Nếu bạn có nhu cầu được tư vấn, hỗ trợ về luật hình sự, hãy liên hệ ngay cho luật sư qua hotline 1900.6784. Luật sư can thiệp càng sớm, cơ hội bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp càng cao!
Bảo vệ bản thân là hành vi phòng vệ chính đáng. Tuy nhiên, trong trường hợp giết người vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng sẽ bị xử lý như thế nào? Trong bài viết này, Luật Quang Huy sẽ đề cập một số quy định của pháp luật liên quan đến tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
1. Thế nào là phòng vệ chính đáng?
Phòng vệ chính đáng được quy định tại Điều 22 của Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 cụ thể như sau:
- Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên;
- Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
2. Thế nào là tội giết người vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng?
Giết người vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi phòng vệ vượt quá giới hạn luật cho phép, mặc dù hành vi này nhằm bảo vệ bản thân nhưng dẫn đến chết người. Hành vi này được xem là hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Để xét người đó có vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng dựa vào hai điều kiện như sau:
Thứ nhất, hành vi của người phạm tội xuất phát từ động cơ phòng vệ.
“Phòng vệ ” được hiểu là hành vi chống trả lại người đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại tới người phạm tội. Hành vi chống trả đó phải nhằm vào người đang có hành vi xâm hại nhằm ngăn chặn hoặc hạn chế thiệt hại mà hành vi này có thể gây ra.
Sự chống trả này có thể là vào bản thân người tấn công hoặc cũng có thể vào công cụ, phương tiện người đó đang sử dụng để thực hiện hành vi xâm phạm. Ở đây, chúng tôi nhấn mạnh việc các nhà làm luật sử dụng từ “đang”. Hành vi xâm phạm của người tấn công phải đang diễn ra trên thực tế như đang cầm gạch đánh mạnh vào đầu, đang cầm dao chém…
Sở dĩ chúng tôi nhấn mạnh điều này là bởi vì nếu hành vi xâm hại của người tấn công chưa bắt đầu hoặc đã kết thúc mà người phạm tội sử dụng các biện pháp nhằm gây thiệt hại cho đối phương thì đó không được coi là phòng vệ chính đáng.
Ví dụ: A đâm nhiều nhát vào mặt B cho tỏa cơn tức sau đó quay lưng rời đi. Thấy vậy, do muốn trả đũa A nên B đã cầm dao giết chết A.
Thứ hai, hành vi phạm tội xảy ra là do người phòng vệ đã vượt quá giới hạn luật cho phép.
Phòng vệ vượt quá giới hạn pháp luật cho phép ở đây được hiểu là việc người phạm tội thực hiện các hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Đây là căn cứ vô cùng quan trọng để phân định giữa phòng vệ chính đáng và vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Bởi lẽ, việc áp dụng vào trường hợp nào sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý khác nhau. Nếu người phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

Thông thường để xem là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì sẽ dựa vào căn cứ sau đây:
- Tính chất của quan hệ xã hội bị xâm phạm;
- Mức độ thiệt hại bị đe dọa gây ra;
- Sức mạnh và sức mãnh liệt của hành vi xâm phạm;
- Phương tiện, công cụ, hoàn cảnh…
3. Mức phạt của tội giết người vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng được quy định tại Điều 126 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:
- Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm;
- Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
4. Cơ sở pháp lý
- Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi về giết người vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Nếu còn vấn đề thắc mắc hoặc chưa rõ bạn có thể liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Tổng đài tư vấn luật hình sự trực tuyến của HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được tư vấn trực tiếp.
Trân trọng./