Thủ tục bổ sung ngành nghề trong giấy chứng nhận đầu tư

Thủ tục bổ sung ngành nghề trong giấy chứng nhận đầu tư
Nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, Luật Quang Huy hiện đang cung cấp đường dây nóng tư vấn Luật Đầu tư 24/7. Nếu bạn có nhu cầu tư vấn về vấn đề này, đừng ngần ngại, hãy liên hệ ngay cho chúng tôi qua Tổng đài 19006588 để được tư vấn miễn phí.

Thay đổi ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đầu tư là một trong những thủ tục rất phổ biến trong kinh doanh. Tuy vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn chưa thực sự hiểu rõ về thủ tục này. Trong bài viết này, Luật Quang Huy sẽ chia sẻ tới quý bạn đọc những kiến thức hữu ích về việc bổ sung ngành nghề trong giấy chứng nhận đầu tư cũng như các điều kiện và thủ tục để thực hiện hoạt động này.


1. Có bắt buộc phải bổ sung ngành nghề trong giấy chứng nhận đầu tư không?

Theo quy định pháp luật đầu tư hiện hành, giấy chứng nhận đầu tư là văn bản bằng bản giấy hoặc bản điện tử ghi nhận thông tin của nhà đầu tư về dự án đầu tư. Thông tin về lĩnh vực hoạt động hay chính là ngành nghề hoạt động của dự án đầu tư được liệt kê trong mục “mục tiêu về dự án đầu tư” là một trong những mục quan trọng của giấy chứng nhận đầu tư.

Vì vậy khi nhà đầu tư có sự thay đổi về ngành nghề hoạt động của dự án đầu tư, thì đều phải tiến hành thủ tục bổ sung ngành, nghề trong giấy chứng nhận đầu tư theo quy định pháp luật tại Luật đầu tư 2020. Và việc thực hiện bổ sung này là bắt buộc với mọi nhà đầu tư và mọi dự án đầu tư.


2. Không bổ sung ngành nghề trong giấy chứng nhận đầu tư có bị xử phạt không?

Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư có sự thay đổi mà nhà đầu tư không tiến hành điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì có thể phải gánh chịu mức xử phạt vi phạm hành chính từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Bên cạnh đó, nhà đầu tư còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như buộc thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với hành vi vi phạm.

Tất cả những hình thức xử phạt này đều được quy định tại Nghị định 122/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Chính vì vậy, các doanh nghiệp và nhà đầu tư cần phải nghiên cứu thật kỹ các quy định pháp luật hiện hành về bổ sung ngành, nghề trong giấy chứng nhận đầu tư, tránh vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của bản thân mình.


3. Điều kiện bổ sung ngành nghề trong giấy chứng nhận đầu tư

Để thực hiện bổ sung ngành, nghề trong giấy chứng nhận đầu tư, chủ đầu tư cần phải đáp ứng những điều kiện cơ bản sau:

  • Ngành nghề được bổ sung không thuộc danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Luật đầu tư 2020;
  • Ngành nghề được bổ sung thuộc danh mục ngành nghề được phép kinh doanh, phù hợp với quy hoạch và chính sách của địa phương nơi thực hiện dự án đầu tư;
  • Bên cạnh đó, nếu ngành nghề kinh doanh được bổ sung thuộc diện phải xin chấp thuận của cơ quan Nhà nước thì nhà đầu tư cần phải xin chấp thuận rồi mới tiến hành thủ tục bổ sung vào giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
  • Cuối cùng, để được thực hiện thủ tục bổ sung ngành nghề vào giấy chứng nhận đầu tư thì doanh nghiệp cần phải có đầy đủ hồ sơ theo đúng quy định pháp luật đầu tư hiện hành.
Thủ tục bổ sung ngành nghề trong giấy chứng nhận đầu tư
Thủ tục bổ sung ngành nghề trong giấy chứng nhận đầu tư

4. Hồ sơ bổ sung ngành nghề trong giấy chứng nhận đầu tư

Để thực hiện thủ tục bổ sung ngành nghề trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhanh chóng, bạn chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm đầy đủ các giấy tờ sau đây:

  • Văn bản đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư;
  • Báo cáo tình hình triển khai dự án đầu tư đến thời điểm đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư;
  • Quyết định về việc điều chỉnh dự án đầu tư của nhà đầu tư;
  • Đề xuất dự án đầu tư bao gồm các nội dung: nhà đầu tư thực hiện dự án, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ đầu tư, nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án;
  • Giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp;
  • Báo cáo tài chính của 2 năm gần nhất có kiểm toán;
  • Chủ trương đầu tư hoặc văn bản điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư  nếu thuộc đối tượng phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư;
  • Giấy ủy quyền cho người đi nộp hồ sơ và giấy tờ tùy thân của người đi nộp hồ sơ tại cơ quan Nhà nước.

5. Thủ tục bổ sung ngành nghề trong giấy chứng nhận đầu tư

Khi thực hiện thủ tục bổ sung ngành, nghề trong giấy chứng nhận đầu tư, bạn làm theo các bước sau đây:

5.1. Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Bạn chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ như chúng tôi liệt kê trên để bổ sung vào hồ sơ thay đổi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

5.2. Bước 2: Nộp hồ sơ và cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và xử lý hồ sơ

Theo quy định pháp luật hiện hành cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư thì có thẩm quyền chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư. Trường hợp đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư dẫn đến dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của cấp cao hơn thì cấp đó có thẩm quyền chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Do vậy, nơi nộp hồ sơ và cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, xử lý hồ sơ bổ sung ngành, nghề trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được xác định như sau:

  • Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư, đặt hoặc dự kiến đặt văn phòng điều hành để thực hiện dự án đầu tư điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư sau:
  • Dự án đầu tư thực hiện tại 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên;
  • Dự án đầu tư thực hiện ở trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế;
  • Dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế nơi chưa thành lập Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế hoặc không thuộc phạm vi quản lý của Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
  • Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư sau:
  • Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu chức năng trong khu kinh tế;
  • Dự án đầu tư thực hiện trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

5.3. Bước 3: Trả kết quả

Cơ quan Nhà nước sẽ tiến hành thủ tục bổ sung ngành, nghề đăng ký đầu tư của bạn trong vòng 10 ngày làm việc. Sau 10 ngày, nếu như hồ sơ của bạn hợp lệ, bạn sẽ được bổ sung ngành nghề vào trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận cũ sẽ được cơ quan này thu lại.

Trong trường hợp hồ sơ của bạn không hợp lệ, cơ quan Nhà nước tiếp nhận và xử lý hồ sơ sẽ ra quyết định trả hồ sơ cho bạn hoặc yêu cầu bạn bổ sung thêm giấy tờ, tài liệu.

5.4. Bước 4: Thông báo bổ sung ngành, nghề trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh

Theo quy định pháp luật hiện hành, các thông tin giữa giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phải thống nhất với nhau. Vì vậy khi bạn muốn đăng ký bổ sung ngành, nghề trên giấy chứng nhận đầu tư thì cũng cần phải thực hiện hoạt động bổ sung ngành, nghề trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Hoạt động bổ sung ngành nghề trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được thực hiện như sau

Bạn chuẩn bị hồ sơ gồm:

  • Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp;
  • Biên bản họp về việc thay đổi, bổ sung ngành, nghề kinh doanh của công ty;
  • Quyết định về việc thay đổi, bổ sung ngành, nghề kinh doanh của công ty;
  • Đối với doanh nghiệp được cấp Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương thì ngoài các giấy tờ nêu trên, doanh nghiệp nộp kèm theo bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đầu tư;
  • Giấy ủy quyền cho người đi nộp hồ sơ và làm việc với cơ quan nhà nước kèm theo Giấy tờ tùy thân: CMND/ Căn cước công dân/ Hộ chiếu của người nộp hồ sơ.

Sau khi chuẩn bị xong hồ sơ, bạn tiến hành nộp tại phòng đăng ký kinh doanh- Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở. Sau khi nhận được hồ sơ, Sở Kế hoạch  – Đầu tư thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trong thời gian 03-05 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Kế hoạch – Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp.

Ngay sau đó, doanh nghiệp thực hiện thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để kết thúc thủ tục.


6. Khi thực hiện bổ sung ngành nghề trên giấy chứng nhận đầu tư thì căn cứ vào đâu để khớp mã ngành nghề?

Trong quá trình thực hiện bổ sung ngành nghề trên giấy chứng nhận đầu tư thì bạn tiến hành khớp mã ngành nghề dựa trên các biểu cam kết WTO mà Việt Nam đã tham gia. Bên cạnh đó, trong quá trình bổ sung ngành nghề trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì bạn cần căn cứ vào Quyết định 27/2018/QĐ-TTG để thực hiện. Bạn cũng cần chú ý rằng, mã ngành cấp 4 của hệ thống ngành nghề là mã được áp dụng khi doanh nghiệp thực hiện việc bổ sung ngành nghề trên giấy đăng ký kinh doanh.


7. Cơ sở pháp lý

  • Luật đầu tư 2020;
  • Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn luật đầu tư;
  • Nghị định 122/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về bổ sung ngành nghề trong giấy chứng nhận đầu tư theo quy định pháp luật hiện hành.

Luật Quang Huy không chỉ có Tổng đài tư vấn pháp luật chuyên sâu về pháp luật doanh nghiệp mà còn là đơn vị có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực tư vấn đầu tư.

Để được tư vấn đầy đủ và chính xác nhất, mời quý khách hàng liên hệ qua Tổng đài tư vấn luật doanh nghiệp trực tuyến của HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để nhận tư vấn thêm về vấn đề mà quý khách hàng đang gặp phải.

Trân trọng./.

5/5 - (1 bình chọn)

TÁC GIẢ BÀI VIẾT

Nguyễn Quang Huy
Nguyễn Quang Huy
Cố vấn cao cấp, giảng viên khoa pháp luật kinh tế – trường Đại học Luật Hà Nội. Tốt nghiệp Thạc sĩ Luật Đại học Duke (Hoa Kỳ), có nhiều kinh nghiệm làm việc tại các công ty luật lớn trên thế giới.
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HOTLINE 1900.6588

Scroll to Top
Mục lục