Khi sản xuất kinh doanh các mặt hàng thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường, doanh nghiệp cần phải nắm được nguyên tắc hạch toán để thực hiện đúng nghĩa vụ của mình. Bài viết sau đây của Luật Quang Huy sẽ hướng dẫn cách hạch toán thuế bảo vệ môi trường chính xác nhất.
Mọi người cũng xem:
1. Nguyên tắc hạch toán thuế bảo vệ môi trường?
Căn cứ theo hướng dẫn tại Điều 52 của Thông tư số 200/2014/TT-BTC, nguyên tắc của việc hạch toán thuế bảo vệ môi trường được quy định như sau:
- Tài khoản này sử dụng cho người nộp thuế bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Trong giao dịch nhập khẩu ủy thác, tài khoản này chỉ sử dụng cho bên giao ủy thác, không áp dụng cho bên nhận ủy thác;
- Các doanh nghiệp bán sản phẩm, hàng hoá chịu thuế bảo vệ môi trường ghi nhận doanh thu không bao gồm số thuế bảo vệ môi trường phải nộp. Trường hợp không tách ngay được số thuế phải nộp tại thời điểm phát sinh thì được ghi nhận doanh thu bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường nhưng định kỳ phải ghi giảm doanh thu đối với số thuế bảo vệ môi trường phải nộp;
- Các doanh nghiệp nhập khẩu hoặc mua trong nội địa hàng hoá thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường được ghi nhận số thuế bảo vệ môi trường phải nộp vào giá gốc hàng nhập kho;
- Kế toán số thuế bảo vệ môi trường được hoàn, được giảm thực hiện theo nguyên tắc:
- Thuế bảo vệ môi trường đã nộp khi nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, nếu được hoàn ghi giảm giá vốn hàng bán (nếu xuất hàng để bán) hoặc giảm giá trị hàng hóa (nếu xuất trả lại do vay, mượn…);
- Thuế bảo vệ môi trường đã nộp khi nhập khẩu tài sản cố định, nếu được hoàn ghi giảm chi phí khác (nếu bán tài sản cố định) hoặc giảm nguyên giá tài sản cố định (nếu xuất trả lại);
- Thuế bảo vệ môi trường đã nộp khi nhập khẩu hàng hóa, tài sản cố định nhưng đơn vị không có quyền sở hữu, khi được hoàn ghi giảm khoản phải thu khác;
- Thuế bảo vệ môi trường phải nộp khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ nhưng sau đó được hoàn, được giảm thì kế toán ghi nhận vào thu nhập khác.
Mọi người cũng xem:
2. Tài khoản sử dụng để hạch toán thuế bảo vệ môi trường?
Căn cứ theo quy định tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC và Thông tư số 133/2016/TT-BTC, để hạch toán thuế bảo vệ môi trường chúng ta sử dụng tài khoản 33381.
Theo đó, tài khoản 33381 – Thuế bảo vệ môi trường: Là tài khoản phản ánh số phải nộp, đã nộp và còn phải nộp về thuế bảo vệ môi trường của doanh nghiệp.

Mọi người cũng xem:
3. Cách hạch toán thuế bảo vệ môi trường?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, cách hạch toán thuế bảo vệ môi trường ở từng nghiệp vụ cụ thể như sau:
3.1. Hạch toán thuế bảo vệ môi trường khi bán hàng hóa, dịch vụ
Khi Doanh nghiệp tiến hành bán hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường đồng thời chịu thuế giá trị gia tăng, kế toán phản ánh doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ không bao gồm thuế bảo vệ môi trường và không có thuế giá trị gia tăng, hạch toán ghi:
- Nợ các TK 111, 112, 131: Trị giá tiền nhận được (tổng giá thanh toán)
- Có TK 511: Doanh thu hàng bán và cung cấp dịch vụ (giá bán không bao gồm thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng)
- Có TK 33311: Tiền thuế giá trị gia tăng phải nộp
- Có TK 33381: Tiền thuế bảo vệ môi trường phải nộp.
Tại thời điểm giao dịch phát sinh không xác định được ngay số thuế phải nộp, kế toán ghi nhận doanh thu bao gồm cả thuế nhưng định kỳ khi xác định số thuế phải nộp thì phải ghi giảm doanh thu, hạch toán:
- Nợ TK 511: Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
- Có TK 333: Tiền thuế và các khoản phải nộp (chi tiết từng loại thuế).
3.2. Hạch toán thuế bảo vệ môi trường khi nhập khẩu hàng hóa
Khi Doanh nghiệp tiến hành nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường. Căn cứ vào hoá đơn mua hàng nhập khẩu và thông báo nộp thuế về số thuế bảo vệ môi trường phải nộp. Kế toán xác định số thuế bảo vệ môi trường phải nộp của hàng nhập khẩu, hạch toán:
- Nợ các TK 152, 156, 211, 611,… : Tiền thuế bảo vệ môi trường phải nộp
- Có TK 33381: Tiền thuế bảo vệ môi trường phải nộp.
Khi xuất sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường để tiêu dùng nội bộ, cho, biếu, tặng, khuyến mại, quảng cáo không thu tiền, kế toán hạch toán:
- Nợ TK 641: Chi phí bán hàng
- Nợ TK 642: Chi phí quản lý doanh nghiệp
- Nợ TK 6421: Chi phí bán hàng
- Nợ TK 6422: Chi phí quản lý doanh nghiệp
- Có các TK 152, 154, 155: Trị giá sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ
- Có TK 33381: Tiền thuế bảo vệ môi trường.
3.3. Hạch toán thuế bảo vệ môi trường khi nhận nhập khẩu ủy thác
Doanh nghiệp là bên nhận nhập khẩu ủy thác. Khi phải nộp thuế bảo vệ môi trường hộ bên giao nhập khẩu ủy thác, kế toán xác định số thuế bảo vệ môi trường phải nộp, hạch toán:
- Nợ TK 138: : Tiền thuế bảo vệ môi trường nộp hộ bên giao ủy thác
- Có TK 33381: Tiền thuế bảo vệ môi trường nộp hộ bên giao ủy thác.
Doanh nghiệp nộp hộ tiền thuế bảo vệ môi trường vào Ngân sách Nhà nước, kế toán hạch toán:
- Nợ TK 33381: Tiền thuế bảo vệ môi trường nộp hộ bên giao ủy thác.
- Có các TK 111, 112, …: Tiền thuế bảo vệ môi trường nộp hộ bên giao ủy thác.
3.4. Hạch toán thuế bảo vệ môi trường khi được hoàn thuế bảo vệ môi trường đã nộp ở khâu nhập khẩu:
Khi được hoàn thuế bảo vệ môi trường đã nộp ở khâu nhập khẩu, kế toán hạch toán cụ thể như sau:
Được hoàn thuế bảo vệ môi trường khi tái xuất hàng hóa, hạch toán:
- Nợ TK 33381: Tiền thuế bảo vệ môi trường
- Có TK 632: Giá vốn hàng bán (trường hợp xuất hàng để bán)
- Có các TK 152, 153, 156: Trị giá hàng hóa (trường hợp xuất hàng trả lại).
Được hoàn thuế bảo vệ môi trường khi tái xuất tài sản cố định, hạch toán:
- Nợ TK 33381: Tiền thuế bảo vệ môi trường
- Có TK 2111: Trị giá tài sản cố định hữu hình khi xuất trả lại (Theo TT 133)
- Có TK 211: Trị giá tài sản cố định hữu hình khi xuất trả lại (Theo TT 200)
- Có TK 811: Trị giá tài sản cố định hữu hình khi bán.
Trường hợp hàng hóa không thuộc quyền sở hữu của đơn vị, được hoàn thuế bảo vệ môi trường khi tái xuất, kế toán hạch toán:
- Nợ TK 33381: Tiền thuế bảo vệ môi trường được hoàn
- Có TK 1388: Tiền thuế bảo vệ môi trường được hoàn.
3.5. Hạch toán thuế bảo vệ môi trường khi được giảm, được hoàn thuế bảo vệ môi trường đã nộp
Khi bán hàng hóa, tài sản cố định, cung cấp dịch vụ, Doanh nghiệp tiến hành nộp thuế bảo vệ môi trường. Sau đó doanh nghiệp được giảm, được hoàn lại thuế. Căn cứ vào thông báo của cơ quan có thẩm quyền về số thuế ở khâu bán được giảm, được hoàn, kế toán hạch toán:
- Nợ TK 33381: Tiền thuế bảo vệ môi trường được giảm, được hoàn
- Có TK 711: Tiền thuế bảo vệ môi trường được giảm, được hoàn.
Mọi người cũng xem:
4. Cơ sở pháp lý
- Thông tư 133/2016/TT-BTC ban hành ngày 26/8/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa;
- Thông tư số 200/2014/TT-BTC của Bộ tài chính hướng dẫn về chế độ kế toán doanh nghiệp.
Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi về vấn đề: hạch toán thuế bảo vệ môi trường.
Để được tư vấn đầy đủ và chính xác nhất, mời quý khách hàng liên hệ qua Tổng đài tư vấn Thuế bảo vệ môi trường của HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để nhận tư vấn thêm về vấn đề mà quý khách hàng đang gặp phải.
Trân trọng./.