Hình phạt là gì? Có bao nhiêu loại hình phạt?

Hình phạt là gì?
Nếu bạn có nhu cầu được tư vấn, hỗ trợ về luật hình sự, hãy liên hệ ngay cho luật sư qua hotline 1900.6784. Luật sư can thiệp càng sớm, cơ hội bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp càng cao!
[su_button url="tel:19006784" style="3d" background="#9A1C24" color="#ffffff" size="6" center="yes" radius="10" icon="icon: phone"]GỌI LUẬT SƯ NGAY![/su_button]

Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của nhà nước áp dụng đối với người, pháp nhân thương mại phạm tội.

Vậy khi nào thì một chủ thể bị áp dụng hình phạt?

Bộ luật hình sự 2015 quy định những loại hình phạt nào?

Đặc điểm của hình phạt ra sao?

Bài viết dưới đây Luật Quang Huy sẽ giải đáp những thắc mắc của bạn


1. Hình phạt là gì?

Điều 30 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định:

Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong BLHS do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó.

Hình phạt là gì?
Hình phạt là gì?

2. Đặc điểm của hình phạt

Từ khái niệm hình phạt theo quy định của Bộ luật hình sự 2015 có thể hiểu hình phạt có những đặc điểm sau:

2.1 Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nhà nước nghiêm khắc nhất được quy định trong Bộ luật hình sự

Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất trong hệ thống các biện pháp cưỡng chế của Nhà nước.

Hình phạt được Nhà nước sử dụng như là công cụ hữu hiệu trong phòng chống tội phạm để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của xã hội và lợi ích hợp pháp của công dân.

Điều này thể hiện qua mục đích của hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật…

Tính nghiêm khắc của hình phạt thể hiện ở chỗ người bị kết án có thể bị tước bỏ hoặc bị hạn chế quyền công dân như quyền tự do, quyền về tài sản, các quyền chính trị thậm chí cả quyền sống do thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm.

Với pháp nhân thương mại, tính nghiêm khắc của hình phạt thể hiện ở việc pháp nhân đó bị phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc trong trường hợp đặc biệt còn có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Bên cạnh đó, hình phạt cũng để lại hậu quả pháp lý là án tích cho người hoặc pháp nhân thương mại bị kết án trong thời hạn nhất định theo quy định của pháp luật.

2.2 Chủ thể áp dụng hình phạt là Tòa án

Hình phạt do Tòa án nhân danh Nhà nước tuyên trong bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật đối với chính người/pháp nhân đã có lỗi trong việc thực hiện tội phạm.

Theo quy định Điều 102 Hiến pháp 2013:

Toà án nhân dân là Cơ quan xét xử của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp.

Đây là những cơ quan có quyền “…nhân danh nước Cộng hoà XHCN Việt Nam…” tuyên một người là có tội và áp dụng hình phạt đối với họ (khoản 2 Điều 2 Luật tổ chức toà án nhân dân).

Ngoài tòa án, không có cơ quan nào khác có quyền quyết định hình phạt.

2.3 Hình phạt được quy định trong Bộ luật hình sự

Hình phạt trong Bộ luật hình sự Việt Nam được quy định ở cả Phần chung và Phần các tội phạm.

Tại phần các tội phạm của Bộ luật hình sự quy định các loại hình phạt và mức hình phạt đối với từng tội phạm cụ thể.

2.4 Chủ thể bị áp dụng hình phạt là người, pháp nhân thương mại phạm tội

Một trong những nguyên tắc cơ bản của luật hình sự Việt Nam là trách nhiệm hình sự chỉ đặt ra đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội.

Luật hình sự Việt Nam không cho phép việc chấp hành hình phạt thay cho người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội cho dù sự chấp hành thay này là hoàn toàn tự nguyện.


3. Hình phạt chính

Hình phạt chính là hình phạt được tuyên độc lập, với mỗi tội phạm tòa án chỉ có thể áp dụng một hình phạt chính.

3.1 Với người phạm tội

3.1.1 Cảnh cáo

Được quy định tại Điều 34 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Cảnh cáo được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt.

Đây là hình phạt ít nghiêm khắc nhất, để lại án tích.

3.1.2 Phạt tiền

Được quy định tại Điều 35 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Phạt tiền áp dụng với nhóm tội sau:

  • Tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng.
  • Tội phạm rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác.

Mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm, đồng thời có xét đến tình hình tài sản của người phạm tội, sự biến động của giá cả, nhưng không được thấp hơn 1.000.000 đồng.

3.1.3 Cải tạo không giam giữ

Được quy định tại Điều 36 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Thời gian cải tạo không giam giữ: Từ 6 tháng đến 3 năm.

Áp dụng với nhóm tội phạm: Tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội.

Người bị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ chịu sự giám sát của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan tổ chức nơi người đó làm việc học tập. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc giám sát, giáo dục người đó.

Trong thời gian chấp hành án, người bị kết án phải thực hiện một số nghĩa vụ theo các quy định về cải tạo không giam giữ và bị khấu trừ một phần thu nhập từ 05% đến 20% để sung quỹ nhà nước, thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng.

3.1.4 Trục xuất

Trục xuất là buộc người nước ngoài bị kết án phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3.1.5 Tù có thời hạn

Tù có thời hạn là buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt tại cơ sở giam giữ trong một thời hạn nhất định.

Tù có thời hạn đối với người phạm một tội có mức tối thiểu là 03 tháng và mức tối đa là 20 năm.

Không áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý và có nơi cư trú rõ ràng.

3.1.6 Tù chung thân

Được quy định tại Điều 39 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Tù chung thân là hình phạt tù không thời hạn được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình.

Không áp dụng hình phạt tù chung thân đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

3.1.7 Tử hình

Được quy định tại Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật Hình sự quy định.

Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.

Các loại hình phạt theo quy định
Các loại hình phạt theo quy định

3.2 Với pháp nhân thương mại phạm tội

3.2.1 Phạt tiền

Được quy định tại Điều 77 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm, có xét đến tình hình tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội, sự biến động của giá cả nhưng không được thấp hơn 50.000.000 đồng.

Nếu Tòa án áp dụng hình phạt tiền đối với pháp nhân thương mại là hình phạt chính thì không được áp dụng hình phạt này là hình phạt bổ sung nữa.

Tuy nhiên, nếu Tòa án áp dụng hình phạt khác (không phải là tiền) là hình phạt chính thì có thể áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại.

3.2.2 Đình chỉ hoạt động có thời hạn

Theo quy định tại Điều 78 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, Đình chỉ hoạt động có thời hạn là tạm dừng hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, môi trường hoặc an ninh, trật tự, an toàn xã hội và hậu quả gây ra có khả năng khắc phục trên thực tế.

Căn cứ vào nội dung quy định trên thì pháp nhân thương mại có thể bị Tòa án đình chỉ hoạt động một hoặc một một số lĩnh vực chứ không đình chỉ toàn bộ hoạt động và các lĩnh vực này pháp nhân thương mại có khả năng khắc phục.

3.2.3 Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn

Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoàn toàn hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.

Cũng như trường hợp đình chỉ hoạt động có thời hạn, Tòa án chỉ được đình chỉ hoạt động vĩnh viễn một hoặc một số lĩnh vực chứ không được đình chỉ tất cả những lĩnh vực nếu như pháp nhân thương mại chỉ phạm tội có liên quan đến một hoặc một số lĩnh vực.

Pháp nhân thương mại bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn một hoặc một số lĩnh vực vẫn có thể tiếp tục hoạt động các lĩnh vực khác không bị đình chỉ.

Nếu pháp nhân thương mại chỉ đăng ký hoạt động một hoặc một số lĩnh vực bị đình chỉ thì sau khi bị Tòa án áp dụng hình phạt đình chỉ hoặc bị Tòa án áp dụng hình phạt bổ sung cấm kinh doanh trong một số lĩnh vực; pháp nhân thương mại đó có thể đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để tiếp tục hoạt động các lĩnh vực khác, chứ không bắt buộc phải giải thể.

Trường hợp pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động (tức là, giải thể pháp nhân thương mại đó).


4. Hình phạt bổ sung

Hình phạt bổ sung là hình phạt được áp dụng kèm theo hình phạt chính bổ sung cho hình phạt chính. Mỗi tội phạm, người phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính, nhưng lại có thể bị áp dụng nhiều loại hình phạt bổ sung.

4.1 Với người phạm tội

4.1.1 Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định

Được quy định tại Điều 41 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định được áp dụng khi xét thấy nếu để người bị kết án đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc đó thì có thể gây nguy hại cho xã hội.

Thời hạn cấm là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu hình phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.

4.1.2 Cấm cư trú

Được quy định tại Điều 42 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Cấm cư trú là buộc người bị kết án phạt tù không được tạm trú hoặc thường trú ở một số địa phương nhất định.

Thời hạn cấm cư trú là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

4.1.3 Quản chế

Được quy định tại Điều 43 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Quản chế là buộc người bị kết án phạt tù phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định dưới sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương. Trong thời gian quản chế, người bị kết án không được tự ý ra khỏi nơi cư trú, bị tước một số quyền công dân theo quy định tại Điều 44 của Bộ luật này và bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.

Quản chế được áp dụng đối với người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, người tái phạm nguy hiểm hoặc trong những trường hợp khác do Bộ luật này quy định.

Thời hạn quản chế là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

4.1.4 Tước một số quyền công dân

Được quy định tại Điều 44 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Công dân Việt Nam bị kết án phạt tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm khác trong những trường hợp do Bộ luật hình sự 2015 quy định thì bị tước một hoặc một số quyền công dân sau đây:

  • Quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực Nhà nước;
  • Quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.

Thời hạn tước một số quyền công dân là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.

4.1.5 Tịch thu tài sản

Được quy định tại Điều 45 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Tịch thu tài sản là tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án để nộp vào ngân sách nhà nước.

Tịch thu tài sản chỉ được áp dụng đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tham nhũng hoặc tội phạm khác do Bộ luật này quy định.

Khi tịch thu toàn bộ tài sản vẫn để cho người bị kết án và gia đình họ có điều kiện sinh sống.

4.2 Với pháp nhân thương mại phạm tội

4.2.1 Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định

Cùng với hình phạt chính, Tòa án có thể áp dụng hình phạt bổ sung cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực khi xét thấy, nếu để pháp nhân thương mại bị kết án tiếp tục kinh doanh hoặc hoạt động trong lĩnh vực đó, thì có thể gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người hoặc cho xã hội.

Tòa án phải nói rõ trong bản án là cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nào, chứ không thể tuyên chung chung là cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định được.

Cho dù Tòa án áp dụng hình phạt chính là đình chỉ hoạt động có thời hạn hay đình chỉ hoạt động vĩnh viễn một hoặc một số lĩnh vực thì việc cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định cũng chỉ từ 01 năm đến 03 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, chứ không được cấm vĩnh viễn, vì đây là hình phạt bổ sung.

4.2.2 Cấm huy động vốn

Cấm huy động vốn là hình phạt bổ sung được áp dụng khi xét thấy nếu để pháp nhân thương mại bị kết án huy động vốn thì có nguy cơ tiếp tục phạm tội.

Các hình thức cấm huy động vốn bao gồm: Cấm vay vốn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc quỹ đầu tư; cấm phát hành, chào bán chứng khoán; cấm huy động vốn khách hàng; cấm liên doanh,…

Tòa án có thể quyết định áp dụng một hoặc một số hình thức cấm huy động vốn trên.

Tuy nhiên, thời hạn cấm huy động vốn cũng chỉ từ 01 năm đến 03 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, vì đây là hình phạt bổ sung.

4.2.3 Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính

Khi Tòa án không áp dụng hình phạt chính đối với pháp nhân thương mại phạm tội là phạt tiền như: đình chỉ hoạt động có thời hạn hay đình chỉ hoạt động vĩnh viễn một hoặc một số lĩnh vực thì mới được áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung.

Nếu đã áp dụng hình phạt chính đối với pháp nhân thương mại phạm tội là phạt tiền thì không được áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung nữa.

Mức phạt tiền đối với pháp nhân thương mại phạm tội cũng phải căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và có xét đến tình hình tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội, sự biến động của giá cả nhưng không được thấp hơn 50.000.000 đồng (tương tự như đối với hình phạt chính).


5. So sánh hình phạt chính và hình phạt bổ sung

5.1 Giống nhau

  • Có tính chất cưỡng chế, đều được quy định trong Bộ luật hình sự.
  • Là hệ quả pháp lý tất yếu khi một người, pháp nhân thương mại phạm tội theo quy định của Bộ luật hình sự và bị Tòa án ra bản án tuyên là có tội theo quy định Bộ luật hình sự.
  • Tước đoạt hoặc hạn chế một số quyền nhất định của người phạm tội với mục đích không những trừng trị mà còn giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống.

5.2 Khác nhau

Tiêu chí Hình phạt chính Hình phạt bổ sung
Khái niệm Hình phạt chính là hình phạt được tuyên độc lập, với mỗi tội phạm tòa án chỉ có thể áp dụng một hình phạt chính. Hình phạt bổ sung là hình phạt được áp dụng kèm theo hình phạt chính bổ sung cho hình phạt chính.

Mỗi tội phạm, người phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính, nhưng lại có thể bị áp dụng nhiều loại hình phạt bổ sung.

Nguyên tắc áp dụng Với mỗi tội phạm Tòa án chỉ áp dụng một hình phạt chính Không được tuyên độc lập mà là hình phạt đi kèm với hình phạt chính.
Mức độ So với hình phạt bổ sung thì hình phạt chính có mức độ nghiêm khắc cao hơn. Tước bỏ một số quyền công dân như quyền cư trú; quyền tự do đi lại và thậm chí cả quyền sống Hình phạt bổ sung có mức độ nghiêm khắc nhẹ hơn. Chủ yếu chỉ hạn chế một số quyền công dân của người phạm tội như hạn chế quyền cư trú, đi lại, quyền bầu cử….

6. Cơ sở pháp lý

  • Hiến pháp năm 2013;
  • Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi về hình phạt.

Nếu nội dung tư vấn còn chưa rõ, có nội dung gây hiểu nhầm hoặc bạn có thắc mắc cần tư vấn cụ thể hơn, bạn có thể kết nối tới Tổng đài tư vấn luật hình sự qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được tư vấn trực tiếp.

Trân trọng./.

5/5 - (2 bình chọn)
Luật sư Tạ Gia Lương
Luật sư Tạ Gia Lương
Luật sư thuộc Đoàn luật sư tỉnh Phú Thọ. Nguyên là Chánh tòa hình sự tòa án nhân dân Tỉnh Phú Thọ, có gần 30 năm kinh nghiệm xét xử các vụ án lớn nhỏ.
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HỎI MIỄN PHÍ NGAY

Scroll to Top