Cấu thành tội phạm là gì? Quy định về cấu thành tội phạm

7 điều bạn phải biết về cấu thành tội phạm
Nếu bạn có nhu cầu được tư vấn, hỗ trợ về luật hình sự, hãy liên hệ ngay cho luật sư qua hotline 1900.6784. Luật sư can thiệp càng sớm, cơ hội bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp càng cao!

Cấu thành tội phạm là tổng thể các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội phạm cụ thể được quy định trong Bộ luật hình sự. Vậy cấu thành tội phạm bao gồm các yếu tố nào? Vai trò của cấu thành tội phạm ra sao? Hãy theo dõi bài viết dưới đây của Luật Quang Huy, chúng tôi sẽ giúp bạn giải đáp.


Tổng quan về bài viết

1. Khái niệm cấu thành tội phạm là gì?

Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm đến những quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ và được quy định trong Bộ luật hình sự.

Cấu thành tội phạm là tất các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của một tội phạm cụ thể. Các dấu hiệu này phản ánh đúng bản chất của tội phạm cụ thể,phải có tác dụng phân biệt tội phạm này với tội phạm khác.


2. Các yếu tố cấu thành tội phạm

2.1. Về mặt khách quan của tội phạm

Mặt khách quan của tội phạm là những biểu hiện của tội phạm ra ngoài thế giới khách quan, bao gồm hành vi khách quan, hậu quả nguy hiểm cho xã hội và mối quan hệ giữa hành vi với hậu quả, phương tiện, công cụ, phương pháp, thời điểm, …. thực hiện tội phạm. Cụ thể những dấu hiệu của mặt khách quan của tội phạm được thể hiện như sau:

2.1.1. Thứ nhất, về hành vi khách quan

Dấu hiệu bắt buộc phải có ở tất cả tội phạm đó là hành vi khách quan, tức phải có hành vi nguy hiểm cho xã hội. Nếu một người thực hiện hành vi không gây nguy hiểm cho xã hội, không thực hiện hành vi gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ thì không thể coi là tội phạm.

Hành vi nguy hiểm này được thể hiện bằng việc thực hiện hay không thực hiện hành động thuộc các trường hợp cấm của luật.

  • Hành vi hành động là việc chủ thể thực hiện một việc mà quy định hình sự cấm. Hầu hết các tội phạm trong Bộ luật hình sự được thực hiện bằng hành vi hành động.
  • Hành vi không hành động là việc chủ thể trong khi có đủ điều kiện để thực hiện một việc nhưng cố tình không làm. Để truy cứu trách nhiệm với người thực hiện hành vi không hành động phải xét đến các yếu tố, điều kiện để thực hiện nghĩa vụ hay thực hiện hành vi thuộc chuyên môn nghiệp vụ của mình nhưng người đó cố tình không làm. Ví dụ như: trốn thuế, thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản nhà nước, thiếu trách nhiệm để người bị giam trốn,…

2.1.2. Thứ hai, về hậu quả

Hậu quả thực tế xảy ra là thiệt hại về vật chất và thiệt hại tinh thần.

  • Thiệt hại vật chất bao gồm những thiệt hại đo đếm được về lượng, xác định được về mức độ như tỷ lệ tổn thương cơ thể, tài sản bị mất, hư hỏng, suy giảm, chết người, …
  • Thiệt hại tinh thần là những thiệt hại không xác định được về chất, về lượng, về mức độ như xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm (ví dụ như tội vu khống, tội làm nhục người khác), tư tưởng của Đảng, chính sách (ví dụ như tội phá hoại chính sách đoàn kết, tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế – xã hội,…), ….

Hậu quả có ý nghĩa quan trọng để xác định tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm, hậu quả tác hại càng lớn thì mức độ nguy hiểm của tội phạm càng cao.

2.1.3. Thứ ba, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả của tội phạm

Hành vi khách quan phải là nguyên nhân làm phát sinh, gây ra kết quả đó là hậu quả thiệt hại của tội phạm.

Dựa vào mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả có ý nghĩa xác định giai đoạn hoàn thành của tội phạm.

  • Tội có cấu thành hình thức được coi là hoàn thành khi người phạm tội thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội (ví như tội hiếp dâm, tội cưỡng dâm,…);
  • Còn tội có cấu thành vật chất được coi là hoàn thành khi người phạm tội thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội gây ra hậu quả thực tế (ví như tội cố ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho người khác,…).

Điều kiện của mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của tội phạm dựa vào:

  • Hành vi vi phạm phải xảy ra trước thời điểm phát sinh hậu quả;
  • Trong hành vi phải chứa đựng khả năng thực tế, nguyên nhân trực tiếp phát sinh hậu quả, một hậu quả xảy ra có thể do một hoặc nhiều hành vi gây ra.

2.1.4. Thứ tư, về thời gian, địa điểm

Trong một số trường hợp thì dấu hiệu về thời gian, địa điểm là yếu tố bắt buộc để cấu thành tội phạm. Ví dụ như: tội buôn lậu phải có địa điểm thực hiện là qua biên giới hay tội giết người trong khi thi hành công vụ phải được thực hiện trong thời gian đang thi hành công vụ,…

2.1.5. Thứ năm, về công cụ, phương tiện, phương pháp thực hiện tội phạm

Các dấu hiệu này không phải là dấu hiệu bắt buộc. Nếu trong một số tội phạm quy định dấu hiệu này là tình tiết định khung thì cơ quan, người tiến hành tố tụng phải chứng minh được để định danh tội phạm.

2.2. Về mặt chủ quan của tội phạm

Mặt chủ quan của tội phạm là những biểu hiện tâm lý bên trong của tội phạm. Trong đó, biểu hiện có tính cơ bản là lỗi của chủ thể. Chủ thể của tội phạm phải có lỗi khi thực hiện hành vi khách quan có tính gây thiệt hại. Lỗi đó có thể là cố ý hoặc vô ý.

Việc thực hiện hành vi khách quan có tính gây thiệt hại có thể do những động cơ khác nhau thúc đẩy và nhằm những mục đích nhất định. Các động cơ, mục đích này được gọi ở các tội cố ý là động cơ phạm tội, mục đích phạm tội. Cụ thể:

2.2.1. Thứ nhất, về dấu hiệu lỗi của tội phạm

Lỗi là thái độ tâm lý của người thực hiện hành vi đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội và hậu quả do hành vi đó của mình gây ra, đây là dấu hiệu bắt buộc phải có ở mọi tội phạm. Lỗi bao gồm lỗi cố ý (cố ý trực tiếp, cố ý gián tiếp) và lỗi vô ý (vô ý vì quá tự tin, vô ý vì cẩu thả).

  • Lỗi cố ý trực tiếp là việc người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và thấy trước hậu quả của hành vi đó mà vẫn mong muốn nó xảy ra;
  • Lỗi cố ý gián tiếp là việc người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra tuy không mong muốn hậu quả xảy ra nhưng cố ý (có ý thức được hành vi) để mặc cho nó xảy ra;
  • Lỗi vô ý vì quá tự tin là việc người phạm tội có khả năng nhận biết được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng lại cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc cho rằng mình có thể ngăn ngừa được hậu quả;
  • Lỗi vô ý vì cẩu thả là việc người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, mặc dù pháp luật quy định cho người này phải biết và đủ điều kiện để biết về hành vi gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội.

2.2.2. Thứ hai, về động cơ, mục đích

Động cơ là động lực bên trong thúc đẩy con người thực hiện hành vi biểu hiện ra bên ngoài. Mục đích là kết quả trong ý thức chủ quan của người thực hiện hành vi.

Do vậy người phạm tội khi thực hiện hành vi phạm tội có thể có động cơ phạm tội hoặc mục đích phạm tội, vì những tội có lỗi vô ý thì thường không có động cơ, mục đích rõ ràng trực tiếp đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội biểu hiện ra bên ngoài và đối với hậu quả mình gây ra.

2.3. Về chủ thể của tội phạm

Bộ luật hình sự năm 2015 quy định bao gồm 2 loại chủ thể là cá nhân và pháp nhân thương mại.

2.3.1. Chủ thể là cá nhân

Năng lực trách nhiệm hình sự của cá nhân: Là khả năng nhận thức của cá nhân đó về tính nguy hiểm cho xã hội đối với hành vi của mình và khả năng điều khiển hành vi đó. Một người trong tình trạng bị tâm thần, không làm chủ được hành vi của mình thì không phải là chủ thể chịu trách nhiệm về các hành vi nguy hiểm của mình theo quy định của luật hình sự.

Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự:

  • Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác;
  • Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.

Ngoài việc quy định về năng lực chủ thể và độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Luật hình sự còn ghi nhận với những tội phạm cụ thể còn cần phải có thêm những dấu hiệu đặc trưng khác, ví dụ: Các dấu hiệu liên quan đến chức vụ, quyền hạn, các dấu hiệu liên quan đến nghề nghiệp, công việc. Nếu một người không có chức vụ trong quản lý tài sản công thì không được coi là chủ thể của tội tham ô tài sản công.

2.3.2. Chủ thể là pháp nhân thương mại

Pháp nhân thương mại (bao gồm: doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác) là chủ thể của tội phạm khi:

Thứ nhất, có tư cách pháp nhân. Pháp nhân thương mại phải là tổ chức và được coi là có tư cách pháp nhân khi: được thành lập hợp pháp theo quy định của Bộ luật dân sự, Luật doanh nghiệp hoặc các văn bản pháp luật khác có liên quan; có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; nhân danh chính mình tham gia quan hệ pháp luật.

Thứ hai, đủ điều kiện chịu trách nhiệm hình sự theo quy định Bộ luật hình sự. Pháp nhân thương mại chỉ chịu trách nhiệm khi có đủ tất cả điều kiện sau:

  • Thực hiện hành vi phạm tội nhân danh pháp nhân thương mại;
  • Thực hiện hành vi phạm tội vì lợi ích của pháp nhân thương mại;
  • Thực hiện hành vi phạm tội do có sự chỉ đạo, điều hành hay chấp nhận của pháp nhân thương mại và còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.

Như vậy pháp nhân thương mại là chủ thể của tội phạm khi có năng lực trách nhiệm hình sự sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận tư cách pháp nhân và hoạt động với mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận cho các thành viên.

Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự thì không đương nhiên được loại trừ trách nhiệm của cá nhân thực hiện hành vi vi phạm.

2.4. Về khách thể của tội phạm

Khách thể của tội phạm là những mối quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ, bị tội phạm xâm hại, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại.


3. Ví dụ về cấu thành tội phạm

A lập nhiều tài khoản trên mạng xã hội, kết bạn với nhiều nữ công nhân. Khi tạo được tình cảm, A hẹn các cô gái đến khu vực vắng người để tâm sự. Lợi dụng đêm tối, đường vắng, A đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng vũ lực giao cấu với các nạn nhân. Khi bỏ đi A còn lấy tiền, điện thoại, dây chuyền của các nạn nhân. Trong khoảng 03 tháng, A đã thực hiện hành vi phạm tội với 03 cô gái và chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân (tổng tài sản trị giá 15 triệu đồng). A bị bắt và thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

3.1. Về mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan: A đã thực hiện hành vi giao cấu trái với ý muốn các nạn nhân bằng thủ đoạn dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực. A đã lấy tiền, điện thoại, dây chuyền của các nạn nhân sau khi thực hiện hành vi giao cấu.

Thủ đoạn dùng vũ lực ở đây có thể hiểu là thủ đoạn dùng sức mạnh vật chất đè bẹp sự kháng cự của nạn nhân chống lại hành vi của người phạm tội như xô ngã, vật, giữ, bóp cổ nạn nhân….Thủ đoạn đe dọa dùng vũ lực là thủ đoạn làm ý chí của nạn nhân bị tê liệt không chống lại hành vi của người phạm tội như dọa giết, dọa gây thương tích cho nạn nhân.

3.2. Về mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của anh A được xác định là lỗi cố ý trực tiếp. Khi thực hiện hành vi này, anh A nhận thức rõ hành vi của mình là có tính nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả đó xảy ra. Về lý trí, anh A nhận thức rõ, đầy đủ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi cũng như thấy trước hậu quả nguy hiểm sẽ xảy ra nếu thực hiện hành vi đó. Về ý chí, anh A mong muốn hậu quả phát sinh.

Mục đích của anh A khi thực hiện các hành vi phạm tội trên là thỏa mãn ham muốn tình dục (đối với tội hiếp dâm) và chiếm đoạt tài sản (đối với tội cướp tài sản).

3.3. Về chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm trong tình huống trên là anh A

3.4. Về khách thể của tội phạm

Hành vi của anh A đã xâm phạm tới 2 quan hệ pháp luật được Luật hình sự bảo vệ, đó là:

  • Đối với hành vi giao cấu trái ý muốn nạn nhân đã xâm phạm tới quyền được tôn trọng về nhân phẩm danh dự của 3 nạn nhân;
  • Đối với hành vi chiếm đoạt tài sản đã xâm phạm tới quan hệ sở hữu.
7 điều bạn phải biết về cấu thành tội phạm
7 điều bạn phải biết về cấu thành tội phạm

4. Ý nghĩa của cấu thành tội phạm

4.1. Cấu thành tội phạm là cơ sở pháp lý của trách nhiệm hình sự

Cơ sở để xác định một hành vi bị coi là tội phạm khi thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu được phản ánh trong cấu thành tội phạm.

Muốn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một người hoặc pháp nhân thương mại thì cần chứng minh được họ đã thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm. Như vậy, muốn xác định một hành vi phạm tội hay không để truy cứu trách nhiệm hình sự cần xác định dựa vào việc hành vi phạm tội thực hiện đã thỏa mãn hết các yếu tố cấu thành tội phạm được luật định chưa. Cấu thành tội phạm là điều kiện cần và đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.

Cấu thành tội phạm là điều kiện cần bởi vì chỉ có thể dựa vào các yếu tố của cấu thành tội phạm mới xác định được trách nhiệm hình sự của người phạm tội.

Cấu thành tội phạm là điều kiện đủ bởi vì ngoài các dấu hiệu được phản ánh trong cấu thành tội phạm để xác định trách nhiệm  hình sự của người phạm tội, không cần xác định bất kỳ một dấu hiệu nào khác.

4.2. Cấu thành tội phạm là cơ sở pháp lý để định tội danh

Định tội danh là việc xác định và ghi nhận về mặt pháp lý sự phù hợp, chính xác các dấu hiệu của hành vi phạm tội cụ thể đã được thực hiện với các dấu hiệu của cấu thành tội phạm được quy định trong pháp luật hình sự.

Định tội là cơ sở cần thiết đầu tiên để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội. Chỉ khi định tội danh được mới có thể quyết định trách nhiệm pháp lý hình sự đối với người phạm tội. Vì thế, định tội danh là một giai đoạn đặc biệt quan trọng, là cơ sở, tiền đề cho quá trình áp dụng pháp luật hình sự.

Muốn định tội danh cho hành vi cụ thể chỉ có thể căn cứ vào các yếu tố cấu thành tội phạm đã được quy định trong Bộ luật hình sự. Do đó, cấu thành tội phạm là cơ sở pháp lý cho hoạt động định tội danh. Việc xác định tội danh là quá trình xác định xem hành vi thỏa mãn những dấu hiệu nào trong cấu thành tội phạm.

4.3. Cấu thành tội phạm là cơ sở pháp lý để định khung hình phạt

Hoạt động định tội danh dựa trên cơ sở pháp lý là cấu thành tội phạm, hoạt động định khung hình phạt dựa trên cơ sở pháp lý là dấu hiệu định khung hình phạt. Căn cứ vào mức độ nguy hiểm của cấu thành tội phạm có các loại cấu thành tội phạm cơ bản, cấu thành tội phạm tăng nặng và cấu thành tội phạm giảm nhẹ. Khi giải quyết vụ án hình sự, việc áp dụng một trong ba cấu thành tội phạm này đối với một hành vi phạm tội cụ thể có ý nghĩa xác định khung hình phạt đối với người phạm tội.


5. Phân loại cấu thành tội phạm

5.1. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi

Dựa vào tiêu chí tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, có thể chia làm 3 loại cấu thành tội phạm: cấu thành tội phạm cơ bản, cấu thành tội phạm tăng nặng, cấu thành tội phạm giảm nhẹ.

5.1.1. Cấu thành tội phạm cơ bản

Cấu thành tội phạm cơ bản là cấu thành tội phạm chỉ có dấu hiệu định tội – dấu hiệu mô tả tội phạm và cho phép phân biệt tội phạm này với tội khác cũng như cho phép phân biệt với trường hợp chưa phải là tội phạm.

Ví dụ: cấu thành tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 175 Bộ luật hình sự. cấu thành tội phạm này bao gồm những dấu hiệu cho phép phân biệt tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với các tội chiếm đoạt khác cũng như với trường hợp lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản chưa phải là tội phạm mà mới chỉ là vi phạm. cấu thành tội phạm cơ bản thường được gọi tắt là cấu thành tội phạm.

5.1.2. Cấu thành tội phạm tăng nặng

Cấu thành tội phạm tăng nặng là cấu thành tội phạm mà ngoài dấu hiệu định tội còn có thêm dấu hiệu phản ánh tội phạm có mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội tăng lên một cách đáng kể (so với trường hợp bình thường). Những dấu hiệu này được gọi là dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng. Như vậy, cấu thành tội phạm tăng nặng là tổng hợp cấu thành tội phạm cơ bản với dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng.

Ví dụ: cấu thành tội phạm được quy định tại khoản 1 Điều 174 Bộ luật hình sự (là cấu thành tội phạm cơ bản của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản) kết hợp với dấu hiệu được quy định tại khoản 2 Điều 174 Bộ luật hình sự tạo thành cấu thành tội phạm tăng nặng của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

5.1.3. Cấu thành tội phạm giảm nhẹ

Cấu thành tội phạm giảm nhẹ là cấu thành tội phạm mà ngoài dấu hiệu định tội còn có thêm dấu hiệu phản ánh tội phạm có mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội giảm xuống một cách đáng kể (so với trường hợp bình thường). Những dấu hiệu này được gọi là dấu hiệu định khung hình phạt giảm nhẹ. Như vậy, cấu thành tội phạm giảm nhẹ là tổng hợp cấu thành tội phạm cơ bản với dấu hiệu định khung hình phạt giảm nhẹ.

Ví dụ: cấu thành tội phạm được quy định tại khoản 1 Điều 108 Bộ luật hình sự (là cấu thành tội phạm cơ bản của tội phản bội tổ quốc) kết hợp với dấu hiệu được quy định tại khoản 2 Điều 108 Bộ luật hình sự tạo thành cấu thành tội phạm giảm nhẹ của tội phản bội tổ quốc. (Trong Bộ luật hình sự, các cấu thành tội phạm giảm nhẹ nói chung đã được xây dựng thành cấu thành tội phạm cơ bản của các tội danh độc lập. Do vậy, cấu thành tội phạm giảm nhẹ so với cấu thành tội phạm tăng nặng chiếm tỉ lệ rất nhỏ)

5.2. Căn cứ vào đặc điểm cấu trúc của cấu thành tội phạm

Dựa vào đặc điểm về cấu trúc của cấu thành tội phạm, chúng ta có cấu thành tội phạm hình thức, cấu thành tội phạm vật chất và cấu thành tội phạm cắt xén, cụ thể:

5.2.1. Cấu thành tội phạm hình thức

Là loại cấu thành tội phạm trong mặt khách quan chỉ có dấu hiệu hành vi khách quan là dấu hiệu bắt buộc. Tội phạm có cấu thành hình thức được coi là hoàn thành khi hành vi khách quan được thực hiện.

5.2.2. Cấu thành tội phạm vật chất

Là loại cấu thành tội phạm có các dấu hiệu trong mặt khách quan là hành vi khách quan, hậu quả, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả là các dấu hiệu bắt buộc. Tội phạm có cấu thành vật chất được coi là hoàn thành khi hành vi khách quan đã gây ra hậu quả luật định.

Lưu ý:

Cơ sở khoa học của việc xây dựng cấu thành tội phạm vật chất hoặc cấu thành tội phạm hình thức thường dựa vào các tiêu chí:

  • Tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi và chính sách hình sự của nhà nước. Nếu chỉ riêng hành vi nguy hiểm cho xã hội đã thể hiện đầy đủ bản chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm hoặc hậu quả khó xác định thì xây dựng cấu thành tội phạm hình thức. Việc quy định cấu thành tội phạm hình thức đối với những tội phạm đó thể hiện thái độ nghiêm khắc của nhà nước thông qua việc quy định thời điểm tội phạm hoàn thành sớm. Ví dụ: Các tội xâm phạm an ninh quốc gia, Tội cướp tài sản;
  • Yêu cầu của kỹ thuật lập pháp hình sự. Cấu thành tội phạm vật chất đòi hỏi thiệt hại do tội phạm gây ra phải là thiệt hại về vật chất (về người, về tài sản). Vì trong cấu thành tội phạm vật chất, hậu quả là dấu hiệu bắt buộc nên dấu hiệu hậu quả buộc phải có tính xác định. Nếu hậu quả dễ xác định hoặc bản chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm chỉ thể hiện đầy đủ trong cả dấu hiệu hành vi và hậu quả thì xây dựng cấu thành tội phạm vật chất. Ví dụ: Tội trộm cắp tài sản, Tội giết người.

5.2.3. Cấu thành tội phạm cắt xén

Là loại cấu thành tội phạm mà trong mặt khách quan chỉ có dấu hiệu hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng dấu hiệu hành vi không phải là phản ánh chính hành vi phạm tội. Loại cấu thành tội phạm này được quy định tại Điều 109 – Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.


6. Đặc điểm cơ bản của cấu thành tội phạm

Là tổng hợp những dấu hiệu pháp lý đặc trưng của một tội phạm cụ thể. Các dấu hiệu đấy sẽ phản ánh đúng bản chất của một tội phạm cụ thể, giúp phân biệt tội phạm này với tội phạm khác;

Bên cạnh dấu hiệu chung về hành vi, lỗi, năng lực trách nhiệm hình sự,… thì còn phải có dấu hiệu riêng như về chủ thể (phải là nam hay nữ,…), chức vụ, quyền hạn,….

Các dấu hiệu trong cấu thành tội phạm phải được Bộ luật hình sự quy định trong những điều luật cụ thể để nói lên đặc điểm riêng biệt của từng tội phạm.


7. Vai trò của cấu thành tội phạm

Vai trò của cấu thành tội phạm thể hiện rõ ở năm bình diện dưới đây:

  • Cấu thành tội phạm là một trong những điều kiện chung và quan trọng nhất để định tội danh chính xác. Nếu như trong hành vi nguy hiểm cho xã hội không có đầy đủ các dấu hiệu của một cấu thành tội phạm nào đó được quy định trong pháp luật hình sự thực định thì không thể đặt ra việc định tội danh;
  • Cấu thành tội phạm là một khái niệm khoa học và là sự trừu tượng về mặt pháp lý, vì một loạt các thuật ngữ và phạm trù được sử dụng có liên quan đến cấu thành tội phạm (như: “khách thể”, “chủ thể”, “mặt chủ quan”, “mặt chủ quan”…) đều được các nhà lí luận soạn thảo trong khoa học luật hình sự, còn nếu như chúng có được quy định trong luật thực định đi chăng nữa thì cũng là dưới dạng các quy phạm pháp luật hình sự trừu tượng;
  • Cấu thành tội phạm là cơ sở pháp lý cần và đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội;
  • Cấu thành tội phạm là căn cứ để tòa án lựa chọn đúng loại và mức hình phạt đối với người bị kết án, vì nếu hành vi nguy hiểm cho xã hội không có đầy đủ các dấu hiệu của một cấu thành tội phạm cụ thể (như: cấu thành tội phạm cơ bản, cấu thành tội phạm tăng nặng, cấu thành tội phạm đặc biệt tăng nặng hoặc cấu thành tội phạm giảm nhẹ) mà trong đó ghi nhận khung hình phạt tương ứng (với loại và mức cụ thể) tại một điều (hoặc khoản của một điều) trong Phần các tội phạm Bộ luật hình sự thì tòa án cũng không thể có căn cứ để lựa chọn loại và mức hình phạt để áp dụng đối với người bị kết án;
  • Cấu thành tội phạm là yếu tố để đảm bảo các quyền và tự do của công dân trong lĩnh vực tư pháp hình sự đồng thời hỗ trợ cho việc tuân thủ nghiêm chỉnh pháp chế và củng cố trật tự pháp luật, vì với tất cả sự thể hiện ở bốn bình diện trên đây đã cho phép khẳng định vai trò có tính chất tổng hợp này của cấu thành tội phạm.

8. Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về vấn đề cấu thành tội phạm theo quy định pháp luật hiện hành. Qua bài viết này, chúng tôi mong rằng sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Để được tư vấn đầy đủ và chính xác nhất, mời quý khách hàng liên hệ tới Tổng đài tư vấn Luật hình sự trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để nhận tư vấn thêm về vấn đề mà quý khách hàng đang gặp phải.

Trân trọng./.

5/5 - (1 bình chọn)

TÁC GIẢ BÀI VIẾT

Luật sư Tạ Hồng Chúc
Luật sư Tạ Hồng Chúc
Trưởng Văn phòng Luật sư Phú Thọ, Đoàn Luật sư Tỉnh Phú Thọ
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HỎI MIỄN PHÍ NGAY

Scroll to Top

Tổng quan về bài viết

Mục lục