Trên thực tế hiện nay, các tranh chấp liên quan đến đất đai xảy ra rất phổ biến và đa phần rất phức tạp. Trong trường hợp này, các bên có thể yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đứng ra hoà giải, giải quyết các tranh chấp.
Vậy ai là người có trách nhiệm hoà giải? Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của Uỷ ban nhân dân được quy định như thế nào? Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của toà án được quy định ra sao?
Xin mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây, Công ty Luật Quang Huy chúng tôi sẽ phân tích để các bạn có thể hiểu rõ các vấn đề đã được đề cập ở phía trên.
Mọi người cũng xem:
1. Người có trách nhiệm hoà giải
Pháp luật đất đai hiện hành khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hoà giải. Tuy nhiên, phần lớn những vụ tranh chấp trên thực tế các bên không tìm được tiếng nói chung, dẫn đến tự hoà giải không thành.
Trong trường hợp đó, pháp luật hiện hành quy định các bên có quyền gửi đơn đến Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã nơi có đất tranh chấp để tiến hành hòa giải. Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp chính là cơ quan có trách nhiệm tiến hành hòa giải các tranh chấp đất đai.
Pháp luật đất đai quy định cụ thể Chủ tịch UBND cấp xã là người có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; đồng thời trong quá trình tổ chức thực hiện phải có sự phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã không được vượt quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
Việc hoà giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hoà giải không thành do UBND cấp xã thực hiện. Biên bản này được gửi tới các bên tranh chấp, đồng thời được lưu lại tại UBND cấp xã nơi có tranh chấp.
Lưu ý: Đây là thủ tục bắt buộc, nếu các bên muốn khởi kiện tại Tòa án hoặc yêu cầu UBND cấp huyện, cấp tỉnh giải quyết tranh chấp thì trước tiên phải trải qua bước hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp.
Mọi người cũng xem:
2. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của Ủy ban nhân dân
Theo pháp luật đất đai hiện hành, việc giải quyết tranh chấp đất đai của Ủy ban nhân dân phụ thuộc vào sự lựa chọn của đương sự tranh chấp đất đai, cụ thể như sau:
Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các loại giấy tờ được quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 sau đây:
- Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam;
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;
- Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất;
- Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 được Uỷ ban nhân dân cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;
- Giấy tờ thanh lý, hoá giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật;
- Giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất;
- Các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 theo quy định của Chính phủ;
Trong trường hợp này, pháp luật quy định đương sự có quyền nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền để tiến hành giải quyết.
Cụ thể, theo pháp luật hiện hành, trường hợp tranh chấp giữa những hộ gia đình, cá nhân, cộng động dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; trong trường hợp vẫn không đồng ý với quyết định giải quyết, đương sự có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Trong trường hợp tranh chấp mà một bên là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp thuộc về Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Mọi người cũng xem:
3. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của Toà án
Theo pháp luật hiện hành, tòa án có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp đất đai trong các trường hợp sau:
- Trong trường hợp tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 đã được liệt kê ở phía trên và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;
- Trong trường hợp mà đương sự không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật đất đai 2013 đã được liệt kê ở phía trên thì đương sự được quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;
- Trong trường hợp tranh chấp giữa các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau, nếu đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết của Chủ tịch UBND cấp huyện thì được quyền lựa chọn khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
- Trong trường hợp tranh chấp mà một bên là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì đương sự được quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
Mọi người cũng xem:
4. Cơ sở pháp lý
- Luật Đất đai 2013.
Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định pháp luật mới nhất mà các bạn quan tâm.
Luật Quang Huy là công ty có kinh nghiệm không chỉ trong việc tư vấn pháp luật về các vấn đề liên quan tới tranh chấp đất đai mà còn có bề dày kinh nghiệm trong vai trò là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng khi có tranh chấp đất đai xảy ra trong cả nước.
Nếu nội dung bài viết còn chưa rõ, hoặc bạn cần tư vấn, hỏi đáp thêm về dịch vụ hỗ bạn có thể kết nối tới Tổng đài tư vấn luật đất đai qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được tư vấn trực tiếp.
Trân trọng./.