Thời hạn và mức phạt chậm nộp thuế môn bài

Chậm nộp thuế môn bài có bị phạt không?

Thuế môn bài là nghĩa vụ của mỗi doanh nghiệp. Vậy trường hợp doanh nghiệp chậm nộp thuế môn bài thì bị xử lý như thế nào? Có bị phạt không? Để trả lời cho câu hỏi này, mời các bạn tham khảo bài viết sau đây của Luật Quang Huy nhé.


1. Thời hạn nộp thuế môn bài chậm nhất là bao lâu?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, tùy theo từng trường hợp, thời hạn nộp thuế môn bài được quy định cụ thể như sau:

1.1. Thời hạn kê khai thuế môn bài?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc khai lệ phí môn bài được thực hiện như sau:

  • Người nộp lệ phí môn bài (trừ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) mới thành lập (bao gồm cả doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh) hoặc có thành lập thêm đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh hoặc bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh thực hiện nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 năm sau năm thành lập hoặc bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh;
  • Trường hợp trong năm có thay đổi về vốn thì người nộp lệ phí môn bài nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 năm sau năm phát sinh thông tin thay đổi;
  • Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không phải nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài. Cơ quan thuế căn cứ hồ sơ khai thuế, cơ sở dữ liệu quản lý thuế để xác định doanh thu làm căn cứ tính số tiền lệ phí môn bài phải nộp và thông báo cho người nộp lệ phí môn bài thực hiện theo quy định tại Điều 13 Nghị định 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Như vậy, doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài khi mới thành lập, khi mở thêm chi nhánh, địa điểm kinh doanh hoặc khi có thay đổi về vốn.

1.2. Thời hạn nộp thuế môn bài?

Căn cứ theo quy định tại khoản 9 Điều 18 Nghị định 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ thì thời hạn nộp lệ phí được quy định cụ thể như sau:

  • Thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 hàng năm.
  • Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp) khi kết thúc thời gian được miễn lệ phí môn bài (năm thứ tư kể từ năm thành lập doanh nghiệp) thì thời hạn nộp lệ phí môn bài như sau:
  • Trường hợp kết thúc thời gian miễn lệ phí môn bài trong thời gian 6 tháng đầu năm thì thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 7 năm kết thúc thời gian miễn;
  • Trường hợp kết thúc thời gian miễn lệ phí môn bài trong thời gian 6 tháng cuối năm thì thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 năm liền kề năm kết thúc thời gian miễn.
  • Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đã chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh sau đó hoạt động trở lại thì thời hạn nộp lệ phí môn bài như sau:
  • Trường hợp ra hoạt động trong 6 tháng đầu năm: Chậm nhất là ngày 30 tháng 7 năm ra hoạt động;
  • Trường hợp ra hoạt động trong thời gian 6 tháng cuối năm: Chậm nhất là ngày 30 tháng 01 năm liền kề năm ra hoạt động.

Lưu ý: Theo quy định của pháp luật hiện hành, một số trường hợp được miễn lệ phí môn bài bao gồm các trường hợp sau đây:

  • Tổ chức thuộc trường hợp không được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh được thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số doanh nghiệp trong thời gian của 6 tháng đầu năm thì nộp mức lệ phí môn bài cả năm; nếu thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số doanh nghiệp trong thời gian 6 tháng cuối năm thì nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm;
  • Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh (bao gồm cả chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) khi hết thời gian được miễn lệ phí môn bài (năm thứ tư kể từ năm thành lập doanh nghiệp): Nếu kết thúc trong thời gian 6 tháng đầu năm nộp mức lệ phí môn bài cả năm, trường hợp kết thúc trong thời gian 6 tháng cuối năm nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm;
  • Người nộp lệ phí môn bài đang hoạt động có văn bản gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan đăng ký kinh doanh về việc tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch (từ ngày 01/01 đến ngày 31/12) không phải nộp lệ phí môn bài năm tạm ngừng kinh doanh với điều kiện: Văn bản xin tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh gửi cơ quan thuế hoặc cơ quan đăng ký kinh doanh trước thời hạn phải nộp lệ phí theo quy định (ngày 30/01 hàng năm) và chưa nộp lệ phí môn bài của năm xin tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Chậm nộp thuế môn bài có bị phạt không?
Chậm nộp thuế môn bài có bị phạt không?

2. Mức phạt chậm nộp thuế môn bài?

Căn cứ theo quy định tại Điều 42 Nghị định 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ, tiền phạt chậm nộp thuế môn bài được xác định theo công thức như sau:

Số tiền phải nộp phạt = Tiền phạt chậm nộp x 0,05% x Số ngày chậm nộp

Trong đó:  Số ngày chậm nộp tiền phạt bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo chế độ quy định và được tính từ ngày kế tiếp ngày hết thời hạn nộp tiền phạt đến ngày liền kề trước ngày tổ chức, cá nhân nộp tiền phạt vào ngân sách nhà nước.

Theo đó, nếu tổ chức, cá nhân không tự giác nộp tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt vào ngân sách nhà nước thì cơ quan thuế quản lý trực tiếp tổ chức, cá nhân đó có trách nhiệm thông báo, đôn đốc tổ chức, cá nhân nộp tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt theo quy định.

Lưu ý: Không tính tiền chậm nộp tiền phạt trong các trường hợp sau:

  • Trong thời gian được hoãn thi hành quyết định phạt tiền;
  • Trong thời gian xem xét, quyết định miễn tiền phạt;
  • Số tiền phạt chưa đến hạn nộp trong trường hợp được nộp tiền phạt nhiều lần.

Ví dụ: Tiền lệ phí môn bài doanh nghiệp của bạn phải nộp là 01 triệu đồng, hạn nộp đúng hẹn là ngày 30/01, tuy nhiên chưa nộp. Đến ngày 19/02 mới nộp. Vậy số ngày chậm nộp là 20 ngày.

Vậy số tiền phạt chậm nộp thuế môn bài được tính như sau:

Số tiền phạt chậm nộp = 1.000.000 x 0.05% x 20 = 10.000 đồng.


3. Mức phạt chậm nộp tờ khai lệ phí môn bài?

Căn cứ theo Điều 9 Thông tư 166/2013/TT-BTC về việc xử phạt đối với hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế so với thời hạn quy định, cụ thể như sau:

  • Phạt cảnh cáo: Đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 01 ngày đến 05 ngày mà có tình tiết giảm nhẹ.
  • Phạt tiền 700.000 đồng: Đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ 01 ngày đến 10 ngày (trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này). Cụ thể:
  • Nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt tối thiểu không thấp hơn 400.000 đồng;
  • Nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt tối đa không quá 1.000.000 đồng.
  • Phạt tiền 1.400.000 đồng: Đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ trên 10 ngày đến 20 ngày. Cụ thể:
  • Nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt tối thiểu không dưới 800.000 đồng;
  • Nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt tối đa không quá 2.000.000 đồng.
  • Phạt tiền 2.100.000 đồng: Đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ trên 20 ngày đến 30 ngày. Cụ thể:
  • Nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt tối thiểu không thấp hơn 1.200.000 đồng;
  • Nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt tối đa không quá 3.000.000 đồng.
  • Phạt tiền 2.800.000 đồng: Đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ trên 30 ngày đến 40 ngày. Cụ thể:
  • Nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt tối thiểu không thấp hơn 1.600.000 đồng;
  • Nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt tối đa không quá 4.000.000 đồng.
  • Phạt tiền 3.500.000 đồng: Đối với một trong các hành vi sau đây:
  • Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ trên 40 ngày đến 90 ngày;
  • Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định trên 90 ngày nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;
  • Nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, đã tự giác nộp đầy đủ số tiền thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế;
  • Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp (trừ trường hợp pháp luật có quy định không phải nộp hồ sơ khai thuế). Cụ thể:
  • Nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt tối thiểu không thấp hơn 2.000.000 đồng;
  • Nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt tối đa không quá 5.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, việc không nộp tờ khai lệ phí môn bài còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 6 Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP như sau:

  • Buộc nộp đủ số tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP trong trường hợp người nộp thuế chậm nộp hồ sơ khai thuế dẫn đến chậm nộp tiền thuế;
  • Buộc nộp hồ sơ khai thuế, phụ lục kèm theo hồ sơ khai thuế đối với hành vi quy định tại điểm c, d khoản 4 Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

Như vậy, tùy theo thời gian chậm nộp tờ khai thuế môn bài của chi nhánh mà mức phạt được điều chỉnh tương ứng với các trường hợp trên, bên cạnh đó, người nộp tờ khai thuế môn bài trễ còn bị buộc phải nộp đủ số tiền chậm nộp tiền thuế.

Lưu ý:

  • Thời hạn nộp tờ khai Lệ phí môn bài bao gồm cả thời gian được gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
  • Không áp dụng các mức xử phạt quy định đối với trường hợp người nộp thuế trong thời gian được gia hạn thời hạn nộp tờ khai Lệ phí môn bài, gia hạn thời hạn nộp thuế.
  • Người nộp thuế chậm nộp tờ khai Lệ phí môn bài bị xử phạt theo quy định, nếu dẫn đến chậm nộp tiền thuế thì phải nộp tiền chậm nộp tiền thuế theo quy định.

4. Cơ sở pháp lý

  • Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế vừa có hiệu lực từ ngày 05/12/2020;
  • Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hoá đơn;
  • Thông tư 166/2013/TT-BTC Thông tư 166/2013/TT-BTC hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính về thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.

Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi về vấn đề: chậm nộp thuế môn bài.

Để được tư vấn đầy đủ và chính xác nhất, mời quý khách hàng liên hệ qua Tổng đài tư vấn Thuế môn bài trực tuyến của HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để nhận tư vấn thêm về vấn đề mà quý khách hàng đang gặp phải.

Trân trọng./.

5/5 - (1 bình chọn)

TÁC GIẢ BÀI VIẾT

Cố vấn Nguyễn Quỳnh Trang
Cố vấn Nguyễn Quỳnh Trang
Kiểm toán viên (CPA) – Hiện là cố vấn thuế cao cấp cho nhiều doanh nghiệp lớn trên toàn quốc với 20 năm kinh nghiệm thực tiễn
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HOTLINE 1900.6588

Scroll to Top
Mục lục