Các trường hợp không được khấu trừ thuế GTGT

Các trường hợp không được khấu trừ thuế GTGT
Nếu cần được hỗ trợ về thuế VAT, vui lòng gọi Tổng đài 1900.6795 để được tư vấn miễn phí. Ngoài ra, nếu có nhu cầu sử dụng dịch vụ kế toán - thuế, bạn vui lòng liên hệ hotline 09.678910.86. Trân trọng.

Khi tính toán số thuế giá trị gia tăng cần phải nộp, cần phải xác định được các khoản được khấu trừ khi tính thuế. Vậy trường hợp nào thì được khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT)? Các trường hợp không được khấu trừ thuế GTGT gồm những gì? Bài viết sau đây của Luật Quang Huy sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi này.


Tổng quan về bài viết

1. Khấu trừ thuế giá trị gia tăng là gì?

Khấu trừ thuế giá trị gia tăng là việc doanh nghiệp xác định số thuế giá trị gia tăng cần phải nộp vào ngân sách nhà nước dựa trên cơ sở lấy số thuế giá trị gia tăng đầu ra trừ đi số thuế giá trị gia tăng đầu vào.

Thông thường khi doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ thì sẽ phải chịu mức thuế giá trị gia tăng cho hàng hóa (được hiểu là thuế giá trị gia tăng đầu vào).

Nhưng khi doanh nghiệp đem hàng hóa đó đi bán lại thì bên mua hàng sẽ chịu mức thuế giá trị gia tăng tính trên giá trị của hàng hóa đó (được hiểu là thuế giá trị gia tăng đầu ra). Khi đó, số thuế giá trị gia tăng mà doanh nghiệp mua hàng ban đầu cần phải nộp sẽ được tính theo công thức sau đây:

Số thuế giá trị gia tăng phải nộp trong kỳ = Số thuế giá trị gia tăng đầu ra Số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ

Vì vậy về mặt bản chất, thuế giá trị gia tăng là đánh vào người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ cuối cùng. Việc doanh nghiệp thực hiện khấu trừ thuế nhằm tránh trùng lặp về thuế trên cùng một hàng hóa, dịch vụ.


2. Các trường hợp không được khấu trừ thuế GTGT?

Theo quy định tại khoản 15 Điều 14 Thông tư 219/2013/TT-BTC, cơ sở kinh doanh không được tính khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với trường hợp:

2.1. Đối với hoá đơn giá trị gia tăng sử dụng không đúng quy định của pháp luật không được khấu trừ thuế

Căn cứ theo quy định tại khoản 15 điều 14 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định:

  • Hóa đơn giá trị gia tăng sử dụng không đúng quy định của pháp luật như: hóa đơn giá trị gia tăng không ghi thuế giá trị gia tăng (trừ trường hợp đặc thù được dùng hóa đơn giá trị gia tăng ghi giá thanh toán là giá đã có thuế giá trị gia tăng);
  • Hóa đơn không ghi hoặc ghi không đúng một trong các chỉ tiêu như tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua nên không xác định được người mua (trừ trường hợp hóa đơn mang tên, tổ chức cá nhân được ủy quyền theo hướng dẫn tại khoản 12 Điều 14 Thông tư 219/2013/TT-BTC);
  • Hóa đơn không ghi hoặc ghi không đúng một trong các chỉ tiêu như tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán nên không xác định được người bán;
  • Hóa đơn, chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng giả, hóa đơn bị tẩy xóa, hóa đơn khống (không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo);
  • Hóa đơn ghi giá trị không đúng giá trị thực tế của hàng hóa, dịch vụ mua, bán hoặc trao đổi.

Lưu ý:

  • Doanh nghiệp được kê khai hóa đơn chưa khấu trừ bị bỏ sót vào kỳ kê khai gần nhất của thời điểm phát hiện sai sót. Và thời điểm kê khai phải thực hiện trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế;
  • Bãi bỏ quy định khống chế thời gian kê khai hóa đơn đầu vào bị bỏ sót (trước thời điểm 01/01/2014 là 6 tháng).

2.2. Đối với khoản thanh toán không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 điều 15 Thông tư số 219/2013/TT-BTC (được bổ sung, sửa đổi theo Khoản 9 Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC và Điều 1 Thông tư 173/2016/TT-BTC) như sau:

  • Hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần có hóa đơn từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã có thuế giá trị gia tăng) nếu không thực hiện thanh toán qua ngân hàng thì không được khấu trừ. Kể cả trường hợp doanh nghiệp mang tiền mặt nộp vào tài khoản bên bán;
  • Thuế giá trị gia tăng được kê khai khấu trừ ngay tại thời điểm mua hàng hóa dịch vụ và có hóa đơn giá trị gia tăng đầu vào không phân biệt đã thanh toán hoặc chưa thanh toán;
  • Trường hợp không tuân thủ đúng quy định về thanh toán không dùng tiền mặt doanh nghiệp sẽ không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào và phải thực hiện điều chỉnh giảm số thuế giá trị gia tăng đã kê khai khấu trừ vào kỳ thực hiện thanh toán;
  • Đối với những hóa đơn này, cơ sở kinh doanh kê khai vào mục hàng hóa, dịch vụ không đủ điều kiện khấu trừ trong bảng kê hóa đơn, chứng từ hàng hóa, dịch vụ mua vào;
  • Trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ của một nhà cung cấp có giá trị dưới hai mươi triệu đồng nhưng mua nhiều lần trong cùng một ngày có tổng giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên thì chỉ được khấu trừ thuế đối với trường hợp có chứng từ thanh toán qua ngân hàng.

2.3. Đối với khoản tiền thuê nhà cho chuyên gia nước ngoài

Căn cứ theo quy định tại Điều 14 Thông tư số 219/2013/TT-BTC, nguyên tắc khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào được quy định như sau:

  • Trường hợp cơ sở kinh doanh có các chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam công tác, giữ các chức vụ quản lý tại Việt Nam, hưởng lương tại Việt Nam theo hợp đồng lao động ký với cơ sở kinh doanh tại Việt Nam thì cơ sở kinh doanh không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng của khoản tiền thuê nhà cho các chuyên gia nước ngoài này;
  • Trường hợp các chuyên gia nước ngoài vẫn là nhân viên của doanh nghiệp ở nước ngoài, chịu sự điều động của doanh nghiệp ở nước ngoài, được doanh nghiệp ở nước ngoài trả lương và hưởng các chế độ của doanh nghiệp ở nước ngoài trong thời gian sang Việt Nam công tác, giữa doanh nghiệp ở nước ngoài và cơ sở kinh doanh tại Việt Nam có hợp đồng bằng văn bản nêu rõ doanh nghiệp tại Việt Nam phải chịu các chi phí về chỗ ở cho các chuyên gia nước ngoài trong thời gian công tác ở Việt Nam thì thuế giá trị gia tăng của khoản tiền thuê nhà cho các chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam do cơ sở kinh doanh tại Việt Nam chi trả được khấu trừ;
  • Số thuế giá trị gia tăng đầu vào không được khấu trừ, cơ sở kinh doanh được hạch toán vào chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc tính vào nguyên giá của tài sản cố định, trừ số thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

2.4. Đối với hàng hóa, dịch vụ sử dụng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh mặt hàng không chịu thuế giá trị gia tăng

Căn cứ theo quy định tại khoản 9 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC:

  • Thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ (kể cả tài sản cố định) sử dụng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế giá trị gia tăng thì chỉ được khấu trừ số thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng;
  • Cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ và không được khấu trừ; trường hợp không hạch toán riêng được thì thuế đầu vào được khấu trừ tính theo tỷ lệ (%) giữa doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng, doanh thu không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng so với tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ bán ra bao gồm cả doanh thu không phải kê khai, tính nộp thuế không hạch toán riêng được.

2.5. Đối với hàng hoá là ô tô trên 1,6 tỷ đồng chỉ được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào 160 triệu đồng:

Căn cứ theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 151/2014/TT-BTC, các khoản không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng như sau:

  • Nếu đơn vị sử dụng ô tô vào hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn: thì được khấu trừ toàn bộ số thuế giá trị gia tăng đầu vào;
  • Trường hợp không sử dụng ô tô vào các mục đích như trên mà chỉ dùng để đưa đón giám đốc, nhân viên..trong hoạt động kinh doanh thì số thuế giá trị gia tăng đầu vào tương ứng với phần trị giá vượt trên 1,6 tỷ đồng sẽ không được khấu trừ.

2.6. Đối với hàng hoá dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng không chịu thuế giá trị gia tăng

Căn cứ theo quy định tại khoản 7 điều 14 Thông tư số 219/2013/TT-BTC, các khoản không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng như sau:

  • Thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng không được khấu trừ, trừ các trường hợp sau:
  • Thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ mà cơ sở kinh doanh mua vào để sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế để viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại hướng dẫn tại khoản 19 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC được khấu trừ toàn bộ;
  • Thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ dầu khí đến ngày khai thác đầu tiên hoặc ngày sản xuất đầu tiên được khấu trừ toàn bộ.

2.7. Đối với tài sản cố định, máy móc, thiết bị chuyên dùng

Căn cứ theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 151/2014/TT-BTC, các khoản không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng như sau:

  • Thuế giá trị gia tăng đầu vào của tài sản cố định, máy móc, thiết bị, kể cả thuế giá trị gia tăng đầu vào của hoạt động đi thuê những tài sản, máy móc, thiết bị này và thuế giá trị gia tăng đầu vào khác liên quan đến tài sản, máy móc, thiết bị như bảo hành, sửa chữa trong các trường hợp sau đây không được khấu trừ:
  • Tài sản cố định chuyên dùng phục vụ sản xuất vũ khí, khí tài phục vụ quốc phòng, an ninh;
  • Tài sản cố định, máy móc, thiết bị của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh tái bảo hiểm, bảo hiểm nhân thọ, kinh doanh chứng khoán, cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở đào tạo;
  • Tàu bay dân dụng, du thuyền không sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn.

2.8. Đối với cơ sở kinh doanh có hàng hóa xuất khẩu không đáp ứng đủ các thủ tục về hợp đồng (mua bán, gia công, tờ khai hải quan, thanh toán qua ngân hàng) thì không được khấu trừ giá trị gia tăng đầu vào

  • Các trường hợp cơ sở kinh doanh có hàng hóa xuất khẩu hoặc hàng hóa được coi như xuất khẩu hướng dẫn tại Điều 16, Điều 17 Thông tư số 219/2013/TT-BTC nếu đã có xác nhận của cơ quan Hải quan (đối với hàng hóa xuất khẩu) nhưng không có đủ các thủ tục, hồ sơ khác đối với từng trường hợp cụ thể thì không phải tính thuế giá trị gia tăng đầu ra nhưng không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.
  • Riêng đối với trường hợp hàng hóa gia công chuyển tiếp và hàng hóa xuất khẩu tại chỗ, nếu không có đủ một trong các thủ tục, hồ sơ theo quy định thì phải tính và nộp thuế giá trị gia tăng như hàng hóa tiêu thụ nội địa.
  • Đối với cơ sở kinh doanh có dịch vụ xuất khẩu nếu không đáp ứng điều kiện về thanh toán qua ngân hàng hoặc được coi như thanh toán qua ngân hàng thì không được áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 0%, không phải tính thuế giá trị gia tăng đầu ra nhưng không được khấu trừ thuế đầu vào.
Các trường hợp không được khấu trừ thuế GTGT
Các trường hợp không được khấu trừ thuế GTGT

3. Các trường hợp được khấu trừ thuế giá trị gia tăng?

Căn cứ theo quy định tại Điều 14, Điều 15 của Thông tư số 219/2013/TT-BTC và được sửa đổi bởi Thông tư 26/2015/TT-BTC:

3.1. Về phương pháp kê khai thuế giá trị gia tăng

  • Nếu doanh nghiệp kê khai tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ: thì được xét khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào;
  • Nếu doanh nghiệp kê khai tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp: thì không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.

3.2. Về đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng đầu ra

  • Nếu doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng chịu thuế 0%, 5%, 10% hoặc các mặt hàng không phải kê khai nộp thuế: thì được xét khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.
  • Nếu doanh nghiệp vừa kinh doanh mặt hàng chịu thuế và không chịu thuế mà có thuế giá trị gia tăng đầu vào dùng chung cho cả 2 hoạt động chịu thuế và không chịu thuế thì chỉ được khấu trừ số thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng.

3.3. Về hóa đơn chứng từ

Được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Có hóa đơn giá trị gia tăng hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ mua vào;
  • Có chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu;
  • Có chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng thay cho phía nước ngoài.

Theo đó, những giấy tờ là các chứng từ làm căn cứ để kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.

3.4. Về hoá đơn thanh toán

  • Đối với các hóa đơn có tổng thanh toán (giá đã có thuế) từ 20 triệu đồng trở lên: Phải thanh toán không dùng tiền mặt (Các hình thức được gọi là thanh toán không dùng tiền mặt như: Chuyển khoản, bù trừ công nợ, hàng đổi hàng, ủy quyền cho bên thứ 3 chuyển khoản);
  • Nếu thanh toán bằng tiền mặt đối với các hóa đơn có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên sẽ không được khấu trừ (Bao gồm cả trường hợp mang tiền mặt ra ngân hàng để gửi chuyển cho nhà cung cấp);
  • Mua hàng hóa dịch vụ mà chưa thanh toán tiền ngay, hoặc thanh toán tiền làm nhiều lần vẫn được kê khai khấu trừ ngay tại thời điểm có hóa đơn giá trị gia tăng đầu vào. Nhưng đến khi thanh toán mà thực hiện thanh toán bằng tiền mặt đối với các hóa đơn từ 20 triệu đồng trở lên thì không được khấu trừ nữa, phải kê khai điều chỉnh giảm số thuế giá trị gia tăng đã khấu trừ vào kỳ thực hiện thanh toán;
  • Trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ của một nhà cung cấp có giá trị dưới hai mươi triệu đồng nhưng mua nhiều lần trong cùng một ngày có tổng giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên thì chỉ được khấu trừ thuế đối với trường hợp có chứng từ thanh toán qua ngân hàng.

3.5. Một vài các trường hợp cụ thể về khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào:

3.5.1. Các khoản chi có tính chất phúc lợi

Chẳng hạn như khoản chi cho việc đi nghỉ mát, đi lại ngày lễ tết, hiếu hỷ,… được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào nếu đáp ứng được các điều kiện về hóa đơn và chứng từ thanh toán theo công văn 4005/TCT-CS.

3.5.2. Đối với xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống có trị giá vượt trên 1,6 tỷ đồng

  • Nếu ô tô sử dụng vào kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn; ô tô dùng để làm mẫu và lái thử cho kinh doanh ô tô: thì được khấu trừ tất số thuế giá trị gia tăng đầu vào;
  • Nếu không sử dụng vào các mục đích nêu trên (ví dụ như dùng để đưa đón giám đốc, cán bộ nhân viên..) thì số thuế giá trị gia tăng đầu vào tương ứng với phần trị giá vượt trên 1,6 tỷ đồng không được khấu trừ.

3.5.3. Cho, biếu, tặng, khuyến mại, quảng cáo

Thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa (kể cả hàng hóa mua ngoài hoặc hàng hóa do doanh nghiệp tự sản xuất) mà doanh nghiệp sử dụng để cho, biếu, tặng, khuyến mại, quảng cáo dưới các hình thức, phục vụ cho sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng thì được khấu trừ.

3.5.4. Đối với hóa đơn tiền điện, tiền nước mang tên chủ nhà

Nếu doanh nghiệp đi thuê nhà và phải trả các khoản chi phí tiền điện, tiền nước nhưng các hóa đơn tiền điện, tiền nước lại mang tên chủ nhà (cá nhân) thì không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đối với khoản thuế đầu vào này mà hạch toán tất vào chi phí.

3.5.5. Các chi phí hóa đơn phát sinh trước khi thành lập doanh nghiệp

Trước khi thành lập doanh nghiệp, các sáng lập viên có văn bản ủy quyền cho tổ chức, cá nhân thực hiện chi hộ một số khoản chi phí liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp, mua sắm hàng hóa, vật tư thì doanh nghiệp được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào theo hóa đơn giá trị gia tăng đứng tên tổ chức, cá nhân được ủy quyền và phải thực hiện thanh toán cho tổ chức, cá nhân được ủy quyền qua ngân hàng đối với những hóa đơn có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên.

3.5.6. Cá nhân, tổ chức không kinh doanh có góp vốn bằng tài sản vào công ty

  • Trường hợp cá nhân, tổ chức không kinh doanh có góp vốn bằng tài sản vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần thì chứng từ đối với tài sản góp vốn là biên bản chứng nhận góp vốn, biên bản giao nhận tài sản;
  • Trường hợp tài sản góp vốn là tài sản mới mua, chưa sử dụng, có hóa đơn hợp pháp được hội đồng giao nhận vốn góp chấp nhận thì trị giá vốn góp được xác định theo trị giá ghi trên hóa đơn bao gồm cả thuế giá trị gia tăng;
  • Bên nhận vốn góp được kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng ghi trên hóa đơn mua tài sản của bên góp vốn.

4. Thuế giá trị gia tăng đầu vào không được khấu trừ hạch toán vào đâu?

Căn cứ theo quy định tại khoản 9 Điều 14 Thông tư số 219/2013/TT-BTC:

  • Số thuế giá trị gia tăng đầu vào không được khấu trừ, cơ sở kinh doanh được hạch toán vào chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc tính vào nguyên giá của tài sản cố định;
  • Riêng trường hợp hóa đơn có giá trị từ 20 triệu trở lên mà không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt: Thì doanh nghiệp không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng và không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế.

5. Cơ sở pháp lý

  • Luật quản lý thuế năm 2019;
  • Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 19/10/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý thuế;
  • Thông tư số 80/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý thuế.

Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi về vấn đề: các trường hợp không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng.

Để được tư vấn đầy đủ và chính xác nhất, mời quý khách hàng liên hệ qua Tổng đài tư vấn Thuế giá trị gia tăng trực tuyến của HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để nhận tư vấn thêm về vấn đề mà quý khách hàng đang gặp phải.

Trân trọng./.

5/5 - (1 bình chọn)

TÁC GIẢ BÀI VIẾT

Cố vấn Nguyễn Quỳnh Trang
Cố vấn Nguyễn Quỳnh Trang
Kiểm toán viên (CPA) – Hiện là cố vấn thuế cao cấp cho nhiều doanh nghiệp lớn trên toàn quốc với 20 năm kinh nghiệm thực tiễn
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

TỔNG ĐÀI HỖ TRỢ THUẾ

Scroll to Top

Tổng quan về bài viết

Mục lục