Nếu cần được hỗ trợ về thuế VAT, vui lòng gọi Tổng đài 1900.6795 để được tư vấn miễn phí. Ngoài ra, nếu có nhu cầu sử dụng dịch vụ kế toán - thuế, bạn vui lòng liên hệ hotline 09.678910.86. Trân trọng.
Theo quy định, mọi doanh nghiệp đều phải nộp báo cáo thuế giá trị gia tăng (GTGT) lên cơ quan thuế theo tháng hoặc theo quý. Vậy trường hợp nào thì báo cáo thuế GTGT theo tháng? Trường hợp nào thì báo cáo theo quý? Thủ tục ra sao? Bài viết sau đây của Luật Quang Huy sẽ bật mí cho bạn cách lập báo cáo thuế giá trị gia tăng nhanh nhất.
1. Báo cáo thuế GTGT gồm những gì?
Trước tiên, khi tiến hành lập báo cáo thuế giá trị gia tăng, các doanh nghiệp sẽ cần phải chuẩn bị và xác định rõ các điều sau:
Tờ khai thuế. Việc sử dụng loại tờ khai nào sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào phương pháp khai thuế mà doanh nghiệp áp dụng: Phương pháp khấu trừ hay phương pháp trực tiếp. Cụ thể:
- Nếu doanh nghiệp sử dụng khai thuế theo phương pháp khấu trừ thì sẽ sử dụng Tờ khai thuế giá trị gia tăng Mẫu số 01/GTGT;
- Nếu doanh nghiệp sử dụng khai thuế theo phương pháp trực tiếp thì sẽ sử dụng tờ khai thuế giá trị gia tăng Mẫu số 04/GTGT.
Hình thức khai thuế doanh nghiệp sẽ sử dụng: Khai thuế theo tháng hay khai thuế theo quý.
Đối với việc lựa chọn phương pháp kê khai thuế giá trị gia tăng:
- Các doanh nghiệp có doanh thu 1 tỷ trở lên bắt buộc phải kê khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ. Các doanh nghiệp có doanh thu dưới 1 tỷ nếu muốn vẫn có thể đăng ký để được kê khai theo phương pháp này.
- Các doanh nghiệp có doanh thu dưới 1 tỷ sẽ kê khai theo phương pháp trực tiếp, trừ những doanh nghiệp đăng ký tự nguyên theo phương pháp khấu trừ.
2. Cách xác định làm báo cáo thuế giá trị gia tăng theo tháng hay quý?
Căn cứ theo Điều 8 và Điều 9 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, cách xác định làm báo cáo thuế giá trị gia tăng theo tháng hay quý được quy định cụ thể như sau:
Đối tượng kê khai thuế giá trị gia tăng theo tháng thuộc các trường hợp sau:
- Các loại thuế, khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan quản lý thuế quản lý thuộc loại khai theo tháng bao gồm;
- Thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp người nộp thuế đáp ứng các tiêu chí theo quy định tại Điều 9 Nghị định 126/2020/NĐ-CP thì được lựa chọn khai theo quý.
Như vậy, thuế giá trị gia tăng thuộc lại khai theo tháng. Nếu doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí dưới đây thì được lựa chọn khai theo quý.
Đối tượng khai thuế giá trị gia tăng theo quý như sau:
- Đối với doanh nghiệp đang hoạt động:
- Nếu doanh thu năm trước liền kề từ 50 tỷ đồng trở xuống, thì được kê khai thuế giá trị gia tăng theo quý. Ngược lại, nếu có doanh thu năm trước liền kề trên 50 tỷ, kê khai thuế giá trị gia tăng theo tháng;
Trong đó, doanh thu được xác định như sau: Doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ được xác định là tổng doanh thu trên các tờ khai thuế giá trị gia tăng của các kỳ tính thuế trong năm dương lịch.
Trường hợp người nộp thuế thực hiện khai thuế tập trung tại trụ sở chính cho đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh thì doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ bao gồm cả doanh thu của đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh.
- Trường hợp doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí khai thuế theo quý được lựa chọn khai thuế theo tháng hoặc quý ổn định trọn năm dương lịch;
- Trường hợp doanh nghiệp đang kê khai theo tháng nếu đủ điều kiện khai thuế theo quý và lựa chọn chuyển sang khai thuế theo quý thì gửi văn bản đề nghị theo Mẫu 01/DK-TĐKTT tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP đến cơ quan thuế, chậm nhất là ngày 31 tháng 01 của năm bắt đầu khai thuế theo quý.
Nếu sau thời hạn này người nộp thuế không gửi văn bản đến cơ quan thuế thì người nộp thuế tiếp tục thực hiện khai thuế theo tháng ổn định trọn năm dương lịch.
- Đối với nghiệp mới thành lập:
- Doanh nghiệp mới bắt đầu hoạt động, kinh doanh thì được lựa chọn khai thuế giá trị gia tăng theo quý;
- Sau khi sản xuất kinh doanh đủ 12 tháng thì từ năm dương lịch liền kề tiếp theo năm đã đủ 12 tháng sẽ căn cứ theo mức doanh thu của năm dương lịch trước liền kề phải đủ 12 tháng để xác định kê khai thuế giá trị gia tăng theo kỳ tính thuế tháng hoặc quý. Và sẽ thực hiện ổn định trong năm dương lịch đó.
Ví d: Công ty X bắt đầu hoạt động kinh doanh từ tháng 8/2021 thì năm 2021, 2022 doanh nghiệp được lựa chọn kê khai thuế giá trị gia tăng theo quý.
Do năm 2021 hoạt động chưa đủ 12 tháng -> Nên Doanh nghiệp căn cứ vào doanh thu của năm 2022 (đủ 12 tháng của năm dương lịch) để xác định năm 2023 thực hiện khai thuế theo tháng hoặc quý.
Lưu ý: Người nộp thuế có trách nhiệm tự xác định thuộc đối tượng khai thuế theo quý để thực hiện khai thuế theo quy định như sau:
- Trường hợp người nộp thuế tự phát hiện không đủ điều kiện khai thuế theo quý thì người nộp thuế phải thực hiện khai thuế theo tháng kể từ tháng đầu của quý tiếp theo. Người nộp thuế không phải nộp lại hồ sơ khai thuế theo tháng của các quý trước đó nhưng phải nộp Bản xác định số tiền thuế phải nộp theo tháng tăng thêm so với số đã kê khai theo quý quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và phải tính tiền chậm nộp theo quy định.
- Trường hợp cơ quan thuế phát hiện người nộp thuế không đủ điều kiện khai thuế theo quý thì cơ quan thuế phải xác định lại số tiền thuế phải nộp theo tháng tăng thêm so với số người nộp thuế đã kê khai và phải tính tiền chậm nộp theo quy định. Người nộp thuế phải thực hiện khai thuế theo tháng kể từ thời điểm nhận được văn bản của cơ quan thuế.
3. Hướng dẫn lập tờ khai thuế giá trị gia tăng trên hệ thống kê khai?
Hiện nay, đa số các doanh nghiệp đều đang sử dụng hình thức báo cáo thuế giá trị gia tăng theo tháng. Dưới đấy là cách kê khai thuế giá trị gia tăng theo tháng trên phần mềm hỗ trợ kê khai (hệ thống kê khai), cụ thể gồm các bước sau:
3.1. Bước 1: Truy cập phần mềm hệ thống kê khai
Để có thể tiến hành lập tờ khai thuế giá trị gia tăng trên hệ thống kê khai, bước đầu tiên bạn cần mở phần mềm lên và đăng nhập bằng tài khoản của doanh nghiệp mình.
Nhập mã số thuế của doanh nghiệp để truy cập tài khoản trên trang hệ thống kê khai.
Lưu ý: Trường hợp chưa có phần mềm hệ thống kê khai, bạn cần tải về máy rồi đăng ký để kích hoạt tài khoản và sử dụng.
3.2. Bước 2: Chọn chức năng Thuế Giá Trị Gia Tăng
Trên giao diện trang chủ của phần mềm hệ thống kê khai, bạn nhấn chọn chức năng “Thuế Giá Trị Gia Tăng”, chọn tiếp “Tờ khai thuế giá trị gia tăng khấu trừ (01/GTGT).
3.3. Bước 3: Chọn kỳ tính thuế
Ngay khi giao diện “Chọn kỳ tính thuế” hiển thị, bạn cần hoàn tất những thông tin được yêu cầu như sau:
- Nhấn tích chọn “Tờ khai tháng”.
- Điền thông tin kỳ khai thuế. Ví dụ bạn khai thuế tháng 07/2019 thì sẽ điền mục “Tháng” là 07; mục “Năm” là 2019.
- Chọn “Danh mục ngành nghề” phù hợp với doanh nghiệp của bạn.
- Chọn “Phụ lục kê khai” nếu doanh nghiệp bạn có khai thêm các phụ lục đi kèm. Trường hợp không khai thêm thì bạn bỏ qua mục này.
Cuối cùng, bạn nhấn ô “Đồng ý” để chuyển sang bước 4.
3.4. Bước 4: Kê Khai thuế trên “Tờ khai thuế giá trị gia tăng”
Khi hệ thống hệ thống kê khai hiển thị “Tờ khai thuế giá trị gia tăng” (Mẫu số 01/GTGT), bạn cần nhập chính xác các số liệu vào các chỉ tiêu trên tờ khai:
- Chỉ tiêu 21: Bạn nhấn dấu tích nếu trong kỳ khai thuế không phát sinh hóa đơn đầu ra/vào.
- Chỉ tiêu 22: Bạn lấy số giá trị gia tăng còn được khấu trừ của kỳ trước chuyển sang. Chỉ tiêu này tương ứng với số thuế đã ghi trên Tờ khai thuế giá trị gia tăng của kỳ trước tại chỉ tiêu 43.
- Chỉ tiêu 23: Là tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ đã mua vào trong kỳ kê khai nhưng chưa có thuế giá trị gia tăng.
- Chỉ tiêu 24: Là tổng số tiền thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ đã mua vào (kể cả được khấu trừ hay không được khấu trừ).
- Chỉ tiêu 25: Là tổng số tiền thuế giá trị gia tăng hàng hóa, dịch vụ đã mua vào được khấu trừ.
- Chỉ tiêu 26: Là tổng doanh thu của việc bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng.
- Chỉ tiêu 27, 28, 34, 35, 36, 39, 40, 41, 42, 43: Phần mềm sẽ tự động cập nhật.
- Chỉ tiêu 29: Là tổng doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ có mức thuế suất là 0%.
- Chỉ tiêu 30 và 31: Là tổng doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ có mức thuế suất là 5% và tiền thuế giá trị gia tăng.
- Chỉ tiêu 32 và 33: Là tổng doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 10% và tiền thuế giá trị gia tăng.
- Chỉ tiêu 32a: Là tổng doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không phải kê khai và tiền nộp thuế giá trị gia tăng.
- Chỉ tiêu 37 và 38: Bạn chỉ thực hiện khi kê khai bổ sung, điều chỉnh kỳ trước hoặc được cơ quan thuế yêu cầu. Theo đó chỉ tiêu 37 là điều chỉnh giảm và chỉ tiêu 38 là điều chỉnh tăng.
Tới đây, sau khi đã điền xong hết các chỉ tiêu thì bạn đã kê khai xong và cần kết xuất XML qua mạng để hoàn tất quy trình khai thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp của mình.

4. Hướng dẫn nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng lên cơ quan thuế nhanh chóng?
Sau khi đã hoàn thành tờ khai thuế giá trị gia tăng, bạn cần nộp báo cáo thuế giá trị gia tăng lên cơ quan thuế. Cách nộp đơn giản, nhanh chóng nhất hiện nay mà các doanh nghiệp đều sử dụng đó chính là nộp qua cổng thông tin của Tổng cục thuế Việt Nam như sau:
4.1. Bước 1: Cắm chữ ký số vào máy tính
Trước khi tiến hành khai thuế điện tử, bạn cần tiến hành cắm chữ ký số vào máy tính dùng để khai thuế. Điều này sẽ giúp bạn tiến hành bước ký số và nộp tờ khai một các nhanh chóng hơn sau khi đã hoàn tất thủ tục tờ khai thuế điện tử trên hệ thống.
4.2. Bước 2: Truy cập vào cổng thông tin của Tổng cục Thuế
Sau khi đã kết nối chữ ký số vào máy tính, bạn tiến hành truy cập vào cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế Việt Nam theo đường liên kết dưới đây: https://thuedientu.gdt.gov.vn/.
4.3. Bước 3: Chọn chức năng Khai Thuế
Trên trang chủ của cổng thông tin Tổng cục Thuế, bạn nhấn chọn chức năng “Khai thuế”, chọn tiếp mục “Nộp tờ khai XML”.
Khi giao diện “Nộp tờ khai XML” hiển thị, bạn nhấn ô “Chọn tệp tờ khai” để tải tờ khai đã tạo kết xuất trên hệ thống phần mềm hệ thống kê khai trước đó.
Trường hợp nếu bạn chưa tạo tờ khai hay cần phải chỉnh sửa thông tin trên tờ khai thuế điện tử thì bạn có thể mở phần mềm hỗ trợ kê khai để hoàn tất tờ khai thuế chuẩn xác, kết xuất tờ khai rồi tải xuống và lưu lại hệ thống máy tính. Tiếp sau đó bạn quay lại bước tải tờ khai.
4.4. Bước 4: Tải tờ khai cần nộp lên hệ thống
Ở bước này, sau khi nhấn “Chọn tệp tờ khai” bạn chỉ cần mở đúng mục đã lưu trữ tờ khai đã chuẩn bị, nhấn chọn tờ khai và nhấn “Open” để tải lên hệ thống.
4.5. Bước 5: Nhấn ký điện tử và hoàn thành nộp tờ khai
Trên giao diện Nộp tờ khai XML, bạn nhấn chọn “Ký điện tử”. Khi này, hệ thống sẽ hiện thị cửa sổ nhập mã PIN của USB Token, bạn cần nhập mã PIN của chữ ký số vào phần User PIN rồi nhấn chọn ô Login.
Trường hợp thông tin hoàn toàn chính xác, bước ký điện tử thành công thì hệ thống sẽ gửi thông báo “Ký tệp tờ khai thành công!”. Việc của bạn là nhấn “Ok” để xác nhận.
Cuối cùng, bạn cần nhấn “Nộp tờ khai” để có thể gửi tờ khai thuế tới cơ quan thuế ngay trên hệ thống cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
4.6. Bước 6: Chức năng “Tra cứu”
Bạn chọn chức năng “Tra cứu” để kiểm tra xem báo cáo này đã chắc chắn được gửi đi hay chưa.
Cụ thể, trên giao diện trang chủ, bạn nhấn chọn chức năng “Tra cứu”, chọn tiếp “ Tờ khai”. Tại đây, bạn cần hoàn tất các thông tin tra cứu được hệ thống yêu cầu: mã giao dịch; tờ khai; loại thông báo; ngày gửi từ ngày; đến ngày.
Sau khi đã hoàn tất thông tin, bạn chỉ cần nhấn lệnh “Tra cứu” và hệ thống sẽ hiển thị kết quả tờ khai bạn cần tra cứu.
Nếu bạn muốn tải kết quả này về máy tính thì có thể nhấn chọn Tải về vì hệ thống cho phép người nộp thuế lưu file thông báo dạng XML về máy tính.
5. Cơ sở pháp lý
- Luật quản lý thuế năm 2019;
- Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 19/10/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý thuế;
- Thông tư số 130/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế;
- Thông tư số 80/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý thuế.
Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi về vấn đề: báo cáo thuế giá trị gia tăng.
Để được tư vấn đầy đủ và chính xác nhất, mời quý khách hàng liên hệ qua Tổng đài tư vấn Thuế giá trị gia tăng trực tuyến của HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để nhận tư vấn thêm về vấn đề mà quý khách hàng đang gặp phải.
Trân trọng./.