Cách tính bảo hiểm xã hội 1 lần như thế nào?

Cách tính bảo hiểm xã hội 1 lần

Trong suốt quá trình tư vấn pháp luật, chúng tôi luôn nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan đến cách tính bảo hiểm xã hội. Việc nắm được cách tính bảo hiểm xã hội 1 lần giúp người lao động đối chiếu được với số tiền họ rút xem đã chính xác hay chưa hoặc để xem xét có nên rút tiền bảo hiểm hay không. Hiểu được điều đó, Luật Quang Huy đã viết bài viết chi tiết hướng dẫn cụ thể cho bạn cách tính bảo hiểm xã hội mới nhất, chính xác nhất theo pháp luật hiện hành


1. Điều kiện hưởng tiền bảo hiểm xã hội 1 lần

Theo các văn bản pháp luật hiện hành, để được hưởng tiền bảo hiểm xã hội 1 lần, người lao động phải đáp ứng được điều kiện như sau:

  • Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội;
  • Lao động nữ là cán bộ, công chức xã hoặc hoạt động không chuyên trách ở cấp xã từ đủ 55 tuổi 08 tháng (năm 2022) mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện;
  • Ra nước ngoài để định cư;
  • Đang mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;
  • Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, học viên quân đội, công an,… khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu;
  • Tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau 01 năm nghỉ việc hoặc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau 01 năm không tiếp tục đóng mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội.

Hiện nay, trường hợp lãnh bảo hiểm xã hội sau 1 năm nghỉ việc là trường hợp chiếm đa số.


2. Công thức tính tiền bảo hiểm xã hội

Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:

  • 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;
  • 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Như vậy với quy định về cách tính tiền bảo hiểm xã hội 1 lần như trên ta có thể suy ra công thức tính bảo hiểm xã hội như sau:

Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần = (1.5 x mức bình quân tiền lương x thời gian tham gia đóng bảo hiểm trước năm 2014) + (2 x mức bình quân tiền lương x thời gian tham gia đóng bảo hiểm sau năm 2014)

Trong đó:

  • Với cách tính tiền đóng bảo hiểm xã hội thì thời gian tham gia bảo hiểm xã hội sẽ được tính theo năm.
  • Trường hợp có tháng lẻ thì sẽ áp dụng quy tắc làm tròn:
  • Từ 01 – 06 tháng được tính là nửa năm,
  • Từ 07 – 11 tháng được tính là một năm.
  • Trường hợp tính đến trước ngày 01/01/2014, nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 01/01/2014 trở đi để làm căn cứ tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
  •  Mbqtl là mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội trong quá trình tham gia bảo hiểm xã hội:
Mbqtl = (Số tháng đóng BHXH x Tiền lương tháng đóng BHXH x Mức điều chỉnh hàng năm) : Tổng số tháng đóng BHXH

Mức điều chỉnh tiền lương năm 2022 đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau:

Mức điều chỉnh tiền lương năm 2022 đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
Mức điều chỉnh tiền lương năm 2022 đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

Đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, mức điều chỉnh tiền lương năm 2022 như sau:

Mức điều chỉnh tiền lương năm 2022 đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Mức điều chỉnh tiền lương năm 2022 đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Đối với trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Để giúp bạn hiểu rõ hơn về cách tính bảo hiểm xã hội một lần, nội dung dưới đây chúng tôi sẽ hướng dẫn cho bạn các ví dụ cụ thể.


3. Ví dụ về cách tính tiền bảo hiểm xã hội 1 lần

3.1. Đối với người lao động có toàn bộ thời gian làm việc Nhà nước

Đối với người lao động có toàn bộ thời gian làm việc tại Nhà nước, có toàn bộ thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội với chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, việc tính mức bình quân tiền lương sẽ phụ thuộc vào thời điểm người đó bắt đầu tham gia đóng bảo hiểm xã hội là khi nào.

Cụ thể, mức bình quân tiền lương được tính như sau:

Mức bình quân tiền lương = Tổng số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của t năm cuối trước khi nghỉ việc
t x 12 tháng

Trong đó “t” là số năm cuối người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội căn cứ vào thời gian người lao động bắt đầu tham gia đóng và được xác định cụ thể như sau:

Thời gian bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội Số năm cuối để tính mức bình quân tiền lương (t)
Trước ngày 01/01/1995 5 năm
Từ 01/01/1995 đến 31/12/2000 6 năm
Từ 01/01/2001 đến 31/12/2006 8 năm
Từ 01/01/2007 đến 31/12/2015 10 năm
Từ 01/01/2016 đến 31/12/2019 15 năm
Từ 01/01/2020 đến 31/12/2024 20 năm
Từ 01/01/2025 Toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội

Ngoài ra, khi tính mức bình quân tiền lương, cần lưu ý pháp luật có quy định về việc điều chỉnh tiền lương tham gia đóng bảo hiểm xã hội của người lao động để đảm bảo không có sự chênh lệch về giá trị của đồng tiền quá nhiều.

Việc điều chỉnh tiền lương của người lao động thực hiện chế độ tiền lương do nhà nước quy định sẽ được được điều chỉnh như sau:

  • Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 thì điều chỉnh theo mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng chế độ, ví dụ tại thời điểm hiện tại là 1.490.000 đồng.
  • Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở đi thì việc điều chỉnh tiền lương theo bảng hệ số trượt giá.

Ví dụ 1:

Anh A là công chức nhà nước, bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 01 năm 1994, 5 năm gần nhất anh có hệ số lương là 4.00. Đến tháng 1 anh A nghỉ việc.

Đến tháng 2 anh A làm hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần và anh A muốn biết cách tính mức lương bình quân hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần.

Theo cách tính bảo hiểm 1 lần được trình bày ở trên thì mức bình quân tiền lương của anh A là:

Mức bình quân tiền lương = 4.00 x 1.490.000 x 60
60

3.2 Đối với người lao động có toàn bộ thời gian làm việc tư nhân

Đối với người lao động có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định hoặc đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện muốn thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian đóng.

Trong đó cần lưu ý, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương đã được điều chỉnh theo bảng hệ số trượt giá do Bộ Lao động – thương binh và xã hội ban hành như sau:

Ví dụ 2: Chị Ngọc có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội như sau:

  • 1/2014 đến 12/2014: 3.500.000 đồng
  • 1/2015 đến 12/2015: 4.000.000 đồng
  • 1/2016 đến 12/2016: 5.000.000 đồng.
  • 1/2017 đến 12/2019: 6.000.000 đồng;
  • 1/2020 đến 2/2021: 7.000.000 đồng.

Tổng thời gian tham gia là 7 năm 2 tháng. Chị Ngọc muốn biết cách tính bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc

Muốn xác định được cách tính tiền lãnh bảo hiểm xã hội của chị Ngọc thì trước hết ta phải tính được mức bình quân tiền lương thời gian đóng bảo hiểm xã hội của chị Ngọc là:

Mức bình quân tiền lương của chị Ngọc  

=

(3.500.000 x 12 x 1.20) + (4.000.000 x 12 x 1.19) + (5.000.000 x 12 x 1.16) + (6.000.000 x 12 x 1.12) + (6.000.000 x 12 x 1.08) + (6.000.000 x 12 x 1.05) + (7.000.000 x 12 x 1.02) + (7.000.000 x 2 x 1.00)  

= 5.939.535 (đồng)

86

Vậy mức hưởng của chị Ngọc là = 7,5 x 2 x 5.939.535 = 89.093.025 (đồng)

Hướng dẫn cách tính bảo hiểm xã hội chi tiết
Hướng dẫn cách tính bảo hiểm xã hội chi tiết

3.3 Đối với người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Công thức tính bảo hiểm xã hội 1 lần của người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tương tự như công thức tính của người lao động có toàn bộ thời gian làm việc tư nhân.

Đối với chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện thì đến năm 2008 mới áp dụng mức tiền trượt giá vào công thức tính hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần. Hệ số trượt giá hiện nay được áp dụng như sau:

Ví dụ: chị Hà tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ tháng 4/2012 đến tháng 7/2018 với thời gian cụ thể như sau:

  • 4/2012 đến 12/2013: 3.800.000 đồng;
  • 1/2014 đến 6/2015: 4.000.000 đồng;
  • 7/2015 đến 12/2017: 4.500.000 đồng;
  • 1/2018 đến 12/2018: 4.700.000 đồng.
  • 1/2019 đến 12/2019: 5.500.000 đồng;
  • 1/2020 đến 2/2021: 6.100.000 đồng.

Tổng thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội của chị Hà là 8 năm 11 tháng. Chị Hà muốn biết cách tính bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc

Muốn xác định được cách tính tiền lãnh bảo hiểm xã hội của chị Hà thì trước hết ta phải tính được mức bình quân tiền lương thời gian đóng bảo hiểm xã hội của chị Hà là:

Mức bình quân tiền lương của chị Ngọc  

=

(3.800.000 x 9 x 1,33) + (3.800.000 x 12 x 1,25) + (4.000.000 x 12 x 1,20) + (4.000.000 x 6 x 1,19) + (4.500.000 x 6 x 1,19) + (4.500.000 x 12 x 1,16) + (4.500.000 x 12 x 1,12) + (4.700.000 x 12 x 1,08) + (5.500.000 x 12 x 1,05) + (6.100.000 x 12 x 1,02) + (6.100.000 x 2 x 1,00)  

= 5.242.729 (đồng)

107

Vậy mức hưởng của chị Hà là = (5.242.729 x 1,5 x 1) + (5.242.729 x 2 x 8) = 91.747.758 (đồng).


3.4 Đối với người lao động vừa có thời gian làm việc Nhà nước vừa có thời gian làm việc Ngoài Nhà nước

Đối với người lao động vừa có thời gian làm việc tại nhà nước vừa có thời gian làm việc ngoài nhà nước, để tính bảo hiểm xã hội một lần, bạn phải tính riêng mức bình quân tiền lương của từng giai đoạn.

Sau đó lấy trung bình cộng của hai mức này để tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ tính tiền bảo hiểm xã hội một lần.

Nếu quy ước mức bình quân tiền lương trong khoảng thời gian làm tại nhà nước là 1 và mức bình quân tiền lương trong khoảng thời gian làm ngoài nhà nước là 2 thì cách tính bảo hiểm xã hội lấy 1 lần như sau:

Mức bình quân tiền lương = Mức bình quân tiền lương 1 + Mức bình quân tiền lương 2
2

Sau khi tính được mức bình quân tiền lương, bạn tính thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2014 và sau năm 2014 như bình thường và thay số vào công thức đã nêu để tính tiền bảo hiểm xã hội một lần.


3.5 Đối với người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dưới 1 năm

Đối với người lao động có thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội dưới 1 năm thì cách tính tiền bảo hiểm được quy định như sau:

Mức tiền bảo hiểm một lần = 22% x Tổng mức tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội

Ví dụ 3: Anh Đức tham gia bảo hiểm xã hội năm 2020 và 2021 được 9 tháng với mức lương tham gia là 5.000.000 đồng/01 tháng.

Vậy cách tính lãnh bảo hiểm xã hội 1 lần anh Đức được tính như sau

Mức tiền bảo hiểm một lần = 22 % x (5.000.000 x 9 tháng x 1) = 9.900.000 (đồng)

Cần lưu ý, mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người có thời gian tham gia đóng bảo hiểm dưới 1 năm sẽ không được vượt quá 2 lần mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Như trong ví dụ 3 mức bình quân tiền lương của anh Đức là 5.000.000 (đồng), vậy số tiền bảo hiểm một lần mà anh Đức nhận được sẽ không được vượt quá: 2 x 5.000.000 = 10.000.000 (đồng)


4. Cơ sở pháp lý

  • Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014;
  • Nghị định số 115/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc;
  • Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Trên đây là toàn bộ câu trả lời của Luật Quang Huy về vấn đề cách tính hưởng BHXH 1 lần. Tính tiền bảo hiểm xã hội 1 lần khá phức tạp và mất nhiều thời gian với người lao động

Nếu nội dung tư vấn trên còn chưa rõ, có nội dung gây hiểu nhầm hoặc có thắc mắc cần tư vấn cụ thể hơn về cách tính tiền BHXH 1 lần hay cần hỗ trợ tính mức hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần chính xác, bạn có thể kết nối tới Tổng đài tư vấn bảo hiểm xã hội trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được tư vấn trực tiếp.

Trân trọng./.

4.6/5 - (43 bình chọn)
Nguyễn Thị Huyền
Nguyễn Thị Huyền
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Huyền. Hiện đang là Trưởng phòng Quản lý Nhân sự tại Công ty Luật TNHH Quang Huy và Cộng sự. Chuyên về các vấn đề pháp lý liên quan đến pháp luật lao động, pháp luật bảo hiểm,...
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

HOTLINE TƯ VẤN BHXH

Scroll to Top