Chế độ bảo hiểm xã hội khi mắc bệnh nghề nghiệp

Bệnh nghề nghiệp
Nếu có vấn đề cần giải đáp thắc mắc về bảo hiểm xã hội, bạn vui lòng liên hệ ngay qua số điện thoại Tổng đài hỏi đáp bảo luật hiểm xã hội 19006573 để được tư vấn hỗ trợ trực tuyến.

  • Điều kiện: Bị bệnh thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp và suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên.
  • Tùy vào mức suy giảm khả năng lao động người lao động sẽ được hưởng trợ cấp 1 lần hoặc trợ cấp hàng tháng từ bảo hiểm xã hội và các khoản trợ cấp khác tùy trường hợp.
  • Bên cạnh đó người sử dụng lao động vẫn phải trả đủ tiền lương, hướng dẫn người lao động đi giám định và bồi thường cho người lao động.
  • Thủ tục: người sử dụng lao động chuẩn bị hồ sơ nộp lên cơ quan bảo hiểm xã hội.

Trong quá trình lao động, người lao động không thể tránh khỏi việc gặp các rủi ro.

Trong đó có rất nhiều người lao động hiện nay bị mắc bệnh nghề nghiệp.

Để bảo vệ các quyền lợi cho người lao động, trong các văn bản pháp luật hiện nay đã có những quy định về các chế độ mà người lao động sẽ được hưởng khi mắc bệnh nghề nghiệp.

Bài viết dưới đây của Luật Quang Huy sẽ trình bày về điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm cho người mắc bệnh nghề nghiệp.


Tổng quan về bài viết

1. Bệnh nghề nghiệp là gì?

Định nghĩa: Bệnh nghề nghiệp là những bệnh lý mang đặc trưng của nghề nghiệp hoặc liên quan tới nghề nghiệp.

Cũng theo đó khoản 9 Điều 3 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 giải thích về khái niệm về bệnh nghề nghiệp như sau:

Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động.

Như vậy, có thể hiểu bệnh nghề nghiệp là bệnh lý phát sinh do điều kiện công việc có hại cho sức khỏe của người lao động, mang tính đặc trưng của nghề nghiệp.


2. Đối tượng và điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp

2.1 Đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp

Theo quy định tại Điều 43 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 những đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp như sau:

Đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Mục này là người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và h khoản 1 Điều 2 và người sử dụng lao động quy định tại khoản 3 Điều 2 của Luật bảo hiểm xã hội:

  • Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
  • Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
  • Cán bộ, công chức, viên chức;
  • Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
  • Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
  • Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;
  • Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
  • Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

Trường hợp bạn giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm bệnh nghề nghiệp theo từng hợp đồng lao động đã giao kết nếu bạn thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Khi bị bệnh nghề nghiệp thì bạn sẽ được giải quyết chế độ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp theo nguyên tắc đóng, hưởng do Chính phủ quy định, được tính trên cơ sở tổng các mức tiền lương làm căn cứ đóng vào quỹ bệnh nghề nghiệp của tất cả các hợp đồng lao động tại thời Điểm xảy ra bệnh nghề nghiệp, nhưng không quá mức tối đa theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội.

2.2 Điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp

Về điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp được quy định tại Điều 46 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 như sau:

1. Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Bị bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành theo quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật này;

b) Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh quy định tại điểm a khoản này.

2. Người lao động khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành theo quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật này mà phát hiện bị bệnh nghề nghiệp trong thời gian quy định thì được giám định để xem xét, giải quyết chế độ theo quy định của Chính phủ.

Như vậy, để được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp thì người lao động đó phải bị bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp.

Hiện nay, Danh mục bệnh nghề nghiệp được quy định tại Điều 3 của Thông tư số 15/2016/TT-BYT Quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội bao gồm 34 bệnh dưới đây:

1. Bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp.

2. Bệnh bụi phổi amiăng nghề nghiệp.

3. Bệnh bụi phổi bông nghề nghiệp.

4. Bệnh bụi phổi talc nghề nghiệp.

5. Bệnh bụi phổi than nghề nghiệp.

6. Bệnh viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp.

7. Bệnh hen nghề nghiệp.

8. Bệnh nhiễm độc chì nghề nghiệp.

9. Bệnh nhiễm độc nghề nghiệp do benzen và đồng đẳng.

10. Bệnh nhiễm độc thủy ngân nghề nghiệp.

11. Bệnh nhiễm độc mangan nghề nghiệp.

12. Bệnh nhiễm độc trinitrotoluen nghề nghiệp.

13. Bệnh nhiễm độc asen nghề nghiệp.

14. Bệnh nhiễm độc hóa chất bảo vệ thực vật nghề nghiệp.

15. Bệnh nhiễm độc nicotin nghề nghiệp.

16. Bệnh nhiễm độc cacbon monoxit nghề nghiệp.

17. Bệnh nhiễm độc cadimi nghề nghiệp.

18. Bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn.

19. Bệnh giảm áp nghề nghiệp.

20. Bệnh nghề nghiệp do rung toàn thân.

21. Bệnh nghề nghiệp do rung cục bộ.

22. Bệnh phóng xạ nghề nghiệp.

23. Bệnh đục thể thủy tinh nghề nghiệp.

24. Bệnh nốt dầu nghề nghiệp.

25. Bệnh sạm da nghề nghiệp.

26. Bệnh viêm da tiếp xúc nghề nghiệp do crôm.

27. Bệnh da nghề nghiệp do tiếp xúc môi trường ẩm ướt và lạnh kéo dài.

28. Bệnh da nghề nghiệp do tiếp xúc với cao su tự nhiên, hóa chất phụ gia cao su.

29. Bệnh Leptospira nghề nghiệp.

30. Bệnh viêm gan vi rút B nghề nghiệp.

31. Bệnh lao nghề nghiệp.

32. Nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

33. Bệnh viêm gan vi rút C nghề nghiệp.

34. Bệnh ung thư trung biểu mô nghề nghiệp.

Đối với người lao động đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành mà phát hiện bị bệnh nghề nghiệp do yếu tố tác hại của nghề cũ gây nên trong Khoảng thời gian bảo đảm kể từ ngày nghỉ hưu, chuyển việc khác hoặc thôi việc thì được chủ động đi khám phát hiện và giám định mức suy giảm khả năng lao động do mắc bệnh nghề nghiệp.


3. Giám định mức suy giảm khả năng lao động

Nếu bạn bị bệnh nghề nghiệp được giám định hoặc giám định lại mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Sau khi bị bệnh tật lần đầu đã được điều trị ổn định còn di chứng ảnh hưởng tới sức khỏe;
  • Sau khi bệnh tật tái phát đã được điều trị ổn định;
  • Đối với trường hợp bệnh nghề nghiệp không có khả năng điều trị ổn định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế thì người lao động được làm thủ tục giám định trước hoặc ngay trong quy trình điều trị.

Bạn sẽ được giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Vừa bị tai nạn lao động vừa bị bệnh nghề nghiệp;
  • Bị tai nạn lao động nhiều lần;
  • Bị nhiều bệnh nghề nghiệp.

Người lao động sau khi bệnh tật tái phát đã được điều trị ổn định được giám định lại bệnh nghề nghiệp sau 24 tháng, kể từ ngày được Hội đồng giám định y khoa kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động liền kề trước đó.

Trường hợp do tính chất của bệnh nghề nghiệp khiến người lao động suy giảm sức khỏe nhanh thì thời gian giám định được thực hiện sớm hơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.


4. Trách nhiệm của người sử dụng lao động cho người lao động khi mắc bệnh nghề nghiệp

Thứ nhất, thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế.

Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa.

Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.

Thứ hai, trả đủ tiền lương cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động.

Thứ ba, bồi thường cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:

  • Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
  • Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do bệnh nghề nghiệp.

Thứ tư, giới thiệu để người lao động bị bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật.

Thứ năm, thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động.

Thứ sáu, sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc;

Thứ bảy, lập hồ sơ hưởng chế độ về bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Thứ tám, tiền lương làm căn cứ tri trả cho người lao động là tiền lương bao gồm tất cả các phụ cấp được ghi trong hợp đồng của người lao động.


5. Trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội cho người lao động mắc bệnh nghề nghiệp

5.1 Trợ cấp một lần

Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần. Mức trợ cấp một lần được quy định như sau:

Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng năm lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở.

Ngoài mức trợ cấp trên người lao động mắc bệnh nghề nghiệp còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp.

Trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.

Mức trợ cấp một lần = Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động + Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp
{5 x Lmin + (m-5) x 0,5 x Lmin} {0,5 x L + (t-1) x 0,3 x L}

Trong đó:

  • Lmin: mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng.
  • m: mức suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (lấy số tuyệt đối 5 ≤ m ≤ 30).
  • L: Mức tiền lương đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
  • t: tổng số năm đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định.

5.2 Trợ cấp hàng tháng

Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.

Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau:

Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở;

Ngoài mức trợ cấp như trên hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp.

Trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.

Mức trợ cấp hằng tháng = Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động + Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
{0,3 x Lmin + (m-31) x 0,02 x Lmin} {0,05 x L + (t-1) x 0,003 x L}

Trong đó:

  • Lmin: mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng.
  • m: mức suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (lấy số tuyệt đối 31 ≤ m ≤ 100).
  • L: Mức tiền lương, đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
  • t: tổng số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

6. Các khoản trợ cấp khác cho người lao động mắc bệnh nghề nghiệp

6.1 Trợ cấp phục vụ khi người lao động mắc bệnh nghề nghiệp

Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần thì ngoài trợ cấp hàng tháng còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở.

6.2 Trợ cấp khi người lao động chết do bệnh nghề nghiệp

Thân nhân người lao động được hưởng trợ cấp một lần bằng ba mươi sáu lần mức lương cơ sở tại tháng người lao động bị chết và được hưởng chế độ tử tuất theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Người lao động đang làm việc bị chết do bệnh nghề nghiệp;
  • Người lao động bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do bệnh nghề nghiệp;
  • Người lao động bị chết trong thời gian điều trị bệnh tật mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động.

6.3 Phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình

Người lao động bị bệnh nghề nghiệp mà bị tổn thương các chức năng hoạt động của cơ thể thì được cấp tiền để mua các phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình theo niên hạn căn cứ vào tình trạng thương tật, bệnh tật và theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng bảo đảm yêu cầu, điều kiện chuyên môn, kỹ thuật.


7. Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị bệnh tật

Người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp, trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày cho một lần bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Trường hợp chưa nhận được kết luận giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc thì người lao động vẫn được giải quyết chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe cho người lao động sau khi điều trị thương tật, bệnh tật nếu Hội đồng giám định y khoa kết luận mức suy giảm khả năng lao động đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động và Ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau:

  • Tối đa 10 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên;
  • Tối đa 07 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 31% đến 50%;
  • Tối đa 05 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 15% đến 30%.

8. Thời điểm hưởng trợ cấp khi người lao động mắc bệnh nghề nghiệp

Theo quy định tại Điều 50 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 quy định về thời điểm hưởng trợ cấp tai nạn lao động như sau:

Điều 50. Thời điểm hưởng trợ cấp

1. Thời điểm hưởng trợ cấp quy định tại các điều 48, 49 và 52 của Luật này được tính từ tháng người lao động điều trị ổn định xong, ra viện hoặc từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa trong trường hợp không điều trị nội trú; trường hợp giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động quy định tại khoản 2 Điều 47 của Luật này, thời điểm trợ cấp được tính kể từ tháng người lao động điều trị xong, ra viện của lần điều trị đối với tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau cùng hoặc từ tháng có kết luận giám định tổng hợp của Hội đồng giám định y khoa trong trường hợp không điều trị nội trú.

Trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà sau đó không xác định được thời điểm điều trị ổn định xong, ra viện thì thời điểm hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tính từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa; trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì thời điểm hưởng trợ cấp tính từ tháng người lao động được cấp Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

Như vậy theo quy định trên thì thời điểm hưởng trợ cấp bệnh nghề nghiệp như sau:

  • Đi điều trị nội trú: Thời điểm hưởng trợ cấp được tính từ tháng điều trị xong, ra viện.
  • Đi điều trị ngoại trú: Tính từ tháng người lao động ổn định điều trị xong,ra viện hoặc từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa.
  • Trường hợp giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động: tính từ tháng người lao động điều trị xong, ra viện của lần điều trị đối với tai nạn lao động sau cùng hoặc là từ lúc có giám định kết luận tổng hợp của hội đồng giám định y khoa trong trường hợp không điều trị nội trú.
  • Trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà sau đó không xác định được thời điểm điều trị ổn định xong, ra viện thì thời điểm hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tính từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa.

Trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì thời điểm hưởng trợ cấp tính từ tháng người lao động được cấp Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.


9. Hồ sơ và thủ tục hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp

9.1 Hồ sơ hưởng các chế độ khi người lao động mắc bệnh nghề nghiệp

9.1.1 Hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp

Trường hợp bị bệnh nghề nghiệp lần đầu:

  • Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa hoặc bản sao giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp (tương đương mức suy giảm khả năng lao động 61%), nếu giám định y khoa mà tỷ lệ suy giảm khả năng lao động cao hơn 61% thì hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp trong trường hợp này phải có Biên bản giám định y khoa.
  • Trường hợp điều trị nội trú: Bản sao giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp.
  • Trường hợp bị bệnh nghề nghiệp mà không điều trị nội trú thì có thêm giấy khám Bệnh nghề nghiệp.
  • Chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng theo quy định về việc trang cấp Phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình (nếu có).
  • Văn bản đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp theo mẫu số 05A-HSB.
  • Trường hợp thanh toán phí giám định y khoa thì có thêm hóa đơn, chứng từ thu phí giám định; bảng kê các nội dung giám định của cơ sở thực hiện giám định y khoa.

Trường hợp được giám định tổng hợp do đã bị bệnh nghề nghiệp nay tiếp tục bị bệnh nghề nghiệp:

  • Bản sao giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị bệnh nghề nghiệp của lần điều trị nội trú sau cùng.
  • Trường hợp bị bệnh nghề nghiệp điều trị xong, ra viện trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động: Bản sao Kết quả đo đạc môi trường có yếu độc hại.
  • Biên bản giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa.

Trường hợp lần bị bệnh nghề nghiệp trước đã được giám định mức suy giảm khả năng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thì có thêm biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của lần giám định đó;

  • Chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng theo quy định về việc trang cấp Phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình (nếu có).
  • Văn bản đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp theo mẫu số 05A-HSB đối với lần bị bệnh nghề nghiệp sau cùng; trường hợp lần bị bệnh nghề nghiệp trước đó tại đơn vị khác nhưng chưa được giải quyết chế độ thì có thêm văn bản đề nghị giải quyết của đơn vị nơi xảy ra bệnh nghề nghiệp.
  • Trường hợp thanh toán phí giám định y khoa thì có thêm hóa đơn, chứng từ thu phí giám định; bảng kê các nội dung giám định của cơ sở thực hiện giám định y khoa.

Đối với người lao động phát hiện bị bệnh nghề nghiệp khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp:

  • Đơn đề nghị hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp của người lao động theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định số 88/2020/NĐ-CP đối với người lao động đã nghỉ hưu hoặc thôi việc; hoặc văn bản của người sử dụng lao động nơi người lao động đang làm việc đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp (mẫu số 05A-HSB) đối với trường hợp người lao động chuyển đến làm việc cho người sử dụng lao động khác;
  • Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa;
  • Trường hợp thanh toán phí giám định y khoa thì có thêm hóa đơn, chứng từ thu phí giám định; bảng kê các nội dung giám định của cơ sở thực hiện giám định y khoa;
  • Chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng theo quy định về việc trang cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình (nếu có).

9.1.2 Hồ sơ hưởng trợ cấp bệnh nghề nghiệp tái phát

  • Sổ Bảo hiểm xã hội (trong trường hợp bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà chưa có dữ liệu trong Hệ thống hoặc chưa được cấp mã số bảo hiểm xã hội) đối với trường hợp bị bệnh nghề nghiệp đã được giám định y khoa nhưng không đủ điều kiện về mức suy giảm khả năng lao động để hưởng trợ cấp.
  • Trường hợp điều trị xong, ra viện trước ngày 01/7/2016 mà lần giám định trước không đủ điều kiện về mức suy giảm khả năng lao động để hưởng trợ cấp bệnh nghề nghiệp: Kết quả đo đạc môi trường có yếu độc hại; 
  • Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động lần trước gần nhất của Hội đồng giám định y khoa đối với trường hợp đã được giám định nhưng không đủ điều kiện về mức suy giảm khả năng lao động để hưởng trợ cấp.
  • Biên bản giám định lại mức suy giảm khả năng lao động sau khi điều trị thương tật, bệnh tật tái phát của Hội đồng giám định y khoa.
  • Chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng thuộc ngành Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc của bệnh viện cấp tỉnh và tương đương trở lên về việc trang cấp Phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình (nếu có).
  • Trường hợp thanh toán phí giám định y khoa thì có thêm hóa đơn, chứng từ thu phí giám định; bảng kê các nội dung giám định của cơ sở thực hiện giám định y khoa.

9.1.3 Hồ sơ hưởng trợ cấp khi người lao động chết do bệnh nghề nghiệp

Hồ sơ hưởng chế độ tử tuất trong trường hợp người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 111 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 bao gồm:

  • Sổ bảo hiểm xã hội;
  • Bản sao giấy chứng tử hoặc giấy báo tử hoặc bản sao quyết định tuyên bố là đã chết của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
  • Tờ khai của thân nhân và biên bản họp của các thân nhân đối với trường hợp đủ điều kiện hưởng hằng tháng nhưng chọn hưởng trợ cấp tuất một lần;
  • Bản sao bệnh án điều trị bệnh nghề nghiệp đối với trường hợp chết do bệnh nghề nghiệp;
  • Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với thân nhân bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

9.2 Thủ tục giải quyết chế độ khi người lao động mắc bệnh nghề nghiệp

9.2.1 Đối với người hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp

Người lao động bị bệnh nghề nghiệp lần đầu hoặc giám định tổng hợp: Nộp cho người sử dụng lao động hồ sơ như trên; trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp lần đầu hoặc giám định tổng hợp mà Hội đồng Giám định y khoa trả kết quả giám định cho người lao động thì có thêm biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động.

Người lao động bị thương tật, bệnh tật do bệnh nghề nghiệp tái phát: Nộp hồ sơ theo quy định Tiết 1.2.1 Khoản 1 Điều 6 Quyết định 166/QĐ-BHXH năm 2019 cho Bảo hiểm xã hội huyện hoặc Bảo hiểm xã hội tỉnh nơi chi trả trợ cấp.

9.2.2 Đối với người sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội

Theo quy định tại điều 59 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 quy định về giải quyết chế độ hưởng bảo hiểm bệnh nghề nghiệp như sau:

Người sử dụng lao động nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp.

Trong vòng thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm bảo hiểm bệnh nghề nghiệp. Trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Người sử dụng lao động lập danh sách người đã hưởng chế độ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp mà sức khỏe chưa phục hồi và nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày người lao động được xác định là sức khỏe chưa phục hồi.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ khi nhận danh sách, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe cho người lao động và chuyển tiền cho đơn vị sử dụng lao động; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được tiền do cơ quan bảo hiểm xã hội chuyển đến, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả tiền trợ cấp cho người lao động.

Trường hợp vượt quá thời hạn giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp như trên thì phải giải trình bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trường hợp giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp và chi trả tiền trợ cấp chậm so với thời hạn quy định, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người hưởng thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp do lỗi của bản thân người lao động hoặc của thân nhân của người lao động được hưởng chế độ tử tuất.


10. Cơ sở pháp lý

  • Luật Bảo hiểm xã hội 2014;
  • Luật An toàn vệ sinh lao động 2015;
  • Nghị định số 37/2016/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn và vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc;
  • Thông tư số 26/2017/TT-BLĐTBXH Quy định và hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc.

Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi về vấn đề: Mức hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp.

Nếu còn vấn đề thắc mắc hoặc chưa rõ bạn có thể liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua tổng đài tư vấn bệnh nghề nghiệp của HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được tư vấn trực tiếp.

Trân trọng./.

5/5 - (4 bình chọn)
Nguyễn Thị Huyền
Nguyễn Thị Huyền
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Huyền. Hiện đang là Trưởng phòng Quản lý Nhân sự tại Công ty Luật TNHH Quang Huy và Cộng sự. Chuyên về các vấn đề pháp lý liên quan đến pháp luật lao động, pháp luật bảo hiểm,...
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

HOTLINE TƯ VẤN BHXH

Scroll to Top