Nhằm giải đáp mức xử phạt khi vi phạm quy định giao thông cũng như các vấn đề liên quan đến giấy phép lưu hành giao thông, Luật Quang Huy triển khai đường dây nóng tư vấn luật giao thông. Nếu bạn có nhu cầu tư vấn về vấn đề này, hãy liên hệ ngay cho Luật sư chúng tôi qua Tổng đài 19006588.
Theo quy định của pháp luật, lỗi phạt không thắt dây an toàn là gì? Mức phạt đối với hành vi không thắt dây an toàn ra sao? Hãy theo dõi bài viết dưới đây của Luật Quang Huy, chúng tôi sẽ giúp bạn giải đáp.
Mọi người cũng xem:
1. Lỗi phạt không thắt dây an toàn là gì?
Dây an toàn trên xe ô tô là một bộ phận có thiết kế rất đơn giản và gọn nhẹ nhưng đóng vai trò hết sức quan trọng. Bởi lẽ việc thắt dây an toàn là biện pháp góp phần làm giảm thiệt hại về người tốt nhất khi có tai nạn xảy ra. Do đó, pháp luật quy định lái xe và hành khách trên xe phải thắt dây an toàn khi di chuyển.
Dây an toàn là một trong những bộ phận tiêu chuẩn, bắt buộc trang bị trên mọi chiếc xe ô tô. Dây đai an toàn ô tô được cấu thành bởi 2 phần chính:
- Dây đai và khóa chốt an toàn. Phần dây đai bao gồm dây chạy vòng ngang hông (Lap Belt) và dây vắt chéo qua vai (Shoulder Belt);
- Các đầu dây được gắn chặt vào khung xe, gắn với khóa chốt giúp hành khách tháo lắp dễ dàng.
Theo quy định của Luật giao thông đường bộ năm 2008 thì mọi chiếc xe ô tô có trang bị dây an toàn thì người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ô tô phải thắt dây an toàn.
Như vậy, lỗi phạt không thắt dây an toàn là lỗi sẽ áp dụng nếu người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ô tô không thắt dây an toàn.
Pháp luật quy định người lái xe ô tô và người ngồi hàng ghế phía trước phải thắt dây an toàn vì những lý do sau đây:
- Dây an toàn giúp bảo vệ vùng mặt: Nếu xe đang di chuyển với tốc độ 70-100km/h mà phải dừng lại đột ngột thì theo quán tính, người ngồi trong xe sẽ lao về phía trước với tốc độ tương tự. Tuy nhiên, dây an toàn ô tô sẽ giúp người ngồi thắng lực quán tính, bảo vệ phần đầu và mặt khỏi va đập vào kính chắn gió. Điều này làm giảm đáng kể tổn thương nghiêm trọng tới các bộ phận quan trọng của cơ thể;
- Dây an toàn đảm bảo tài xế và hành khách không bị văng ra khỏi xe: Trong những tai nạn nghiêm trọng hơn, xe có thể bị lật hoặc bung cánh cửa do va chạm. Lúc này, dây an toàn sẽ bảo vệ hành khách không bị văng ra khỏi xe. Không những thế, chiếc dây an toàn còn giúp người gặp nạn không lao vào kính, giảm va đập với vô lăng, cánh cửa và những bộ phận khác của xe theo lực quán tính;
- Giảm va đập giữa các hành khách nhờ dây đai an toàn: Một nguyên nhân khác gây thương tích cho hành khách trong xe là bị va đập vào nhau khi gặp tai nạn. Nếu có gài dây đai ô tô, bộ phận này sẽ cố định vị trí mỗi người tại ghế, giúp người bị nạn không bị va chạm với những người xung quanh khi xe phanh đột ngột, bị lật hoặc xoay ngang trên đường;
- Dây đai an toàn giúp túi khí bung hiệu quả hơn: Túi khí và dây an toàn ô tô là hai bộ phận hoạt động độc lập riêng biệt và đều có tác dụng bảo vệ tài xế khi gặp sự cố. Tuy nhiên nhiều thí nghiệm thực tiễn cho thấy, túi khí có thể không đạt được hiệu quả như mong muốn nếu người điều khiển xe không thắt dây an toàn. Bởi khi gặp sự cố, dù túi khí có bung thì tài xế vẫn có thể bị văng ra ngoài hoặc va đập với các bộ phận trong xe. Do vậy, việc thắt dây đai ô tô là rất cần thiết để bộ phận này cùng túi khí có thể hỗ trợ nhau, phát huy tối đa tác dụng khi cần.
Mọi người cũng xem:
2. Quy định về thắt dây an toàn khi tham gia giao thông
Theo khoản 2 Điều 9 Luật Giao thông đường bộ 2008 về quy tắc chung khi tham gia giao thông đường bộ quy định: Xe ô tô có trang bị dây an toàn thì người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ô tô phải thắt dây an toàn.
Như vậy, khi tham gia giao thông đường bộ đối tượng phải thắt dây an toàn bao gồm:
- Người lái xe ô tô;
- Người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ô tô.
Đây là một quy định bắt buộc, nếu những người được quy định trên không thắt dây an toàn khi chạy xe ô tô thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
Mọi người cũng xem:
3. Mức phạt đối với hành vi không thắt dây an toàn
Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định mức xử lý lỗi phạt không thắt dây an toàn ô tô như sau
3.1. Mức phạt đối với người điều khiển xe ô tô không thắt dây an toàn
Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Không thắt dây an toàn khi điều khiển xe chạy trên đường;
- Chở người trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy.
3.2. Mức phạt đối với người ngồi trên xe không thắt dây an toàn
Đối với người được chở trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy thì bị phạt tiền từ 300.000 – 500.000.
Như vậy, pháp luật quy định xử phạt lỗi không thắt dây toàn đối với cả người lái xe và cả chính người ngồi trên xe khi có hành vi vi phạm. Mức phạt đối với người lái xe cao hơn so với người ngồi ghế phụ không thắt dây an toàn. Mức phạt cao nhất mà người lái xe có thể phải nhận khi thực hiện hành vi không thắt dây an toàn là 1.000.000 đồng. Còn mức phạt cao nhất đối với người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ô tô không thắt dây an toàn là 500.000 đồng.
Có thể thấy, mức phạt được quy định trong Nghị định 100/2019/NĐ-CP cao hơn so với Nghị định 46/2016/NĐ-CP khoảng 5 lần. Việc quy định như vậy nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của người lái xe khi điều khiển phương tiện giao thông trên đường, đảm bảo an toàn tính mạng cho chính mình và hành khác; góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.

Mọi người cũng xem:
4. Lỗi phạt không thắt dây an toàn có bị giữ bằng lái không?
Đối với lỗi không thắt dây an toàn, người vi phạm chỉ bị áp dụng hình phạt tiền theo các mức quy định đã được chúng tôi đề cập ở phần trên mà không bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe.
Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định: Trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự:
- Giấy phép lái xe hoặc giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật;
- Phương tiện cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt.
Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không có giấy tờ nói trên, thì người có thẩm quyền xử phạt có thể tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trừ trường hợp đối với phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có địa chỉ rõ ràng, có điều kiện bến bãi, bảo quản phương tiện hoặc khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được giữ phương tiện vi phạm dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Do đó, mặc dù không bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe nhưng người vi phạm lỗi thắt dây an toàn có thể bị tạm giữ trong 07 ngày (tối đa 30 ngày)
Mọi người cũng xem:
5. Lỗi phạt không thắt dây an toàn có bị lập biên bản không?
Theo quy định tại điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2020 về xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.
Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.
Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên với lỗi không thắt dây an toàn khi tham gia giao thông thì bị xử phạt với mức phạt như sau:
- Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô không thắt dây an toàn khi điều khiển xe chạy trên đường; hoặc chở người trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy;
- Phạt tiền từ 300.000 – 500.000 đối với người được chở trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy.
Như vậy, áp dụng với quy định trên thì khi xử phạt lỗi không thắt dây an toàn, người có thẩm quyền xử phạt phải lập biên bản.
Lưu ý: Việc khi xử phạt lỗi không thắt dây an toàn cần có hình ảnh làm bằng chứng. Tuy nhiên để đối phó với những người chống chế, đòi phải có chứng cứ, hiện lực lượng cảnh sát giao thông đã trang bị camera, ghi hình lúc xe đang chạy để làm bằng chứng xử phạt.
Mọi người cũng xem:
6. Cơ sở pháp lý
- Luật giao thông đường bộ 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2018;
- Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2020;
- Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt;
- Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt;
- Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng.
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về vấn đề lỗi phạt không thắt dây an toàn theo quy định pháp luật hiện hành. Qua bài viết này, chúng tôi mong rằng sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Để được tư vấn đầy đủ và chính xác nhất, mời quý khách hàng liên hệ tới Tổng đài tư vấn luật giao thông trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để nhận tư vấn thêm về vấn đề mà quý khách hàng đang gặp phải.
Trân trọng./.