Những điều cần biết về mẫu hợp đồng vận chuyển hàng hoá

Quy định của pháp luật dân sự về hợp đồng vận chuyển hàng hóa
Lưu ý: Đây chỉ là mẫu hợp đồng áp dụng cho các trường hợp chung. Trên thực tế sẽ có nhiều điều khoản mà các bên cần thống nhất lại. Nếu bạn cần hợp đồng cụ thể, chi tiết để có thể đảm bảo quyền lợi cho mình, vui lòng gọi hotline 1900.6784 để được đội ngũ luật sư tư vấn và hỗ trợ soạn thảo hợp đồng.

Nền kinh tế hàng hóa của Việt Nam ngày càng phát triển kéo theo nhu cầu vận chuyển hàng ngày càng gia tăng.

Đây là một biểu hiện tốt của nền kinh tế đang trên đà phát triển.

Để hạn chế rủi ro hai bên sẽ giao kết hợp đồng. Vậy hợp đồng vận chuyển hàng hóa là gì?

Sau đây, Luật Quang Huy xin cung cấp nội dung pháp lý đối với quy định về hợp đồng vận chuyển hàng hóa như sau:


1. Hợp đồng vận chuyển hàng hóa là gì?

Hàng hóa cũng là một loại tài sản vì thể hợp đồng vận chuyển hàng hóa sẽ mang bản chất của hợp đồng vận chuyển tài sản.

Điều 530 Bộ luật dân sự có quy định về hợp đồng vận chuyển tài sản như sau:

“Hợp đồng vận chuyển tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản đến địa điểm đã định theo thỏa thuận và giao tài sản đó cho người có quyền nhận, bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển.”

Trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa, các chủ thể có quyền thỏa thuận tất cả những điều khoản liên quan đến nội dung hợp đồng.

Hợp đồng vận chuyển hàng hóa mang đầy đủ đặc điểm của hợp đồng vận chuyển tài sản về: chủ thể, quyền và nghĩa vụ của các bên.


2. Mẫu hợp đồng vận chuyển hàng hoá

Bạn có thể tham khảo mẫu hợp đồng vận chuyển hàng hoá theo link dưới đây:

TẢI MẪU HỢP ĐỒNG VẬN CHUYỂN HÀNG HOÁ


3. Chủ thể của hợp đồng vận chuyển hàng hóa

Vận chuyển hàng hóa là một giao giao dịch dân sự bình thường vì thế các bên trong hợp đồng là chủ thể của giao dịch dân sự theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015:

“Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện.”

Chủ thể của hợp đồng vận chuyển hàng hóa phải là người có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi phù hợp.

Ngoài ra khi tham gia vào giao dịch đó chủ thể tham gia phải tự nguyện không bị ép buộc hay lừa dối, đe dọa.


4. Đối tượng của hợp đồng vận chuyển hàng hóa

Đối tượng của hợp đồng vận chuyển hàng hóa là hàng hóa.

Theo đó, hàng hóa sẽ bao gồm tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai.

Hàng hóa trong hợp đồng vận chuyển không được là hàng cấm, hàng nguy hiểm đến tính mạng, hàng cấm lưu thông trên thị trường.


5. Nội dung và hình thức của hợp đồng vận chuyển hàng hóa

5.1 Nội dung

Nội dung của hợp đồng vận chuyển hàng hóa là:

  • Những thỏa thuận của các bên theo đó bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản đến địa điểm đã định theo thỏa thuận và giao tài sản đó cho người có quyền nhận;
  • Bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển.

Cụ thể đó là những nội dung về: thời gian, địa điểm giao hàng, số lượng, chất lượng hàng hóa, quyền và nghĩa vụ của các bên trong một số trường hợp có thể xảy ra.

5.2 Hình thức

Theo quy định tại Điều 531 Bộ luật dân sự thì:

” Hợp đồng vận chuyển tài sản được giao kết bằng văn bản, bằng lời nói hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.”

Như vậy hình thức của hợp đồng vận chuyển hàng hóa rất đa dạng, có thể bằng văn bản, lời nói thậm chí chỉ là hành vi.

Các vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển tương đương khác là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng giữa các bên.


6. Quyền và nghĩa vụ của bên vận chuyển hàng hóa

6.1 Quyền của bên vận chuyển hàng hóa

Theo quy định thì bên vận chuyển có các quyền sau đây

  • Kiểm tra sự xác thực của tài sản, của vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển tương đương khác (kiểm tra số lượng, chất lượng…giữa vận đơn hoặc chứng từ với thực tế).
  •  Từ chối vận chuyển tài sản không đúng với loại tài sản đã thỏa thuận trong hợp đồng.
  •  Yêu cầu bên thuê vận chuyển thanh toán đủ cước phí vận chuyển đúng thời hạn. Mức cước phí vận chuyển do các bên thỏa thuận; nếu pháp luật có quy định về mức cước phí vận chuyển thì áp dụng mức cước phí đó.
  •  Từ chối vận chuyển tài sản cấm giao dịch, tài sản có tính chất nguy hiểm, độc hại, nếu bên vận chuyển biết hoặc phải biết.

6.2 Nghĩa vụ của bên vận chuyển hàng hóa

Một trong những nghĩa vụ của bên vận chuyển là bảo đảm vận chuyển tài sản đầy đủ, an toàn đến địa điểm đã định, theo đúng thời hạn.

Bên vận chuyển phải có trách nhiệm bảo quản tài sản, phải áp dụng mọi biện pháp bảo đảm cho việc vận chuyển tài sản đến địa điểm đã được xác định trong hợp đồng một cách an toàn, đúng thời hạn, không để mất mát, hư hỏng tài sản.

Đồng thời, có nghĩa vụ giao tài sản cho người có quyền nhận.

Dù đã chuyên chở tài sản đến địa điểm nhưng không giao tài sản cho đúng người có quyền nhận dẫn đến mất mát, thất thoát tài sản thì bên vận chuyển sẽ phải chịu trách nhiệm.

Do đó, khi bàn giao tài sản, bên vận chuyển phải kiểm tra có đúng đối tượng có quyền nhận hay không thì mới giao.

Trong quá trình vận chuyển bên vận chuyển phải chịu:

  • Chi phí liên quan đến việc chuyên chở tài sản, không yêu cầu bên thuê vận chuyển chịu những chi phí phát sinh trong quá trình vận chuyển như chi phí xăng, dầu;
  • Chi phí cho người bảo vệ tài sản trên đường vận chuyển;
  • Chi phí bảo quản tài sản;
  • Chi phí cho các trạm thu phí trên đường vận chuyển…

Tuy nhiên, nếu hai bên có thỏa thuận mọi chi phí liên quan đến vận chuyển tài sản bên thuê vận chuyển chịu thì khi đó bên thuê vận chuyển mới chịu các chi phí nói trên.

Các phương tiện vận chuyển bằng động cơ luôn là nguồn nguy hiểm cao độ với mọi người xung quanh.

Đặc biệt, khi phương tiện vận chuyển lưu hành thì nguy cơ xuất hiện những rủi ro với cả tài sản trên phương tiện vận chuyển càng lớn.

Nên vừa để nâng cao trách nhiệm cho bên vận chuyển, vừa để kịp thời khắc phục hậu quả nếu không may xảy ra sự cố, pháp luật quy định bên vận chuyển phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật.

Đây là một nghĩa vụ bắt buộc, chứ không phải là tùy nghi nên bên vận chuyển phải thực hiện nghiêm chỉnh.

Trong trường hợp bên vận chuyển không bảo quản tốt, không bảo đảm an toàn tài sản trên đường vận chuyển dẫn đến mất mát, hư hỏng tài sản của bên thuê vận chuyển thì bên vận chuyển phải bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển.

Bên vận chuyển chỉ không phải bồi thường trong trường hợp hai bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.


7. Quyền và nghĩa vụ của bên thuê vận chuyển hàng hóa

7.1 Quyền của bên thuê vận chuyển hàng hóa

Khi hai bên đã giao kết hợp đồng, bên cạnh việc bên thuê vận chuyển thực hiện các nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc luật định thì bên thuê vận chuyển có quyền yêu cầu bên vận chuyển chuyên chở tài sản đến đúng địa điểm, thời điểm đã thỏa thuận.

Khi tài sản được chuyên chở đến địa điểm mà hai bên đã thỏa thuận, bên thuê vận chuyển có quyền trực tiếp nhận tài sản hoặc chỉ định người thứ ba nhận lại tài sản đã thuê vận chuyển.

7.2 Nghĩa vụ của bên thuê vận chuyển hàng hóa

Theo Điều 536 Bộ luật dân sự bên thuê có nghĩa vụ sau:

“1. Trả đủ tiền cước phí vận chuyển cho bên vận chuyển theo đúng thời hạn, phương thức đã thỏa thuận.

2. Cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến tài sản vận chuyển để bảo đảm an toàn cho tài sản vận chuyển.

3. Trông coi tài sản trên đường vận chuyển, nếu có thỏa thuận. Trường hợp bên thuê vận chuyển trông coi tài sản mà tài sản bị mất, hư hỏng thì không được bồi thường.”

Ngoài các nghĩa vụ như trên bên thuê còn có nghĩa vụ giao tài sản cho bên vận chuyển đúng thời hạn, địa điểm và đóng gói theo đúng quy cách đã thỏa thuận; phải chịu chi phí xếp, dỡ tài sản lên phương tiện vận chuyển, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.


8. Một số lưu ý khi giao kết hợp đồng vận chuyển hàng hóa

Khi giao kết hợp đồng vận chuyển các bên cần lưu ý những nội dung sau:

  • Nội dung, mục đích của hợp đồng không được vi phạm điều cấm của pháp luật và đạo đức xã hội
  • Các bên trong hợp đồng cần thỏa thuận rõ về các điều khoản về: thời gian, địa điểm giao nhận hàng hóa ký gửi, tiền công, phương thức thanh toán,…
  • Đối với những hợp đồng có giá trị lớn thì thời điểm giao nhận hàng hóa cần có biên bản bàn giao hàng hóa, biên bản bàn giao hàng hóa ghi lại có xác nhận của hai bên hợp đồng.

9. Cơ sở pháp lý:

  • Bộ luật dân sự 2015
  • Luật thương mại 2005

Trên đây là toàn bộ hướng dẫn của Luật Quang Huy về vấn đề hợp đồng vận chuyển hàng hóa.

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào thì bạn có thể thể kết nối tới Tổng đài tư vấn luật dân sự qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được tư vấn trực tiếp.

Trân trọng./.

5/5 - (2 bình chọn)

TÁC GIẢ BÀI VIẾT

Luật sư Nguyễn Huy Khánh
Luật sư Nguyễn Huy Khánh
Giám đốc điều hành của Công ty Luật TNHH Quang Huy và Cộng sự. Có nhiều kinh nghiệm tư vấn và tranh tụng trong các lĩnh vực dân sự, hình sự, đất đai, hành chính.
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HỎI MIỄN PHÍ NGAY

Scroll to Top
Mục lục