Hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp

Những điều bạn có thể chưa biết về M&A

Trong những năm gần đây, hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) đang trở thành một làn sóng đầu tư mới đầy tiềm năng. Vậy M&A mang lại những lợi ích gì? Hồ sơ, thủ tục thực hiện M&A ra sao? Hãy theo dõi bài viết dưới đây của luật Quang Huy, chúng tôi sẽ giải giải đáp cho bạn.


1. M&A là gì?

M&A là sự kết hợp của hai từ tiếng anh là Mergers (sáp nhập) và Acquisitions (mua lại). Đây là khái niệm thường được sử dụng nhiều trong lĩnh vực kinh doanh để chỉ hoạt động giành quyền kiểm soát, điều hành doanh nghiệp thông qua hình thức mua lại và sáp nhập giữa hai hoặc nhiều cá thể kinh doanh.

Sáp nhập được hiểu là hoạt động tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa các cá thể kinh doanh có cùng quy mô để từ đó cho ra đời một cá thể kinh doanh thống nhất có tư cách pháp nhân mới. Doanh nghiệp bị sáp nhập sẽ phải trao toàn bộ quyền sở hữu toàn bộ tài sản hay quyền kiểm soát và định hướng lại hoạt động cho doanh nghiệp sáp nhập.

Mua lại là hành động một doanh nghiệp lớn hơn bỏ tiền ra để mua lại một hoặc nhiều doanh nghiệp nhỏ và yếu hơn. Điểm khác biệt của mua lại với sáp nhập là trong trường hợp này doanh nghiệp mua lại vẫn được giữa tư cách pháp nhân cũ và công ty được mua lại sẽ trở thành công ty con của họ.


2. Các hình thức thực hiện M&A

Tùy từng trường hợp mà có các hình thức M&A khác nhau. Có thể dựa trên một số căn cứ sau để phân loại hình thức M&A:

2.1. Căn cứ vào chức năng của các công ty thành viên

Hoạt động M&A có thể được phân loại theo ba hình thức: M&A theo chiều ngang, M&A theo chiều dọc, M&A kết hợp.

Thứ nhất: M&A theo chiều ngang

Đây là hình thức mua bán, sáp nhập giữa các doanh nghiệp cung cấp các dòng sản phẩm và dịch vụ giống hoặc tương tự cho người tiêu dùng. Các công ty này thường có nhiều đối thủ cạnh tranh trực tiếp.

Ví dụ: Như một công ty mỹ phẩm họ sáp nhập với một công ty khách trong ngành sản xuất mỹ phẩm như vậy sẽ được gọi là sáp nhập theo chiều ngang. Việc sáp nhập này mang lại lợi ích như loại bỏ đối thủ cạnh tranh, giúp công ty tăng thị phần, doanh thu lợi nhuận của mình lên. Hơn nữa, việc này giúp các doanh nghiệp giảm chi phí cố định, mở rộng thị trường, loại bỏ cạnh tranh.

Thứ hai: M&A theo chiều dọc

Thực hiện với mục đích kết nối hai công ty có cùng chuỗi giá trị sản xuất cùng một dịch vụ,nhưng có sự khác biệt ở đây là giai đoạn sản xuất mà họ đang hoạt động.

Ví dụ, nếu một cửa hàng quần áo sáp nhập một nhà máy dệt, điều này được gọi là sáp nhập theo chiều dọc, vì ngành này giống nhau, tức là quần áo, nhưng giai đoạn sản xuất khác nhau. Loại sáp nhập này thường được thực hiện để đảm bảo cung cấp các mặt hàng thiết yếu và tránh sự gián đoạn trong nguồn cung cấp.

Nó cũng được thực hiện để hạn chế cung cấp cho các đối thủ cạnh tranh, do đó giúp nâng cao doanh thu và lợi nhuận, giảm chi phí trung gian

Thứ ba: M&A kết hợp

Đó chính là hình thức mua bán sáp nhập để hình thành nên các tập đoàn lớn. Việc sáp nhập này diễn ra ở các công ty phục vụ có cùng một phân khúc khách hàng trong ngành cụ thể tuy nhiên họ không cung cấp sản phẩm dịch vụ giống nhau. Sản phẩm của họ có thể đi cùng nhau, bổ sung cho nhau nhưng về mặt kỹ thuật không phải là sản phẩm giống nhau.

Ví dụ, nếu một công ty sản xuất chăn – ga – gối – đệm sáp nhập với một công ty sản xuất giường, điều này sẽ được gọi là sáp nhập tập đoàn, vì đây là những sản phẩm bổ sung, thường được mua cùng nhau. Chúng thường được thực hiện để tạo thuận lợi cho người tiêu dùng, vì sẽ dễ dàng hơn khi bán những sản phẩm này lại với nhau.

Hình thức kết hợp này sẽ giúp công ty đa dạng hóa, do đó lợi nhuận tăng cao hơn, việc bán những sản phẩm này cũng sẽ khuyến khích việc bán sản phẩm khác.

Điều này sẽ cho phép doanh nghiệp cung cấp một điểm mua sắm, tiện lợi cho người tiêu dùng. Loại sáp nhập này tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia vào các lĩnh vực khác của ngành, giảm rủi ro và cung cấp quyền truy cập vào các tài nguyên và thị trường không có sẵn trước đó.

2.2. Căn cứ vào chủ thể tham gia thương vụ M&A

Hoạt động M&A có thể được phân chia thành 2 loại: M&A trong nước và M&A quốc tế.

  • Mua bán và sáp nhập trong nước là hình thức mua bán và sáp nhập diễn ra tại một quốc gia và được thực hiện giữa các doanh nghiệp trong cùng lãnh thổ một quốc gia, không có sự kết hợp giữa các tài sản xuyên biên giới;
  • Mua bán và sáp nhập xuyên biên giới là hình thức mua bán và sáp nhập được thực hiện giữa các doanh nghiệp thuộc hai quốc gia khác nhau. Ngoài ra, đây còn có thể coi là một trong những hình thức đầu tư trực tiếp và phổ biến trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế gần đây, làn sóng toàn cầu hóa đã dần xóa bỏ biên giới kinh doanh của các công ty đa quốc gia khiến cho xu hướng M&A xuyên biên giới ngày càng trở thành xu hướng tất yếu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu.

2.3. Căn cứ vào mục đích của thương vụ

Hoạt động M&A có thể phân chia sáp nhập 5 hình thức: sáp nhập ngang, sáp nhập dọc, sáp nhập mở rộng thị trường, sáp nhập mở rộng sản phẩm, sáp nhập kiểu tập đoàn.

  • Sáp nhập ngang là hoạt động diễn ra đối với hai doanh nghiệp cùng cạnh tranh trực tiếp và chia sẻ cùng dòng sản phẩm và thị trường;
  • Sáp nhập dọc: là hoạt động sáp nhập diễn ra đối với các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng;
  • Sáp nhập mở rộng thị trường là hoạt động sáp nhập diễn ra đối với hai doanh nghiệp bán cùng loại sản phẩm nhưng ở những thị trường khác nhau;
  • Sáp nhập mở rộng sản phẩm là hoạt động sáp nhập diễn ra đối với hai doanh nghiệp bán những sản phẩm khác nhau nhưng có liên quan tới nhau trong cùng một thị trường;
  • Sáp nhập kiểu tập đoàn là hình thức sáp nhập trong đó trường hợp hai doanh nghiệp không có cùng lĩnh vực kinh doanh nhưng muốn đa dạng hóa hoạt động lĩnh vực kinh doanh đa ngành nghề.

2.4. Căn cứ cách thức cơ cấu tài chính

Căn cứ cách thức cơ cấu tài chính: hình thức này có những tác động nhất định tới doanh nghiệp và nhà đầu tư như: sáp nhập mua, sáp nhập hợp nhất.

  • Sáp nhập mua doanh nghiệp là hình thức mua bán và sáp nhập xảy ra khi một công ty mua lại một doanh nghiệp khác. Việc mua doanh nghiệp được tiến hành bằng tiền mặt hoặc thông qua một số công cụ tài chính;
  • Sáp nhập hợp nhất là hình thức mua bán và sáp nhập mà tại đó một thương hiệu doanh nghiệp mới được hình thành và cả hai doanh nghiệp được hợp nhất dưới một pháp nhân mới. Tài chính của hai doanh nghiệp sẽ được hợp nhất trong doanh nghiệp mới.

2.5. Căn cứ trên góc độ tài chính doanh nghiệp

Căn cứ trên góc độ tài chính doanh nghiệp hoạt động M&A có thể phân chia thành 3 loại cơ bản: sáp nhập hay hợp nhất công ty, thâu tóm cổ phiếu để thâu tóm công ty, thâu tóm tài sản dẫn đến thâu tóm công ty:

Sáp nhập và hợp nhất

Là hình thức mua bán và sáp nhập mà nhập chung công ty này vào một công ty khác, theo đó công ty bị sáp nhập (acquired firm) sẽ ngừng tồn tại như là thực thế riêng biệt, nhập chung tài sản và nợ của nó vào công ty sáp nhập (acquiring firm), trong khi công ty sáp nhập vẫn giữ lại tên và sự tồn tại của nó.

Tài sản, nợ phải trả được nhập vào công ty sáp nhập nên phát sinh nhiều vấn đề về tài chính. Hợp nhất (consolidation) khác ở chỗ kết quả là một công ty hoàn toàn mới được tạo ra sau khi hợp nhất, cả 2 công ty trước đó sẽ trở thành một phần của công ty mới, đều không còn tồn tại như một thực thể độc lập.

Thâu tóm cổ phiếu

Bao gồm chào giá riêng (giữa ban quản lý 2 công ty) hay chào giá công khai. Hoạt động có một số đặc điểm như không cần họp đại hội cổ đông, bỏ phiếu, công ty đặt giá có thể thương lượng trực tiếp với cổ đông, không cần hỏi ý kiến ban quản lý, hội đồng quản trị, ít thân thiện, dễ gặp sự kháng cự, và kết quả đa dạng khi có thể công ty mục tiêu sẽ không bị thâu tóm toàn bộ, hoặc kết thúc bằng sáp nhập.

Thâu tóm tài sản

Đây là hình thức công ty sáp nhập, mua lại có thể tự mình hoặc cùng với công ty mục tiêu tiến hành định giá tài sản của công ty đó (thông thường họ sẽ thuê một công ty định giá tài sản độc lập). Sau đó các bên sẽ tiến hành thương lượng để đưa ra một mức giá phù hợp (có thể cao hoặc thấp hơn). Phương thức thanh toán có thể bằng tiền mặt và nợ.

2.6. Căn cứ trên tính chất của thương vụ M&A

Căn cứ trên tính chất của thương vụ gồm 2 loại: M&A thân thiện, M&A thù nghịch

  • M&A thân thiện là hình thức mà ban quản trị công ty mục tiêu hay công ty bị mua lại đồng thuận và ủng hộ trong giao dịch mua lại đó. Các thương vụ M&A này thường xuất phát từ lợi ích chung của cả hai bên;
  • M&A thù nghịch – M&A bất hợp tác là hình thức mà ban quản trị của công ty mục tiêu không đồng ý và sử dụng các biện pháp nhằm chống lại sự thâu tóm, mua lại từ phía công ty đi mua. Đây là những thương vụ không có sự ủng hộ của bạn quản lý của công ty mục tiêu, bởi đôi khi, việc thâu tóm có thể gây nên những tổn thất cho công ty mục tiêu.

2.7. Căn cứ vào phạm vi, lãnh thổ

Căn cứ vào phạm vi, lãnh thổ thì M&A có thể phân chia thành 3 loại: Inbound M&A, Outbound M&A, Domestic M&A.

  • Inbound M&A đây là hình thức mua bán và sáp nhập trong đó các tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài tham gia đầu tư vào thị trường một quốc gia thông qua việc đầu tư vào hoặc thâu tóm doanh nghiệp nội địa của quốc gia đó;
  • Outbound M&A đây là hình thức mua bán và sáp nhập trong đó tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức nội địa thực hiện đầu tư ra nước ngoài thông qua việc thâu tóm doanh nghiệp nước ngoài tại nước đến đầu tư;
  • Domestic M&A các thương vụ M&A diễn ra giữa các doanh nghiệp trong một quốc gia bao gồm cả công ty nội địa, công ty nước ngoài thành lập và hoạt động tại quốc gia đó.

3. Lợi ích của M&A

Ngoài lợi ích lớn nhất có thể thấy rõ mà chiến lược M&A mang lại cho doanh nghiệp là mở rộng quy mô, nâng cao năng suất và tạo thuận lợi trong phát triển kế hoạch vận hành của doanh nghiệp thì chiến lược M&A còn giúp các doanh nghiệp:

3.1. Mở rộng quy mô doanh nghiệp

Để xây dựng một hệ thống kinh doanh phát triển là một hành trình rất khó khăn đối với doanh nghiệp. Đặc biệt là với những công ty nhỏ, phạm vi hoạt động hẹp, khó có thể tạo ra các cơ hội tăng trưởng mới.

Vì thế M&A sẽ là một cơ hội tuyệt vời, giúp các doanh nghiệp tận dụng được lợi thế của nhau để mở rộng chi nhánh, có thêm các phòng giao dịch, dự án và tiếp cận được khách hàng tốt hơn.

Bên cạnh đó, M&A còn tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Với các nguồn lực sẵn có đã được xây dựng từ trước, các đơn vị tham gia M&A hoàn toàn có thể tiếp tục phát triển mà không cần thực hiện nhiều bước như khi xây dựng một doanh nghiệp mới.

3.2. Giảm đa số các chi phí

Chi phí mặt bằng, chi phí nhân lực đều sẽ được giảm thiểu một cách tối đa. Với hình thức M&A, các công ty sẽ tạo ra sự thống nhất trong mọi khâu. Đây cũng là cơ hội để đơn vị thực hiện việc sàng lọc vị trí làm việc kém hiệu quả, thay đổi lại bộ máy hoạt động, tiếp nhận thêm các công nghệ mới, nhằm đưa doanh nghiệp có nhiều bước tiến rõ ràng hơn.

Việc giảm chi phí này sẽ rất có lợi cho những công ty vừa và nhỏ, thiếu nguồn vốn để duy trì. Một số đơn vị gặp tình trạng khó khăn, có nguy cơ phá sản thì tìm tới hình thức M&A là cần thiết.

3.3. Gia tăng sự cạnh tranh đối với thị trường

Các đơn vị nằm trong hoạt động M&A sẽ đồng thời tạo ra những khối liên minh vững chắc. Họ thường thống nhất lựa chọn một lĩnh vực để hoạt động, tập trung toàn bộ nguồn lực để đưa công ty lớn mạnh, đủ sức để cạnh tranh với thị trường.

Có rất nhiều doanh nghiệp khi thực hiện M&A, đã hoàn toàn thay đổi, phát triển vững chắc và đạt được nhiều thành công lớn. Có thể kể tới một số thương vụ như: Haneul Hà Nội với khách sạn Daewoo, Sovico với Furama Đà Nẵng, Mường Thanh và Phương Đông,…

3.4. Tận dụng các lợi thế và cơ hội của nhau

M&A là một phương thức đầu tư thông minh tuyệt vời để sản sinh ra lợi nhuận. Bởi hai phía doanh nghiệp đều đang sở hữu rất nhiều yếu tố phục vụ mục đích kinh doanh.

Ví dụ như bên A có công thức, thương hiệu, bên B sở hữu máy móc công nghệ hiện đại. Khi họ biết tận dụng lợi thế và các cơ hội sẵn có này, sản phẩm sẽ dễ dàng tiếp cận khách hàng hơn. Dù giữ nguyên thương hiệu nhưng chất lượng mặt hàng đã được nâng cao gấp nhiều lần.


4. Rủi ro thường gặp hậu M&A

Trên thực tế, tranh chấp hậu M&A thường phức tạp. Các loại tranh chấp có thể bao gồm:

  • Tranh chấp giữa cổ đông/thành viên góp vốn mới và các cổ đông/ thành viên sáng lập hoặc giữa bên bán và bên mua về vấn đề điều hành công ty mục tiêu hậu M&A;
  • Tranh chấp về lao động khi chủ sở hữu mới tái cơ cấu lực lượng lao động, hoặc chấm dứt hợp đồng lao động với những người lao động chủ chốt trong bộ máy lao động cũ;
  • Tranh chấp về kinh doanh, thương mại, hợp đồng, sở hữu trí tuệ… với các đối tác có quan hệ hợp tác, đã từng hợp tác với công ty mục tiêu. Mặc dù vấn đề pháp lý trong M&A dù đã thẩm định kỹ, nhưng cũng không lường hết được 100% khía cạnh trong một thương vụ M&A;
  • Tranh chấp về vấn đề giả mạo giấy tờ pháp lý khi bên bán cố tình đưa ra những tài liệu này để thuyết phục bên mua thực hiện giao dịch M&A.

5. Biện pháp để hạn chế các rủi ro hậu M&A

Thứ nhất, đối với tranh chấp giữa bên bán và bên mua, các bên nên quy định rõ các mong muốn và cách thức để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp nếu không đạt được mong muốn trong hợp đồng mua bán cổ phần/ phần vốn góp, thỏa thuận cổ đông, thành viên…

Những hợp đồng, thỏa thuận này nếu được xây dựng chặt chẽ, hợp lý, đầy đủ sẽ rất hữu ích khi có vấn đề bất đồng phát sinh hoặc giúp các bên giải thích các vấn đề đó.

Thứ hai, đối với các tranh chấp lao động với người lao động hoặc tập thể người lao động, bên mua hoặc ban lãnh đạo mới của công ty nên xử lý theo hướng đúng quy định pháp luật nhưng có xem xét lợi ích của người lao động đã gắn bó với công ty mục tiêu. Công ty nên có lộ trình đào tạo lại, chuyển đổi công việc trước khi tính đến phương án cắt giảm người lao động.

Thứ ba, đối với các tranh chấp với các đối tác, các bên hoặc công ty mục tiêu nên rà soát các hợp đồng đã ký kết với các đối tác, tìm hiểu những rủi ro pháp lý có thể phát sinh. Khi kết thúc M&A, công ty nên có thông báo gửi đến tất cả những đối tác để có thể rà soát những vấn đề tồn đọng và lên phương án xử lý.

Cuối cùng, đối với vấn đề giả mạo giấy tờ pháp lý, ngoài việc quy định vấn đề này trong hợp đồng giao dịch M&A, các bên kiểm tra kỹ lưỡng các tài liệu này với cơ quan ban hành trước khi đặt bút ký hợp đồng giao dịch M&A.

Những điều bạn có thể chưa biết về M&A
Những điều bạn có thể chưa biết về M&A

6. Hồ sơ thực hiện hoạt động M&A

Hồ sơ thực hiện hoạt động M&A cần chuẩn bị các giấy tờ sau:

  • Hồ sơ đăng ký kinh doanh;
  • Hợp đồng sáp nhập, mua lại doanh nghiệp theo quy định tại Điều 201 Luật Doanh nghiệp năm 2020;
  • Biên bản họp về việc sáp nhập, mua lại Công ty của Hội đồng thành viên công ty (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên); Đại hội đồng cổ đông công ty (đối với công ty cổ phần),
  • Bản sao hợp lệ (bản sao có công chứng) giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty nhận sáp nhập và  công ty bị sáp nhập.

7. Thủ tục thực hiện M&A

Quy trình mua bán, sáp nhập doanh nghiệp được thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Xây dựng chiến lược M&A

Đầu tiên trong quy trình M&A người giám đốc, quản lý cần xây dựng phát triển chiến lược M&A rõ ràng và mục đích mà họ muốn đạt được về việc mua lại, các phương thức để đạt được mục tiêu đó.

Bước 2: Xác định tiêu chí tìm kiếm M&A

Cần xác định các tiêu chí chính để xác định các công ty mục tiêu tiềm năng ví dụ như lợi nhuận.

Bước 3: Đánh giá các mục tiêu tiềm năng

Cần đặt ra các tiêu chí tìm kiếm được xác định sau đó đánh giá các công ty có tiềm năng từ các danh sách đã lập sẵn.

Bước 4: Bắt đầu lập kế hoạch mua lại

Tại bước này công ty sẽ có người đại diện liên hệ với một hoặc nhiều công ty đáp ứng được những tiêu chí như cung cấp giá trị tốt…Mục đích của các cuộc hội thoại này để có thêm thông tin và xem xét mức độ phù hợp của việc sáp nhập hoặc mua lại công ty.

Bước 5: Thực hiện phân tích định giá

Giả sử các liên lạc và cuộc hội thoại ban đầu diễn ra tốt đẹp, người thâu tóm yêu cầu công ty mục tiêu cung cấp thông tin đáng kể (tài chính hiện tại, v.v.) để cho người thâu tóm đánh giá thêm mục tiêu, cả về doanh nghiệp và mục tiêu mua lại phù hợp

Bước 6: Đàm phán

Khi đã sản xuất một số mô hình định giá của công ty mục tiêu, người thâu tóm phải có đủ thông tin để cho phép nó xây dựng một đề nghị hợp lý; Khi đề xuất ban đầu đã được trình bày, hai công ty có thể thương lượng các điều khoản chi tiết hơn

Bước 7: Thẩm định

Sự thẩm định nhằm mục đích xác nhận hoặc điều chỉnh giá trị của công ty mục tiêu bằng cách tiến hành kiểm tra và phân tích chi tiết mọi khía cạnh của hoạt động của công ty mục tiêu, các chỉ số tài chính, tài sản và nợ, khách hàng, nguồn nhân lực,…

Bước 8: Hợp đồng mua bán

Khi không có vấn đề lớn phát sinh, bước tiếp theo là thực hiện hợp đồng mua bán cuối cùng; các bên sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về loại thỏa thuận mua hàng, cho dù đó là mua tài sản hay mua cổ phần.

Bước 9: Tài chính

Khi thỏa thuận ký kết, các nhà đầu tư thường nhận được một cổ phiếu mới trong danh mục đầu tư của họ – cổ phiếu mở rộng của công ty mua lại. Đôi khi các nhà đầu tư sẽ nhận được cổ phiếu mới xác định một thực thể doanh nghiệp mới được tạo ra bởi thỏa thuận M&A. Trong một vụ sáp nhập mà một công ty mua một công ty khác, công ty mua lại sẽ thanh toán cho cổ phiếu của công ty mục tiêu bằng tiền mặt, cổ phiếu hoặc cả hai.

Bước 10: Kết thúc giao dịch

Kết thúc giao dịch, các nhóm quản lý của mục tiêu và người thâu tóm làm việc cùng nhau trong quá trình sáp nhập hai công ty. Người mua và Người bán thường có một số điều chỉnh tài chính sau khi kết thúc và Người mua phải tích hợp công ty được mua lại vào công ty mẹ hoặc đảm bảo rằng họ có thể tiếp tục hoạt động như một doanh nghiệp độc lập.


8. Những điều bị cấm khi thực hiện M&A

Theo khoản 1 Điều 29 Luật cạnh tranh năm 2018 thì thì sáp nhập doanh nghiệp và mua lại doanh nghiệp là hai hình thức tập trung kinh tế.

Do vậy, căn cứ theo Điều 30 Luật cạnh tranh năm 2018 thì tập tranh kinh tế sẽ bị cấm trong trường hợp sau: Doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam.

Như vậy, khi thực hiện hoạt động M&A nếu các doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh tế mà gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam thì sẽ bị cấm việc sáp nhập và mua lại.


9. Một số thương vụ M&A tiêu biểu

9.1. Tập đoàn Sumitomo Mitsui (SMBC) mua 49% vốn FE Credit

Ngày 28/10, Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã có thông báo chính thức về việc hoàn tất chuyển nhượng 49% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính Trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBC CF), đơn vị thành viên của tập đoàn tài chính hàng đầu Nhật Bản – Sumitomo Mitsui Group.

Trước đó, hồi tháng 4, VPBank và SMBC CF đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng vốn. Như vậy hai bên cần tới 6 tháng để hoàn thành các bước và thủ tục cần thiết cho thương vụ tiêu biểu nhất năm 2021.

Với sự góp mặt của cổ đông Nhật Bản, Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng sẽ đổi tên thành Công ty Tài chính TNHH VPBank SMBC. Trong đó, VPBank tiếp tục nắm giữ 50% vốn điều lệ tại FE Credit và 1% vốn điều lệ còn lại thuộc về một nhà đầu tư khác.

VPBank kỳ vọng việc giảm bớt gần một nửa cổ phần tại FE Credit sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng củng cố năng lực tài chính và mở rộng hơn nữa các hoạt động kinh doanh ở những phân khúc tiềm năng khác.

Trong khi đó, ngoài khoản đầu tư được “đồn đoán” là hơn 1,4 tỷ USD để mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh trong khu vực, SMBCCF cũng đem đến cho FE Credit nhiều động lực phát triển khác, đơn cử bằng cách chia sẻ những bí quyết và kinh nghiệm kinh doanh đã tích lũy được tại thị trường Nhật Bản và các quốc gia châu Á khác.

Được biết, Sumitomo Mitsui Group là một trong ba tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất tại Nhật Bản, có tổng tài sản trên 2.100 tỷ USD tại thời điểm cuối năm 2020. Tập đoàn hoạt động trong các lĩnh vực ngân hàng bán lẻ, ngân hàng doanh nghiệp và ngân hàng đầu tư trên toàn cầu và hiện diện tại trên 40 quốc gia.

Sau khi thương vụ M&A này kết thúc, VPBank cho biết đã đóng góp khoảng 4.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.

9.2. Thaco mua lại toàn bộ chuỗi siêu thị Emart tại Việt Nam

Ngày 9/10, Tập đoàn Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương cho biết Tập đoàn Emart (Hàn Quốc) và Thaco đã hoàn tất việc chuyển nhượng hoạt động kinh doanh siêu thị Emart tại Việt Nam.

Trước đó, ngày 25/5, hai bên đã ký kết thỏa thuận để chuyển nhượng 100% vốn và nhượng quyền độc quyền để Thaco tiếp quản hoạt động kinh doanh Emart tại thị trường Việt Nam.

Đến ngày 27/9, các bên đã hoàn tất giao dịch và Thaco chính thức trở thành chủ sở hữu mới của Emart Việt Nam. Theo tờ Korea Times của Hàn Quốc, việc Tập đoàn Emart bán toàn bộ mảng kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam cho Thaco là do doanh nghiệp đã thất bại trong việc mở rộng kinh doanh ra thị trường Đông Nam Á cho dù đã nỗ lực rất nhiều.

Sau khi thương vụ hoàn tất, siêu thị mang thương hiệu Emart vẫn sẽ tiếp tục ở lại Việt Nam theo mô hình nhượng quyền và Tập đoàn Emart sẽ thu phí nhượng quyền từ Thaco. Với thỏa thuận này, Emart kỳ vọng Thaco sẽ có thể mở rộng quy mô chuỗi Emart lên 10 siêu thị tại Đông Nam Á trong 4 năm tới.

Trong khuôn khổ hợp tác, Thaco sẽ chịu trách nhiệm điều hành, quản trị và mở rộng hệ thống siêu thị Emart tại Việt Nam. Còn Emart Hàn Quốc sẽ cử đội ngũ quản lý cấp cao và duy trì cung ứng hàng hóa nhãn hiệu riêng từ Hàn Quốc với giá cả cạnh tranh.

Tại đại hội đồng cổ đông năm 2021, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương cho biết đại siêu thị Emart mà Thaco hướng đến sẽ tích hợp showroom, đi kèm với đó là khu ẩm thực, trung tâm hội nghị, tiệc cưới,… Dự kiến doanh thu năm 2021 của hệ thống siêu thị Emart đạt hơn 1.800 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm 2020.


10. Cơ sở pháp lý

  • Luật doanh nghiệp năm 2020;
  • Luật cạnh tranh năm 2018.

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về vấn đề M&A theo quy định pháp luật hiện hành. Qua bài viết này, chúng tôi mong rằng sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Để được tư vấn đầy đủ và chính xác nhất, mời quý khách hàng liên hệ qua Tổng đài tư vấn M&A trực tuyến của HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để nhận tư vấn thêm về vấn đề mà quý khách hàng đang gặp phải.

Trân trọng./.

1/5 - (1 bình chọn)

TÁC GIẢ BÀI VIẾT

Nguyễn Quang Huy
Nguyễn Quang Huy
Cố vấn cao cấp, giảng viên khoa pháp luật kinh tế – trường Đại học Luật Hà Nội. Tốt nghiệp Thạc sĩ Luật Đại học Duke (Hoa Kỳ), có nhiều kinh nghiệm làm việc tại các công ty luật lớn trên thế giới.
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HOTLINE 1900.6588

Scroll to Top