Cách tính thuế bảo vệ môi trường

Cách tính thuế bảo vệ môi trường

Thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường. Khi doanh nghiệp hoạt động kinh doanh sản xuất những đối tượng này sẽ phải chịu thuế bảo vệ môi trường. Bài viết sau đây của Luật Quang Huy sẽ hướng dẫn bạn cách tính thuế bảo vệ môi trường nhanh chóng nhất.


1. Đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường?

Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế bảo vệ môi trường 2010 và Điều 1 Thông tư 152/2011/TT-BTC đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường gồm hàng hóa thuộc các nhóm sau đây:

1.1. Nhóm 1: Xăng dầu, mỡ nhờn

Xăng dầu, mỡ nhờn chịu thuế bảo vệ môi trường gồm: Xăng, trừ etanol; nhiên liệu bay; dầu diezel; dầu hỏa; dầu mazut; dầu nhờn; mỡ nhờn.

Lưu ý:

  • Xăng, dầu, mỡ nhờn chịu thuế bảo vệ môi trường là xăng dầu có gốc hoá thạch xuất bán tại Việt Nam, không bao gồm chế phẩm sinh học (như etanol, dầu thực phẩm, mỡ động vật…);
  • Đối với nhiên liệu hỗn hợp chứa nhiên liệu sinh học và xăng dầu gốc hoá thạch thì chỉ tính thu thuế bảo vệ môi trường đối với phần xăng dầu gốc hoá thạch.

1.2. Nhóm 2: Than đá

Than đá chịu thuế, gồm: Than nâu, than antraxit, than mỡ; than đá khác.

1.3. Nhóm 3: Dung dịch hydro-chloro-fluoro-carbon (HCFC)

Đây là nhóm chất gây suy giảm tầng ozon dùng làm môi chất lạnh sử dụng trong thiết bị làm lạnh và trong công nghiệp bán dẫn, được sản xuất trong nước, nhập khẩu riêng hoặc chứa trong các thiết bị điện lạnh nhập khẩu.

1.4. Nhóm 4: Túi ni lông

Túi ni lông thuộc diện chịu thuế (túi nhựa) là loại túi, bao bì nhựa mỏng có hình dạng túi (có miệng túi, có đáy túi, có thành túi và có thể đựng sản phẩm trong đó) được làm từ màng nhựa đơn HDPE (high density polyethylene resin), LDPE (Low density polyethylen) hoặc LLDPE. Trừ bao bì đóng gói sẵn hàng hóa và túi ni lông đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường.

Theo đó, bao bì đóng gói sẵn hàng hóa không phải chịu thuế bảo vệ môi trường gồm những loại sau:

  • Bao bì đóng gói sẵn hàng hóa nhập khẩu;
  • Bao bì mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tự sản xuất hoặc nhập khẩu để đóng gói sản phẩm do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đó sản xuất, gia công ra hoặc mua sản phẩm về đóng gói hoặc làm dịch vụ đóng gói;
  • Bao bì mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân mua trực tiếp của người sản xuất hoặc người nhập khẩu để đóng gói sản phẩm do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đó sản xuất, gia công ra hoặc mua sản phẩm về đóng gói hoặc làm dịch vụ đóng gói;
  • Bao bì đóng gói sẵn hàng hóa mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tự sản xuất hoặc nhập khẩu hoặc mua trực tiếp để đóng gói sản phẩm không bao gồm túi đựng hàng hóa khi bán hàng.

1.5. Nhóm 5: Thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng

1.6. Nhóm 6: Thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng

Theo phụ lục kèm theo Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14 về biểu thuế bảo vệ môi trường thì thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng gồm 02 loại thuốc có tên thương phẩm là PMC 90 DP, PMs 100 CP.

1.7. Nhóm 7: Thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng

Thuốc bảo quản lâm sản phải chịu thuế bảo vệ môi trường gồm 02 loại thuốc có tên thương phẩm là thuốc XM5 100 bột, LN5 90 bột.

1.8. Nhóm 8: Thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng

Các loại thuốc khử trùng kho sau đây là đối tượng chịu thuế, gồm: Thuốc Alumifos 56% Tablet, Celphos 56 % tablets, Fumitoxin 55 % tablets, Phostoxin 56% viên tròn, viên dẹt, Quickphos 56 %, Magtoxin 66 tablets, pellet; Bromine – Gas 98%, 100%, Dowfome 98 %.


2. Người nộp thuế bảo vệ môi trường gồm những ai?

Căn cứ theo quy định từ Điều 5 Luật Bảo vệ môi trường năm 2010 và Điều 3 Thông tư số 152/2011/TT-BTC, người nộp thuế bảo vệ môi trường bao gồm những đối tượng sau:

  • Người nộp thuế bảo vệ môi trường là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế quy định tại Điều 1 của Thông tư số 152/2011/TT-BTC.
  • Người nộp thuế bảo vệ môi trường trong một số trường hợp cụ thể được quy định như sau:
  • Người nhận uỷ thác nhập khẩu hàng hoá là người nộp thuế bảo vệ môi trường, không phân biệt hình thức nhận uỷ thác nhập khẩu và xuất giao trả hàng cho người uỷ thác hay nhận uỷ thác nhập khẩu;
  • Tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sản xuất, nhận gia công đồng thời nhận uỷ thác bán hàng hóa vào thị trường Việt Nam là người nộp thuế bảo vệ môi trường. Trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nhận gia công nhưng không nhận uỷ thác bán hàng thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân giao gia công là người nộp thuế bảo vệ môi trường khi xuất, bán hàng hóa tại Việt Nam;
  • Trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân làm đầu mối thu mua than khai thác nhỏ, lẻ mà không xuất trình được chứng từ chứng minh hàng hóa đã được nộp thuế bảo vệ môi trường thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân làm đầu mối thu mua là người nộp thuế.

3. Công thức tính thuế bảo vệ môi trường?

Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Thông tư 152/2011/TT-BTC, thuế bảo vệ môi trường được tính theo công thức sau:

Thuế bảo vệ môi trường phải nộp = Số lượng đơn vị hàng hóa tính thuế x Mức thuế tuyệt đối trên một đơn vị hàng hóa
Cách tính thuế bảo vệ môi trường
Cách tính thuế bảo vệ môi trường

4. Cách tính thuế bảo vệ môi trường?

Để tính được số tiền thuế phải nộp cần tính được số lượng đơn vị hàng hóa chịu thuế và mức thuế tuyệt đối mà Nhà nước quy định. Cụ thể:

4.1. Số lượng đơn vị hàng hóa tính thuế được xác định như sau:

  • Hàng hóa sản xuất trong nước: Số lượng hàng hóa tính thuế là số lượng hàng hóa sản xuất bán ra, trao đổi, tiêu dùng nội bộ, tặng cho, khuyến mại, quảng cáo;
  • Đối với hàng hóa nhập khẩu, số lượng hàng hóa tính thuế là số lượng hàng hóa nhập khẩu;
  • Đối với hàng hoá là nhiên liệu hỗn hợp chứa xăng, dầu, mỡ nhờn gốc hoá thạch và nhiên liệu sinh học thì số lượng hàng hóa tính thuế trong kỳ là số lượng xăng, dầu, mỡ nhờn gốc hoá thạch có trong số lượng nhiên liệu hỗn hợp nhập khẩu hoặc sản xuất bán ra, trao đổi, tặng cho, đưa vào tiêu dùng nội bộ được quy đổi ra đơn vị đo lường quy định tính thuế của hàng hoá tương ứng. Cách xác định như sau:
Số lượng xăng, dầu, mỡ nhờn gốc hoá thạch tính thuế = Số lượng nhiên liệu hỗn hợp nhập khẩu, sản xuất bán ra, tiêu dùng, trao đổi, tặng cho x Tỷ lệ % xăng, dầu, mỡ nhờn gốc hoá thạch có trong nhiên liệu hỗn hợp
  • Đối với túi ni lông đa lớp được sản xuất hoặc gia công từ màng nhựa đơn HDPE, LDPE, LLDPE và các loại màng nhựa khác (PP, PA,…) hoặc các chất khác như nhôm, giấy… thì thuế bảo vệ môi trường được xác định theo tỷ lệ % trọng lượng màng nhựa đơn HDPE, LDPE, LLDPE có trong túi ni lông đa lớp. Căn cứ định mức lượng màng nhựa đơn HDPE, LDPE, LLDPE sử dụng sản xuất hoặc gia công túi ni lông đa lớp, người sản xuất hoặc người nhập khẩu túi ni lông đa lớp tự kê khai, tự chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình.

4.2. Mức thuế tuyệt đối trên một đơn vị hàng hóa:

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 mức thuế tuyệt đối trên 1 đơn vị hàng hóa được Nhà nước ấn định với từng loại hàng hóa như sau:

STT Hàng hóa Đơn vị tính Mức thuế (đồng/đơn vị hàng hóa)
I Xăng, dầu, mỡ nhờn
1 Xăng, trừ etanol lít 4.000
2 Nhiên liệu bay lít 3.000
3 Dầu diesel lít 2.000
4 Dầu hỏa lít 1.000
5 Dầu mazut lít 2.000
6 Dầu nhờn lít 2.000
7 Mỡ nhờn kg 2.000
II Than đá
1 Than nâu tấn 15.000
2 Than an – tra – xít (antraxit) tấn 30.000
3 Than mỡ tấn 15.000
4 Than đá khác tấn 15.000
III Dung dịch Hydro-chloro-fluoro-carbon (HCFC), bao gồm cả dung dịch HCFC có trong hỗn hợp chứa dung dịch HCFC kg 5.000
IV Túi ni lông thuộc diện chịu thuế kg 50.000
V Thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng kg 500
VI Thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng kg 1.000
VII Thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng kg 1.000
VIII Thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng kg 1.000

Ví dụ: Doanh nghiệp A sản xuất hoặc nhập khẩu 100 kg túi ni lông đa lớp, trong đó trọng lượng màng nhựa đơn HDPE, LDPE, LLDPE có trong túi ni lông đa lớp là 70% và trọng lượng màng nhựa khác (PA, PP,..) là 30%.

Thuế bảo vệ môi trường trong trường hợp trên được tính như sau:

Trước hết, túi ni lông đa lớp gồm cả màng nhựa đơn HDPE, LDPE, LLDPE và màng nhựa khác (PA, PP,…) thì chỉ có phần màng nhựa đơn HDPE, LDPE, LLDPE là phải chịu thuế bảo vệ môi trường. Cụ thể:

  • Số lượng đơn vị hàng hóa tính thuế = 100kg x 70% = 70 (kg);
  • Mức thuế tuyệt đối trên một đơn vị hàng hoá với ni lông là: 50.000 đồng/kg;

Theo đó, số thuế bảo vệ môi trường phải nộp là: 70 x 50.000 = 3.500.000 (đồng).


5. Cách tính phí bảo vệ môi trường với hoạt động khai thác khoáng sản?

Riêng với hoạt động khai thác khoáng sản ngoài việc chịu thuế bảo vệ môi trường còn bị tính phí bảo vệ môi trường và được hướng dẫn tại Nghị định số 164/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/1/2017 như sau:

5.1. Mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản:

  • Mức phí bảo vệ môi trường đối với dầu thô: 100.000 đồng/tấn; đối với khí thiên nhiên, khí than: 50 đồng/m3. Riêng khí thiên nhiên thu được trong quá trình khai thác dầu thô (khí đồng hành): 35 đồng/m3;
  • Khung mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản khác theo Biểu khung mức phí ban hành kèm theo Nghị định 164/2016/NĐ-CP;
  • Mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản tận thu bằng 60% mức phí của loại khoáng sản tương ứng quy định tại Biểu mức thu ban hành kèm theo Nghị định 164/2016/NĐ-CP.

5.2. Công thức tính phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản:

Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản phải nộp trong kỳ nộp phí được tính theo công thức sau:

F = [(Q1 x f1) + (Q2 x f2)] x K

Trong đó:

  • F là số phí bảo vệ môi trường phải nộp trong kỳ;
  • Q1 là số lượng đất đá bốc xúc thải ra trong kỳ nộp phí (m3);
  • Q2 là số lượng quặng khoáng sản nguyên khai khai thác trong kỳ (tấn hoặc m3);
  • f1 là mức phí đối với số lượng đất đá bốc xúc thải ra: 200 đồng/m3;
  • f2 là mức phí tương ứng của từng loại khoáng sản khai thác (đồng/tấn hoặc đồng/m3);
  • K là hệ số tính phí theo phương pháp khai thác, trong đó:
  • Khai thác lộ thiên (bao gồm cả khai thác bằng sức nước như khai thác titan, cát, sỏi lòng sông): K = 1,1;
  • Khai thác hầm lò và các hình thức khai thác khác (khai thác dầu thô, khí thiên nhiên, nước khoáng thiên nhiên và các trường hợp còn lại): K = 1.

6. Cơ sở pháp lý

  • Luật thuế bảo vệ môi trường năm 2010;
  • Thông tư 152/2011/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 67/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật thuế Bảo vệ môi trường do Bộ Tài chính ban hành;
  • Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14 về Biểu thuế bảo vệ môi trường do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành;
  • Nghị định 164/2016/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản thường vụ Quốc hội ban hành.

Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi về vấn đề: cách tính thuế bảo vệ môi trường.

Để được tư vấn đầy đủ và chính xác nhất, mời quý khách hàng liên hệ qua Tổng đài tư vấn Thuế bảo vệ môi trường trực tuyến của HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để nhận tư vấn thêm về vấn đề mà quý khách hàng đang gặp phải.

Trân trọng./.

5/5 - (1 bình chọn)
Luật sư Nguyễn Văn Tình
Luật sư Nguyễn Văn Tình
Có nhiều kinh nghiệm hỗ trợ và tranh tụng trong các lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, hình sự, đất đai, hành chính,...
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HOTLINE 1900.6588

Scroll to Top