Thủ tục mua bán doanh nghiệp

Toàn bộ những điều cần biết về mua bán doanh nghiệp

Pháp luật hiện hành quy định việc mua bán doanh nghiệp diễn ra theo thủ tục như thế nào? Để có thể mua bán doanh nghiệp cần đáp ứng những điều kiện gì? Hãy theo dõi bài viết dưới đây của Luật Quang Huy, chúng tôi sẽ giải đáp giúp bạn.

1. Mua bán doanh nghiệp là gì?

Mua bán doanh nghiệp là hình thức tổ chức lại doanh nghiệp thông qua việc mua lại quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp. Trong đó các doanh nghiệp lớn giành quyền kiểm soát hoạt động doanh nghiệp nhỏ theo nhiều hình thức khác nhau, các doanh nghiệp này sẽ có quyền sở hữu hợp pháp đối với doanh nghiệp mình mới mua lại theo tỷ lệ đã thỏa thuận.

Luật doanh nghiệp 2020 quy định việc mua bán toàn bộ doanh nghiệp chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp tư nhân. Đối với loại hình công ty thì việc mua bán được thực hiện thông qua hình thức chuyển nhượng vốn góp (công ty trách nhiệm hữu hạn) hoặc chuyển nhượng cổ phần phần (công ty cổ phần).

Ngoài ra, có thể hiểu định nghĩa mua bán doanh nghiệp theo Luật cạnh tranh 2018, cụ thể như sau:

  • Chủ thể mua bán doanh nghiệp: Doanh nghiệp (bao gồm công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn và doanh nghiệp tư nhân);
  • Hình thức mua bán doanh nghiệp: Mua lại 1 phần hoặc toàn bộ tài sản của doanh nghiệp;
  • Hệ quả pháp lý: Bên mua thâu tóm, kiểm soát và thống lĩnh 1 phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp bị mua lại.

2. Các hình thức mua bán doanh nghiệp

2.1. Thứ nhất, mua bán doanh nghiệp theo chiều dọc

Hai doanh nghiệp có cùng một loại dịch vụ, có cùng chuỗi giá trị sản xuất thì thường sẽ có xu hướng xúc tiến theo hình thức mua bán doanh nghiệp này.

Hai doanh nghiệp cùng kinh doanh một loại mặt hàng nhưng chỉ khác nhau về giai đoạn sản xuất. Hình thức này nhằm đảm bảo nguồn cung cấp nguồn hàng thiết yếu, tránh sự gián đoạn trong nguồn cung cấp.

Đồng thời, nó cũng nhằm mục đích là giảm nguồn cung cấp của đối thủ cạnh tranh giúp cho doanh nghiệp tăng doanh thu, giảm thiểu các chi phí không cần thiết.

2.2. Thứ hai, mua bán doanh nghiệp theo chiều ngang

Hai doanh nghiệp có cùng dòng sản phẩm với nhau, có cùng dịch vụ với nhau. Đây là những doanh nghiệp cùng ngành, có cùng giai đoạn sản xuất và các doanh nghiệp này thường là các đối thủ trực tiếp của nhau trên thị trường.

Việc mua bán này nhằm mục đích giúp doanh nghiệp gia tăng thị phần trên thị trường, gia tăng lợi nhuận và loại bỏ các đối thủ cạnh tranh trên thị trường.

2.3. Thứ ba, mua bán doanh nghiệp kết hợp

Hình thức mua bán này thường diễn ra giữa các công ty mà họ cùng cung cấp cho cùng một đối tượng trong một ngành hàng cụ thể. Tuy nhiên, các sản phẩm mà các công ty này cung cấp là không giống nhau, nó thường là các sản phẩm mà sau khi sáp nhập sẽ bổ sung cho nhau.

Hình thức mua bán này giúp cho công ty đa dạng hóa sản phẩm của mình, giúp gia tăng thị phần và lợi nhuận vì khi bán một sản phẩm dịch vụ này thì sẽ dễ dàng bán thêm sản phẩm, dịch vụ khác. Nó cũng mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.


3. Điều kiện tiến hành mua bán doanh nghiệp

Khi tiến hành mua bán doanh nghiệp cần lưu ý các điều kiện sau:

Về điều kiện tiếp cận thị trường:

  • Đối với các thương vụ mua bán doanh nghiệp xuyên biên giới với một bên chủ thể là pháp nhân nước ngoài thì pháp luật Việt Nam đặt ra các tiêu chí nhất định để xác định nhà đầu tư nước ngoài. Tùy thuộc vào các ngành nghề khác nhau thì pháp luật nước ta có những hạn chế nhất định về vốn, giá trị cổ phần được phép bán, chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài….
  • Những quy định này được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật chuyên ngành và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Các nhà đầu tư nước ngoài, trước khi tiến hành việc mua bán doanh nghiệp tại Việt Nam phải tiến hành xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Về điều kiện cạnh tranh:

  • Mua bán doanh nghiệp là hành vi mang tính tập trung kinh tế. Để tránh trường hợp một doanh nghiệp lớn thâu tóm hết các doanh nghiệp trong cùng một thị trường, tránh trường hợp doanh nghiệp lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, chi phối thị trường để trục lợi, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Vì vậy, pháp luật Việt Nam quy định việc tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam;
  • Doanh nghiệp trước khi tiến hành mua bán doanh nghiệp phải gửi hồ sơ tập trung kinh tế lên ủy ban cạnh tranh Quốc gia để đánh giá sơ bộ.

4. Hồ sơ thực hiện mua bán doanh nghiệp

4.1. Hồ sơ thực hiện mua doanh nghiệp

Hồ sơ gồm mua doanh nghiệp gồm có các giấy tờ sau:

  • Bản sao hợp lệ giấy tờ chứng thực cá nhân bên mua trong quá trình mua bán như chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu…;
  • Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh theo mẫu;
  • Bản sao chứng chỉ hành nghề theo quy định đối với các ngành nghề yêu cầu chứng chỉ hành nghề;
  • Văn bản xác nhận vốn pháp định của doanh nghiệp khi tiến hành kinh doanh những ngành nghề yêu cầu vốn pháp định.

4.2. Hồ sơ thực hiện bán doanh nghiệp

Hồ sơ bán doanh nghiệp bao gồm:

  • Bản sao hợp lệ giấy tờ chứng thực cá nhân của bên bán trong quá trình mua bán như chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu…
  • Thông báo về việc thay đổi người đứng đầu doanh nghiệp và phải có chữ ký của cả người mua và người bán;
  • Hợp đồng mua bán doanh nghiệp và các giấy tờ chứng minh việc chuyển nhượng.
Toàn bộ những điều cần biết về mua bán doanh nghiệp
Toàn bộ những điều cần biết về mua bán doanh nghiệp

5. Thủ tục thực hiện mua bán doanh nghiệp

5.1. Thủ tục mua bán doanh nghiệp tư nhân

Theo các quy định pháp luật Việt Nam, chỉ có doanh nghiệp tư nhân mới được phép bán toàn bộ. Bởi doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp chỉ do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

Do đó theo quy định của Luật doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền bán toàn bộ doanh nghiệp của mình cho người khác.

Dưới đây là thủ tục mua bán doanh nghiệp tư nhân.

Bước 1, chuẩn bị hồ sơ

Chuẩn bị các giấy tờ sau:

  • Thông báo thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân có chữ ký của người bán và người mua;
  • Bản sao hợp lệ một trong những giấy tờ chứng thực cá nhân của người mua;
  • Hợp đồng mua bán doanh nghiệp và các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng doanh nghiệp tư nhân;
  • Bản sao hợp lệ giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc giấy tờ chứng thực cá nhân khác của chủ doanh nghiệp tư nhân;
  • Văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có vốn pháp định;
  • Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của một hoặc một số cá nhân theo quy định đối với doanh nghiệp tư nhân kinh doanh các ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề.

Bước 2, thực hiện mua bán doanh nghiệp với người mua

Trong bước này thực hiện các công việc sau:

  • Tiến hành soạn thảo hợp đồng mua bán doanh nghiệp;
  • Xác lập người mua doanh nghiệp phải là người có quyền thành lập, góp vốn thành lập, mua cổ phần và quản lý doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và không thuộc trường hợp không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam;
  • Các tài liệu chứng minh việc mua bán doanh nghiệp tư nhân đã hoàn thành (giấy biên nhận tiền mua bán doanh nghiệp, Biên bản thanh lý hợp đồng mua bán doanh nghiệp tư nhân và thực hiện việc đăng ký doanh nghiệp cho người mua).

Bước 3, đăng ký sang tên doanh nghiệp cho người mua

Trong vòng 15 ngày kể từ ngày chuyển giao doanh nghiệp cho người mua, chủ doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh

Nội dung thông báo thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân:

  • Tên, trụ sở của doanh nghiệp;
  • Tên, địa chỉ của người mua;
  • Tổng số nợ chưa thanh toán của doanh nghiệp;
  • Tên, địa chỉ, số nợ và thời hạn thanh toán cho từng chủ nợ;
  • Hợp đồng lao động và các hợp đồng khác đã ký mà chưa thực hiện xong và cách thức giải quyết các hợp đồng đó.

5.2. Thủ tục mua bán công ty cổ phần

Bước 1, chuẩn bị hồ sơ

Thành phần hồ sơ đối chiếu với từng trường hợp mua bán doanh nghiệp chúng tôi đề cập ở mục trên.

Bước 2, tổ chức cuộc họp đại hội đồng cổ đông để ra quyết định về việc chuyển nhượng cổ phần.

Bước 3, ký kết và thực hiện hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.

Bước 3, lập biên bản thanh lý hợp đồng chuyển nhượng.

Bước 4, chỉnh sửa, bổ sung thông tin của cổ đông trong sổ đăng ký cổ đông của công ty.

5.3. Thủ tục mua bán công ty trách nhiệm hữu hạn

Thứ nhất, về nguyên tắc chuyển nhượng vốn góp:

Công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên:

  • Phải chào bán cho các thành viên khác của công ty trong cùng điều kiện và theo tỷ lệ phần vốn góp;
  • Nếu kể từ ngày chào bán 30 ngày mà không có ai mua hoặc không mua hết thì thành viên có thể chuyển nhượng cho cá nhân, tổ chức không phải là thành viên.

Công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên: Việc chuyển nhượng vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên đơn giản hơn so với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên thành viên trở lên do chỉ có một chủ sở hữu duy nhất. Tuy nhiên cần lưu ý:

  • Việc chuyển nhượng vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên phải thực hiện thủ tục chuyển đổi sang loại hình công ty chuyển đổi có thể là công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần.;
  • Trường hợp công ty chuyển nhượng toàn bộ vốn góp cho tổ chức các nhân khác thì phải thực hiện thủ tục thay đổi chủ sở hữu.

Thứ hai, về trình tự thực hiện việc mua bán công ty trách nhiệm hữu hạn:

Công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên:

  • Bước 1, làm thủ tục chuyển nhượng;
  • Bước 2, làm thủ tục thay đổi chủ sở hữu (nếu chuyển nhượng toàn phần), làm thủ tục chuyển đổi loại hình công ty( nếu chuyển nhượng một phần).

Công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên:

  • Bước 1, thông báo thay đổi số lượng thành viên góp vốn;
  • Bước 2, thực hiện thủ tục chuyển đổi loại hình công ty.

6. Cơ sở pháp lý

  • Luật doanh nghiệp năm 2020;
  • Luật cạnh tranh năm 2018.

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về vấn đề mua bán doanh nghiệp theo quy định pháp luật hiện hành. Qua bài viết này, chúng tôi mong rằng sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Để được tư vấn đầy đủ và chính xác nhất, mời quý khách hàng liên hệ qua Tổng đài tư vấn M&A trực tuyến của HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để nhận tư vấn thêm về vấn đề mà quý khách hàng đang gặp phải.

Trân trọng./.

2.3/5 - (3 bình chọn)

TÁC GIẢ BÀI VIẾT

Nguyễn Quang Huy
Nguyễn Quang Huy
Cố vấn cao cấp, giảng viên khoa pháp luật kinh tế – trường Đại học Luật Hà Nội. Tốt nghiệp Thạc sĩ Luật Đại học Duke (Hoa Kỳ), có nhiều kinh nghiệm làm việc tại các công ty luật lớn trên thế giới.
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HOTLINE 1900.6588

Scroll to Top
Mục lục