Tiền tử tuất là bao nhiêu? Thủ tục hưởng tiền tuất

Với mong muốn không để sau khi người lao động mất, thân nhân của họ bỏ lỡ một khoản trợ cấp lớn, Luật Quang Huy bổ sung thêm đường dây nóng tư vấn về chế độ tử tuất. Nếu bạn có nhu cầu tư vấn về chế độ này, đừng ngần ngại, hãy liên hệ ngay cho Luật sư của chúng tôi qua Tổng đài 19006573 để được tư vấn miễn phí 24/7.

Chế độ tử tuất là một chế độ quyền lợi quan trọng của người tham gia bảo hiểm xã hội. Vậy tiền tử tuất là bao nhiêu? Thủ tục hưởng tiền tử tuất được quy định như thế nào? Trong bài viết này, Luật Quang Huy sẽ giúp bạn đọc trả lời những câu hỏi trên theo quy định hiện hành.


1. Chế độ tử tuất là gì?

Chế độ tử tuất là một trong các chế độ của bảo hiểm xã hội (BHXH) nhằm bù đắp phần thu nhập của người lao động dùng để đảm bảo cuộc sống cho thân nhân của họ hoặc các chi phí khác phát sinh do người lao động đang tham gia quan hệ lao động hoặc đang hưởng bảo hiểm xã hội bị chết.


2. Điều kiện hưởng chế độ tử tuất

Chế độ tử tuất khác với những chế độ bảo hiểm xã hội khác ở điểm có sự phân chia thành nhiều trợ cấp khác nhau. Với mỗi trợ cấp khác nhau lại có những điều kiện hưởng khác nhau.

Điểm chung của tất cả các khoản trợ cấp là người lao động đã mất phải đã hoặc đang tham gia đóng bảo hiểm xã hội và chưa rút tiền bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, với từng loại trợ cấp khác nhau sẽ lại có điều kiện hưởng khác nhau.


3. Chế độ mai táng phí

3.1. Đối tượng hưởng chế độ mai táng phí

Theo Khoản 1 Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, khi người lao động chết, người lo mai táng sẽ được nhận trợ cấp mai táng nếu người lao động:

  • Đã đóng BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian đóng mà đã đóng đủ từ 12 tháng trở lên
  • Mất do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc mất do trong thời gian điều trị do tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN)
  • Đang hưởng lương hưu, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng đã nghỉ việc.

Đối với BHXH tự nguyện thì người lo mai táng sẽ được nhận trợ cấp mai táng nếu người lao động:

  • Đã đóng BHXH tự nguyện tối thiểu 60 tháng
  • Đang hưởng lương hưu của chế độ hưu trí.
Toàn bộ những điều cần biết về chế độ tử tuất
Toàn bộ những điều cần biết về chế độ tử tuất

3.2. Điều kiện hưởng chế độ mai táng phí

Không phải người lao động nào chết thì người lo mai táng cũng được nhận trợ cấp mai táng mà trợ cấp mai táng chỉ áp dụng với những đối tượng đáp ứng điều kiện sau:

  • Người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) hoặc đang bảo lưu thời gian đóng mà đã đóng từ đủ 12 tháng trở lên;
  • Người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc chết trong thời gian điều trị do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
  • Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng đã nghỉ việc.

Lưu ý: Những lao động nêu trên bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng.

3.3. Mức hưởng chế độ mai táng phí

Theo khoản 2, khoản 3 Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người lao động chết.

Hiện nay mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng. Nếu người lao động chết thì người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng bằng 10 x 1,49 triệu đồng = 14,9 triệu đồng.


4. Trợ cấp tuất hàng tháng

4.1. Đối tượng hưởng chế độ tuất hàng tháng

Căn cứ khoản 2 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, thân nhân người lao động được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng bao gồm:

  • Con chưa đủ 18 tuổi; con từ đủ 18 tuổi trở lên bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; con được sinh khi người bố chết mà người mẹ đang mang thai;
  • Vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên; vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
  • Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc chồng, thành viên khác trong gia đình mà người lao động đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng nếu từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, 55 tuổi trở lên đối với nữ;
  • Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc chồng, thành viên khác trong gia đình mà người lao động đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng nếu dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Lưu ý:

  • Ngoại trừ con thì những thân nhân khác phải không có thu nhập hoặc có thu nhập hàng tháng thấp hơn mức lương cơ sở (thu nhập này không bao gồm khoản trợ cấp ưu đãi người có công).
  • Hiện tại, mức thu nhập phải thấp hơn 1,49 triệu đồng/tháng.

4.2. Điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng

Theo khoản 1 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, ngoài việc đáp ứng các điều kiện của trợ cấp mai táng thì người lao động còn phải thuộc một trong những trường hợp dưới đây thì thân nhân mới được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng. Cụ thể:

  • Đã đóng BHXH đủ 15 năm trở lên nhưng chưa hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần;
  • Đang hưởng lương hưu;
  • Chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
  • Đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

4.3. Mức trợ cấp tiền tuất hàng tháng

Khoản 1 Điều 68 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định mức trợ cấp tuất hàng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở. Trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hàng tháng bằng 70% mức lương cơ sở.

Hiện tại, mức trợ cấp tuất hàng tháng cho mỗi thân nhân bằng 50% x 1.490.000 đồng/tháng = 745.000 đồng/tháng; với thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng bằng 70% x 1.490.000 đồng/tháng = 1.043.000 đồng/tháng.

Lưu ý:

  • Một người lao động chết thì tối đa 04 thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng. Trường hợp có 02 người chết trở lên thì thân nhân được hưởng 02 lần mức trợ cấp nêu trên.
  • Thời điểm hưởng trợ cấp tuất hàng tháng được thực hiện từ tháng liền kề sau tháng người lao động chết. Trường hợp khi bố chết mà mẹ đang mang thai thì thời điểm hưởng trợ cấp tuất hàng tháng của con tính từ tháng con được sinh ra.

5. Trợ cấp tuất một lần

5.1. Điều kiện hưởng chế độ tuất một lần

Thân nhân của người lao động đã mất sẽ được hưởng khoản trợ cấp tuất hàng tháng nếu người lao động đáp ứng các điều kiện của trợ cấp mai táng và thuộc các trường hợp sau:

  • Không thuộc diện hưởng trợ cấp hàng tháng (không thuộc Khoản 1, Điều 67 của Luật BHXH năm 2014).
  • Thuộc diện hưởng trợ cấp hàng tháng nhưng không có thân nhân để hưởng trợ cấp hàng tháng thì được hưởng trợ cấp một lần và thực hiện theo Luật thừa kế.
  • Thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp hàng tháng nếu có mong muốn hưởng trợ cấp một lần thì sẽ được hưởng, trừ trường hợp con dưới 06 tuổi, con hoặc vợ hoặc chồng bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

5.2. Mức hưởng tiền tuất một lần

Đối với thân nhân của người đang tham gia BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH, mức hưởng trợ cấp tuất 1 lần sẽ căn cứ theo số năm đóng BHXH trước khi qua đời:

  • Trước năm 2014: trợ cấp giai đoạn này mỗi năm bằng 1.5 lần tiền lương bình quân đóng BHXH.
  • Từ 2014 trở đi: trợ cấp bằng 2 lần tiền lương bình quân đóng BHXH.

Mức trợ cấp sẽ tính bằng tổng hai giai đoạn trên nếu người tham gia trước năm 2014 có đóng BHXH. Trong đó, mức thấp nhất tính bằng 3 lần mức lương bình quân đóng BHXH.

Đối với thân nhân người đang hưởng lương hưu, mức trợ cấp 1 lần sẽ căn cứ vào thời điểm đã hưởng lương hưu:

  • Nếu 2 tháng đầu tiên hưởng lương hưu mà người hưởng qua đời thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng 48 lần mức lương hưu đang hưởng.
  • Nếu sau 2 tháng đầu mà người hưởng lương hưu qua đời thì cứ hưởng thêm 1 tháng hưu thì mức trợ cấp một lần giảm đi 0.5 lần tháng lương hưu. Mức hưởng thấp nhất không được dưới 3 tháng lương hưu. Cụ thể, mức trợ cấp tuất 1 lần = 48 x lương hưu – 0,5x (số tháng đã hưởng lương hưu – 2) x lương hưu.
Hồ sơ tử tuất
Hồ sơ tử tuất

6. Hồ sơ tử tuất

Hồ sơ hưởng chế độ tử tuất đối với thân nhân của người đang đóng BHXH và thân nhân người bảo lưu thời gian đóng BHXH gồm:

  • Bản chính sổ BHXH
  • Bản sao Giấy chứng tử hoặc bản sao Giấy báo tử hoặc trích lục khai tử hoặc bản sao Quyết định tuyên bố là đã chết của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
  • Bản chính Tờ khai của thân nhân (mẫu 09-HSB)
  • Bản chính Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định Y khoa đối với thân nhân bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc bản sao Giấy xác nhận khuyết tật mức độ đặc biệt nặng (tương đương mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên) theo quy định tại Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH trong trường hợp hưởng trợ cấp tuất hàng tháng do suy giảm khả năng lao động.
  • Trường hợp chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì có thêm Biên bản điều tra tai nạn lao động hoặc bản sao bệnh án điều trị bệnh nghề nghiệp.
  • Trường hợp thanh toán phí giám định y khoa thì có thêm Hóa đơn, chứng từ thu phí giám định kèm theo bảng kê các nội dung giám định của cơ sở thực hiện giám định y khoa.
  • Bản chính Bản khai cá nhân về thời gian, địa bàn phục vụ trong Quân đội có hưởng phụ cấp khu vực (Mẫu số 04C – HBQP ban hành kèm theo Thông tư số 136/2020/TT-BQP ngày 29/10/2020) đối với người có thời gian phục vụ trong Quân đội trước ngày 01/01/2007 tại địa bàn có hưởng phụ cấp khu vực mà sổ BHXH không thể hiện đầy đủ thông tin làm căn cứ tính phụ cấp khu vực.

Đối với thân nhân của người đang hưởng hoặc tạm dừng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, hồ sơ bao gồm:

  • Bản sao Giấy chứng tử hoặc bản sao Giấy báo tử hoặc trích lục khai tử hoặc bản sao Quyết định tuyên bố là đã chết của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
  • Bản chính Tờ khai của thân nhân (mẫu 09-HSB).
  • Bản chính Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định Y khoa đối với thân nhân bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc bản sao Giấy xác nhận khuyết tật mức độ đặc biệt nặng (tương đương mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên) theo quy định tại Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH trong trường hợp hưởng trợ cấp tuất hàng tháng do suy giảm khả năng lao động.

7. Thủ tục hưởng chế độ tử tuất của bảo hiểm xã hội

Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ

Thân nhân của người hưởng BHXH chuẩn bị hồ sơ như quy định nêu trên, tùy từng đối tượng mà hồ sơ có thể khác nhau.

Bước 2. Nộp hồ sơ

  • Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày người bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng chết thì bạn nộp hồ sơ như trình bày phía trên cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
  • Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bị chết thì bạn nộp hồ sơ như trên cho người sử dụng lao động.
  • Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ bạn, người sử dụng lao động nộp hồ sơ như phía trên cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Bước 3. Giải quyết hồ sơ

Trong thời hạn 08 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết và tổ chức chi trả cho thân nhân của người lao động.

Trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.


8. Cơ sở pháp lý

  • Luật Bảo hiểm xã hội 2014;
  • Thông tư số 136/2020/TT-BQP ngày 29/10/2020 hướng dẫn về hồ sơ, quy trình hưởng chế độ BHXH của quân nhân.
  • Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH quy định về việc xác định mức độ khuyết tật do hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện.

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về vấn đề tiền tử tuất là bao nhiêu? Thủ tục hưởng tiền tử tuất theo quy định pháp luật hiện hành. Qua bài viết này, chúng tôi mong rằng sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề chế độ tử tuất BHXH.

Để được tư vấn đầy đủ và chính xác nhất, mời quý khách hàng liên hệ qua Tổng đài tư vấn chế độ tử tuất trực tuyến của HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để nhận tư vấn thêm về vấn đề mà quý khách hàng đang gặp phải.

Trân trọng./.

5/5 - (4 bình chọn)
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

HOTLINE TƯ VẤN BHXH

Scroll to Top
Mục lục