Những trường hợp gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng

Gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng
Với mong muốn giúp người dân tránh hoặc giảm thiểu được những rủi ro pháp lý trong quan hệ dân sự, Luật Quang Huy đã triển khai đường dây nóng tư vấn về vấn đề này. Nếu bạn có nhu cầu tư vấn pháp luật dân sự, đừng ngần ngại, hãy liên hệ ngay cho Luật sư qua Tổng đài 19006588 để được tư vấn miễn phí 24/7.

Hợp đồng là giao dịch dân sự phổ biến trong thực tế.

Trong thực tiễn, việc thực hiện hợp đồng xảy ra rất nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến: quyền, nghĩa vụ của các bên, thời điểm thực hiện hợp đồng, gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng trong những trường hợp nào,…

Sau đây Luật Quang Huy xin hướng dẫn về vấn đề gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng như sau:


1. Thời gian thực hiện hợp đồng

Trong khi giao kết hợp đồng, các bên trong hợp đồng sẽ thống nhất tất cả nội dung về: địa điểm, cách thức và thời gian thực hiện hợp đồng.

Thời gian thực hiện hợp đồng là một khoảng thời gian nhất định mà trong khoảng thời gian đó các bên thỏa thuận hoàn thành nghĩa vụ đối với nhau.

Đây là một trong những nội dung quan trọng của mỗi hợp đồng.


2. Thế nào là gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng?

Gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng là việc kéo dài thêm một khoảng thời gian được xác định là thời hạn đã đến thời điểm kết thúc trong hợp đồng.

Việc gia hạn chỉ có ý nghĩa là kéo dài thêm về mặt thời gian có hiệu lực của hợp đồng để các chủ thể thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.


3. Những trường hợp gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng

3.1 Gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng theo thỏa thuận của các bên

Sau khi giao kết hợp đồng, các bên trong hợp đồng có thể tự nguyện thỏa thuận với nhau về việc kéo dài thêm thời gian thực hiện hợp đồng vì một lý do nào đó.

Tuy nhiên, lý do kéo dài hợp đồng phải được các bên đồng ý và thống nhất.

Bởi vì, bản chất của hợp đồng là giao dịch dân sự, xuất phát từ sự thỏa thuận của các chủ thể, cho nên các bên đều có quyền tự nguyện thỏa thuận trong giao dịch dân sự của mình.

Nhưng sự thỏa thuận đấy không được vi phạm pháp luật hoặc trái với đạo đức.

\Ví dụ về hợp đồng mua bán tài sản, trường hợp bên mua vì một lý do nào đấy chưa thể thực hiện nghĩa vụ thanh toán đúng thời hạn hợp đồng đã thỏa thuận cho bên bán, thì bên mua có thể thỏa thuận với bên bán về việc gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng.

Nếu bên bán đồng ý, việc gia hạn thực hiện hợp đồng sẽ được thực hiện.

Nếu bên bán không đồng ý, bên mua không thực hiện trả tiền đúng thỏa thuận thì bên mua đã vi phạm hợp đồng và phải bồi thường.


3.2 Gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng do có sự thay đổi cơ bản về hoàn cảnh

Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trường hợp gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng do có sự thay đổi cơ bản về hoàn cảnh như sau:

“1.Hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng;

b) Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh;

c) Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác;

d) Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên;

đ) Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.

2.Trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý.”

Hoàn cảnh thay đổi cơ bản được xác định theo khoản 1 Điều 420 Bộ luật Dân sự 2015 như trên.

Theo đó, trường hợp được xác định là hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện:

  • Hoàn cảnh thay đổi cơ bản do nguyên nhân khách quan: thiên tai, bão lũ;
  • Hai bên phải không lường trước được sự thay đổi đó và nếu biết trước thì hợp đồng sẽ không được giao kết hoặc giao kết với một nội dung khác;
  • Các bên đã sử dụng mọi biện pháp cần thiết mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu được mức độ ảnh hưởng lợi ích.

Như vậy, nếu đủ các điều kiện trên thì sẽ được xác định là sự thay đổi cơ bản về hoàn cảnh.

Cho nên, bên có lợi ích bị xâm phạm có quyền yêu cầu bên kia đàm phán việc gia hạn hợp đồng trong một thời gian hợp lý.

Ví dụ về việc điều chỉnh thời gian hợp đồng xây dựng được quy định tại Điều 39, Nghị định 37/2015/NĐ-CP như sau:

“2.Tiến độ thực hiện hợp đồng được điều chỉnh trong các trường hợp sau:

a) Do ảnh hưởng của động đất, bão, lũ, lụt, sóng thần, hỏa hoạn, địch họa hoặc các sự kiện bất khả kháng khác.

b) Thay đổi, điều chỉnh dự án, phạm vi công việc, thiết kế, biện pháp thi công theo yêu cầu của bên giao thầu làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện hợp đồng.

c) Do việc bàn giao mặt bằng không đúng với các thỏa thuận trong hợp đồng, tạm dừng hợp đồng do lỗi của bên giao thầu, các thủ tục liên quan ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng mà không do lỗi của bên nhận thầu gây ra.

d) Tạm dừng thực hiện công việc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không do lỗi của bên giao thầu gây ra.

3. Khi điều chỉnh tiến độ hợp đồng không làm kéo dài tiến độ thực hiện hợp đồng (bao gồm cả thời gian được kéo dài tiến độ thực hiện hợp đồng theo quy định của hợp đồng xây dựng) thì chủ đầu tư và nhà thầu thỏa thuận, thống nhất việc điều chỉnh. Trường hợp điều chỉnh tiến độ làm kéo dài tiến độ thực hiện hợp đồng thì chủ đầu tư phải báo cáo Người có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét, quyết định.”

Như vậy, khi rơi vào các trường hợp tại Khoản 2 Điều 39 nêu trên thì chủ đầu tư và nhà thầu có thể thỏa thuận thống nhất về việc điều chỉnh hợp lý.

Tuy nhiên, việc gia hạn tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng như: hợp đồng thi công xây dựng công trình, thì chủ đầu tư phải báo cáo cho người có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét bằng công văn xin gia hạn hợp đồng xây dựng.

Ví dụ về hợp đồng mua bán nhà ở, sau khi hai bên giao kết hợp đồng chuẩn bị chuyển giao tài sản thì cơn bão đi qua gây thiệt hại nặng nề cho tài sản bán (ngôi nhà bị tốc mái).

Đây là hoàn cảnh mà hai bên không thể lường trước được và khó ngăn chặn những thiệt hại sẽ xảy ra.

Và nếu tiếp tục thực hiện hợp đồng thì cả hai bên sẽ chịu những tổn thất về lợi ích.

Đây được xác định là có sự thay đổi cơ bản về hoàn cảnh.

Bởi vậy, bên mua có thể yêu cầu bên bán đàm phán việc gia hạn thời gian hợp đồng để bên bán có thể sửa chữa tài sản bán, đảm bảo lợi ích cho các bên trong hợp đồng.

Trường hợp, các bên muốn sửa đổi về thời gian thực hiện hợp đồng dân sự, các bên có thể lập phụ lục gia hạn hợp đồng kèm theo hợp đồng chính với nội dung gia hạn thêm thời gian thực hiện quyền và nghĩa vụ.

Khi các bên chấp nhận phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với điều khoản trong hợp đồng thì coi như điều khoản đó trong hợp đồng đã được sửa đổi.


4. Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật dân sự 2015
  • Nghị định 37/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về Hợp đồng xây dựng

Trên đây là toàn bộ quy định về gia hạn hợp đồng.

Nếu có thắc mắc cần được giải đáp hoặc mong muốn trợ giúp bạn có thể kết nối tới Tổng đài tư vấn luật dân sự qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được tư vấn trực tiếp.

Trân trọng./.

4.7/5 - (4 bình chọn)
Luật sư Nguyễn Huy Khánh
Luật sư Nguyễn Huy Khánh
Giám đốc điều hành của Công ty Luật TNHH Quang Huy và Cộng sự. Có nhiều kinh nghiệm tư vấn và tranh tụng trong các lĩnh vực dân sự, hình sự, đất đai, hành chính.
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HOTLINE 1900.6588

Scroll to Top