Kê khai, nộp thuế tiêu thụ đặc biệt khi kinh doanh những mặt hàng đặc trưng là việc mà người nộp thuế cần phải thực hiện. Vậy ai là đối tượng phải kê khai thuế tiêu thụ đặc biệt và thực hiện kê khai như thế nào? Để có thể nắm rõ được các quy định của pháp luật về kê khai thuế tiêu thụ đặc biệt, xin mời quý bạn đọc cùng theo dõi bài viết dưới đây của Luật Quang Huy.
1. Đối tượng kê khai thuế
Theo quy định của pháp luật hiện hành, đối tượng kê khai thuế tiêu thụ đặc biệt bao gồm những trường hợp sau:
- Người nộp thuế sản xuất hàng hoá, gia công hàng hoá, kinh doanh dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt
- Kinh doanh xuất khẩu mua hàng chưa nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, sau đó không xuất khẩu mà bán trong nước phải nộp hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt với cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Trường hợp doanh nghiệp sản xuất hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thực hiện bán hàng qua chi nhánh, cửa hàng, đơn vị trực thuộc hoặc bán hàng thông qua đại lý bán đúng giá hưởng hoa hồng, xuất hàng bán ký gửi, người nộp thuế phải khai thuế tiêu thụ đặc biệt cho toàn bộ số hàng hóa này với cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Các chi nhánh, cửa hàng, đơn vị trực thuộc, đại lý, đơn vị bán hàng ký gửi không phải khai thuế tiêu thụ đặc biệt tuy nhiên khi gửi Bảng kê bán hàng cho người nộp thuế thì đồng gửi một bản cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp đơn vị trực thuộc, đại lý, đơn vị bán hàng ký gửi để theo dõi
Đối với trường hợp doanh nghiệp có cơ sở phụ thuộc sản xuất hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác với tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở chính thì phải khai thuế tiêu thụ đặc biệt với cơ quan thuế quản lý trực tiếp tại địa phương nơi có cơ sở sản xuất.
2. Kê khai thuế tiêu thụ đặc biệt là loại kê khai theo tháng hoặc theo lần phát sinh
Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế khai theo tháng và khai theo lần phát sinh, theo đó:
- Khai theo tháng: Đối với người nộp thuế sản xuất, gia công hàng hoá và kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
- Khai theo từng lần phát sinh: Đối với người nộp thuế mua hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để xuất khẩu nhưng không xuất khẩu mà bán trong nước.

3. Hồ sơ kê khai thuế tiêu thụ đặc biệt
Khi kê khai thuế tiêu thụ đặc biệt thì bạn cần chuẩn bị những hồ sơ như sau:
- Tờ khai thuế tiêu thụ đặc biệt theo mẫu số 01/TTĐB ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính (trừ hoạt động sản xuất, pha chế xăng sinh học
- Tờ khai thuế tiêu thụ đặc biệt theo mẫu số 02/TTĐB (áp dụng đối với cơ sở sản xuất pha chế xăng sinh học)
- Có ghi đầy đủ các thông tin về tên, địa chỉ, mã số thuế, số điện thoại của cơ sở kinh doanh theo các thông tin đã đăng ký với cơ quan thuế.
- Được người đại diện theo pháp luật của người nộp thúy ký tên và đóng dấu vào cuối của tờ khai theo quy định.
- Có kèm theo các bảng giải trình theo chế độ quy định.
4. Thời hạn kê khai thuế tiêu thụ đặc biệt
Thời hạn kê khai thuế tiêu thụ đặc biệt được quy định trong pháp luật thuế hiện hành, theo đó, thời hạn kê khai được áp dụng như sau:
Đối với kỳ kê khai tháng: chậm nhất vào ngày 20 tháng sau.
Theo từng lần phát sinh: trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế (Đối với hàng hóa mua để xuất khẩu nhưng được bán trong nước).
5. Cơ sở pháp lý
- Luật quản lý thuế 2019;
- Luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014;
- Thông tư 80/2021/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của luật quản lý thuế và nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật quản lý thuế.
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về vấn đề kê khai thuế tiêu thụ đặc biệt. Qua bài viết này, chúng tôi mong rằng sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Để được tư vấn đầy đủ và chính xác nhất, mời quý khách hàng liên hệ qua Tổng đài tư vấn thuế tiêu thụ đặc biệt trực tuyến của HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để nhận tư vấn thêm về vấn đề mà quý khách hàng đang gặp phải.
Trân trọng./.