Hướng dẫn kê khai thuế bảo vệ môi trường

Hướng dẫn kê khai thuế bảo vệ môi trường

Theo quy định pháp luật hiện nay, những hàng hóa nào là đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường? Thủ tục kê khai thuế bảo vệ môi trường ra sao? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây của Luật Quang Huy.


1. Đối tượng kê khai thuế bảo vệ môi trường

Thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu (người nộp thuế và người chịu thuế không phải là một), thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường.

Thực tế, không phải mọi doanh nghiệp đều phải kê khai thuế bảo vệ môi trường mà chỉ áp dụng với các đối tượng đơn vị kinh doanh dưới đây:

  • Doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất hàng hóa có dùng bao bì để đóng gói sản phẩm (người mua không dùng bao bì này để gói sản phẩm) nhằm bán ra, trao đổi, tiêu dùng nội bộ, cho, tặng, khuyến mại, quảng cáo thì sẽ phải thực hiện kê khai thuế và nộp thuế bảo vệ môi trường theo tháng;
  • Các hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa nhập khẩu ủy thác thuộc diện phải đóng thuế bảo vệ môi trường thì đơn vị kinh doanh phải thực hiện khai và nộp loại thuế này theo từng lần phát sinh (trừ các trường hợp xăng dầu nhập khẩu của các công ty kinh doanh xăng dầu đầu mối) theo đúng quy định pháp luật hiện hành về hàng hóa xuất, nhập khẩu.

Lưu ý rằng, với những đơn vị kinh doanh không phát sinh thuế bảo vệ môi trường thì không cần làm thủ tục quyết toán loại thuế này song vẫn bắt buộc phải kê khai và nộp tờ khai thuế bảo vệ môi trường cho cơ quan quản lý thuế để theo dõi.


2. Hồ sơ kê khai thuế bảo vệ môi trường

Hồ sơ khai thuế bảo vệ môi trường gồm:

  • Tờ khai theo mẫu số 01/TBVMT;
  • Các tài liệu liên quan đến việc tính thuế, khai thuế;
  • Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, tạm nhập – tái xuất khẩu thì hồ sơ hải quan của hàng hóa được sử dụng làm hồ sơ kê khai thuế bảo vệ môi trường.

Tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh hàng hóa tự chịu trách nhiệm về việc kê khai thuế bảo vệ môi trường. Trường hợp phát hiện khai sai, gian lận, trốn thuế thì phải bị xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.


3. Thủ tục kê khai thuế bảo vệ môi trường

Việc kê khai thuế bảo vệ môi trường thực hiện theo trình tự, thủ tục sau:

Bước 1: Hàng tháng, người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế tài nguyên cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

Đối với hàng hoá sản xuất trong nước (trừ than đá tiêu thụ nội địa của Tập đoàn công nghiệp than – Khoáng sản Việt Nam và xăng dầu của các công ty kinh doanh xăng dầu đầu môi) hoặc bao bì thuộc loại để đóng gói sản phẩm mà người mua không sử dụng để đóng gói sản phẩm, người nộp thuế bảo vệ môi trường thực hiện nộp hồ sơ khai thuế bảo vệ môi trường với cơ quan thuế quản lý trực tiếp .

Đối với hàng hoá nhập khẩu (trừ trường hợp xăng dầu nhập khẩu của các công ty kinh doanh xăng dầu đầu mối), người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế với cơ quan hải quan nơi làm thủ tục hải quan.

Hướng dẫn kê khai thuế bảo vệ môi trường
Hướng dẫn kê khai thuế bảo vệ môi trường

Bước 2. Cơ quan thuế tiếp nhận:

Trường hợp hồ sơ được nộp trực tiếp tại cơ quan thuế, công chức thuế tiếp nhận và đóng dấu tiếp nhận hồ sơ, ghi thời gian nhận hồ sơ, ghi nhận số lượng tài liệu trong hồ sơ và ghi vào sổ văn thư của cơ quan thuế.

Trường hợp hồ sơ được gửi qua đường bưu chính, công chức thuế đóng dấu ghi ngày nhận hồ sơ và ghi vào sổ văn thư của cơ quan thuế.

Trường hợp hồ sơ được nộp thông qua giao dịch điện tử, việc tiếp nhận, kiểm tra, chấp nhận hồ sơ khai thuế do cơ quan thuế thực hiện thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử.

Cách thức thực hiện:

  • Nộp trực tiếp tại trụ sở cơ quan thuế; hoặc gửi qua hệ thống bưu chính; hoặc gửi bằng văn bản điện tử qua cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế.​
  • Thời hạn giải quyết hồ sơ: Không phải trả kết quả cho người nộp thuế.
  • Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Tổ chức, cá nhân.
  • Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Cục Thuế hoặc Chi cục Thuế.
  • Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Hồ sơ gửi đến cơ quan thuế không có kết quả giải quyết.
  • Phí, lệ phí (nếu có): Không có.

4. Địa điểm nộp hồ sơ kê khai thuế bảo vệ môi trường

Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế bảo vệ môi trường như sau:

  • Trường hợp là hàng hóa sản xuất trong nước, bao bì thuộc loại để đóng gói sản phẩm (người mua không dùng bao bì này để gói sản phẩm) thì địa điểm nộp hồ sơ quyết toán thuế là trực tiếp tại cơ quan thuế. Trường hợp này không bao gồm than đá tiêu thụ nội địa của Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam và xăng dầu của các công ty kinh doanh xăng dầu đầu mối;
  • Trường hợp là các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng chịu thuế bảo vệ môi trường đặt tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác với trụ sở chính thì địa điểm nộp hồ sơ quyết toán thuế sẽ là cơ quan thuế quản lý trực tiếp tại địa phương đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh loại hàng hóa phải chịu thuế bảo vệ môi trường;
  • Trường hợp là đơn vị kinh doanh hàng hóa nhập khẩu (ngoại trừ trường hợp xăng dầu nhập khẩu của các công ty kinh doanh xăng dầu đầu mối) thì địa điểm nộp hồ sơ quyết toán thuế là tại cơ quan hải hải, nơi đơn vị kinh doanh làm thủ tục hải quan.

5. Kê khai thuế bảo vệ môi trường trong một số trường hợp cụ thể

Hiện nay, để làm việc quyết toán thuế bảo vệ môi trường được thực hiện nhanh chóng, chính xác, các đơn vị kinh doanh phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để kê khai.

5.1. Tổ chức, cá nhân sản xuất túi ni lông và thiết bị điện lạnh có chứa HCFC

Trường hợp này cần căn cứ tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa sản xuất và các tài liệu hồ sơ liên quan để kê khai và nộp thuế bảo vệ môi trường theo quy định.

5.2. Đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (sau đây gọi chung là xăng dầu)

Các công ty kinh doanh xăng dầu đầu mối thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường vào ngân sách nhà nước tại cơ quan thuế địa phương nơi kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng, cụ thể:

  • Các công ty kinh doanh xăng dầu đầu mối trực tiếp nhập khẩu, sản xuất, chế biến xăng dầu (gọi chung là các đơn vị đầu mối) thực hiện kê khai, nộp thuế tại địa phương nơi các đơn vị đầu mối đóng trụ sở chính đối với lượng xăng dầu do các đơn vị này trực tiếp xuất, bán bao gồm xuất để tiêu dùng nội bộ, xuất để trao đổi sản phẩm hàng hóa khác, xuất trả hàng nhập khẩu ủy thác, bán cho tổ chức, cá nhân khác ngoài hệ thống của đơn vị đầu mối (kể cả các doanh nghiệp mà đơn vị đầu mối có cổ phần từ 50% trở xuống); trừ lượng xăng dầu xuất bán và nhập khẩu ủy thác cho công ty kinh doanh xăng dầu đầu mối khác;
  • Các đơn vị thành viên hạch toán độc lập trực thuộc đơn vị đầu mối; các Chi nhánh trực thuộc đơn vị đầu mối; các Công ty cổ phần do đơn vị đầu mối nắm cổ phần chi phối (trên 50% cổ phần) hoặc các Chi nhánh trực thuộc các đơn vị thành viên, các Chi nhánh trực thuộc các Công ty cổ phần nêu trên (gọi chung là các đơn vị thành viên) thực hiện kê khai, nộp thuế tại địa phương nơi các đơn vị thành viên đóng trụ sở chính đối với lượng xăng dầu do các đơn vị thành viên xuất, bán cho tổ chức, cá nhân khác ngoài hệ thống;
  • Tổ chức khác trực tiếp nhập khẩu, sản xuất, chế biến xăng dầu (trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có đăng ký kinh doanh xăng dầu) thực hiện kê khai, nộp thuế tại cơ quan thuế địa phương nơi kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng khi xuất, bán xăng dầu;
  • Đối với các trường hợp xăng dầu dùng làm nguyên liệu pha chế xăng sinh học mà chưa kê khai nộp thuế bảo vệ môi trường thì khi xuất bán xăng sinh học đơn vị bán xăng sinh học phải kê khai nộp thuế bảo vệ môi trường theo quy định.

Trường hợp xăng dầu nhập khẩu về sử dụng cho mục đích khác không phải để kinh doanh xăng dầu (trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không có đăng ký kinh doanh xăng dầu); dầu nhờn, mỡ nhờn được đóng gói riêng khi nhập khẩu kèm với vật tư, phụ tùng cho máy bay hoặc kèm với máy móc thiết bị thì người nộp thuế kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường với cơ quan hải quan.

5.3. Đối với than khai thác và tiêu thụ nội địa

Đối với than do Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) quản lý và giao cho các đơn vị thành viên khai thác, chế biến và tiêu thụ việc kê khai và nộp thuế bảo vệ môi trường thực hiện như sau:

  • Hàng tháng các Công ty làm đầu mối tiêu thụ than của Vinacomin thực hiện phân bổ số thuế bảo vệ môi trường phải nộp cho các địa phương nơi có than khai thác tương ứng với sản lượng than thu mua của các Công ty sản xuất khai thác than tại địa phương và lập Biểu tính thuế bảo vệ môi trường. Số thuế bảo vệ môi trường phân bổ cho các địa phương nơi khai thác than được xác định căn cứ trên tỷ lệ phần trăm (%) than tiêu thụ nội địa trong tổng số than bán ra và số lượng than khai thác tại địa phương bán cho công ty đầu mối tiêu thụ than của Vinacomin, được xác định theo công thức sau:

Tỷ lệ %

Sản lượng than tiêu thụ nội nội địa trong kỳ

= Sản lượng than tiêu thụ nội địa trong kỳ
Tổng số than tiêu thụ trong kỳ

 

Số thuế bảo vệ môi trường phải nộp cho địa phương có than khai thác trong kỳ = Tỷ lệ (%) than tiêu thụ nội địa trong kỳ x Sản lượng than mua của các đơn vị tại địa phương nơi có than khai thác trong kỳ x Mức thuế tuyệt đối trên 1 tấn than tiêu thụ
  • Công ty đầu mối tiêu thụ than kê khai và nộp thuế bảo vệ môi trường cho toàn bộ số thuế bảo vệ môi trường phát sinh đối với than khai thác và tiêu thụ nội địa với cơ quan thuế quản lý trực tiếp công ty đầu mối, đồng thời gửi 01 (một) bản phụ lục số 01-1/TBVMT cho cơ quan thuế quản lý công ty khai thác;
  • c.1.3) Căn cứ số thuế bảo vệ môi trường được tính nộp cho từng địa phương trên phụ lục số 01-1/TBVMT trong kỳ tính thuế, công ty đầu mối tiêu thụ than lập chứng từ nộp thuế bảo vệ môi trường cho địa phương nơi đóng trụ sở chính (nếu có phát sinh số thuế phải nộp) và các địa phương nơi có than khai thác;
  • Trên chứng từ nộp thuế phải ghi rõ nộp vào tài khoản thu ngân sách nhà nước tại Kho bạc Nhà nước đồng cấp với cơ quan thuế nơi công ty đầu mối đăng ký khai thuế và cơ quan thuế địa phương nơi có công ty khai thác than. Kho bạc Nhà nước nơi Công ty đầu mối tiêu thụ than đóng trụ sở chính chuyển tiền và chứng từ thu ngân sách nhà nước cho Kho bạc Nhà nước liên quan để hạch toán thu ngân sách nhà nước phần thuế của công ty khai thác than.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh than khác (gồm cả trường hợp tiêu dùng nội bộ) thực hiện kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường tại cơ quan thuế địa phương nơi khai thác.

Trường hợp người nộp thuế là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân làm đầu mối thu mua than khai thác nhỏ lẻ thì thực hiện kê khai thuế bảo vệ môi trường với cơ quan thuế trực tiếp quản lý người nộp thuế.

5.4. Đối với than nhập khẩu

Theo quy định của pháp luật quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Trường hợp nhập khẩu than nguyên khai có hàm lượng than antraxit thì người nộp thuế phải kê khai riêng lượng than antraxit nhập khẩu để nộp thuế bảo vệ môi trường theo mức quy định đối với than antraxit. Nếu khối lượng thực tế than antraxit nhập khẩu khác với đã kê khai khi nhập khẩu thì người nộp thuế phải kê khai bổ sung, điều chỉnh.


6. Phạt vi phạm về hành vi khai chậm tờ khai thuế và hành vi chậm nộp thuế

Nếu có hành vi chậm nộp tờ khai thuế thì áp dụng theo Nghị định 125/2020/NĐ-CP phạt như sau:

Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn: Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, trừ mức phạt tiền đối với hành vi xử phạt hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn; xử phạt hành vi trốn thuế; xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với ngân hàng thương mại, người bảo lãnh nộp tiền thuế quy định tại Điều 16, Điều 17 và Điều 18 Nghị định này.

6.1. Xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế

Căn cứ Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ- CP quy định  xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế. Thì hành hành vi khai chậm tờ khai thuế bị xử phạt như sau:

Thứ nhất, đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ sẽ bị phạt cảnh cáo.

Thứ hai, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sau:

  • Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 30 ngày;
  • Trừ trường hợp phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ.

Thứ ba, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 31 ngày đến 60 ngày.

Thứ tư, phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

  • Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 61 ngày đến 90 ngày;
  • Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;
  • Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;
  • Không nộp các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kèm theo hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp;
  • Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế.

Trường hợp số tiền phạt nếu áp dụng theo khoản này lớn hơn số tiền thuế phát sinh trên hồ sơ khai thuế thì số tiền phạt tối đa đối với trường hợp này bằng số tiền thuế phát sinh phải nộp trên hồ sơ khai thuế nhưng không thấp hơn mức trung bình của khung phạt tiền quy định trên.

Thứ năm, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp đủ số tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm các quy định sau trong trường hợp người nộp thuế chậm nộp hồ sơ khai thuế dẫn đến chậm nộp tiền thuế:

  • Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ;
  • Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 30 ngày. Trừ trường hợp phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ;
  • Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 31 ngày đến 60 ngày;
  • Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 61 ngày đến 90 ngày. Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp. Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp. Không nộp các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kèm theo hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp. Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế.

Buộc nộp hồ sơ khai thuế, phụ lục kèm theo hồ sơ khai thuế đối với hành vi không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp; Không nộp các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kèm theo hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.

6.2. Xử phạt hành vi chậm nộp thuế

Nếu tổ chức có hành vi chậm nộp tiền thuế thì áp dụng khoản 2 Điều 59 Luật quản lý thuế năm 2019:

Mức tính tiền chậm nộp và thời gian tính tiền chậm nộp được quy định như sau:

  • Mức tính tiền chậm nộp bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp;
  • Thời gian tính tiền chậm nộp được tính liên tục kể từ ngày tiếp theo ngày phát sinh tiền chậm nộp đến ngày liền kề trước ngày số tiền nợ thuế, tiền thu hồi hoàn thuế, tiền thuế tăng thêm, tiền thuế ấn định, tiền thuế chậm chuyển đã nộp vào ngân sách nhà nước.

7. Mẫu tờ khai kê khai thuế bảo vệ môi trường

Hiện nay mẫu tờ khai thuế bảo vệ môi trường mới nhất là: Mẫu 01/TBVMT ban hành theo Thông tư 80/2021/TT-BTC hướng dẫn Luật quản lý thuế và Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật quản lý thuế.

Bạn có thể tham khảo và tải về mẫu tờ khai này tại đây:

[su_button url=”https://drive.google.com/uc?id=1xo6amVpb_yDT6O2_Sf6Arh7CvOlP7Sir&export=download” target=”blank” style=”3d” background=”#9A1C24″ color=”#F2AF1B” size=”7″ radius=”10″]TẢI MẪU TỜ KHAI KÊ KHAI THUẾ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG[/su_button]


8. Hướng dẫn cách điền thông tin tờ khai thuế bảo vệ môi trường

Bước 1: Người kê khai thuế tiến hành tải mẫu  01/TBVMT ban hành theo Thông tư 80/2021/TT-BTC hướng dẫn Luật quản lý thuế và Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật quản lý thuế.

Bước 2: Từ chỉ tiêu [01] đến chỉ tiêu [11] là những thông tin cá nhân của người nộp thuế như: kỳ tính thuế, tên người nộp thuế, mã số thuế…Do vậy người khai thuế phải điền điền điền đầy đủ các thông tin này.

Lưu ý:

  • Ở chỉ tiêu [06] về tên đại lý thuế. Nếu không có có thể bỏ qua mục này;
  • Chỉ tiêu [09], [10], [11]: Khai thông tin của đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh có hoạt động sản xuất hàng hoá chịu thuế bảo vệ môi trường tại địa phương khác tỉnh nơi đóng trụ sở chính đối với trường hợp người nộp thuế khai thuế bảo vệ môi trường tại nơi sản xuất hàng hóa chịu thuế bảo vệ môi trường theo quy định tại điểm đ, e khoản 1 Điều 11 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ. Trường hợp có nhiều đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh đóng trên nhiều huyện do Cục Thuế quản lý thì chọn 1 đơn vị đại diện để kê khai vào chỉ tiêu này. Trường hợp có nhiều đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh do Chi cục thuế khu vực quản lý thì chọn 1 đơn vị đại diện cho huyện do Chi cục thuế khu vực quản lý để kê khai vào chỉ tiêu này.

Bước 3: Điền đầy đủ thông tin trong bảng bên trong tờ khai thuế

Lưu ý:

  • Cột (5) “Tỷ lệ phần trăm (%) tính thuế”: Đối với mặt hàng là nhiên liệu hỗn hợp chứa xăng, dầu, mỡ nhờn gốc hóa thạch và nhiên liệu sinh học thì “Tỷ lệ phần trăm (%) tính thuế” là tỷ lệ phần trăm (%) xăng, dầu, mỡ nhờn gốc hóa thạch có trong nhiên liệu hỗn hợp do người nộp thuế tự xác định căn cứ tiêu chuẩn kỹ thuật chế biến nhiên liệu hỗn hợp được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Đối với các mặt hàng khác thì “ Tỷ lệ phần trăm (%) tính thuế” là 100%;
  • Nội dung nêu trong dấu <> chỉ là giải thích hoặc ví dụ.

Bước 4: Nhân viên đại lý thuế và người nộp thuế hoặc đại diện hợp pháp của người nộp thuế ký vào tờ khai thuế là hoàn tất thủ tục khai thuế bảo vệ môi trường.


9. Cơ sở pháp lý

  • Luật quản lý thuế năm 2019;
  • Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật quản lý thuế;
  • Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy quy định xử phạt hành chính về thuế, hóa đơn;
  • Thông tư 80/2021/TT-BTC hướng dẫn Luật quản lý thuế.

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về vấn đề kê khai thuế bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật hiện hành. Qua bài viết này, chúng tôi mong rằng sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Để được tư vấn đầy đủ và chính xác nhất, mời quý khách hàng liên hệ qua Tổng đài tư vấn thuế bảo vệ môi trường trực tuyến của HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để nhận tư vấn thêm về vấn đề mà quý khách hàng đang gặp phải.

Trân trọng./.

5/5 - (1 bình chọn)
Luật sư Nguyễn Văn Tình
Luật sư Nguyễn Văn Tình
Có nhiều kinh nghiệm hỗ trợ và tranh tụng trong các lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, hình sự, đất đai, hành chính,...
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HOTLINE 1900.6706

phone-call

GỌI HOTLINE 1900.6588

Scroll to Top