Tuổi, cách tính lương hưu công chức nhà nước

Tuổi, cách tính lương hưu công chức nhà nước
Quyền lợi hưởng lương hưu là mối quan tâm hàng đầu của người lao động và cũng là một trong những nội dung pháp lý mà Luật Quang Huy luôn mong muốn được tư vấn chính xác để đảm bảo quyền lợi cho mỗi người. Nếu bạn đang có nhu cầu tư vấn chế độ hưu trí, đừng ngần ngại, hãy liên hệ ngay cho Luật sư qua Tổng đài 19006573 để được tư vấn miễn phí 24/7.

Lương hưu luôn là vấn đề mà mọi người lao động quan tâm trong đó có cả cán bộ, công chức, viên chức – những người làm việc trong các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Qua bài viết sau đây, Luật Quang Huy xin cung cấp đến bạn đọc đầy đủ các thông tin liên quan đến cách tính lương hưu công chức nhà nước.


1. Tuổi nghỉ hưu của cán bộ, công chức, viên chức

Theo khoản 1 Điều 31 và khoản 1 Điều 60 Luật Cán bộ, công chức năm 2008, cán bộ, công chức nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Luật Viên chức năm 2010 thì viên chức được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Do đó, về tuổi nghỉ hưu của cán bộ, công chức, viên chức cũng được thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định số 135/2020/NĐ-CP quy định về tuổi nghỉ hưu.

1.1. Tuổi nghỉ hưu cán bộ công chức viên chức trong điều kiện bình thường

Căn cứ theo Điều 169 Bộ Luật Lao động năm 2019 và Điều 4 Nghị định số 135/2020/NĐ-CP quy định về tuổi nghỉ hưu, tuổi nghỉ hưu của cán bộ, công chức, viên chức trong điều kiện bình thường được điều chỉnh như sau:

  • Trong điều kiện bình thường, tuổi nghỉ hưu của cán bộ công chức viên chức là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ.
  • Sau đó, cứ mỗi năm độ tuổi nghỉ hưu sẽ tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam, 04 tháng đối với lao động nữ đến khi nào đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện theo bảng dưới đây:

Lao động nam Lao động nữ
Năm nghỉ hưu Tuổi nghỉ hưu Năm nghỉ hưu Tuổi nghỉ hưu
2021 60 tuổi 3 tháng 2021 55 tuổi 4 tháng
2022 60 tuổi 6 tháng 2022 55 tuổi 8 tháng
2023 60 tuổi 9 tháng 2023 56 tuổi
2024 61 tuổi 2024 56 tuổi 4 tháng
2025 61 tuổi 3 tháng 2025 56 tuổi 8 tháng
2026 61 tuổi 6 tháng 2026 57 tuổi
2027 61 tuổi 9 tháng 2027 57 tuổi 4 tháng
Từ năm 2028 trở đi 62 tuổi 2028 57 tuổi 8 tháng
2029 58 tuổi
2030 58 tuổi 4 tháng
2031 58 tuổi 8 tháng
2032 59 tuổi
2033 59 tuổi 4 tháng
2034 59 tuổi 8 tháng
Từ năm 2035 trở đi 60 tuổi

1.2. Tuổi nghỉ hưu của cán bộ công chức nhà nước, viên chức về hưu trước tuổi

1.2.1. Tuổi nghỉ hưu khi về hưu sớm 5 tuổi

Theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 135/2020/NĐ-CP, cán bộ, công chức, viên chức được về hưu trước tuổi tối đa 05 tuổi nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên;
  • Có một trong các điều kiện sau:
  • Đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
  • Đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0.7 trở lên trước 01/01/2021;
  • Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

Dưới đây là bảng chi tiết về tuổi nghỉ hưu thấp nhất của của cán bộ, công chức, viên chức:

Lao động nam Lao động nữ
Năm nghỉ hưu Tuổi nghỉ hưu thấp nhất Năm nghỉ hưu Tuổi nghỉ hưu thấp nhất
2021 55 tuổi 3 tháng 2021 50 tuổi 4 tháng
2022 55 tuổi 6 tháng 2022 50 tuổi 8 tháng
2023 55 tuổi 9 tháng 2023 51 tuổi
2024 56 tuổi 2024 51 tuổi 4 tháng
2025 56 tuổi 3 tháng 2025 51 tuổi 8 tháng
2026 56 tuổi 6 tháng 2026 52 tuổi
2027 56 tuổi 9 tháng 2027 52 tuổi 4 tháng
Từ năm 2028 trở đi 57 tuổi 2028 52 tuổi 8 tháng
2029 53 tuổi
2030 53 tuổi 4 tháng
2031 53 tuổi 8 tháng
2032 54 tuổi
2033 54 tuổi 4 tháng
2034 54 tuổi 8 tháng
Từ năm 2035 trở đi 55 tuổi

1.2.2. Tuổi nghỉ hưu khi về hưu sớm 10 tuổi

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019, cán bộ, công chức, viên chức được về hưu sớm hơn 10 tuổi so với độ tuổi của người lao động ở điều kiện bình thường nếu đáp ứng các điều kiện:

  • Đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên;
  • Bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Tuổi nghỉ hưu của cán bộ, công chức, viên chức khi về hưu sớm hơn 10 tuổi cụ thể như sau:

Lao động nam Lao động nữ
Năm nghỉ hưu Tuổi nghỉ hưu thấp nhất Năm nghỉ hưu Tuổi nghỉ hưu thấp nhất
2021 50 tuổi 3 tháng 2021 45 tuổi 4 tháng
2022 50 tuổi 6 tháng 2022 45 tuổi 8 tháng
2023 50 tuổi 9 tháng 2023 46 tuổi
2024 51 tuổi 2024 46 tuổi 4 tháng
2025 51 tuổi 3 tháng 2025 46 tuổi 8 tháng
2026 51 tuổi 6 tháng 2026 47 tuổi
2027 51 tuổi 9 tháng 2027 47 tuổi 4 tháng
Từ năm 2028 trở đi 52 tuổi 2028 47 tuổi 8 tháng
2029 48 tuổi
2030 48 tuổi 4 tháng
2031 48 tuổi 8 tháng
2032 49 tuổi
2033 49 tuổi 4 tháng
2034 49 tuổi 8 tháng
Từ năm 2035 trở đi 50 tuổi

1.3. Tuổi nghỉ hưu cán bộ công chức viên chức khi bị tinh giản biên chế

Hiện nay, tinh giản biên chế vẫn luôn là chính sách được các cơ quan Nhà nước thực hiện quyết liệt nhằm loại bỏ khỏi hàng ngũ những cán bộ, công chức, viên chức không đủ năng lực, phẩm chất.

Tuổi, cách tính lương hưu công chức nhà nước
Tuổi, cách tính lương hưu công chức nhà nước

Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 108/2014/NĐ-CP, tinh giản biên chế được hiểu là việc đánh giá, phân loại, đưa ra khỏi biên chế những người dôi dư, không đáp ứng được yêu cầu công việc, không thể tiếp tục bố trí, sắp xếp công tác khác và giải quyết chế độ, chính sách cho những người thuộc diện tinh giản biên chế.

Cụ thể theo quy định tại Điều 6 Nghị định 108/2014/NĐ-CP; Khoản 2, 3, 4, 5 Điều 1 Nghị định 113/2018/NĐ-CP và Khoản 1 Điều 1 Nghị định 143/2020/NĐ-CP thì có 13 đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế sau:

  • Cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự;
  • Cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác;
  • Cán bộ, công chức, viên chức chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ hoặc được cơ quan, đơn vị bố trí việc làm khác nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;
  • Cán bộ, công chức, viên chức có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm nên không hoàn thành nhiệm vụ được giao nhưng không thể bố trí việc làm khác hoặc được cơ quan, đơn vị bố trí việc làm khác nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;
  • Cán bộ, công chức, viên chức có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức có 01 năm được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp hoặc không hoàn thành nhiệm vụ trong năm trước liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế những cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;
  • Cán bộ, công chức, viên chức có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, viên chức có 1 năm được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp hoặc không hoàn thành nhiệm vụ trong năm trước liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế những cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;
  • Có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế mà trong từng năm đều có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh và của cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định của pháp luật hoặc năm trước liên kế tại thời điểm xét tinh giản biên chế có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh và của cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định của pháp luật nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;
  • Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ dôi dư do sắp xếp lại tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự;
  • Viên chức, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn tại các đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự dôi dư do sắp xếp lại tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự;
  • Chủ tịch công ty, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng, kiểm soát viên của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu dôi dư do thực hiện cổ phần hóa, giao, bán, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, phá sản hoặc chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc chuyển thành đơn vị sự nghiệp công lập theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
  • Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng của các nông, lâm trường quốc doanh dôi dư do sắp xếp lại theo quy định của Nghị định 118/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2014;
  • Những người là cán bộ, công chức được cơ quan có thẩm quyền cử tham gia quản lý hoặc đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước mà dôi dư do cơ cấu lại doanh nghiệp đó;
  • Những người làm việc trong biên chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cho các hội thuộc danh sách dôi dư do sắp xếp lại tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 143/2020/NĐ-CP, cán bộ, công chức, viên chức được hưởng chính sách về hưu trước tuổi do tinh giản biên chế thì tuổi nghỉ hưu được quy định như sau:

STT Đối tượng Thời gian đóng bảo hiểm xã hội Chế độ hưởng
1 Tuổi thấp hơn tối đa đủ 5 tuổi và thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu tối thiểu quy định tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động. Đủ 20 năm trở lên, trong đó có:

– Đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; hoặc

– Đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0.7 trở lên

– Chế độ hưu trí;

– Không bị trừ tỷ lệ lương hưu vì nghỉ hưu trước tuổi;

– Trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi;

– Trợ cấp 05 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác, đóng đủ bảo hiểm xã hội, từ năm 21 trở đi, mỗi năm được trợ cấp thêm một nửa tháng tiền lương.

2 Tuổi thấp hơn tối đa đủ 5 tuổi và thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động. Đủ 20 năm bảo hiểm xã hội trở lên – Chế độ hưu trí;

– Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi;

– Trợ cấp 05 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác, đóng đủ bảo hiểm xã hội, từ năm 21 trở đi, mỗi năm được trợ cấp thêm một nửa tháng tiền lương;

– Trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.

3 Tuổi thấp hơn 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu tối thiểu quy định tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động. Đủ 20 năm trở lên, trong đó có:

– Đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; hoặc

– Đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0.7 trở lên

– Chế độ hưu trí;

– Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.

4 Tuổi thấp hơn 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động. Đủ 20 năm bảo hiểm xã hội trở lên – Chế độ hưu trí;

– Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.


2. Cách tính lương hưu công chức nhà nước, cán bộ, viên chức

2.1. Mức hưởng lương hưu hằng tháng

Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, lương hưu hàng tháng của công chức nhà nước, cán bộ, viên chức được tính theo theo công thức như sau:

Lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng (%) x Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội

Cụ thể:

  • Tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng như sau:
  • Đối với lao động nam: Nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi, đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội thì được hưởng 45%. Sau đó, cứ thêm mỗi năm được tính thêm 2%. Mức hưởng tối đa là 75%.
  • Đối với lao động nữ: Đóng đủ 15 năm bảo hiểm xã hội thì được hưởng 45%. Sau đó, cứ thêm mỗi năm được tính thêm 2%. Mức hưởng tối đa là 75%.
  • Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu trước tuổi quy định do suy giảm khả năng lao động theo quy định thì tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu hàng tháng được tính như trên, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.
  • Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội
Mbqtl = Tổng số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội  của (T) thời gian năm cuối trước khi nghỉ việc : (Tx12 tháng)

Trong đó:

  • Mbqtl: Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
  • Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Tiền lương này được tính trên mức lương cơ sở tại thời điểm tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
  • T là số năm đóng bảo hiểm xã hội được tính theo bảng sau:
Thời gian bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội Số năm cuối để tính bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội (T)
Trước ngày 01/01/1995 5 năm
Từ 01/01/1995 đến 31/12/2000 6 năm
Từ 01/01/2001 đến 31/12/2006 8 năm
Từ 01/01/2007 đến 31/12/2015 10 năm
Từ 01/01/2016 đến 31/12/2019 15 năm
Từ 01/01/2020 đến 31/12/2024 20 năm
Từ 01/01/2025 Toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội

2.2. Trợ cấp một lần

Theo quy định tại Điều 58 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì cán bộ, công chức, viên chức có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.

Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Cụ thể, mức trợ cấp một lần được tính theo công thức sau:

Mức trợ cấp một lần = (Số năm đóng bảo hiểm xã hội Số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%) x 1/2 tháng mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội

Trong đó:

  • Số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% được tính như sau:
  • Đối với lao động nam: Đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội thì được 45%; sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính thêm 2%. Khi đó, số năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 75% = 20 năm + (75% – 45%) : 2% = 35 năm.
  • Đối với lao động nữ: Đóng đủ 15 năm bảo hiểm xã hội thì được 45%; sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính thêm 2%. Khi đó, số năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 75% = 15 năm + (75% – 45%) : 2% = 30 năm.
  • Mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội được hướng dẫn cụ thể như trên.

3. Về thời điểm hưởng lương hưu

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 135/2020/NĐ-CP quy định về tuổi nghỉ hưu thì thời điểm nghỉ hưu là kết thúc ngày cuối cùng của tháng đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Đối với trường hợp người lao động tiếp tục làm việc sau khi đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định thì thời điểm nghỉ hưu là thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động. Thời điểm hưởng chế độ hưu trí là bắt đầu ngày đầu tiên của tháng liền kề sau thời điểm nghỉ hưu.

Trường hợp hồ sơ của người lao động không xác định được ngày, tháng sinh mà chỉ có năm sinh thì lấy ngày 1 tháng 1 của năm sinh để làm căn cứ xác định thời điểm nghỉ hưu và thời điểm hưởng chế độ hưu trí.

Như vậy, cán bộ, công chức viên chức sẽ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày đầu tiên của tháng liền kề sau tháng đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật lao lao động hiện hành.


4. Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật lao động năm 2019;
  • Luật Cán bộ, công chức năm 2008 sửa đổi năm 2019;
  • Luật viên chức năm 2010 sửa đổi năm 2019;
  • Nghị định số 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế;
  • Nghị định số 113/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của chính phủ về chính sách tinh giản biên chế;
  • Nghị định số 135/2020/NĐ-CP quy định về tuổi nghỉ hưu;
  • Nghị định số 143/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.

Qua bài viết này, Luật Quang Huy mong rằng sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về cách tính lương hưu công chức nhà nước.

Luật Quang Huy không chỉ là công ty luật có kiến thức chuyên sâu về pháp luật bảo hiểm mà còn có kinh nghiệm trong việc tính lương hưu cho người lao động.

Nếu còn điều gì chưa rõ, cần hỗ trợ, các bạn có thể liên hệ đến Tổng đài tư vấn luật bảo hiểm xã hội trực tuyến của Luật Quang Huy qua HOTLINE 19006588.

Trân trọng./.

5/5 - (1 bình chọn)
Nguyễn Thị Huyền
Nguyễn Thị Huyền
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Huyền. Hiện đang là Trưởng phòng Quản lý Nhân sự tại Công ty Luật TNHH Quang Huy và Cộng sự. Chuyên về các vấn đề pháp lý liên quan đến pháp luật lao động, pháp luật bảo hiểm,...
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

HOTLINE TƯ VẤN BHXH

Scroll to Top