Cơ quan nào có thẩm quyền điều tra vụ án hình sự?

Cơ quan nào có thẩm quyền điều tra vụ án hình sự
Nếu bạn có nhu cầu được tư vấn, hỗ trợ về luật hình sự, hãy liên hệ ngay cho luật sư qua hotline 1900.6784. Luật sư can thiệp càng sớm, cơ hội bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp càng cao!

Khi có một hành vi nguy hiểm cho xã hội xảy ra thì cần phải có cơ quan tiến hành điều tra làm rõ sự việc.

Thông qua việc điều tra này giúp cung cấp thông tin, chứng cứ để phục vụ cho hoạt động tố tụng, xét xử diễn ra thành công.

Vậy cơ quan nào có thẩm quyền điều tra vụ án hình sự? Vụ án khác nhau thì cơ quan điều tra có khác không?

Sau đây là phân tích cụ thể của Luật Quang Huy về quy định của pháp luật liên quan đến cơ quan có thẩm quyền điều tra vụ án hình sự.


1. Các cơ quan có thẩm quyền điều tra

Điều 4, Luật tổ chức các cơ quan điều tra hình sự năm 2015 quy định về các cơ quan sau có thẩm quyền điều tra bao gồm:

  • Cơ quan Điều tra của Công an nhân dân.
  • Cơ quan Điều tra trong Quân đội nhân dân.
  • Cơ quan Điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Cơ quan nào có thẩm quyền điều tra vụ án hình sự
Cơ quan nào có thẩm quyền điều tra vụ án hình sự

1.1 Thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Theo Điều 7 Luật tổ chức các cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có 2 cơ quan điều tra là:

  • Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao (gồm các phòng Điều tra và bộ máy giúp việc);
  • Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương (gồm có Ban điều tra và bộ phận giúp việc).

1.1.1 Thẩm quyền điều tra theo vụ việc

Tại Khoản 3 Điều 163 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương điều tra về:

  • Tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV của Bộ luật hình sự xảy ra trong hoạt động tư pháp;
  • Đồng thời người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.

Cụ thể:

Tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp là những hành vi xâm phạm sự đúng đắn của hoạt động tố tụng và thi hành án. Những tội này được quy định tại Chương XXIV bộ luật hình sự 2015, bao gồm:

Tội phạm về tham nhũng, chức vụ: Là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan tổ chức do người có chức vụ thực hiện công vụ, nhiệm vụ.

Những tội này được quy định tại Chương XXIII, gồm:

Những tội trên xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện Kiểm sát, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp thì sẽ thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương.

Thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao

1.1.2 Thẩm quyền điều tra theo cấp

Cơ quan điều tra của Viện kiểm nhân dân tối cao sẽ có thẩm quyền tiến hành điều tra vụ án hình sự theo vụ việc như trên thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân (Khoản 2 Điều 30 Luật tổ chức các cơ quan điều tra hình sự 2015).

Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát quân sự trung ương có thẩm quyền tiến hành điều tra các vụ án hình sự như trên thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự.

1.2 Thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra Công an nhân dân

1.2.1 Thẩm quyền của cơ quan an ninh điều tra

Theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật tổ chức các cơ quan điều tra 2015, Cơ quan An ninh điều tra Bộ công an có thẩm quyền tiến hành Điều tra vụ án hình sự về:

  • Các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
  • Các tội phạm có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền Điều tra của Cơ quan An ninh Điều tra Công an cấp tỉnh theo quy định nếu xét thấy cần trực tiếp Điều tra;
  • Vụ án đặc biệt nghiêm trọng thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra của Công an nhân dân do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại.

Theo khoản 2 Điều 17 Luật tổ chức các cơ quan điều tra 2015, Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh còn có thẩm quyền tiến hành Điều tra vụ án hình sự về:

  • Các tội phạm quy định tại Chương XIII, Chương XXVI và các tội phạm quy định tại các Điều 207, 208, 282, 283, 284, 299, 300, 303, 304, 305, 309, 337, 338, 347, 348, 349 và 350 của Bộ luật hình sự khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân;
  • Tội phạm khác liên quan đến an ninh quốc gia hoặc để bảo đảm khách quan theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Công an.

1.2.2 Thẩm quyền của cơ quan cảnh sát điều tra

Đối với cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ công an có thẩm quyền tiến hành điều tra:

  • Các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền Điều tra của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an cấp tỉnh về những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia nếu xét thấy cần trực tiếp Điều tra;
  • Các vụ án đặc biệt nghiêm trọng thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại.

Đối với cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh có thẩm quyền tiến hành điều tra:

  • Các vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại các chương từ Chương XIV đến Chương XXIV của Bộ luật hình sự khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
  • Các tội phạm thuộc thẩm quyền Điều tra của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an cấp huyện xảy ra trên địa bàn nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phạm tội có tổ chức hoặc có yếu tố nước ngoài nếu xét thấy cần trực tiếp Điều tra.

Đối với cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện có thẩm quyền tiến hành điều tra:

Các vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại các chương từ Chương XIV đến Chương XXIV của Bộ luật hình sự khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện, trừ các tội phạm thuộc thẩm quyền Điều tra của Cơ quan Điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Cơ quan An ninh Điều tra của Công an nhân dân.

Nhận thấy rằng giữa thẩm quyền điều tra của cơ quan an ninh điều tra chỉ được tổ chức ở cấp Bộ và cấp tỉnh, còn cơ quan cảnh sát điều tra thì được tổ chức ở cả 3 cấp là cấp Bộ, cấp tỉnh, cấp huyện.

Điều này xuất phát từ tính chất hoạt động của 2 cơ quan này trong hệ thống công an nhân dân.

1.3 Thẩm quyền điều tra của cơ quan thuộc Quân đội nhân dân

Căn cứ khoản 2 Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án Quân sự.

Căn cứ theo Điều 272 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, Toà án quân sự có thẩm quyền xét xử với:

  • Vụ án hình sự mà bị cáo là quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu; dân quân, tự vệ trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc phối thuộc với Quân đội nhân dân trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; công dân được điều động, trưng tập hoặc hợp đồng vào phục vụ trong Quân đội nhân dân;
  • Vụ án hình sự mà bị cáo không thuộc đối tượng nêu trên nhưng liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu hoặc gây thiệt hại đến tài sản, danh dự, uy tín của Quân đội nhân dân hoặc phạm tội trong doanh trại quân đội hoặc khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ.

Bên cạnh đó, Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử tất cả tội phạm xảy ra trong địa bàn thiết quân luật.

1.3.1 Cơ quan an ninh điều tra trong Quân đội nhân dân

Đối với các cơ quan an ninh điều tra Bộ quốc phòng có thẩm quyền tiến hành điều tra:

  • Các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh Điều tra quân khu và tương đương về những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trên địa bàn nhiều quân khu và tương đương hoặc có yếu tố nước ngoài nếu xét thấy cần trực tiếp Điều tra;
  • Các vụ án đặc biệt nghiêm trọng thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra của Quân đội nhân dân do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại

Đối với cơ quan An ninh Điều tra quân khu và tương đương có thẩm quyền điều tra vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại Chương XIII, Chương XXVI và các tội phạm quy định tại các Điều 207, 208, 282, 283, 284, 299, 300, 303, 304, 305, 309, 337, 338, 347, 348, 349 và 350 của Bộ luật hình sự khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự.

1.3.2 Cơ quan điều tra hình sự trong Quân đội nhân dân

Đối với cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng có thẩm quyền tiến hành điều tra:

  • Các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Điều tra hình sự quân khu và tương đương về những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trên địa bàn nhiều quân khu và tương đương, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia nếu xét thấy cần trực tiếp Điều tra;
  • Các vụ án đặc biệt nghiêm trọng thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra hình sự trong Quân đội nhân dân do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại (Khoản 2 Điều 26 Luật tổ chức các cơ quan điều tra 2015).

Cơ quan Điều tra hình sự quân khu và tương đương có thẩm quyền tiến hành điều tra vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại các chương từ Chương XIV đến Chương XXV của Bộ luật hình sự khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự quân khu và tương đương hoặc các tội phạm thuộc thẩm quyền Điều tra của Cơ quan Điều tra hình sự khu vực nếu xét thấy cần trực tiếp Điều tra.

Cơ quan Điều tra hình sự khu vực: Tiến hành Điều tra vụ án hình sự về tội phạm quy định tại các chương từ Chương XIV đến Chương XXV của Bộ luật hình sự khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự cùng cấp, trừ các tội phạm thuộc thẩm quyền Điều tra của Cơ quan Điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương và Cơ quan An ninh Điều tra trong Quân đội nhân dân (Khoản 2 điều 28)

Thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra Quân đội nhân dân
Thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra Quân đội nhân dân

2. Các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra

Căn cứ Điều 9 Luật tổ chức các cơ quan điều tra hình sự 2015 quy định các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra bao gồm:

  • Các cơ quan của Bộ đội biên phòng được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra gồm có Cục trinh sát biên phòng; Cục phòng, chống ma túy và tội phạm; Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm; Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng cấp tỉnh; Ban chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu cảng; Đồn biên phòng.
  • Các cơ quan của Hải quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra gồm có Cục Điều tra chống buôn lậu; Cục Kiểm tra sau thông quan; Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chi cục Hải quan cửa khẩu.
  • Các cơ quan của Kiểm lâm được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra gồm có Cục Kiểm lâm; Chi cục Kiểm lâm vùng; Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh; Hạt Kiểm lâm.
  • Các cơ quan của lực lượng Cảnh sát biển được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra gồm có Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển; Cục Nghiệp vụ và pháp luật; Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy; Hải đoàn; Hải đội; Đội nghiệp vụ.
  • Các cơ quan của Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm có Cục Kiểm ngư, Chi cục Kiểm ngư vùng.
  • Các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra gồm có Cục Quản lý xuất nhập cảnh; các cục nghiệp vụ an ninh ở Bộ Công an; Phòng Quản lý xuất nhập cảnh; các phòng nghiệp vụ an ninh thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Công an cấp tỉnh) và Đội An ninh ở Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Công an cấp huyện); Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Phòng Cảnh sát giao thông; Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Trại giam.
  • Các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra gồm có Trại giam, đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương.

Các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thì thường tiến hành điều tra đối với các vụ án hình sự, có liên quan trực tiếp đến địa bàn quản lý mang tính đặc thù, đặc trưng riêng mà các cơ quan này nắm bắt rõ nhất tình hình.

Lưu ý: trong trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì thẩm quyền điều tra thuộc về cơ quan nơi phát hiện tội phạm, bị can cư trú hoăc bị bắt.


3. Chuyển vụ án đề điều tra khi không đúng thẩm quyền điều tra

Luật đã quy định là vụ án phải được điều tra đúng cơ quan có thẩm quyền điều tra, trường hợp sai thẩm quyền điều tra thì cần phải chuyển về cơ quan đúng thẩm quyền để điều tra.

Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định chuyển vụ án để điều tra khi sai thẩm quyền là Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp theo Khoản 1, khoản 2 Điều 169 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 khi thuộc một trong các trường hợp:

  • Cơ quan điều tra cùng cấp xét thấy vụ án không thuộc thẩm quyền điều tra và đề nghị chuyển vụ án;
  • Cơ quan điều tra cấp trên rút vụ án để điều tra;
  • Điều tra viên bị thay đổi là Thủ trưởng Cơ quan điều tra;
  • Viện kiểm sát đã yêu cầu chuyển vụ án mà Cơ quan điều tra không thực hiện.

Việc chuyển vụ án ra ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc ngoài phạm vi quân khu do Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu quyết định.

Như vậy, thẩm quyền điều tra vụ án hình sự được phân chia rõ ràng cho các cơ quan chức năng để phù hợp với tính chất, chủ thể,… của vụ án hình sự.


4. Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015
  • Luật tổ chức các cơ quan điều tra hình sự năm 2015

Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi về vấn đề Cơ quan có thẩm quyền điều tra.

Nếu nội dung tư vấn còn chưa rõ, có nội dung gây hiểu nhầm hoặc có thắc mắc cần tư vấn cụ thể hơn, bạn có thể kết nối tới Tổng đài tư vấn luật hình sự trực tuyến 24h qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được tư vấn trực tiếp.

Trân trọng./.

5/5 - (4 bình chọn)
Luật sư Tạ Gia Lương
Luật sư Tạ Gia Lương
Luật sư thuộc Đoàn luật sư tỉnh Phú Thọ. Nguyên là Chánh tòa hình sự tòa án nhân dân Tỉnh Phú Thọ, có gần 30 năm kinh nghiệm xét xử các vụ án lớn nhỏ.
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HỎI MIỄN PHÍ NGAY

Scroll to Top