viên, làm hợp đồng lao động, tiến hành đăng ký mã số thuế cho nhân viên.
  • Cân đối kiểm tra các chỉ tiêu trên bảng cân đối, tránh để dồn việc đến cuối năm.

3.3. Công việc hàng quý của kế toán thuế

Công việc hàng quý của kế toán sẽ bao gồm:

  • Cuối quý kế toán thuế cần lập các tờ khai cần thiết như:
  • Tờ khai thuế giá trị gia tăng: với những doanh nghiệp mới thành lập, hoặc có doanh thu nhỏ hơn 50 tỷ đồng.
  • Tờ khai thuế thu nhập cá nhân: Với doanh nghiệp có phát sinh thuế thu nhập cá nhân nhỏ hơn 50 triệu đồng.

Lưu ý: Trường hợp doanh nghiệp không có người lao động nào đến mức phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Thì doanh nghiệp chỉ cần thực hiện quyết toán vào thời điểm cuối năm.

  • Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn.
  • Thời hạn nộp các tờ khai theo quý là ngày 30 của tháng tiếp theo sau quý đó.
Kế toán thuế là gì? Công việc của kế toán thuế là gì?
Kế toán thuế là gì? Công việc của kế toán thuế là gì?

3.4. Công việc hàng năm của kế toán thuế

Công việc hàng năm của kế toán thuế bao gồm công việc đầu năm và cuối năm như sau:

Công việc đầu năm: Thời điểm từ 01/01 đến 31/01 của năm tài chính kế toán cần hoàn thành nghĩa vụ nộp lệ phí môn bài.

Lưu ý: Trong năm nếu doanh nghiệp có thay đổi về mức vốn điều lệ làm thay đổi bậc lệ phí môn bài phải nộp thì cần phải làm lại tờ khai lệ phí môn bài cho năm sau và nộp trước ngày 31/12 của năm đó.

Công việc cuối năm:

  • Công việc quan trọng nhất cuối năm là hoàn thành bộ báo cáo tài chính.
  • Để làm được một bộ báo cáo chuẩn, kế toán cần rà soát lại các vấn đề còn tồn đọng từ trong năm, kiểm tra các số liệu từ chi tiết đến tổng hợp. Kiểm tra lại giữa kê khai và hạch toán đã khớp nhau chưa.
  • Thời hạn nộp báo cáo tài chính năm chậm nhất là ngày thứ 90 của năm tiếp theo.
  • Sau khi nộp báo cáo thuế xong kế toán cần tiến hành in toàn bộ sổ sách từ chi tiết đến tổng hợp để lưu trữ phục vụ cho việc quyết toán thuế sau này.
  • Các sổ sách gồm:
  • Sổ cái các tài khoản;
  • Sổ chi tiết các tài khoản, sổ quỹ tiền mặt, sổ tiền gửi ngân hàng,…;
  • Các bảng biểu chi tiết như: tổng hợp công nợ phải thu – phải trả, bảng trích khấu hao tài sản cố định,…;
  • Các phiếu thu, chi đi kèm các hóa đơn,…;

4. Cơ sở pháp lý

  • Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Quốc hội ban hành Luật Quản lý thuế;
  • Luật kế toán số 88/2015/QH13 Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Quốc hội ban hành Luật kế toán.

Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi về vấn đề: kế toán thuế là gì và các vấn đề có liên quan.

Để được tư vấn đầy đủ và chính xác nhất, mời quý khách hàng liên hệ qua Tổng đài tư vấn Thuế trực tuyến của HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để nhận tư vấn thêm về vấn đề mà quý khách hàng đang gặp phải.

Trân trọng./.

5/5 - (1 bình chọn)

TÁC GIẢ BÀI VIẾT

Cố vấn Nguyễn Quỳnh Trang
Cố vấn Nguyễn Quỳnh Trang
Kiểm toán viên (CPA) – Hiện là cố vấn thuế cao cấp cho nhiều doanh nghiệp lớn trên toàn quốc với 20 năm kinh nghiệm thực tiễn
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HOTLINE 1900.6588

Scroll to Top
Mục lục