Tội giết người có tổ chức phải chịu hình phạt như thế nào?

Nếu bạn có nhu cầu được tư vấn, hỗ trợ về luật hình sự, hãy liên hệ ngay cho luật sư qua hotline 1900.6784. Luật sư can thiệp càng sớm, cơ hội bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp càng cao!

Bạn thắc mắc không biết tội giết người có tổ chức bị xử lý như thế nào? Hiểu như thế nào cho đúng về tội giết người có tổ chức? Tất cả những thắc mắc này sẽ được giải đáp qua bài viết sau đây của Luật Quang Huy.


1. Hiểu như thế nào là giết người có tổ chức?

Theo quy định, giết người có tổ chức là trường hợp nhiều người tham gia vào một vụ giết người, có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện việc giết người; có sự phân công, có kẻ chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc giết người. Khi đã xác định giết người có tổ chức thì tất cả những người cùng tham gia vụ giết người dù ở vai trò nào (chủ mưu hay giúp sức, chỉ huy hay thực hành) đều bị coi là giết người có tổ chức.

Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt phải căn cứ vào vai trò, vị trí của từng người tham gia vào vụ án. Nếu nhiều người cùng tham gia vào một vụ án giết người, nhưng không có sự câu kết chặt chẽ, mà chỉ có sự đồng tình một cách hời hợt thì không phải là giết người có tổ chức.

Ví dụ: một số thanh niên ở xã A đi xem phim, gây gổ đánh nhau với một số thanh niên ở xã B dẫn đến một thanh niên ở xã A bị thanh niên ở xã B đánh chết.

Như vậy, có thể thấy, giết người có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Do đó, ngoài các dấu hiệu của đồng phạm nói chung, giết người có tổ chức còn có dấu hiệu đặc trưng là có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.


2. Tội giết người có tổ chức phải chịu trách nhiệm hình sự như thế nào?

Phạm tội giết người có tổ chức là một hình thức đồng phạm, có sự phân công, sắp đặt vai trò của người tham gia, trong đó mỗi người thực hiện một hoặc một số hành vi và phải chịu sự điều khiển của người cầm đầu. Theo đó, trách nhiệm hình sự của tội giết người có tổ chức được quy định như sau:

Tội giết người có tổ chức phải chịu hình phạt gì?
Tội giết người có tổ chức phải chịu hình phạt gì?

2.1. Khung hình phạt tội giết người

Theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, khung hình phạt của tội giết người được quy định như sau:

  • Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
  • Giết 02 người trở lên;
  • Giết người dưới 16 tuổi;
  • Giết phụ nữ mà biết là có thai;
  • Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
  • Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
  • Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
  • Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
  • Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
  • Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
  • Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
  • Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
  • Thuê giết người hoặc giết người thuê;
  • tính chất côn đồ;
  • Có tổ chức;
  • Tái phạm nguy hiểm;
  • Vì động cơ đê hèn.
  • Phạm tội không thuộc các trường hợp nêu trên, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
  • Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
  • Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

2.2. Nguyên tắc chịu trách nhiệm hình sự

2.2.1. Nguyên tắc chịu trách nhiệm chung về toàn bộ tội phạm

  • Tất cả những người đồng phạm đều bị truy tố; xét xử về cùng tội danh, theo cùng điều luật và trong phạm vi chế tài điều luật đó quy định.
  • Các nguyên tắc chung về việc truy cứu trách nhiệm hình sự; về quyết định hình phạt; về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm; mà những người này đã thực hiện được áp dụng chung cho tất cả
  • Những người đồng phạm cùng phải chịu những tình tiết tăng nặng của vụ án, nếu họ cùng biết.

2.2.2. Nguyên tắc chịu trách nhiệm hình sự độc lập về việc cùng thực hiện tội phạm

  • Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm về hành vi vượt quá của người đồng phạm khác. Trong đó, hành vi vượt quá này được hiểu là hành vi vượt ra ngoài ý định chung của những người đồng phạm; và hành vi này có thể cấu thành tội phạm khác hoặc thỏa mãn dấu hiệu khung hình phạt tăng nặng.
  • Việc miễn trách nhiệm hình sự; hoặc miễn hình phạt đối với người đồng phạm này không loại trừ trách nhiệm của những người còn lại.
  • Hành vi của người tổ chức, xúi giục hay giúp sức; dù chưa đưa đến việc thực hiện tội phạm vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
  • Hành vi tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội của người đồng phạm này không loại trừ trách nhiệm hình sự của những người khác.

2.2.3. Nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự trong đồng phạm

  • Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm; Tất nhiên người nào thực hiện những hành vi nguy hiểm hơn thì phải chịu hình phạt nặng hơn.
  • Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào thì chỉ áp dụng đối với người đó.

2.3. Mức độ trách nhiệm hình sự

Tình tiết tăng nặng này thường là yếu tố định khung hình phạt, nhất là đối với các tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Mức độ tăng nặng trách nhiệm hình sự của tình tiết này phụ thuộc vai trò của từng người tham gia vào tội phạm và quy mô của vụ án. Người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm (người tổ chức, mức độ tăng nặng nhiều hơn người giúp sức trong vụ án phạm tội có tổ chức.

Vì vậy, khi quyết định hình phạt, khi đã xác định có người tổ chức thì mức hình phạt đối với người tổ chức nhất thiết không thể thấp hơn người thực hành, người xúi giục hoặc người giúp sức nếu các tình tiết khác của vụ án tương tự như nhau. Hiện nay có quan niệm cho rằng, áp dụng hình phạt đối với người thực hành phải cao hơn người tổ chức vì cho rằng người tổ chức không trực tiếp thực hiện tội phạm, là chưa thấy hết tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi do người tổ chức thực hiện.

Ví dụ: Trần Văn K có thù tức với anh Đinh Văn H, K đã mua thuốc độc và thuê Phạm Thanh B bỏ vào bể nước của gia đình anh H, làm gia đình anh H bị trúng độc chết vợ và đứa con gái 5 tuổi. Do đánh giá không đúng vai trò của K nên tòa án chỉ phạt Trần Văn K tù chung thân, còn phạt B tử hình.

Như vậy, khi đã xác định vụ án giết người được thực hiện có tổ chức thì tất cả những người trong vụ án đều bị áp dụng tình tiết tăng nặng là phạm tội giết người có tổ chức. Tuy nhiên, mức độ tăng nặng nhiều hay ít đối với từng người còn tùy thuộc vào vai trò của họ trong vụ án như đã phân tích ở trên. Có thể có người bị tử hình, nhưng có người chỉ bị phạt ba hoặc bốn năm tù.

Nếu bạn đọc có nhu cầu xác định cụ thể trách nhiệm hình sự trong trường hợp này hãy liên hệ ngay cho chúng tôi qua Tổng đài 19006588 để Luật Quang Huy có thể hỗ trợ tốt nhất.


3. Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về vấn đề tội giết người có tổ chức. Qua bài viết này, chúng tôi mong rằng sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Để được tư vấn đầy đủ và chính xác nhất, mời quý khách hàng liên hệ tới Tổng đài tư vấn Luật hình sự trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để nhận tư vấn thêm về vấn đề mà quý khách hàng đang gặp phải.

Trân trọng./.

5/5 - (1 bình chọn)
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HỎI MIỄN PHÍ NGAY

Scroll to Top
Mục lục