Ấn định thuế là gì? Căn cứ và các trường hợp ấn định thuế

Ấn định thuế là gì? Căn cứ và các trường hợp ấn định thuế
Hiện nay, từ giao dịch nhỏ đến các giao dịch lớn, người dân đều phải đóng một khoản thuế, phí nhất định. Để đảm bảo cho người dân nắm rõ mức thuế, phí phải đóng là bao nhiêu, Luật Quang Huy đã mở thêm Tổng đài tư vấn luật thuế phí. Nếu bạn cần hỗ trợ về những vấn đề này, liên hệ ngay cho Luật sư qua Tổng đài 19006588.

Ấn định thuế là một trong những phương pháp đặc trưng mà cơ quan thuế tiến hành áp dụng đối với một số chủ thể. Vậy ấn định thuế là gì? Nguyên tắc ấn định thuế như thế nào? Trường hợp nào thì bị ấn định thuế? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, kính mời các bạn độc giả tham khảo bài viết dưới đây của Luật Quang Huy.


1. Ấn định thuế là gì?

Hiện nay, chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về khái niệm ấn định thuế. Nhưng có thể hiểu một cách đơn giản như sau: Ấn định thuế là việc cơ quan quản lý thuế xác định số thuế phải nộp và buộc các chủ thể nộp thuế phải thực hiện thay vì được chủ động khai, nộp thuế theo quy định.

Ấn định thuế phải được thực hiện dựa trên các quy định của pháp luật về nguyên tắc ấn định thuế, các trường hợp ấn định thuế, căn cứ ấn định thuế nhằm đảm bảo không xâm phạm đến quyền và lợi ích của người nộp thuế, đồng thời phải đảm bảo không thất thu thuế.


2. Nguyên tắc ấn định thuế

Theo Điều 49 Luật Quản lý thuế 2019 quy định:

  • Ấn định thuế phải dựa trên các nguyên tắc quản lý thuế, căn cứ tính thuế, phương pháp tính thuế theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về hải quan;
  • Cơ quan quản lý thuế ấn định số tiền thuế phải nộp hoặc ấn định từng yếu tố, căn cứ tính thuế để xác định số tiền thuế phải nộp.

3. Trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế và người nộp thuế trong việc ấn định thuế

3.1. Trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong việc ấn định thuế

Cơ quan quản lý thuế thông báo bằng văn bản cho người nộp thuế về lý do ấn định thuế, căn cứ ấn định thuế, số tiền thuế ấn định, thời hạn nộp tiền thuế.

Trường hợp cơ quan quản lý thuế thực hiện ấn định thuế qua kiểm tra thuế, thanh tra thuế thì lý do ấn định thuế, căn cứ ấn định thuế, số tiền thuế ấn định, thời hạn nộp tiền thuế phải được ghi trong biên bản kiểm tra thuế, thanh tra thuế, quyết định xử lý về thuế của cơ quan quản lý thuế.

Trường hợp số tiền thuế ấn định của cơ quan quản lý thuế lớn hơn số tiền thuế phải nộp theo quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan có thẩm quyền hoặc bản án, quyết định của Tòa án thì cơ quan quản lý thuế phải hoàn trả số tiền thuế nộp thừa.

Trường hợp số tiền thuế ấn định của cơ quan quản lý thuế nhỏ hơn số tiền thuế phải nộp theo quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan có thẩm quyền hoặc bản án, quyết định của Tòa án thì người nộp thuế có trách nhiệm nộp bổ sung. Cơ quan quản lý thuế chịu trách nhiệm về việc ấn định thuế.

3.2. Trách nhiệm của người nộp thuế trong việc nộp số thuế ấn định

Người nộp thuế phải nộp số tiền thuế ấn định theo quyết định xử lý về thuế của cơ quan quản lý thuế; trường hợp không đồng ý với số tiền thuế do cơ quan quản lý thuế ấn định thì người nộp thuế vẫn phải nộp số tiền thuế đó, đồng thời có quyền đề nghị cơ quan quản lý thuế giải thích hoặc khiếu nại, khởi kiện về việc ấn định thuế. Người nộp thuế có trách nhiệm cung cấp các hồ sơ, tài liệu để chứng minh cho việc khiếu nại, khởi kiện.

Ấn định thuế là gì? Căn cứ và các trường hợp ấn định thuế
Ấn định thuế là gì? Căn cứ và các trường hợp ấn định thuế

4. Các trường hợp bị ấn định thuế

Theo quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành, có 02 trường hợp lớn phải thực hiện ấn định thuế, cụ thể:

4.1. Trường hợp 1: Ấn định thuế đối với người nộp thuế trong trường hợp vi phạm pháp luật về thuế

Người nộp thuế bị ấn định thuế khi thuộc một trong các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế sau đây:

Thứ nhất: Không đăng ký thuế, không khai thuế, không nộp bổ sung hồ sơ thuế theo yêu cầu của cơ quan thuế hoặc khai thuế không đầy đủ, trung thực, chính xác về căn cứ tính thuế.

  • Đăng ký thuế, khai thuế là những nội dung quản lý thuế quan trọng, nhằm xác định chính xác chủ thể sản xuất, kinh doanh phát sinh nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước, xác định số thuế phải nộp (khai thuế) dưới các hình thức khác nhau. Việc không đăng ký thuế, khai thuế là biểu hiện đầu tiên của hành vi trốn thuế;
  • Hồ sơ thuế được giải thích tại Luật Quản lý thuế rất đa dạng, việc không nộp bổ sung hồ sơ thuế theo yêu cầu là được coi là hành vi “chống đối” của người nộp thuế, dẫn đến những khó khăn trong quá trình quản lý thuế của cơ quan thuế;
  • Căn cứ tính thuế là yếu tố quan trọng để xác định chính xác số thuế phải nộp, việc khai không đầy đủ, trung thực, chính xác về căn cứ tính thuế (theo hướng có lợi cho mình) là hành hành vi vi phạm pháp luật, được coi là gian lận thuế;
  • Trường hợp vi phạm pháp luật này cho thấy được cơ chế tự khai, tự nộp đang gặp vấn đề trong chính người nộp thuế và việc ấn định thuế là điều cần thiết.

Thứ hai: Không phản ánh hoặc phản ánh không đầy đủ, trung thực, chính xác số liệu trên sổ kế toán để xác định nghĩa vụ thuế.

Sổ kế toán là tài liệu quan trọng phản ánh quá trình sản xuất, kinh doanh hay hoạt động làm phát sinh nghĩa vụ thuế của người nộp thuế. Hình thức gian lận này khá phổ biến và gây thất thoát thuế đối với ngân sách.

Thứ ba: Không xuất trình sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ và các tài liệu cần thiết liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp trong thời hạn quy định.

Không xuất trình ở đây có thể hiểu theo ý chủ quan hoặc khách quan, nhưng thường là do người nộp thuế cố tình không xuất trình các tài liệu nêu trên. Điều này làm cho việc chứng minh số tiền thuế phải nộp có thể không chính xác và việc ấn định thuế nhằm xác định đúng nghĩa vụ, số tiền thuế mà người nộp thuế phải nộp mà không cần đến các tài liệu cần thiết nữa.

Thứ tư: Không chấp hành quyết định thanh tra thuế, kiểm tra thuế theo quy định.

Quyết định thanh tra thuế, kiểm tra thuế là văn bản pháp lý ghi nhận kết quả của quá trình thanh tra thuế, kiểm tra thuế. Quyết định đó phản ánh ý kiến, nhận định của thanh tra, kiểm tra và việc thực hiện là mang tính cưỡng chế.

Thứ năm: Mua, bán, trao đổi và hạch toán giá trị hàng hóa, dịch vụ không theo giá trị giao dịch thông thường trên thị trường;

Trường hợp vi phạm khá khó phát hiện trong thực tế và việc nhận định các hàng hóa, dịch vụ không theo giá trị giao dịch thông thường là điều mang tính chất tương đối. Tuy nhiên, ấn định thuế trong trường hợp này được xem như một cách thức để nhà nước dự phòng và ngăn chặn tình trạng trốn thuế từ đầu.

Thứ sáu: Mua, trao đổi hàng hóa sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn mà hàng hóa là có thật theo xác định của cơ quan có thẩm quyền và đã được kê khai doanh thu tính thuế;

Theo Thông tư 39/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 51/2010/NĐ-CP và 04/2014/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, hóa đơn là chứng từ do người bán lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo quy định của pháp luật. Hóa đơn được phân thành nhiều loại và mỗi loại có những đặc điểm riêng. Việc sử dụng hóa đơn không hợp pháp là cách để các doanh nghiệp trốn thuế và việc ấn định thuế là điều cần thiết.

Thứ bảy: Có dấu hiệu bỏ trốn hoặc phát tán tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thuế.

Đây là hành vi vi phạm pháp luật về thuế có tính “nguy hiểm” cho xã hội, người nộp thuế thực hiện hành vi vi phạm trên thực hiện với lỗi cố ý và việc ấn định thuế đôi khi không thể giải quyết được triệt để cái mà nhà nước mong muốn.

Thứ tám: Thực hiện các giao dịch không đúng với bản chất kinh tế, không đúng thực tế phát sinh nhằm mục đích giảm nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.

Hành vi vi phạm này khá tinh vi, người nộp thuế thực hiện hành vi này có sự ám hiểu về kinh tế, pháp luật khá chắc chắn, việc phát hiện hành vi này trên thực tế sẽ là thách thức đối với cơ quan có thẩm quyền.

Thứ chín: Không tuân thủ quy định về nghĩa vụ kê khai, xác định giá giao dịch liên kết hoặc không cung cấp thông tin theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết.

Khoản 22, Điều 3 Luật Quản lý thuế giải thích: Giao dịch liên kết là giao dịch giữa các bên có quan hệ liên kết. Hành vi vi phạm này có thể có sự móc nối giữa các bên và thường rất khó phát hiện và xử lý.

4.2. Trường hợp 2: Ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

Mặc dù, được quy định trong một điều luật khác và xem đó như một trường hợp riêng biệt để cơ quan thuế ấn định thuế, tuy nhiên, thực chất thì các trường hợp ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu vẫn là các trường hợp vi phạm pháp luật thuế, cụ thể tại Khoản 1, Điều 52, Luật Quản lý thuế quy định:

Cơ quan hải quan ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong các trường hợp sau đây:

Thứ nhất: Người khai thuế sử dụng các tài liệu không hợp pháp trong hồ sơ hải quan, hồ sơ miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế để khai thuế, tính thuế.

Thứ hai: Người khai thuế không kê khai hoặc kê khai không chính xác, đầy đủ nội dung liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế; kê khai sai đối tượng miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế; quá thời hạn quy định người khai thuế không báo cáo hoặc báo cáo số liệu không chính xác với cơ quan hải quan; quá thời hạn quy định người khai thuế không nộp bổ sung hồ sơ khai thuế theo yêu cầu của cơ quan hải quan hoặc đã nộp bổ sung hồ sơ khai thuế nhưng không đầy đủ, chính xác các căn cứ tính thuế để xác định số thuế phải nộp.

Thứ ba: Quá thời hạn quy định mà người khai thuế không cung cấp, từ chối hoặc trì hoãn, kéo dài việc cung cấp hồ sơ, sổ kế toán, tài liệu, chứng từ, dữ liệu, số liệu liên quan đến việc xác định chính xác số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu.

Thứ tư: Người khai thuế không chứng minh, giải trình hoặc quá thời hạn quy định mà không chứng minh, giải trình được các nội dung liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.

Thứ năm: Người khai thuế không chấp hành quyết định kiểm tra thuế, quyết định kiểm tra sau thông quan trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định, không chấp hành quyết định thanh tra thuế trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày công bố quyết định và cơ quan hải quan có đủ căn cứ ấn định thuế, trừ trường hợp được gia hạn thời hạn kiểm tra thuế, kiểm tra sau thông quan, thanh tra thuế.

Thứ sáu: Người khai thuế không phản ánh hoặc phản ánh không đầy đủ, trung thực, chính xác số liệu trên sổ kế toán để xác định nghĩa vụ thuế.

Thứ bảy: Cơ quan hải quan có đủ bằng chứng, căn cứ xác định về việc khai báo trị giá không đúng với trị giá giao dịch thực tế.

Thứ tám: Giao dịch được thực hiện không đúng với bản chất kinh tế, không đúng thực tế phát sinh, ảnh hưởng đến số tiền thuế phải nộp,

Thứ chín: Người khai thuế không tự tính được số tiền thuế phải nộp.

Mười: Hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng miễn thuế, không chịu thuế nhưng người khai thuế tự ý thay đổi mục đích sử dụng hoặc chuyển tiêu thụ nội địa không kê khai, nộp thuế trên tờ khai hải quan mới theo quy định của pháp luật; hàng hóa là nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu hết thời hạn được miễn thuế 05 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất của dự án đặc biệt ưu đãi đầu tư hoặc dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn nhưng người khai thuế không kê khai nộp thuế; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ không đúng quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về hải quan, pháp luật về thương mại.

  • Trường hợp nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công, sản xuất xuất khẩu chênh lệch âm (ít hơn) hoặc dương (nhiều hơn) so với số liệu đã báo cáo cơ quan hải quan, cơ quan hải quan đã xác định được nguyên nhân dẫn đến chênh lệch âm hoặc dương thì căn cứ hành vi vi phạm để xử lý và thực hiện ấn định thuế đối với toàn bộ phần chênh lệch bao gồm cả phần chênh lệch âm và phần chênh lệch dương.
  • Trường hợp nguyên liệu, vật tư nhập khẩu chênh lệch âm hoặc dương so với số liệu đã báo cáo cơ quan hải quan nhưng cơ quan hải quan không xác định được nguyên nhân dẫn đến chênh lệch, không xác định được hành vi vi phạm thì cơ quan hải quan chỉ thực hiện ấn định thuế đối với số lượng nguyên liệu, vật tư chênh lệch âm.
  • Đối với số lượng nguyên liệu, vật tư chênh lệch dương nhưng số nguyên liệu, vật tư này vẫn được doanh nghiệp sử dụng đúng mục đích gia công, sản xuất xuất khẩu thì cơ quan hải quan không thực hiện ấn định thuế. Doanh nghiệp phải theo dõi quản lý đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công, sản xuất xuất khẩu như đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu lần đầu cho đến khi xuất khẩu hết sản phẩm.
  • Trường hợp hàng hóa nhập khẩu để gia công của doanh nghiệp trong nước có số lượng nguyên liệu, vật tư chênh lệch dương tại thời điểm đã hết thời hạn thực hiện hợp đồng gia công, bên nhận gia công đã quyết toán hợp đồng gia công với bên đặt gia công thì doanh nghiệp phải tái xuất hoặc kê khai, nộp thuế đối với phần nguyên liệu, vật tư chênh lệch dương, trừ trường hợp doanh nghiệp chuyển nguyên liệu, vật tư chênh lệch dương để thực hiện hợp đồng gia công khác. Trường hợp doanh nghiệp không kê khai, nộp thuế đối với phần nguyên liệu, vật tư chênh lệch dương thì cơ quan hải quan thực hiện ấn định thuế.

Mười một: Hàng hóa nhập khẩu chưa hoàn thành thủ tục hải quan bị kê biên để bán đấu giá theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc bản án, quyết định của Tòa án thuộc đối tượng phải nộp thuế, cơ quan hải quan ấn định thuế để xác định số tiền thuế phải nộp và thông báo cho cơ quan, tổ chức thu tiền bán đấu giá để nộp thuế, trừ hàng hóa nhập khẩu bị tịch thu để bán đấu giá thuộc sở hữu Nhà nước.

Mười hai: Hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng miễn thuế, không chịu thuế, người khai thuế cầm cố, thế chấp để làm tài sản đảm bảo các khoản vay, trường hợp tổ chức tín dụng phải xử lý tài sản cầm cố, thế chấp theo quy định của pháp luật để thu hồi nợ nhưng người khai thuế chưa kê khai tờ khai hải quan mới, nộp đủ thuế theo quy định của pháp luật về hải quan.

Mười ba: Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong các trường hợp khác do cơ quan hải quan hoặc cơ quan thanh tra, kiểm toán thực hiện thanh tra, kiểm toán tại trụ sở người khai thuế, tại cơ quan hải quan phát hiện người khai thuế không kê khai hoặc kê khai, tính thuế hoặc xác định số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu thuế hoặc xác định không thuộc đối tượng chịu thuế không đúng quy định của pháp luật.

Một điểm khác biết trong hai trường hợp ấn định thuế lớn là về chủ thể có thẩm quyền ấn định thuế, trong đó, đối với trường hợp 1 là cơ quan thuế, còn trường hợp 2 là cơ quan hải quan.

Điều này cũng hoàn toàn phù hợp, nhằm chia sẻ trách nhiệm trong hoạt động quản lý thuế nói chung và ấn định thuế nói riêng, hơn nữa đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thì việc để cơ quan hải quan ấn định sẽ thuận tiện hơn bởi đây là cơ quan tiếp xúc trực tiếp, nhanh chóng với hàng hóa, và người nộp thuế cũng phải thực hiện các thủ tục cần thiết về thuế khi xuất khẩu hay nhập khẩu.


5. Căn cứ ấn định thuế

5.1. Căn cứ ấn định thuế đối với người nộp thuế trong trường hợp vi phạm pháp luật về thuế

Thứ nhất: Người nộp thuế bị ấn định từng yếu tố liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp

Tổ chức, cá nhân bị ấn định từng yếu tố liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Qua kiểm tra hồ sơ khai thuế, cơ quan thuế có căn cứ cho rằng người nộp thuế khai chưa đầy đủ hoặc chưa chính xác các yếu tố làm cơ sở xác định số tiền thuế phải nộp, đã yêu cầu người nộp thuế khai bổ sung nhưng người nộp thuế không khai bổ sung hoặc khai bổ sung không chính xác, trung thực theo yêu cầu của cơ quan thuế;
  • Qua kiểm tra sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp của người nộp thuế hoặc qua kiểm tra, đối chiếu, xác minh, sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ của tổ chức, cá nhân có liên quan, cơ quan thuế có cơ sở chứng minh người nộp thuế hạch toán không chính xác, không trung thực các yếu tố liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;
  • Hạch toán giá bán hàng hóa, dịch vụ không đúng với giá thực tế thanh toán làm giảm doanh thu tính thuế hoặc hạch toán giá mua hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất, kinh doanh không theo giá thực tế thanh toán phù hợp với thị trường làm tăng chi phí, tăng thuế giá trị gia tăng được khấu trừ, giảm nghĩa vụ thuế phải nộp;
  • Người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế nhưng không xác định được các yếu tố làm cơ sở xác định căn cứ tính thuế hoặc có xác định được các yếu tố làm cơ sở xác định căn cứ tính thuế nhưng không tự tính được số tiền thuế phải nộp.
  • Thuộc một trong các trường Có dấu hiệu bỏ trốn hoặc phát tán tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thuế; Thực hiện các giao dịch không đúng với bản chất kinh tế, không đúng thực tế phát sinh nhằm mục đích giảm nghĩa vụ thuế của người nộp thuế;Không tuân thủ quy định về nghĩa vụ kê khai, xác định giá giao dịch liên kết hoặc không cung cấp thông tin theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết.

Thứ hai: Căn cứ ấn định thuế

  • Đối với người nộp thuế là tổ chức: Căn cứ cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý thuế và cơ sở dữ liệu thương mại; tài liệu và kết quả kiểm tra, thanh tra còn hiệu lực; kết quả xác minh; số tiền thuế phải nộp bình quân tối thiểu của 03 cơ sở kinh doanh cùng mặt hàng, ngành, nghề, quy mô tại địa phương; trường hợp tại địa phương, cơ sở kinh doanh không có hoặc có nhưng không đủ thông tin về mặt hàng, ngành, nghề, quy mô cơ sở kinh doanh thì lấy thông tin của cơ sở kinh doanh tại địa phương khác để thực hiện ấn định theo từng yếu tố;
  • Đối với cá nhân chuyển nhượng, nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản: Cơ quan thuế ấn định giá tính thuế trong trường hợp xác định được cá nhân kê khai, nộp thuế với giá tính thuế thấp hơn so với giá giao dịch thông thường trên thị trường. Giá tính thuế do cơ quan thuế ấn định phải đảm bảo phù hợp với giá giao dịch thông thường trên thị trường nhưng không thấp hơn giá do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quy định tại thời điểm xác định giá tính thuế.

Trên cơ sở từng yếu tố bị ấn định, cơ quan thuế xác định số thuế phải nộp theo quy định của pháp luật thuế hiện hành.

5.2. Căn cứ ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

Cơ quan hải quan ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong các trường hợp chúng tối đã trình bày ở mục trên.

Cơ quan hải quan căn cứ và các tiêu chí sau sau để ấn định thuế:

  • Căn cứ hàng hóa thực tế xuất khẩu, nhập khẩu;
  • Căn cứ tính thuế, phương pháp tính thuế;
  • Căn cứ cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý thuế và cơ sở dữ liệu thương mại;
  • Căn cứ hồ sơ khai báo hải quan;
  • Căn cứ các tài liệu và các thông tin khác có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để ấn định số tiền thuế phải nộp.

6. Thời hạn để nộp thuế đã ấn định

Số tiền thuế ấn định dưới 500 triệu đồng: phải nộp trong vòng 10 ngày kể từ ngày cơ quan thuế ấn định về thuế.

Số tiền thuế ấn định trên 500 triệu đồng: phải nộp trong vòng 30 ngày kể từ ngày cơ quan thuế ấn định về thuế.

Nếu người nộp thuế không đồng ý với số thuế do cơ quan thuế ấn định thì họ vẫn bắt buộc phải nộp số thuế đó. Nhưng có quyền yêu cầu cơ quan thuế giải thích hoặc khiếu nại về việc bị ấn định thuế.


7. Cơ sở pháp lý

  • Luật Quản lý thuế 2019;
  • Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật quản lý thuế;
  • Thông tư 39/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 51/2010/NĐ-CP và 04/2014/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về vấn đề ấn định thuế theo quy định pháp luật hiện hành. Qua bài viết này, chúng tôi mong rằng sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Để được tư vấn đầy đủ và chính xác nhất, mời quý khách hàng liên hệ qua Tổng đài tư vấn thuế trực tuyến của HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để nhận tư vấn thêm về vấn đề mà quý khách hàng đang gặp phải.

Trân trọng./.

5/5 - (1 bình chọn)

TÁC GIẢ BÀI VIẾT

Cố vấn Nguyễn Quỳnh Trang
Cố vấn Nguyễn Quỳnh Trang
Kiểm toán viên (CPA) – Hiện là cố vấn thuế cao cấp cho nhiều doanh nghiệp lớn trên toàn quốc với 20 năm kinh nghiệm thực tiễn
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HOTLINE 1900.6588

Scroll to Top
Mục lục