Nếu bạn có nhu cầu được tư vấn, hỗ trợ về luật hình sự, hãy liên hệ ngay cho luật sư qua hotline 1900.6784. Luật sư can thiệp càng sớm, cơ hội bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp càng cao!
Tin báo tố giác tội phạm và tố giác đều được pháp luật quy định là những cơ sở để xác định có dấu hiệu tội phạm hay không? Vậy, làm sao để phân biệt tin báo tố giác tội phạm và tố giác khác nhau như thế nào? Mời bạn theo dõi bài viết bên dưới của Luật Quang Huy nhé.
1. Phân biệt tin báo tố giác tội phạm và tố giác
Để phân biệt giữa tin báo tố giác tội phạm và tố giác khác nhau như thế nào, mời bạn tham khảo bảng dưới đây:
Tiêu chí | Tin báo tố giác tội phạm | Tố giác |
Chủ thể cung cấp | Ngoài cá nhân, chủ thể báo tin về tội phạm còn bao gồm cơ quan, tổ chức.
Trong đó, thông tin cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền điều tra chủ yếu do cơ quan, tổ chức hoặc các phương tiện thông tin đại chúng đưa tới. |
Chủ thể tố giác tội phạm là cá nhân có danh tính, địa chỉ rõ ràng.
Công dân có quyền và nghĩa vụ tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật hình sự mà họ biết với các cơ quan, tổ chức. Công dân có thể tố cáo về tội phạm với bất cứ cơ quan, tổ chức nào mà họ thấy thuận tiện nhất. Trong tất cả các trường hợp đó, sự tố cáo của công dân về tội phạm đều được coi là tố giác. |
Yếu tố phát hiện hành vi | Tin báo tội phạm có thể là sự chuyển tiếp những thông tin mà cơ quan, tổ chức đã nhận được từ tố giác tội phạm của công dân hoặc những thông tin thu được từ hoạt động nghiệp vụ của ngay chính tổ chức đó (ví dụ, qua thanh tra, kiểm tra) hoặc được phát hiện do hoạt động truyền thông theo chức năng nghề nghiệp (của các cơ quan thông tin đại chúng) đến với cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021. | Chủ thể phải là người phát hiện, có thể là bị hại hoặc người trực tiếp chứng kiến hành vi có dấu hiệu tội phạm xảy ra.
Tố giác tội phạm là sự tố cáo hành vi phạm tội của cá nhân với một cơ quan, tổ chức bất kỳ nào đó. |
2. Thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm
Căn cứ theo Điều 5 Thông tư 28/2020/TT-BCA, thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm sẽ được thực hiện như sau:
2.1. Trường hợp trực tiếp tố giác, báo tin
Cá nhân trực tiếp đến tố giác về tội phạm hoặc đại diện cơ quan, tổ chức trực tiếp đến báo tin về tội phạm thì cán bộ tiếp nhận lập Biên bản tiếp nhận có chữ ký hoặc điểm chỉ của người tố giác, báo tin và hướng dẫn họ viết đơn trình báo (có thể ghi âm, ghi hình có âm thanh việc tiếp nhận khi thấy cần thiết).
Nếu người tố giác, báo tin từ chối cung cấp thông tin cá nhân thì vẫn phải tiến hành tiếp nhận theo trình tự, thủ tục và ghi rõ lý do từ chối vào biên bản.

2.2. Trường hợp tố giác, báo tin bằng văn bản
Cá nhân, đại diện cơ quan, tổ chức trực tiếp đến gửi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố bằng văn bản thì cán bộ tiếp nhận viết Giấy biên nhận hai bản, một bản kèm theo tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, một bản giao cho người gửi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Với đơn, thư hoặc các hình thức văn bản khác, không ghi rõ tên tuổi, địa chỉ, không có chữ ký trực tiếp hoặc điểm chỉ của người tố giác, báo tin hoặc của người gửi đơn, thư nhưng có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để kiểm tra, xác minh, thì cán bộ tiếp nhận vẫn tiến hành tiếp nhận, phân loại, xử lý theo quy định.
2.3. Trường hợp tố giác, báo tin qua điện thoại
Với trường hợp này, cán bộ tiếp nhận sẽ yêu cầu đầy đủ các thông tin sau:
- Thời gian tiếp nhận thông tin, họ tên cán bộ tiếp nhận; họ tên, địa chỉ, số điện thoại, số chứng minh nhân dân (hoặc căn cước công dân), ngày, tháng, năm, đơn vị cấp của người tố giác, báo tin;
- Thời gian, địa điểm xảy ra vụ việc;
- Tóm tắt nội dung, diễn biến vụ việc;
- Các thông tin khác có liên quan (nếu có) như: họ tên, địa chỉ, đặc điểm nhận dạng của đối tượng, người làm chứng, bị hại, hướng bỏ trốn của đối tượng, công cụ, phương tiện phạm tội, hậu quả thiệt hại, những việc đã làm tại hiện trường khi phát hiện vụ việc;
- Lý do người tố giác, báo tin biết được vụ việc đó, những ai cùng biết vụ việc đó;
- Nếu người tố giác, báo tin từ chối cung cấp thông tin cá nhân thì cán bộ tiếp nhận vẫn phải tiến hành tiếp nhận và ghi rõ lý do từ chối;
- Các thông tin này sẽ được cán bộ tiếp nhận ghi chép vào sổ tiếp nhận và viết thành văn bản báo cáo lãnh đạo, chỉ huy để xử lý.
2.4. Trường hợp tiếp nhận thông tin qua phương tiện thông tin đại chúng
Đối với trường hợp này, cán bộ được phân công phải tiếp nhận bằng cách sao chụp, ghi chép hoặc in bài viết ra giấy báo cáo lãnh đạo, chỉ huy để xử lý; đối với tin báo về tội phạm đã xác định được dấu hiệu tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan, đơn vị nào thì cơ quan, đơn vị đó ghi nhận và giải quyết.
Nếu chưa xác định được nơi xảy ra sự việc hoặc liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mà tin báo về tội phạm phản ánh thì Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện nơi có trụ sở chính của phương tiện thông tin đại chúng (nơi có địa chỉ rõ ràng) đã đăng tải tin báo trên có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý ban đầu.
3. Cơ sở pháp lý
- Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021;
- Thông tư 28/2020/TT-BCA Quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của lực lượng Công an nhân dân.
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về tin báo tố giác tội phạm. Qua bài viết này, chúng tôi mong rằng sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Để được tư vấn đầy đủ và chính xác nhất, mời quý khách hàng liên hệ tới Tổng đài tư vấn Luật hình sự trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để nhận tư vấn thêm về vấn đề mà quý khách hàng đang gặp phải.
Trân trọng./.