Nếu bạn có nhu cầu được tư vấn, hỗ trợ về luật hình sự, hãy liên hệ ngay cho luật sư qua hotline 1900.6784. Luật sư can thiệp càng sớm, cơ hội bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp càng cao!
Từ trước đến nay, liên quan đến chế định “Phòng vệ chính đáng” và “Vượt quá phòng vệ chính đáng” vẫn còn nhiều nhầm lẫn trong thực tiễn xét xử bởi lẽ giới hạn giữa chúng là khá mong manh.
Đối diện với các tình huống hiểm nguy, người dân có thể tự phòng vệ, đây cũng là quyền mà pháp luật dành cho họ.
Tuy nhiên, phòng vệ ra sao, mức độ phòng vệ như thế nào là phù hợp? Thế nào là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, và hành vi vượt quá sẽ bị xử lý ra sao?
Bài viết dưới đây của Luật Quang Huy sẽ giúp bạn làm rõ các vấn đề trên.
1. Phòng vệ chính đáng là gì?
Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
2. Thế nào là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng?
Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.
Để xem xét hành vi chống trả có tương xứng hay không, có rõ ràng là quá đáng hay không, thì phải xem xét toàn diện những tình tiết có liên quan đến hành vi xâm hại và hành vi phòng vệ như:
- Khách thể cần bảo vệ (bảo vệ địa điểm thuộc bí mật quốc gia, bảo vệ tính mạng);
- Mức độ thiệt hại do hành vi xâm hại có thể gây ra hoặc đã gây ra và do hành vi phòng vệ gây ra (thiệt hại tính mạng, thiệt hại về sức khỏe);
- Vũ khí, phương tiện, phương pháp mà hai bên đã sử dụng (vũ khí nguy hiểm như súng, dao hay gậy gộc)
- Nhân thân của người xâm hại (nam, nữ; tuổi; người xâm hại là côn đồ, lưu manh…);
- Cường độ của sự tấn công và của sự phòng vệ;
- Hoàn cảnh và nơi xảy ra sự việc (nơi vắng người, nơi đông người, đêm khuya);
- Tâm lý của người phải phòng vệ: Họ có điều kiện để bình tĩnh lựa chọn được chính xác phương pháp, phương tiện chống trả thích hợp hay không, nhất là trong trường hợp họ bị tấn công bất ngờ;
Sau khi đã xem xét một cách đầy đủ, khách quan tất cả các mặt nói trên mà nhận thấy rõ ràng là trong hoàn cảnh sự việc xảy ra, người phòng vệ đã sử dụng những phương tiện, phương pháp rõ ràng quá đáng và gây thiệt hại rõ ràng quá mức (như: gây thương tích nặng, làm chết người) đối với người có hành vi xâm hại thì coi hành vi chống trả là không tương xứng và là vượt quá giới hạn phòng vệ.
Ngược lại, nếu hành vi chống trả là tương xứng thì đó là phòng vệ chính đáng.
Ví dụ về vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng: Ông A đang lái xe máy trên đường thì bị hai tên cướp chặn đường, một tên dùng dao đâm vào ngực ông. Ông A đã chống trả, đạp ngã tên cướp thứ nhất và lấy dao rượt theo đâm trọng thương tên cướp còn lại khi hắn đang bỏ chạy. Trường hợp này, hành vi của ông A rõ ràng vượt quá giới hạn và có thể cấu thành tội cố ý gây thương tích.
3. Thế nào là phòng vệ tưởng tượng?
Phòng vệ tưởng tượng là trường hợp sai lầm về sự việc.
Với tính chất là một trường hợp sai lầm, phòng vệ tưởng tượng theo nghĩa rộng bao gồm những khả năng sau:
- Hoàn toàn không có hành vi xâm phạm nhưng lầm tưởng có hành vi này;
- Có hành vi xâm phạm nhưng nhầm lẫn chủ thể thực hiện hành vi này;
- Có hành vi xâm phạm nhưng sai lầm trong việc đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi này nên đã vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;
- Sai lầm trong việc xác định thời điểm nên đã phòng vệ quá sớm hoặc quá muộn.
Theo nghĩa hẹp là nghĩa được thừa nhận từ trước đến nay thì phòng vệ tưởng tượng chỉ bao gồm khả nàng thứ nhất và khả năng thứ hai nêu trên.
Cũng như phòng vệ “quá sớm” và phòng vệ “quá muộn”, phòng vệ tưởng tượng không phải là phòng vệ chính đáng vì không có cơ sở của quyền phòng vệ. Do vậy, vấn đề trách nhiệm hình sự vẫn sẽ được đặt ra và được giải quyết như trường hợp khác.
4. Bản chất của phòng vệ chính đáng
Mục đích của phòng vệ chính đáng là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đồng thời ngăn chặn hành vi tấn công bằng cách gây thiệt hại cho người có hành vi tấn công.
Chính do mục đích của phòng vệ chính đáng là bảo vệ lợi ích hợp pháp nên mặc dù người có hành vi phòng vệ gây nên thiệt hại khách quan về hình sự nhưng được loại trừ trách nhiệm hình sự.
5. Các tội và tình tiết liên quan đến trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
Người có hành vi phòng vệ trong trường hợp vượt quá giới hạn phải chịu trách nhiệm hình sự do lỗi vượt quá của mình.
Tuy nhiên, trách nhiệm hình sự của họ được giảm nhẹ hơn so với các trường hợp bình thường.
Mức độ trách nhiệm hình sự được giảm nhẹ nhiều hay ít phụ thuộc vào mức độ vượt quá và các tình tiết giảm nhẹ khác.
Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định hai tội phạm cụ thể do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng như sau:
5.1. Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội
Theo quy định tại Điều 126 Bộ luật Hình sự 2015, nếu bạn giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Trường hợp bạn phạm tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
5.2. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội.
Theo quy định tại Điều 136 Bộ luật Hình sự 2015:
Nếu bạn có hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Nếu bạn có hành vi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
- Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
Với trường hợp bạn phạm tội này mà dẫn đến chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
5.3. Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
Ngoài ra, hành vi phạm tội do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng còn là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự:
Điều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý nếu người phạm tội phạm một trong hai tội nêu trên quy định tại Điều 126 và 136 Bộ luật Hình sự thì hành vi này không được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nữa (căn cứ Khoản 3 Điều 51 Bộ luật Hình sự).
6. Căn cứ xác định hành vi gây thiệt hại được coi là phòng vệ chính đáng
Căn cứ vào điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì hành vi gây thiệt hại do phòng vệ chính đáng không phải là hành vi trái pháp luật và do đó người thực hiện không có lỗi. Tuy nhiên, để xác định 1 hành vi gây thiệt hại được coi là phòng vệ chính đáng, cần phải chú ý:
- Có hành vi trái pháp luật xâm phạm tới lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác hoặc xâm phạm tới lợi ích của chính bản thân người phòng vệ chính đáng
- Hành vi trái pháp luật của người khác đang gây thiệt hại hoặc có nguy cơ gây thiệt hại cho đối tượng bị xâm hại. Nếu thiệt hại đã xảy ra mà người bị thiệt hại mới có hành vi chống trả và gây thiệt hại ngược trở lại thì không coi là phòng vệ chính đáng
- Hành vi phòng vệ chính đáng phải gây thiệt hại cho chính người có hành vi xâm hại. Nếu gây thiệt hại cho người không có hành vi xâm hại thì không coi là phòng vệ chính đáng mà coi là gây thiệt hại do yêu cầu của tình thế cấp thiết nếu có đủ điều kiện.
- Hành vi gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng phải là cần thiết và tương xứng với hành vi xâm hại. Nếu không cần thiết hoặc không tương xứng thì người gây thiệt hại vẫn phải bồi thường.
7. Bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
Bên cạnh chế tài hình sự, người vượt quá giới hạn phòng vệ còn phải bồi thường thiệt hại dân sự.
Nguyên tắc bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 594 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:.
- Người gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng không phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
- Người gây thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là một trường hợp đặc biệt của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Thiệt hại này xảy ra có thể nằm ngoài, nhưng cũng có thể nằm trong ý chí của người phòng vệ.
Do đó, nó có thể là thiệt hại vật chất, mà cũng có thể là thiệt hại tinh thần.
- Đối với thiệt hại vật chất đòi hỏi phải tính toán được tương đương với một số tiền xác định.
- Còn đối với thiệt hại tinh thần thì thật khó để có thể tính toán và định lượng được bằng tiền một cách rõ ràng.
Nếu bạn không nắm chắc trường hợp của bạn là phòng vệ chính đáng hay đã vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, bạn nên tìm đến những công ty, văn phòng luật sư uy tín, điển hình là Luật Quang Huy.
Chúng tôi có những Luật tư từng đảm nhiệm vị trí Thẩm phán, cũng có những Luật sư từng biện hộ cho nhiều vụ án, việc xác định vấn đề này đối với chúng tôi không quá phức tạp.
Hoặc nếu như bạn phạm tội nhưng mục đích là để phòng vệ nhưng không chắc chắn hành vi của mình là chính đáng hay không.
Bạn hãy liên hệ trực tiếp cho chúng tôi qua Tổng đài 19006588.
Luật Quang Huy luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn!
8. Cơ sở pháp lý
- Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017
- Bộ luật Dân sự 2015
Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi về chế định vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo Bộ luật Hình sự mới nhất.
Luật Quang Huy là công ty có kinh nghiệm không chỉ trong việc tư vấn luật Hình sự mà còn có bề dày kinh nghiệm trong vai trò là Luật sư biện hộ cho nhiều vụ án Hình sự trong cả nước.
Nếu nội dung tư vấn còn chưa rõ, có nội dung gây hiểu nhầm hoặc có thắc mắc cần tư vấn cụ thể hơn, bạn có thể kết nối tới HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được Luật sư tư vấn luật hình sự tư vấn trực tiếp.
Trân trọng./.