Quy định về năng lực pháp luật dân sự của cá nhân

Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân
Với mong muốn giúp người dân tránh hoặc giảm thiểu được những rủi ro pháp lý trong quan hệ dân sự, Luật Quang Huy đã triển khai đường dây nóng tư vấn về vấn đề này. Nếu bạn có nhu cầu tư vấn pháp luật dân sự, đừng ngần ngại, hãy liên hệ ngay cho Luật sư qua Tổng đài 19006588 để được tư vấn miễn phí 24/7.

Cá nhân là chủ thể đầu tiên của các quan hệ xã hội.

Để tham gia vào quan hệ xã hội nói chung và quan hệ dân sự nói riêng, cá nhân phải có tư cách chủ thể để tham gia vào các quan hệ dân sự.

Đây là năng lực chủ thể được tạo thành bởi năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự.

Vậy năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là gì?

Bài viết sau đây của Luật Quang Huy sẽ trình bày cụ thể về năng lực pháp luật dân sự của cá nhân.


1. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là gì?

Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và có nghĩa vụ dân sự, là thành phần không thể thiếu của cá nhân với tư cách chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự, là một mặt của năng lực chủ thể.


2. Đặc điểm của năng lực pháp luật dân sự của cá nhân

Thứ nhất, năng lực pháp luật dân sự của cá nhân được Nhà nước ghi nhận trong các văn bản pháp luật. Nội dung của nó phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội; vào hình thái kinh tế – xã hội tại thời điểm lịch sử nhất định.

Thứ hai, mọi cá nhân đều bình đẳng về quan hệ pháp luật, đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau.

Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân không bị hạn chế bởi bất cứ lí do nào (độ tuổi, địa vị xã hội, giới tính, tôn giáo, dân tộc,…).

Mọi cá nhân đều có khả năng hưởng quyền như nhau và gánh chịu nghĩa vụ như nhau.

Thứ ba, năng lực pháp luật của cá nhân không thể bị hạn chế, trừ trường hợp do pháp luật quy định.

Có hai dạng bị hạn chế như sau:

  • Văn bản pháp luật chung quy định một loại người nào đó không được phép thực hiện các giao dịch dân sự cụ thể. Ví dụ: Người nước ngoài không có quyền sở hữu về nhà ở nên không được phép mua bán nhà ở tại Việt Nam, trừ trường hợp luật có quy định khác,…
  • Quyết định đơn hành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ví dụ: Tòa án ra quyết định cấm cư trú đối với một người nào đó đã hạn chế năng lực pháp luật cụ thể của người đó trong khoảng thời gian xác định.

Thứ tư, Nhà nước tạo điều kiện để đảm bảo năng lực pháp luật dân sự của cá nhân được thực hiện qua các chính sách về kinh tế, chính trị, xã hội.


3. Nội dung năng lực pháp luật dân sự của cá nhân

3.1 Quyền nhân thân không gắn với tài sản và quyền nhân thân gắn với tài sản

Quyền nhân thân không gắn với tài sản là nhóm quyền nhân thân chỉ liên quan đến giá trị tinh thần của chủ thể.

Quyền này không có giá trị tài sản và không thể chuyển giao cho chủ thể khác, cụ thể: quyền đối với họ tên, hình ảnh, danh dự, uy tín, nhân phẩm, bí mật đời tư, chuyển đổi giới tính,…

Quyền nhân thân gắn với tài sản là nhóm quyền nhân thân là tiền đề phát sinh các quan hệ tài sản.

Những chủ thể của quyền nhân thân này không những có quyền không gắn với tài sản mà còn có các quyền liên quan đến tài sản.

Đó là quyền nhân thân trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ như: Đứng tên tác giả trong các tác phẩm văn học, khoa học, nghệ thuật,… thì chủ thể còn được nhận tiền nhuận bút, tiền thưởng, tiền bí quyết kỹ thuật trong các hợp đồng chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật sở hữu trí tuệ.

3.2 Quyền sở hữu, quyền thừa kế và quyền khác đối với tài sản

Pháp luật quy định tài sản thuộc sở hữu tư nhân không bị hạn chế về số lượng và giá trị. Bao gồm thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sản xuất, tư liệu sinh hoạt, vốn, hoa lợi, lợi tức và các tài sản hợp pháp khác.

Cá nhân chỉ bị hạn chế quyền sở hữu đối với các tài sản mà pháp luật quy định không thuộc quyền sở hữu tư nhân.

Công dân có quyền hưởng di sản thừa kế, để lại di sản thừa kế theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật.

3.3 Quyền tham gia vào quan hệ dân sự và có nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ đó

Tham gia vào các quan hệ dân sự thông qua các giao dịch dân sự (hành vi pháp lý đơn phương hoặc hợp đồng) là biện pháp quan trọng và thông dụng nhất làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ dân sự.

Ngoài ra, quyền dân sự, nghĩa vụ dân sự của cá nhân còn có thể phát sinh từ các căn cứ khác như:

  • Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại,
  • Quyền tham gia hoặc không tham gia vào một quan hệ nghĩa vụ nhất định,
  • Quyền từ chối không thực hiện một nghĩa vụ dân sự trong những trường hợp pháp luật dân sự cho phép không thực hiện,…

4. Thời điểm bắt đầu và kết thúc của năng lực pháp luật dân sự của cá nhân

Khoản 3 Điều 16 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thời điểm bắt đầu và kết thúc năng lực pháp luật dân sự của cá nhân như sau:

Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết.

Như vậy, năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi cá nhân đó sinh ra và gắn liền với người đó cho đến khi chết.

Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân chỉ là một “khả năng” do pháp luật dân sự quy định.

Cho nên về bản chất pháp lý không phụ thuộc vào tuổi tác, hoàn cảnh, tình trạng tài sản, địa vị xã hội, kinh nghiệm sống,…

Một trường hợp ngoại lệ được pháp luật quy định tại Điều 613 Bộ luật Dân sự 2015 về việc công nhận và bảo vệ quyền lợi cho cá nhân khi người đó còn là thai nhi như sau:

Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết…


5. Tuyên bố mất tích, tuyên bố là đã chết

Đây là chế định đặc biệt của luật Dân sự nhằm bảo vệ quyền lợi của cá nhân cũng như các chủ thể có liên quan khác.

Cái chết của cá nhân là căn cứ để chấm dứt năng lực pháp luật dân sự của cá nhân.

Nhưng cái chết đó phải được xác định một cách đích xác và theo quy định của pháp luật thì phải “khai tử”.

Tuy nhiên, trong thực tế vì các lý do khác nhau đã không thể xác định được cá nhân đó còn sống hay đã chết.

Trong những trường hợp như vậy, có thể tạm dừng hoặc chấm dứt năng lực pháp luật dân sự của cá nhân dưới hai hình thức: Tuyên bố chết và tuyên bố mất tích.

5.1 Tuyên bố mất tích

Thứ nhất, về điều kiện tuyên bố mất tích

\Khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.

Thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó.

Nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng.

Nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.

Thứ hai, hậu quả của việc tuyên bố mất tích

  • Tạm thời đình chỉ tư cách chủ thể của người bị tuyên bố là mất tích, tuy nhiên, quyết định này không làm chấm dứt tư cách chủ thể của họ.
  • Tài sản của người bị tuyên bố mất tích được quản lý theo quyết định của Tòa án được quy định tại các điều 65, 66, 67, 69 Bộ luật Dân sự 2015 về quản lý tài sản của người vắng mặt, người bị tuyên bố mất tích.
  • Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là mất tích xin ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

Thứ ba, hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích

Việc tuyên bố một người là mất tích chỉ tạm dừng năng lực chủ thể của cá nhân đó.

Việc tạm dừng này có thể thay đổi theo hai hướng:

  • Chấm dứt tư cách chủ thể khi có tin tức rằng họ đã chết hoặc bị tuyên bố là đã chết;
  • Phục hồi năng lực chủ thể khi người bị tuyên bố mất tích trở về hoặc có tin tức chứng tỏ người đó còn sống.

Người bị tuyên bố mất tích trở về có quyền yêu cầu người quản lý tài sản trả lại tài sản cho mình.

Tuy nhiên, quyết định ly hôn của vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là mất tích vẫn có hiệu lực pháp luật.

5.2 Tuyên bố là đã chết

Thứ nhất, về điều kiện tuyên bố chết:

Người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong trường hợp sau đây:

  • Sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
  • Biệt tích trong chiến tranh sau 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
  • Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
  • Biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 68 của Bộ luật Dân sự 2015.

Thứ hai, hậu quả của việc tuyên bố chết:

  • Khi quyết định của Tòa án tuyên bố một người là đã chết có hiệu lực pháp luật thì quan hệ về hôn nhân, gia đình và các quan hệ nhân thân khác của người đó được giải quyết như đối với người đã chết.
  • Quan hệ tài sản của người bị Tòa án tuyên bố là đã chết được giải quyết như đối với người đã chết; tài sản của người đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế.

Thứ ba, hủy bỏ quyết định tuyên bố chết:

Khi một người bị tuyên bố là đã chết trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống thì theo yêu cầu của người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố người đó là đã chết.

Quan hệ nhân thân của người bị tuyên bố là đã chết được khôi phục khi Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố người đó là đã chết, trừ trường hợp sau đây:

  • Vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là đã chết đã được Tòa án cho ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 68 của Bộ luật Dân sự 2015 hì quyết định cho ly hôn vẫn có hiệu lực pháp luật;
  • Vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là đã chết đã kết hôn với người khác thì việc kết hôn đó vẫn có hiệu lực pháp luật.

Người bị tuyên bố là đã chết mà còn sống có quyền yêu cầu những người đã nhận tài sản thừa kế trả lại tài sản, giá trị tài sản hiện còn.

Trường hợp người thừa kế của người bị tuyên bố là đã chết biết người này còn sống mà cố tình giấu diếm nhằm hưởng thừa kế thì người đó phải hoàn trả toàn bộ tài sản đã nhận, kể cả hoa lợi, lợi tức; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.


6. Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật Dân sự 2015

Trên đây là phần giải đáp của chúng tôi về vấn đề năng lực pháp luật dân sự của cá nhân.

Nếu còn gì thắc mắc hay chưa rõ bạn có thể liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Tổng đài tư vấn luật dân sự trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được hỗ trợ cụ thể.

Trân trọng ./.

5/5 - (2 bình chọn)
Luật sư Nguyễn Huy Khánh
Luật sư Nguyễn Huy Khánh
Giám đốc điều hành của Công ty Luật TNHH Quang Huy và Cộng sự. Có nhiều kinh nghiệm tư vấn và tranh tụng trong các lĩnh vực dân sự, hình sự, đất đai, hành chính.
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HOTLINE 1900.6588

Scroll to Top