Có được ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai không?

Mẫu giấy ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai
Bạn cần tư vấn luật đất đai?
Liên hệ 1900.6784 để được luật sư giải đáp hoàn toàn miễn phí!

Trên thực tế hiện nay, các tranh chấp liên quan đến đất đai xảy ra rất phổ biến và đa phần khá phức tạp. Vậy các bên tranh chấp có được uỷ quyền giải quyết tranh chấp đất đai không? Mẫu giấy uỷ quyền tranh chấp đất đai và cách điền thông tin giấy uỷ quyền giải quyết tranh chấp đất đai được quy định như thế nào?

Thời hạn uỷ quyền giải quyết tranh chấp đất đai là bao lâu? Thủ tục uỷ quyền giải quyết tranh đất đai được tiến hành ra sao? Những điều cần biết về giấy uỷ quyền tranh chấp đất bao gồm uỷ quyền tranh chấp đất có phải lập thành văn bản không và giấy uỷ quyền tranh chấp đất đai có phải công chứng, chứng thực không?

Xin mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây, Luật Quang Huy chúng tôi sẽ phân tích để các bạn hiểu rõ hơn các vấn đề được đề cập ở phía trên.


1. Có được uỷ quyền giải quyết tranh chấp đất đai không?

Thực tế hiện nay, việc uỷ quyền tranh chấp đất đai không được quy định cụ thể trong Luật Đất đai, tuy nhiên vấn đề này đã được đề cập trong các quy định pháp luật liên quan đến pháp luật đất đai.

Trong pháp luật về dân sự, tại Bộ luật dân sự 2015 có quy định cá nhân, pháp nhân có thể uỷ quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

Trong Bộ luật tố tụng dân sự cũng có quy định người đại diện theo uỷ quyền trong tố tụng dân sự thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự theo nội dung văn bản uỷ quyền.

Trong Bộ luật tố tụng hành chính cũng quy định người đại diện theo uỷ quyền trong tố tụng hành chính phải là người có hành vi dân sự đầy đủ, được đương sự hoặc người đại diện theo pháp luật uỷ quyền bằng văn bản.

Tranh chấp đất đai cũng nằm trong phạm vi điều chỉnh của các luật trên, theo đó ta có thể khẳng định, các bên đương sự tranh chấp đất đai hoàn toàn có thể thực hiện việc uỷ quyền tranh chấp đất đai.

Nội dung uỷ quyền; phạm vi những công việc được thực hiện; trách nhiệm của người nhận ủy quyền được xác định dựa trên sự tự thoả thuận của các bên. Cần lưu ý trong trường hợp quyền sử dụng đất thuộc về hộ gia đình hoặc là tài sản chung của hai vợ chồng thì việc uỷ quyền cần phải có sự đồng ý của những người còn lại hoặc của vợ/chồng.

Mẫu giấy ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai
Mẫu giấy ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai

2. Mẫu giấy uỷ quyền tranh chấp đất đai

Đối với mẫu giấy uỷ quyền tranh chấp đất đai, chúng tôi xin tư vấn như sau:

TẢI MẪU ỦY QUYỀN TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI


3. Hướng dẫn cách điền thông tin giấy uỷ quyền giải quyết tranh chấp đất đai

Bạn điền đầy đủ các thông tin trong giấy uỷ quyền tranh chấp đất đai như sau:

Phần thông tin của người uỷ quyền và người được uỷ quyền:  Bạn cần điền đầy đủ thông tin họ tên; ngày tháng năm sinh; Thông tin trên giấy CMND/CCCD; địa chỉ cư trú của các bên. Các thông tin này cần ghi chính xác; khớp với các giấy tờ chứng minh nhân thân.

Phần căn cứ uỷ quyền: Trình bày rõ ràng vụ việc tranh chấp đang được cơ quan nào giải quyết, bạn cần nêu rõ Toà án huyện/quận nào nếu thực hiện khởi kiện ra Toà án. Ghi chính xác thông tin hiện trạng của thửa đất hiện đang phát sinh tranh chấp; diện tích bao nhiêu; nằm ở vị trí nào.

Phần phạm vi uỷ quyền:

  • Cần nêu rõ phạm vi uỷ quyền; có thể là chỉ uỷ quyền khi tham gia vào buổi làm việc giải quyết tranh chấp; hoặc uỷ quyền tham gia vào xuyên suốt quá trình giải quyết tranh chấp.
  • Các công việc cụ thể mà người được uỷ quyền sẽ làm thay cho người uỷ quyền trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai. Theo đó, người nhận uỷ quyền sẽ có quyền thực hiện trong phạm vi các công việc mà các bên đã thoả thuận.

4. Thời hạn uỷ quyền giải quyết tranh chấp đất đai

Theo các văn bản pháp luật hiện hành, thời hạn uỷ quyền là do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thoả thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng uỷ quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc uỷ quyền.

Theo đó, thời hạn uỷ quyền tranh chấp đất đai trên thực tế có thể được xác định theo các trường hợp sau:

  • Theo thoả thuận của các bên được ghi nhận trong giấy uỷ quyền;
  • Thời hạn uỷ quyền đã hết theo quy định của pháp luật;
  • Công việc được uỷ quyền đã hoàn thành: Nếu tranh chấp đất đai đã được giải quyết xong thì thời hạn uỷ quyền sẽ kết thúc;
  • Người uỷ quyền hoặc người nhận uỷ quyền đơn phương chấm dứt thực hiện việc uỷ quyền: Nếu vì một lý do nào đó mà bên uỷ quyền hoặc bên nhận uỷ quyền không muốn tiếp tục thực hiện việc uỷ quyền giải quyết tranh chấp đất đai nữa thì được đơn phương chấm dứt thực hiện uỷ quyền. Tuy nhiên, các chủ thể trong hợp đồng phải thông báo cho các bên liên quan được biết;
  • Người uỷ quyền hoặc người nhận uỷ quyền là cá nhân chết;
  • Trường hợp người nhận uỷ quyền không có đủ năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự để tham gia giải quyết tranh chấp đất đai;
  • Các căn cứ khác làm cho việc uỷ quyền không thể thực hiện được.

5. Thủ tục uỷ quyền giải quyết tranh chấp đất đai

5.1. Bước 1: Chuẩn bị giấy tờ cần thiết

Theo pháp luật hiện hành, các bên cần chuẩn bị các loại giấy tờ sau:

  • Giấy tờ nhân thân của bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền: Chứng minh nhân dân; Căn cước công dân; Hộ chiếu; Sổ hộ khẩu của bên ủy quyền
  • Giấy tờ chứng minh quan hệ hôn nhân của bên ủy quyền trong trường hợp đất đang tranh chấp là tài sản chung của hai vợ chồng; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy tờ thể hiện việc góp vốn là quyền sử dụng đất; Giấy đăng ký kinh doanh;…
  • Giấy tờ làm căn cứ ủy quyền khác như giấy triệu tập làm việc; giấy mời;…
  • Giấy ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai với đầy đủ nội dung đã chuẩn bị sẵn;
  • Phiếu yêu cầu chứng thực văn bản ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai;

5.2. Bước 2: Chứng thực giấy uỷ quyền tranh chấp đất đai

Sau khi chuẩn bị các giấy tờ như trên, bên ủy quyền liên hệ với Văn phòng công chứng; Phòng công chứng hoặc Ủy ban nhân dân để chứng thực giấy ủy quyền.

5.3. Bước 3: Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ

Người thực hiện chứng thực kiểm tra hồ sơ, giấy tờ yêu cầu chứng thực. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ để thực hiện thủ tục thì yêu cầu người ủy quyền bổ sung đầy đủ. Trường hợp đầy đủ giấy tờ theo quy định thì hướng dẫn người ủy quyền thực hiện chứng thực.

Đồng thời, người tiếp nhận hồ sơ sẽ giải thích các quy định pháp luật có liên quan đến giấy ủy quyền thực hiện chứng thực.

5.4. Bước 4: Chứng thực giấy ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai

Người yêu cầu chứng thực ký vào giấy ủy quyền trước mặt người thực hiện chứng thực. Người thực hiện chứng thực:

  • Ghi đầy đủ lời chứng chứng thực chữ ký theo mẫu quy định phía dưới chữ ký được chứng thực; Hoặc trang liền sau của giấy ủy quyền có chữ ký được chứng thực.
  • Người thực hiện chứng thực ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu của cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực và ghi vào sổ chứng thực.

Đối với giấy tờ, văn bản có từ hai tờ trở lên thì phải đóng dấu giáp lai. Trường hợp lời chứng được ghi tại tờ liền sau của trang có chữ ký thì phải đóng dấu giáp lai giữa giấy tờ, văn bản chứng thực chữ ký và trang ghi lời chứng.

5.5. Bước 5: Nhận giấy ủy quyền đã được chứng thực

Người ủy quyền nộp lệ phí và nhận giấy ủy quyền đã được chứng thực.


6. Những điều cần biết về giấy uỷ quyền giải quyết tranh chấp đất

6.1. Uỷ quyền giải quyết tranh chấp đất đai có phải lập thành văn bản không?

Thực tế, trong bất kỳ hình thức giải quyết tranh chấp đất đai nào, dù là hoà giải, khiếu nại, hay khởi kiện tại Toà án thì phía cơ quan nhà nước đều yêu cầu người nhận uỷ quyền phải xuất trình văn bản có nội dung uỷ quyền.

Bởi lẽ tranh chấp đất đai là tranh chấp phức tạp, quá trình giải quyết cần đảm bảo tính chính xác. Các bên tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp đất đai phải là người có đủ tư cách liên quan. Nếu đã nhận uỷ quyền tham gia thì phải chứng minh được uỷ quyền, và đó chính là văn bản uỷ quyền giải quyết tranh chấp đất đai.

Như vậy, uỷ quyền giải quyết tranh chấp đất đai phải được lập thành văn bản.

6.2. Giấy uỷ quyền giải quyết tranh chấp đất đai có phải công chứng, chứng thực không?

Hiện nay, không có một quy định nào bắt buộc giấy uỷ quyền tranh chấp đất đai phải được công chứng, chứng thực. Tuy nhiên, để đảm bảo tính hợp pháp cũng như để tránh những rủi ro phát sinh trong quá trình thực hiện việc uỷ quyền, các bên nên công chứng, chứng thực giấy uỷ quyền.


7. Căn cứ pháp lý

  • Luật Đất đai 2013;
  • Bộ luật Dân sự 2015;
  • Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015;
  • Luật tố tụng hành chính 2015.

Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi về uỷ quyền giải quyết tranh chấp đất đai.

Luật Quang Huy là công ty có kinh nghiệm không chỉ trong việc tư vấn pháp luật về các vấn đề liên quan tới tranh chấp đất đai mà còn có bề dày kinh nghiệm trong vai trò là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng khi có tranh chấp đất đai xảy ra trong cả nước.

Nếu nội dung bài viết còn chưa rõ, hoặc bạn cần tư vấn, hỏi đáp thêm về dịch vụ hỗ bạn có thể kết nối tới Tổng đài tư vấn luật đất đai qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được tư vấn trực tiếp.

Trân trọng./.

Bạn cần tư vấn luật đất đai?
Liên hệ 1900.6784 để được luật sư giải đáp hoàn toàn miễn phí!
5/5 - (1 bình chọn)
Luật sư Nguyễn Huy Khánh
Luật sư Nguyễn Huy Khánh
Giám đốc điều hành của Công ty Luật TNHH Quang Huy và Cộng sự. Có nhiều kinh nghiệm tư vấn và tranh tụng trong các lĩnh vực dân sự, hình sự, đất đai, hành chính.
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HỎI MIỄN PHÍ NGAY

Scroll to Top