Điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần

Điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần

Điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần:

  • Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội
  • Sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội
  • Ra nước ngoài để định cư
  • Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng

1. Điều kiện hưởng BHXH 1 lần khi tham gia bảo hiểm bắt buộc

Theo Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 và Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, người lao động có nhu cầu hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần khi thuộc các trường hợp sau:

1.1 Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội

Người lao động đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội.

Độ tuổi hưởng lương hưu hiện nay được quy định như sau:

  • Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.
  • Tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Trường hợp lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội chưa đủ 15 năm và đủ tuổi hưởng lương hưu như trên.

1.2 Sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội

Người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm (ít hơn 19 năm 11 tháng) thì sau một năm nghỉ việc, không tham gia đóng bảo hiểm xã hội và không có nhu cầu tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội nữa thì có thể nộp hồ sơ yêu cầu để hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Có quy định này để tạo điều kiện cho những người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa quá dài, sau khi nghỉ việc hơn 1 năm không có nhu cầu đi làm việc tiếp, tham gia đóng bảo hiểm xã hội có thể rút số tiền bảo hiểm xã hội đã đóng.

1.3 Ra nước ngoài để định cư

Người lao động ra nước ngoài để định cư là một trong những trường hợp được hưởng bảo hiểm xã hội mà không cần chờ đủ 01 năm kể từ khi chấm dứt hợp đồng lao động với doanh nghiệp.

Ở đây cần phân biệt đi định cư ở nước ngoài khác với đi xuất khẩu lao động.

Theo khoản 3 Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 có quy định về khái niệm ra nước ngoài để định cư như sau:

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.

Bên cạnh đó để được rút bảo hiểm xã hội 1 lần trường hợp này thì người lao động phải có những giấy tờ như sau:

Phi nộp thêm bn sao giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bản dịch tiếng Việt được chng thực hoặc công chứng một trong các giấy tờ sau đây:

  • Hộ chiếu do nước ngoài cấp.
  • Thị thực của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp xác nhận việc cho phép nhập cảnh với lý do định cư ở nước ngoài.
  • Giấy tờ xác nhận về việc đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài; giấy tờ xác nhận hoặc thẻ thường trú, cư trú có thời hạn từ 05 năm trở lên của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp.

1.4 Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng

Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế Điều 4 Thông tư 56/2017/TT-BYT cũng quy định như sau:

Điều 4. Bệnh được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần

Các bệnh được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần gồm:

Ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS đồng thời không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.

Các bệnh, tật ngoài các bệnh quy định tại khoản 1 Điều này có mức suy giảm khả năng lao động hoặc mức độ khuyết tật từ 81% trở lên và không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.

Vậy người lao động mắc những chứng bệnh trên sẽ được hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần mà không phải chờ 1 năm nghỉ việc.

1.5 Các trường hợp khác

Với các đối tượng như sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí sau khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu thì được giải quyết để hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần.


2. Điều kiện lãnh bảo hiểm xã hội khi tham gia bảo hiểm tự nguyện

Hưởng bảo hiểm xã hội khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được quy định như thế nào?

Nhìn chung, pháp luật hiện nay không có nhiều sự khác biệt về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội của người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện.

Do đó, nếu có nhu cầu, thì người lao động tham gia 02 chế độ này vẫn sẽ được giải quyết việc hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần như nhau nếu đáp ứng đủ điều kiện lãnh bảo hiểm xã hội.

5/5 - (1 bình chọn)

TÁC GIẢ BÀI VIẾT

Nguyễn Thị Huyền
Nguyễn Thị Huyền
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Huyền. Hiện đang là Trưởng phòng Quản lý Nhân sự tại Công ty Luật TNHH Quang Huy và Cộng sự. Chuyên về các vấn đề pháp lý liên quan đến pháp luật lao động, pháp luật bảo hiểm,...
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

HOTLINE TƯ VẤN BHXH

Scroll to Top